Trở Nên Môn Đồ Của Nước Thiên Đàng

Ma-thi-ơ 13:51 – 52

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

(Tải xuống bản in PDF)

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo ví dụ của tay lưới trong Ma-thi-ơ 13:47 – 50. Hôm nay chúng ta tra khảo đoạn Kinh Thánh kế tiếp:

Ma-thi-ơ 13:51 – 52 51 “Các ngươi có hiểu mọi điều đó chăng!” Các môn đồ thưa rằng: “Có hiểu.” 52 Ngài bèn phán rằng: “Vì cớ ấy, mọi thầy dạy Luật Pháp đã trở nên môn đồ của nước Thiên Đàng, thì giống như một người chủ nhà kia, đem những vật mới và cũ ở trong kho tàng của mình ra.”

Sau khi Chúa Giê-su đã giảng dạy cho các môn đồ về những ví dụ: Ví dụ của Người Gieo Giống, Ví Dụ của Cỏ Lồng Vực, Ví Dụ của Hột Cải, Ví Dụ của Men, Ví Dụ Của Báu, Ví Dụ của Hột Châu, Ví Dụ của Tay Lưới (Xin đọc những bài giảng về các ví dụ này để hiểu rõ ý nghĩa), Ngài hỏi các môn đồ rằng: “Các ngươi có hiểu mọi điều đó chăng!” Rất hiển nhiên “mọi điều đó” là chỉ về những ví dụ Ngài đã giảng dạy trong Ma-thi-ơ 13. Rồi Chúa Giê-su nói tiếp rằng: “Vì cớ ấy, mọi thầy dạy Luật Pháp đã trở nên môn đồ của nước Thiên Đàng, thì giống như một người chủ nhà kia, đem những vật mới và cũ ở trong kho tàng của mình ra.”

Bây giờ chúng ta tìm hiểu Chúa Giê-su muốn giảng dạy điều gì cho các môn đồ của Ngài.

Trở Nên Môn Đồ (Matheteuo)

Trong câu Ma-thi-ơ 13 :52 Chúa Giê-su nói rằng: “Vì cớ ấy, mọi thầy dạy Luật Pháp đã trở nên môn đồ của nước Thiên Đàng”, đầu tiên chúng ta muốn tìm hiểu ý nghĩa của “trở nên môn đồ”.        

Nguyên văn Hy Lạp của “trở nên môn đồ” là “μαθητεύω” (matheteuo), matheteuo thì không phải chỉ là học hỏi điều này điều nọ. Thí dụ: Khi chúng ta học Pháp ngữ, giáo sư sẽ giải thích ý nghĩa và văn phạm của các chữ Pháp, hơn nữa giáo sư thường nói về phong tục tập quán của người Pháp nữa; chúng ta cần phải học hỏi ý nghĩa và văn phạm của các chữ Pháp, nhưng chúng ta không cần phải sống theo phong tục tập quán của người Pháp. Nhưng khi chúng ta “trở nên môn đồ” (matheteuo) của một người hay một một nền học vấn thì khác hẳn. Bây giờ chúng ta tra khảo Kinh Thánh để thấy rõ điểm này.

Ma-thi-ơ 28:19 – 20 19 Vậy, hãy đi và khiến muôn dân trở nên môn đồ, hãy nhơn danh Ðức Cha, Ðức Con, và Ðức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, 20 và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. 

Nguyên văn Hy Lạp của “khiến muôn dân trở nên môn đồ” chính là matheteuo. Đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 28:19 – 20 chỉ ra rằng “khiến muôn dân trở nên môn đồ” có nghĩa là giảng giải ý nghĩa của tất cả các điều răn của Chúa Giê-su và đồng thời cũng phải răn dạy họ giữ theo các điều răn đó.

Bởi vậy trong câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 13:52 khi Chúa Giê-su nói rằng: “mọi thầy dạy Luật Pháp đã trở nên môn đồ của nước Thiên Đàng”, Ngài muốn nói rằng các thầy đó chẳng những học hỏi ý nghĩa các điều răn của nước Thiên Đàng, và họ còn giữ theo các điều răn đó nữa.

