Ví Dụ Của Báu

Ma-thi-ơ 13:44

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

(Tải xuống bản in PDF) (Tải xuống bản nghe MP3)

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo ví dụ của men, hôm nay chúng ta tra khảo ví dụ kế tiếp.

Ma-thi-ơ 13:44  44 Nước thiên đàng giống như của báu chôn trong một đám ruộng kia. Một người kia tìm được thì giấu đi, vui mừng mà trở về, bán hết gia tài mình, mua đám ruộng đó. 

Ví dụ này rất ngắn, chỉ có một câu thôi, nhưng ý nghĩa thì rất sâu xa. Bây giờ chúng ta sẽ tra khảo ví dụ này từng bước một.

Ví Dụ Của Báu

Không chừng các bạn thắc mắc rằng tại sao của báu lại chôn trong một đám ruộng kia. Hỡi các bạn ơi, ngày xưa không có ngân hàng, người ta tích trử của báu như vàng, bạc trong một cái chậu. Nhưng để một cái chậu lớn trong nhà thì không an toàn, nhất là trong thời chiến tranh, thường có việc trộm cướp, cho nên người ta chôn cái chậu trong một đám ruộng. Sau đó không chừng chủ nhà bị bịnh, chưa kịp nói cho con cái biết về cái chậu đó thì chết đi rồi. Các con cái không biết gì cả, cho nên cái chậu đó cứ nằm dưới đất. Một hôm có một người kia đi qua đám ruộng, tình cờ thấy một cái chậu, ông này mở ra thì thấy có rất nhiều của báu. Nhưng cái chậu này thuộc về người chủ của đám ruộng, ông này không có quyền đào cái chậu này ra, ấy là ăn trộm. Cho nên ông này phải mua đám ruộng về, rồi mới có thể đào ra cái chậu này. Đám  ruộng này thì mắc tiền lắm, nhưng ông này thấy của báu trong chậu là còn quí giá hơn hết thảy gia tài của mình, cho nên ông này vui lòng bán hết gia tài để mua đám ruộng về.

Của báu là tượng trưng cho cái gì?

Bây giờ chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của ví dụ này từng bước một. Đầu tiên của báu này là tượng trưng cho cái gì? Nguyên văn Hy Lạp của chữ “của báu” là “thesauros”, chúng ta tra khảo các đoạn Kinh Thánh để tìm hiểu “của báu” (thesauros) là tượng trưng cho cái gì.

Ma-thi-ơ 12:35 35 Người lành lấy ra điều thiện từ kho tàng điều thiện; nhưng kẻ ác lấy ra điều ác từ kho tàng điều ác.

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “kho tàng” chính là “thesauros” hay nói một cách khác là từ ngữ “kho tàng” trong đoạn Kinh Thánh này chính là từ ngữ “của báu” trong Ma-thi-ơ 13:44.

Trong đoạn Kinh Thánh này Ma-thi-ơ 12:35, Chúa Giê-su dạy rằng tâm hồn của con người chứa đựng điều thiện hoặc là điều ác. Tâm hồn của người lành là tựa như kho tàng đầy dẫy điều thiện, cho nên người lành có thể lấy ra điều thiện từ kho tàng trong lòng, Ngược lại tâm hồn của kẻ ác là tựa như kho tàng đầy dẫy điều ác, người ác cũng lấy ra điều ác từ kho tàng trong lòng. Vậy kho tàng (hay của báu) là tượng trưng cho tâm hồn của con người.

Ma-thi-ơ 13:52 52 Chúa bèn phán rằng: “Vì cớ ấy, mọi thầy thông giáo đã trở nên môn đồ của nước Thiên Đàng, thì giống như một người chủ nhà kia, đem những vật mới và cũ ở trong kho tàng mình ra. 

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “kho tàng” chính là chữ “thesauros”, bởi vậy “kho tàng” trong đoạn Kinh Thánh này tức là “của báu” trong Ma-thi-ơ 13:44.

Thầy thông giáo là những học giả của Đạo Do Thái. Khi các thầy thông giáo này trở nên môn đồ của nước Thiên Đàng, có nghĩa là họ học tập lời dạy của nước Thiên Đàng, thì họ có hai thứ lời dạy này trong lòng của chúng, một là lời dạy cũ về Đạo Do Thái, hai là lời dạy mới về nước Thiên Đàng. Áy là tương tự như một người chủ nhà đem những vật mới lẫn vật cũ ở trong kho tàng của mình ra.

Đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 13:52 chỉ ra rằng khi chúng ta gìn giữ lời dạy về nước Thiên Đàng trong lòng thì tâm hồn của chúng ta là trở nên cái kho tàng (hay của báu) vậy.

2 Cô-rinh-tô 4:6 – 7 6 Vì Ðức Chúa Trời, là Ðấng có phán: “Sự sáng phải soi từ trong sự tối tăm!” đã làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi để ban cho sự nhận biết về vinh hiển Ðức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Ðức Chúa Giê-su Christ. 7 Nhưng chúng tôi đựng của quí nầy trong chậu bằng đất, hầu cho tỏ quyền phép lớn dường ấy là bởi Ðức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi. 

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “của quí” trong câu 7 chính là “thesauros”, bởi vậy của quí trong 2 Cô-rinh-tô 4:7 tức là của báu trong Ma-thi-ơ 13:44. Đoạn Kinh Thánh trên dạy rằng khi sự sáng của Chúa Trời chiếu vào trong lòng chúng ta thì chúng ta nhận biết vinh hiển Đức Chúa trời. Sự nhận biết này được so như của quí chứa đựng trong chậu bằng đất; tại sao lại trong chậu bằng đất? Tại vì loài người được tạo nên từ bụi đất:

Sáng Thế Ký 2:7 7 Gia-vê Ðức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh. 

Nói tóm lại, khi chúng ta có sự nhận biết về vinh hiển Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta, ấy là tương tự như của báu chứa đựng trong cái chậu bằng đất vậy.

Qua ba đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 12:35, Ma-thi-ơ 13:52 và 2 Cô-rinh-tô 4:6 – 7 chúng ta thấy rằng “của báu”  hay “kho tàng” (thesauros) là tượng trưng cho tâm hồn của những người có sự nhận biết về Đức Chúa Trời Gia-vê.

Ruộng là tượng trưng cho cái gì?

Ma-thi-ơ 13:37 – 38 37 Chúa đáp rằng: Kẻ gieo giống tốt là Con của loài người; 38 ruộng là thế gian; giống tốt, là con cái nước thiên đàng; cỏ lùng, là con cái quỉ dữ;

Chúa Giê-su chỉ ra một cách minh bạch rằng ruộng là tượng trưng cho thế gian.

Ở phần trên chúng ta đã thấy rằng của báu là tượng trưng cho tâm hồn của những người có sự nhận biết về Đức Chúa Trời, mà ruộng là tượng trưng cho thế gian; vậy của báu ở trong ruộng là những người trên thế gian nhưng có sự nhận biết về Đức Chúa Trời trong lòng. Hỡi các bạn ơi, trên thế gian có những người tuy không phải là Tín Đồ Cơ Đốc và cũng không theo Đạo Do Thái, nhưng họ yêu mến sự công nghĩa thánh sạch, chính vì vậy họ nhận biết rằng có Đấng Chúa Trời công nghĩa hoàn hảo trong vũ trụ trời đất này. Bây giờ chúng ta nhìn vào một vài đoạn Kinh Thánh để giúp các bạn thấy rõ điểm này.

Ma-thi-ơ 8:5 – 10 5 Khi Chúa Giê-su vào thành Ca-bê-na-um, có một thầy đội trưởng đến cùng Chúa 6 mà xin rằng: “Thưa Chúa, đứa đầy tớ tôi mắc bịnh bại liệt đang nằm ở nhà, đau đớn vô cùng.” 7 Chúa Giê-su nói rằng: “Ta sẽ đến chữa cho nó được lành.” 8 Nhưng thầy đội trưởng nói rằng: “Thưa Chúa, tôi chẳng đáng rước Chúa vào nhà; xin Chúa chỉ truyền một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được lành. 9 Vì tôi cũng là một người ở dưới quyền hành, tôi cũng có quân lính dưới quyền tôi nữa; tôi bảo tên nầy rằng: “Hãy đi!” thì nó đi; bảo tên kia rằng: “Hãy đến!” thì nó đến; và bảo đầy tớ tôi rằng: “Hãy làm việc nầy!” thì nó làm.” 10 Chúa Giê-su nghe lời đó rồi, lấy làm ngạc nhiên, và nói cùng những người đi theo: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta chưa hề thấy ai trong dân Y-sơ-ra-ên có lòng tin lớn dường ấy.

Đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 8:5 – 10 mô tả đức tin của một thầy đội trưởng. Người này hẳn là rất trung thành với Hoàng Đế La Mã cho nên người mới được giữ cái chức thầy đội trưởng; mà một người theo Đạo Do Thái chỉ thờ phượng Đức Chúa Trời Gia-vê và trung thành với Ngài thôi, nhưng người này lại trung thành với Hoàng Đế La Mã, bởi vậy người này chắc không phải là người Do Thái.  Hơn nữa trong  câu 10 chính Chúa Giê-su nói rằng; “ta chưa hề thấy ai trong dân Y-sơ-ra-ên có lòng tin lớn dường ấy,” Chúa ngợi khen lòng tin của một người dân ngoại. (Xin đọc bài giảng “Lòng Tin của Thầy Đội Trưởng” để hiểu rõ về sự kiện này).

Sứ đồ Phao-lô cũng nói rằng có những dân ngoại tuy không có luật pháp của Đức Chúa Trời Gia-vê, nhưng lời dạy của luật pháp lại được ghi trong lòng của chúng, và lương tâm của chúng làm chứng cho luật pháp.

Rô-ma 2:13 – 15 13 Vì chẳng phải kẻ nghe đọc luật pháp là người công nghĩa trước mặt Ðức Chúa Trời, nhưng là kẻ làm theo luật pháp được xưng công nghĩa vậy. 14 Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy bảo, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình. 15 Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy bảo đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm của họ làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng của họ khi thì kết tội họ, khi thì binh vực họ. 

Nói tóm lại, hai đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 8:5 – 10 và Rô-ma 2:13 – 15 cho chúng ta thấy rằng có những dân ngoại tuy không theo Đạo Do Thái, nhưng họ lại có lòng tin vào Đức Chúa Trời, và luật pháp của Đức Chúa Trời được ghi trong lòng họ. Của báu ở trong ruộng chính là tượng trưng cho tâm hồn của những người này, họ sống trên thế gian, họ tuy không phải là Tín Đồ Cơ Đốc và cũng không theo Đạo Do Thái, nhưng họ yêu mến sự công nghĩa thánh sạch của Đức Chúa Trời Gia-vê.

Người tìm được của báu

Còn người tìm được của báu là tượng trưng cho ai? Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “tìm được” là “heurisko” bây giờ chúng ta tra khảo các đoạn Kinh Thánh có chữ “heurisko”

Ma-thi-ơ 8:10 10 Ðức Chúa Giê-su nghe lời đó rồi, lấy làm lạ, mà phán cùng những kẻ đi theo rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta chưa hề tìm thấy ai trong dân Y-sơ-ra-ên có đức tin lớn dường ấy. 

Ở phần trên tôi đã giải thích đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 8:10, tôi không lập lại lời giải thích đó nữa, mà chúng ta sẽ nhìn vào một khía cạnh khác. Chúa Giê-su phán rằng Chúa chưa hề tìm thấy một người nào trong dân Y-sơ-ra-ên có đức tin lớn như thầy đội trưởng này. Câu Kinh Thánh này chứng tỏ rằng chính Chúa Giê-su đi tìm những người có đức tin lớn trên thế gian.

Lu-ca 15:4 – 6 4 Trong các ngươi ai là người có một trăm con chiên, nếu mất một con, mà không để chín mươi chín con nơi đồng vắng, đặng đi tìm con đã mất cho kỳ được sao? 5 Khi đã tìm được, thì vui mừng vác nó lên vai; 6 đoạn, về đến nhà, kêu bạn hữu và kẻ lân cận, mà rằng: Hãy chung vui với ta, vì ta đã tìm được con chiên bị mất. 

Đoạn Kinh Thánh trên Lu-ca 15:4 – 6 là một ví dụ Chúa Giê-su giảng dạy cho người dân. Chúa dạy rằng một người chăn kia có một trăm con chiên, nhưng mất đi một con, người chăn bèn đi tìm kiếm con chiên này cho kỳ được. Khi kiếm được rồi thì người vác con chiên lên vai và đi về nhà. Người kêu gọi các bạn hữu và kẻ lân cận đến nhà để chung vui với người.

Người chăn là tượng trưng cho Chúa Giê-su (xin tham khảo Giăng 10:11 Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình), bầy chiên là tượng trưng cho người dân của Chúa. Ví dụ này mô tả tình thương yêu của Chúa Giê-su đối với người dân, Chúa đi vào thế gian để tìm kiếm người dân của Chúa.

