Ví Dụ của Tay Lưới

Ma-thi-ơ 13:47 – 50

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

(Tải xuống bản in PDF)

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo ví dụ của hột châu, hôm nay chúng ta tra khảo một ví dụ khác.

Ví Dụ của Tay Lưới

Ma-thi-ơ 13:47 – 50  Nước Thiên Đàng cũng giống như một tay lưới thả xuống biển, bắt đủ mọi thứ cá. 48 Khi lưới được đầy rồi, thì người đánh cá kéo lên bờ; đoạn, ngồi mà chọn giống tốt để riêng ra, đem bỏ vào rổ, còn giống xấu thì ném đi. 49 Ðến ngày tận thế cũng như vầy: các thiên sứ sẽ đến và chia kẻ ác với người công nghĩa ra, 50 ném những kẻ ác vào lò lửa; ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng. 

Bắt Cá Bằng Lưới và Rao Truyền Tin Lành để Cứu Vớt Người Đời

 Trong ví dụ này Chúa Giê-su so sánh nước Thiên Đàng như một tay lưới thả xuống biển và bắt đủ mọi thứ cá. Sự so sánh này nhắc lại tình cảnh Chúa Giê-su kêu gọi Phi-e-rơ:

Ma-thi-ơ 4:18 – 20 Khi Chúa đang đi dọc theo mé biển Ga-li-lê, thấy hai anh em kia, là Si-môn, cũng gọi là Phi-e-rơ, với em là Anh-rê, đương thả lưới dưới biển, vì hai anh em vốn là người đánh cá. 19 Chúa phán cùng hai người rằng: “Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi trở nên tay đánh lưới người.” 20 Hai anh em liền bỏ lưới mà theo Chúa. 

Trong đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 4:18 – 19 Chúa Giê-su kêu gọi Phi-e-rơ và Anh-rê đi theo Chúa: “Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi trở nên tay đánh lưới người.” Bắt cá bằng lưới được so sánh với rao truyền Tin Lành của nước Thiên Đàng để cứu vớt người đời.

Trong câu Ma-thi-ơ 13:47 của ví dụ tay lưới Chúa nói rằng cái lưới được thả xuống biển và bắt đủ mọi thứ cá. Cái lưới là tượng trưng cho lời giảng Tin Lành, và cá là tượng trưng cho những người được nghe giảng về Tin Lành. Còn biển là tượng trưng cho cái gì?

Biển Tượng Trưng cho Thế Gian

Khải Huyền 21:1 Ðoạn, tôi thấy trời mới và đất mới; vì trời thứ nhứt và đất thứ nhứt đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa. 

Câu Kinh Thánh này mô tả tình cảnh trong tương lai khi kế hoạch cứu ơn đã hoàn tất, sẽ có trời mới và đất mới; trong trời mới đất mới này thì không còn biển nữa, biển chỉ có trong trời cũ đất cũ thôi. Bởi vậy biển là tượng trưng cho thế gian hiện thời.

Sóng biển là không ổn đinh và rất nguy hiểm cho tàu bè; Kinh Thánh so sánh sóng biển với những người hay nghi ngờ.

Gia-cơ 1:6 Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ; vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió thổi động và đưa đi đây đi đó. 

Đoạn Kinh Thánh trên Gia-cơ 1:6 chỉ ra rằng kẻ hay nghi ngờ, tức là những kẻ không có lòng tin vững mạnh là giống như sóng biển, bị gió thổi động và đưa đi đây đi đó.

Hai đoạn Kinh Thánh trên Khải Huyền 21:1 và Gia-cơ 1:6 chỉ ra rằng biển là tượng trưng cho thế gian, còn sóng biển là tượng trưng cho người đời trên thế gian này, họ hay nghi ngờ, bị gió thổi đi đây đi đó.

Tính Trạng của Những Cá Xấu

Ma-thi-ơ 13:48 nói rằng khi lưới được đầy rồi, người đánh cá kéo lưới lên bờ, chọn giống tốt để riêng ra, đem bỏ vào rổ, còn giống xấu thì bị ném đi. Tình trạng của những cá xấu này là như thế nào? Những cá ấy có phải xấu đến nỗi mục nát không?

Nguyên văn Hy Lạp của chữ “xấu” trong câu 48 là σαπρός (sapros). Bây giờ chúng ta tra khảo những câu Kinh Thánh có chữ sapros để hiểu rõ ý nghĩa của sapros (xấu).

Ma-thi-ơ 7:17 – 18 Vậy, hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt; nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu. 18 Cây tốt chẳng sanh được trái xấu, mà cây xấu cũng chẳng sanh được trái tốt. 