Tất cả các ví dụ trong Ma-thi-ơ 13 đều nói về nước Thiên Đàng, Chúa Giê-su đã giảng giải các ví dụ đó một cách tường tận, tôi sẽ không lập lại lời giải thích đó nữa. Bây giờ tôi sẽ nói về khía cạnh khác của nước Thiên Đàng.

“Nước Thiên Đàng” và “Nước Đức Chúa Trời” Mang Ý Nghĩa Giống Nhau

Khi nói đến nước Thiên Đàng, có một điểm rất quan trọng là từ ngữ “nước Thiên Đàng” chỉ được dùng trong Tin Lành theo Ma-thi-ơ thôi, trong các quyển sách khác của Tân Ước thì dùng từ ngữ “nước Đức Chúa Trời”, chứ không dùng từ ngữ “nước Thiên Đàng”.

Tại sao từ ngữ “nước Thiên Đàng” chỉ được dùng trong Tin Lành theo Ma-thi-ơ? Ấy là tại vì sứ đồ Ma-thi-ơ muốn rao truyền Tin Lành cho người Do Thái, mà người Do Thái kính sợ Đức Chúa Trời, họ không dám nói về “nước Đức Chúa Trời”, cho nên Ma-thi-ơ dùng từ ngữ “nước Thiên Đàng” để thay cho từ ngữ “nước Đức Chúa Trời”, nhưng hai từ ngữ này mang ý nghĩa giống nhau. Thí dụ:

Ma-thi-ơ 4:17 “Từ lúc đó, Đức Chúa Giê-su khởi đầu giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy ăn năn hối cải, vì nước Thiên Đàng đã đến gần”; 

Mác 1:15 “Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hay ăn năn hối cải và tin vào Tin Lành.” 

Ma-thi-ơ 4:17 dùng từ ngữ “nước Thiên Đàng”, và Mác 1:15 dùng từ ngữ “nước Đức Chúa Trời”, nhưng ý nghĩa của hai đoạn Kinh Thánh này là tương đương với nhau.

Sự Liên Hệ Mật Thiết giữa Nước Đức Chúa Trời và Thánh Linh

Giăng 3:5 5 Ðức Chúa Giê-su đáp rằng: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Ðức Chúa Trời.”

Đoạn Kinh Thánh Giăng 3:5 chỉ ra rõ ràng minh bạch rằng một người phải chịu báp-tem bằng nước và báp-tem của Đức Thánh Linh, rồi người ấy mới được nhận vào nước Đức Chúa Trời.

Ma-thi-ơ 12:28 28 Mà nếu ta cậy Thánh Linh của Ðức Chúa Trời để trừ quỉ, thì nước Ðức Chúa Trời đã đến tận các ngươi. 

Đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 12:28 chỉ ra rằng khi Thánh Linh làm việc ở nơi nào, thì quyền năng của nước Đức Chúa Trời thể hiện ở nơi đó.

Rô-ma 14:17 17 Vì nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công nghĩa, bình yên, vui vẻ trong Đức Thánh Linh vậy.

Đoạn Kinh Thánh Rô-ma 14:17 dạy rằng nước Đức Chúa Trời thì không có liên quan đến đồ ăn hay đồ uống; nhưng khi Đức Thánh Linh sống trong tâm linh chúng ta, thì chúng ta được sự công nghĩa, bình yên, vui vẻ, ấy chính là cuộc sống trong nước Đức Chúa Trời vậy.

Qua các đoạn Kinh Thánh trên: Giăng 3:5, Ma-thi-ơ 12:28 và Rô-ma 14:17 chúng ta thấy quyền năng của nước Đức Chúa Trời và Thánh Linh là dính liền với nhau. Khi Thánh Linh làm việc ở nơi nào (hay người nào) thì nơi đó (hay người đó) là ở dưới quyền năng của nước Đức Chúa Trời.