Hai đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 8:10 và Lu-ca 15:4 – 6 chỉ ra rằng Chúa Giê-su đi tìm kiếm tội nhân. Bởi vậy người tìm được của báu trong ví dụ Ma-thi-ơ 13:44 chính là Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su che chở tội nhân

Trong ví dụ của báu này, sau khi người này tìm được của báu rồi thì người giấu của báu này lại. Ấy có nghĩa là sau khi Chúa Giê-su tìm được tội nhân trên thế gian thì Chúa giấu tội nhân lại, tại sao vậy ? Tại vì Chúa muốn che chở tội nhân khỏi bị ma quỉ bắt đi.

Ma-thi-ơ 23:37 37 Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng! 

Đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 23:37 cho chúng ta thấy rõ Chúa Giê-su yêu thương tội nhân biết bao. Cho dù những người trong Giê-ru-sa-lem đã giết các đấng tiên tri và ném đá những người Chúa Trời sai đến, nhưng Chúa vẫn yêu thương chúng và muốn nhóm họp chúng tựa như con gà mái túc con mình lại ấp trong cánh để che chở chúng. Nhưng buồn thay! Các tội nhân lại chẳng khứng!

Chúa Giê-su mua chuộc chúng ta về

Không chừng có người thắc mắc rằng trong ví dụ này người này mua đám ruộng về, mà ở phần trên tôi vừa mới giải thích rằng đám ruộng là tượng trưng cho thế gian, vậy Chúa Giê-su mua cả thế gian sao ? Vâng, hỡi các bạn ơi, Chúa Giê-su mua cả thế gian này.

Khải Huyền 11 :15 15 Vị thiên sứ thứ bảy thổi loa, có những tiếng lớn vang ra trên trời rằng: Từ nay nước của thế gian thuộc về Chúa chúng ta và Ðấng Christ của Ngài, Ngài sẽ trị vì đời đời. 

Câu Kinh Thánh trên nói rằng nước của thế gian thuộc về Chúa chúng ta và Đấng Christ của Ngài.

Nhưng Chúa Giê-su mua cả thế gian bằng cách nào? Vâng, Chúa Giê-su mua chuộc hết thảy tội nhân trên thế gian bằng huyết của Chúa :

Khải Huyền 5:9 – 10 9 Chúng hát một bài ca mới rằng: Chúa đáng lấy quyển sách mà mở những ấn ra; vì Chúa đã chịu giết lấy huyết mình mà chuộc cho Ðức Chúa Trời những người thuộc về mọi chi phái, mọi ngôn ngữ, mọi dân tộc và mọi nước, 10 và Chúa đã làm cho những người ấy trở nên một vương quốc, và làm thầy tế lễ cho Ðức Chúa Trời chúng ta; những người ấy sẽ trị vì trên mặt đất. 

Tại vì tất cả người đời trên thế gian đều đã phạm tội lỗi, họ đều là tội nhân.   Chúa Giê-su mua chuộc hết thảy tội nhân trên thế gian bằng huyết của Chúa, cho nên Chúa đã mua chuộc cả thế gian rồi.

Kết Luận

Sau khi chúng ta hiểu rõ tình thương yêu của Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su Christ đối với tội nhân, chúng ta nên làm gì bây giờ ?

1. Chúng ta lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời

1 Cô-rinh-tô 6:20 20 Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Ðức Chúa Trời. 

Chúa Giê-su con của Chúa Trời đã dùng sinh mạng của Chúa để mua chuộc chúng ta ra khỏi vòng nô lệ của tôi lỗi, chúng ta trở nên con cái của Đức Chúa Trời. Hiện giờ chúng ta nên hiến dâng cuộc sống của mình lại cho Đức Cha trên trời để làm sáng danh của Ngài.

Vậy chúng ta phải làm gì bây giờ ? Vâng, khi chúng ta sống theo lời dạy công nghĩa thánh sạch thì danh của Đức Cha trên trời được vinh hiển. Ngược lại, nếu chúng ta sống cuộc đời tội lỗi đòi bại thì danh của Đức Cha trên trời mang xấu. Hỡi các anh chị em Tín Đồ, chúng ta hãy làm sáng danh của Đức Cha trên trời bằng cuộc sống công nghĩa thánh sạch của mình !