Nguyên văn Hy Lạp của chữ “xấu” trong hai câu trên Ma-thi-ơ 7:17 – 18 chính là sapros.

Đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 7:17 – 18 nói rằng cây xấu thì sanh trái xấu, cây xấu thì chẳng sanh được trái tốt. Từ ngữ “cây xấu” trong hai câu 17 và 18 không phải là mục nát, tại vì nếu một trái cây đã mục nát rồi thì không thể sanh được trái gì cả. Cây này tuy xấu nhưng vẫn có thể sanh trái xấu thì nó không phải là mục nát, nhưng cây này là xấu, không tốt.

Ê-phê-sô 4:29 Chớ có một lời ác nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời tốt giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến. 

Nguyên văn Hy Lạp của chữ “ác” trong câu Ê-phê-sô 4:29 chính là “sapros”. Chữ ác ở đây chỉ về lời nói là ác, không giúp ơn cho và không có ích lợi cho kẻ nghe đến. Thí dụ: Nhiều người thường hay phê bình đả kích người khác, hoặc tự hào tự khoe v.v.

Hai đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 7:17 – 18 và Ê-phê-sô 4:29 chỉ ra rằng chữ “xấu” không phải là mục nát, chỉ là không tốt, không lành mạnh.

Các bạn chắc thắc mắc rằng tại sao chúng ta cần phải tra khảo ý nghĩa của chữ “xấu” một cách tường tận như thế? Tại vì cá xấu là tượng trưng cho kẻ ác, và kẻ ác sẽ bị ném vào lò lửa, bởi vậy chúng ta cần phải biết rõ cá xấu là xấu đến mức độ nào. Trong Ma-thi-ơ 13:49 – 50  Chúa Giê-su phán rằng:

Ma-thi-ơ 13:49 – 50 Ðến ngày tận thế cũng như vầy: các thiên sứ sẽ đến và chia kẻ ác với người công nghĩa ra, 50 ném những kẻ ác vào lò lửa; ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.

Khi Tin Lành của nước Thiên Đàng được truyền giảng trên khắp thế gian thì thu hút đủ các hạng người vào nước Thiên Đàng, tương tự như cái lưới thả xuống biển thì bắt được các thứ cá, cá tốt cũng như cá xấu. Khi cái lưới đầy rồi, thì người đánh cá để giống cá tốt vào rỗ và ném đi giống cá xấu, tương tự như vào ngày tận thế các thiên sứ chia kẻ ác với người công nghĩa ra. Những kẻ ác thì bị ném vào lò lửa, ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.

Này là một cảnh cáo cho hết thảy Tín Đồ Cơ Đốc, chúng ta đừng nghỉ rằng miễn là ta đã tin vào Đức Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su, ta đi dự buổi lễ thờ phượng Chúa Nhật thường xuyên thì ta chắc được nhận vào nước Thiên Đàng. Qua ví dụ này Chúa Giê-su nói rằng chỉ có kẻ công nghĩa được nhận vào nước Thiên Đàng, còn kẻ ác thì bị ném vào lò lửa.

Tình Trạng Thuộc Linh của Những Kẻ Ác (poneros)

Nguyên văn Hy Lạp của chữ “ác” trong câu 49 là “πονηρός” (poneros). Bây giờ chúng ta tra khảo những đoạn Kinh Thánh có chữ poneros để hiểu rõ ý nghĩa của chữ “ác” này.

Ma-thi-ơ 7:11 Vậy nếu các ngươi vốn là ác, còn biết cho con cái mình các vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao? 

Nguyên văn Hy Lạp của chữ “ác” chính là poneros. Trong câu này Chúa Giê-su phán rằng loài người vốn là ác, nhưng chúng ta vẫn biết rằng phải cho con cái mình các vật tốt, huống chi Đức Cha ở trên trời là tốt, Ngài hẳn ban các vật tốt cho những người cầu xin Ngài vậy. Đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 7:11 chỉ ra rằng ác là ở trong bản tánh của loài người.

Ma-thi-ơ 12:39 Chúa đáp rằng: “Dòng dõi hung ác gian dâm này xin một dấu lạ, nhưng sẽ chẳng cho dấu lạ khác ngoài dấu lạ của đấng tiên tri Giô-na.” 

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “hung ác” chính là poneros. Đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 12:39 chỉ ra rằng hung ác (poneros) là dính liền với gian dâm.