Sau khi chúng ta đã thấy sự liên hệ mật thiết giữa nước Đức Chúa Trời và Thánh Linh, bây giờ chúng ta tra khảo về lời dạy của các thầy dạy Luật Pháp.

Lời Dạy và Cuộc Sống của Các Thầy Dạy Luật Pháp

Ma-thi-ơ 23:23 23 Khốn cho các ngươi, thầy dạy Luật Pháp và người Pha-ri-si, là kẻ đạo đức giả! vì các ngươi nộp một phần mười bạc hà, hồi hương và rau cần, mà bỏ sót những điều quan trọng hơn trong Luật Pháp, ấy là sự công bằng, thương xót và trung tín; đó là những điều các ngươi phải làm, mà cũng không nên bỏ sót những điều kia. 

Đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 23:23 nói đến những thầy dạy Luật Pháp và người Pha-ri-si hiến dâng cho Chúa Trời một phần mười của bạc hà, hồi hương và rau cần. Tại sao họ lại hiến dâng một phần mười của những món đó cho Chúa Trời? Họ mua bạc hà, hồi hương và rau cần ở chợ, nhưng các món đó là do người nông dân trồng nên; Những thầy dạy Luật Pháp và người Pha-ri-si sợ rằng nếu người nông dân không có hiến dâng một phần mười cho Chúa Trời, thì những món đó đều trở nên không sạch; cho nên họ hiến dâng một phần mười của tất cả những món họ mua về. Chúa Giê-su khiển trách các thầy dạy Luật Pháp và người Pha-ri-si là đạo đức giả, tại vì họ chỉ để ý đến việc hiến dâng một phần mươi, nhưng đã bỏ sót những điều quan trọng hơn, ấy là sự công bằng, thương xót và trung tín; họ không nên bỏ sót sự hiến dâng cho Chúa Trời, nhưng họ phải sống theo sự công bằng, thương xót và trung tín.

Ma-thi-ơ 23:25 25 Khốn cho các ngươi, thầy dạy Luật Pháp và người Pha-ri-si, là kẻ đạo đức giả! vì các ngươi rửa bề ngoài của chén và mâm, nhưng ở bên trong thì đầy dẫy sự cướp trộm và tự buông thả. 

Lu-ca 11: 39 39 Nhưng Chúa nói với người rằng: “Hỡi các ngươi là người Pha-ri-si, các ngươi rửa sạch bề ngoài của chén và mâm, song bề trong của các ngươi thì đầy dẫy sự trộm cướp và điều dữ.”

Trong hai đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 23:25 và Lu-ca 11: 39 Chúa Giê-su khiển trách những thầy dạy Luật Pháp và người Pha-ri-si là kẻ đạo đức giả, Ngài so sánh cuộc sống của họ với chén và mâm, họ chỉ để ý đến bề ngoài của chén và mâm, nhưng ở trong tâm hồn của họ thì đầy dẫy sự cướp trộm và tự buông thả.

Lời Dạy và Việc Làm của Các Thầy Dạy Luật Pháp là Khác Biệt với Quyền Năng của Nước Đức Trời

Những đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 23:23, Ma-thi-ơ 23:25 và Lu-ca 11:39 chỉ ra rằng lời dạy và việc làm của những thầy dạy Luật Pháp thì rất khác biệt với quyền năng của nước Đức Chúa Trời:

  • Quyền năng của nước Đức Chúa Trời được thể hiện qua việc làm của Thánh Linh trong tâm hồn của người ta.
  • Những thầy dạy Luật Pháp chỉ chú trong về những hành động ở bên ngoài, nhưng họ không quan tâm đến sự công bằng, thương xót, trung tín và một tâm hồn trong sạch.

Những thầy dạy Luật Pháp trở nên môn đồ của nước Thiên Đàng là khó khăn và hiếm có

Trong Ma-thi-ơ 13:52 Chúa Giê-su nói rằng: “mọi thầy dạy Luật Pháp đã trở nên môn đồ của nước Thiên Đàng,” ấy là một chuyện cực kỳ khó khăn và hiếm có. Tại sao vậy?