2. Chúng ta gìn giữ chính mình không bao giờ trở nên tôi mọi của người ta 

1 Cô-rinh-tô 7:23 23 Anh em đã được chuộc bằng giá cao, chớ trở nên tôi mọi của người ta làm chi. 

Không chừng có người thắc mắc rằng tại sao tự nhiên Tín Đồ Cơ Đốc lại trở nên tôi mọi của người ta ? Cho dù có người vì phạm tội lỗi mà trở nên tôi mọi của tội lỗi, chứ không phải là tôi mọi của người ta chứ !

Rô-ma 6 :16 16 Anh em há chẳng biết rằng nếu anh em đã nộp mình làm tôi mọi đặng vâng phục kẻ nào, thì là tôi mọi của kẻ mình vâng phục, hoặc của tội lỗi đến sự chết, hoặc của sự vâng phục để được nên công nghĩa hay sao? 

Trong đoạn Kinh Thánh trên Rô-ma 6 :16 sứ đồ Phao-lô dạy rằng khi chúng ta nộp mình cho kẻ nào để vâng phục, thì chúng ta là tôi mọi của kẻ ấy; nếu chúng ta vâng phục một người mang tội lỗi thì chúng ta là tôi mọi của tội lỗi vậy.

Nói tóm lại, Chúa Giê-su đã mua chuộc chúng ta bằng giá cao quí nhất, chúng ta là tôi mọi của Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ, bởi vậy chúng ta đừng bao giờ trở nên tôi mọi của người ta.

3. Chúng ta tham gia vào việc tìm kiếm tội nhân trên thế gian

Chúng ta từng là tôi mọi của tội lỗi, Chúa Giê-su đi vào thế gian để tìm kiếm chúng ta và mua chuộc chúng ta về. Sau khi chúng ta thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi thì chúng ta nên tham gia vào việc tìm kiếm tội nhân trên thế gian.

Ma-thi-ơ 22 :2 – 9  2 Nước Thiên Đàng giống như một vua kia làm tiệc cưới cho con mình. 3 vua sai đầy tớ đi nhắc những người đã được mời đến dự tiệc; nhưng họ không chịu đến. 4 Vua lại sai đầy tớ khác mà dặn rằng: Hãy nói với người được mời như vầy: Nầy, ta đã sửa soạn tiệc rồi; bò và thú béo đã giết xong, mọi việc đã sẵn cả, hãy đến mà dự tiệc cưới. 5 Nhưng họ không đếm xỉa đến, cứ việc đi đường mình; kẻ nầy đi ra ruộng, kẻ kia buôn bán; 6 còn nhưng kẻ khác bắt đầy tớ của vua, mắng chưởi và giết đi. 7 Vua nổi giận, bèn sai quân lính diệt những kẻ giết người đó, và đốt phá thành của họ. 8 Ðoạn, vua phán cùng đầy tớ mình rằng: Tiệc cưới đã dọn xong rồi; song những người được mời không xứng dự tiệc đó. 9 Vậy, các ngươi hãy đi khắp các ngã tư, hễ gặp người nào thì mời cả đến dự tiệc. 

Ý nghĩa của ví dụ này thì rất sâu xa uyên thăm, trong tương lai khi chúng ta học tập Ma-thi-ơ chương 22, tôi sẽ giải thích ý nghĩa của ví dụ này một cách tường tận, bây giờ tôi chỉ nói sơ qua ví dụ này thôi. Chúa Giê-su so sánh nước Thiên Đàng giống như một ông vua làm tiệc cưới cho con mình. Ông vua sai các đầy tớ đi mời những người khách đến dự tiệc, nhưng họ đều không muốn đến, và còn làm nhục các đầy tớ của vua nữa. Ông vua nổi giận và sai quân lính đi tiêu diệt những người khách này. Sau đó ông vua ra lệnh cho các đầy tớ đi ra ngoài đường mời những kẻ họ gặp phải đến dự tiệc cưới.

Trong ví dụ này ông vua là tượng trưng cho Đức Chúa Trời Gia-vê, con của ông vua thì rất hiển nhiên là Đức Chúa Giê-su Christ, còn các đầy tớ là tượng trưng cho Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta, những kẻ đã được mua chuộc bằng huyết của Chúa. Ví dụ này chỉ ra rằng hết thảy Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta đều phải tham gia vào việc tìm kiếm tội nhân trên thế gian này.

(Trở về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

Phản Hồi

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.