Chúng ta đã thấy rằng trở nên môn đồ của nước Thiên Đàng không phải chỉ là học hỏi ý nghĩa các điều răn của nước Thiên Đàng, và còn phải giữ theo các điều răn đó nữa; mà lời dạy và việc làm của những thầy dạy Luật Pháp là khác biệt với quyền năng của Nước Đức Trời, bởi vậy chỉ có rất ít thầy dạy Luật Pháp có thể trở nên môn đồ của nước Thiên Đàng.

Các Thầy Dạy Luật Pháp phải Làm Gì để Trở Nên Môn Đồ của Nước Thiên Đàng?

1. Các thầy dạy Luật Pháp phải yêu quí lời dạy của nước Thiên Đàng như kho tàng bảo vật

Ma-thi-ơ 13:52 52 Ngài bèn phán rằng: “Vì cớ ấy, mọi thầy dạy Luật Pháp đã trở nên môn đồ của nước Thiên Đàng, thì giống như một người chủ nhà kia, đem những vật mới và cũ ở trong kho tàng của mình ra.”

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “kho tàng” trong Ma-thi-ơ 13:52 là “θησαυρός” (thesauros). Chữ Hy Lạp thesauros (kho tàng) mang ý nghĩa gì trong Kinh Thánh?

Ma-thi-ơ 6:21 21 Vì của cải ngươi ở đâu, thì tấm lòng ngươi cũng ở đó. 

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “của cải” trong đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 6:21 chính là thesauros. Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng của cải (hay kho tàng) là dính liền với tấm lòng của người ta, có nghĩa là người ta rất yêu quí của cải (hay kho tàng) này.

Nếu những thầy dạy Luật Pháp muốn trở nên môn đồ của nước Thiên Đàng thì đầu tiên họ phải yêu quí lời dạy của Luật Pháp và lời dạy về nước Thiên Đàng trong lòng của họ tựa như kho tàng bảo vật. Các thầy hẳn rất yêu quí lời dạy của Luật Pháp, nhưng họ cũng phải yêu quí lời dạy của nước Thiên Đáng nhu kho tàng bảo vật nữa.

2. Các thầy dạy Luật Pháp phải vâng giữ hết thảy lời dạy của Chúa Giê-su

Ma-thi-ơ 5:17 – 19 17 Các ngươi đừng tưởng ta đến để hủy bỏ Luật Pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để hủy bỏ, song để làm cho trọn. 18 Vì ta nói thật cùng các ngươi, cho đến trời và đất qua đi, một chấm một nét trong Luật Pháp cũng không qua đi được mãi cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19 Vậy, ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều răn nầy, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong nước Thiên Đàng; còn như ai giữ những điều răn ấy, và dạy người ta nữa, thì sẽ được xưng là lớn trong nước Thiên Đàng.  

(Xin các bạn đọc bài giảng “Chúa Giê-su Đến Để Làm Trọn Vẹn Luật Pháp Và Lời Tiên Tri” để hiểu rõ ý nghĩa của đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 5:17 – 19).

Trong đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 5:17 – 19 Chúa Giê-su nói rằng Ngài đến để làm trọn vẹn Luật Pháp và lời tiên tri; và những ai vâng giữ những điều răn trong Luật Pháp sẽ được xưng là lớn trong nước Thiên Đàng. Bởi vậy nếu các thầy dạy Luật Pháp hay bất cứ người nào vâng giữ hết thảy lời dạy của Chúa Giê-su thì:

  • đã làm trọn vẹn Luật Pháp và lời tiên tri
  • sẽ được xưng là lớn trong nước Thiên Đàng.

Kết Luận

Lời răn dạy của Chúa Giê-su không phải chỉ là cho các thầy dạy Luật Pháp, mà cũng là cho chúng ta nữa. Ai muốn trở nên môn đồ của nước Thiên Đàng thì phải yêu quí lời dạy của nước Thiên Đàng như kho tàng bảo vật và phải vâng giữ hết thảy lời dạy của Chúa Giê-su.

(Trở về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

Phản Hồi

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.