Ma-thi-ơ 16:4 Dòng dõi hung ác gian dâm nầy xin một dấu lạ; nhưng sẽ chẳng cho dấu lạ chi khác ngoài dấu lạ của đấng tiên tri Giô-na. Rồi Chúa bỏ họ mà đi. 

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “hung ác” chính là poneros. Qua đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 16:4 chúng ta thấy rằng ác (poneros) là dính liền với gian dâm.

Ma-thi-ơ 18:32 – 33 Chủ bèn đòi đầy tớ ấy đến mà nói rằng: Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta; 33 ngươi há lại chẳng nên thương xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương xót ngươi sao? 

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “độc ác” chính là poneros. Ma-thi-ơ 18:32 – 33 là câu kết luận của một ví dụ, tên đầy tớ thiếu nợ người chủ một món tiền lớn, khi người ấy cầu xin người chủ thì người chủ tha hết món nợ của người. Nhưng tên đầy tớ này lại không chịu tha nợ cho bạn làm việc của người, cho nên người chủ khiển trách tên đầy tớ là độc ác. Đoạn Kinh Thánh trên chỉ ra rằng một người không chịu tha thứ cho người khác là một người độc ác.

Giăng 7:7 Thế gian chẳng ghét các ngươi được; nhưng ghét ta, vì ta làm chứng nầy về họ rằng công việc họ là ác. 

Nguyên văn Hy Lạp của chữ “ác” trong câu Giăng 7:7 này chính là poneros. Chúa Giê-su phán rằng người đời trên thế gian thù ghét Chúa tại vì Chúa chỉ ra công việc họ làm là ác. Câu nói này của Chúa Giê-su chỉ ra rằng công việc mà người đời làm là ác.

Hê-bơ-rơ 3:12 Hỡi anh em, hãy giữ lấy, kẻo ai trong anh em có lòng ác và chẳng tin mà trái bỏ Ðức Chúa Trời hằng sống chăng. 

Nguyên văn Hy Lạp của chữ “ác” trong đoạn Kinh Thánh Hê-bơ-rơ 3:12 chính là poneros. Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng lòng ác và chẳng tin là dính liền với nhau.

Bây giờ chúng ta tổng hợp lại những điểm trong các đoạn Kinh Thánh trên:

  • Ác là ở trong bản tánh của loài người (Ma-thi-ơ 7:11).
  • Công việc của người đời là ác (Giăng 7:7).
  • Ác là dính liền với gian dâm (Ma-thi-ơ 12:39, Ma-thi-ơ 16:4).
  • Một người độc ác thì chẳng tin vào Đức Chúa Trời Gia-vê (Hê-bơ-rơ 3:12).
  • Khi một người không chịu tha thứ cho người khác thì ấy là một người độc ác (Ma-thi-ơ 18:32 – 33).

Tất cả người đời trên thế gian đều là ác

 Chúng ta thấy rằng ác là ở trong bản tánh của loài người (Ma-thi-ơ 7:11). Sứ đồ Phao-lô cũng nói rằng không có một người nào là công nghĩa:

Rô-ma 3:10 như có chép rằng: Chẳng có một người công nghĩa nào hết, dẫu một người cũng không. 

Chính Chúa Giê-su phán rằng Chúa đến không phải kêu gọi người công nghĩa, nhưng là kẻ có tội:

Ma-thi-ơ 9:13 Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công nghĩa, song kêu kẻ có tội. 

Mác 2:17 Ðức Chúa Giê-su nghe vậy, bèn phán cùng họ rằng: “Chẳng phải kẻ mạnh khỏe cần thầy thuốc đâu, nhưng là kẻ có bịnh; ta chẳng phải đến gọi người công nghĩa, nhưng gọi kẻ có tội. “

Lu-ca 5:32 Ta Không phải đến gọi kẻ công nghĩa hối cải, song gọi kẻ có tội. 

Trong ví dụ của tay lưới Ma-thi-ơ 13:47 – 50, đến ngày tận thế, các thiên sứ sẽ đến và chia kẻ ác với người công nghĩa ra, ném những kẻ ác vào lò lửa. Nhưng hết thảy loài người đều là tội nhân, không một người nào là công nghĩa. Chẳng lẽ hết thảy loài người đều bị ném vào lò lửa chăng?

Đức Chúa Trời Biến Đổi Chúng Ta Trở Nên Công Nghĩa

Hỡi các bạn ơi, khi chúng ta tin vào Đức Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su Christ, thì Chúa Trời sẽ khiến chúng ta trở nên công nghĩa.

Rô-ma 5:1 Vậy chúng ta đã được làm nên công nghĩa bởi đức tin, thì được hòa thuận với Ðức Chúa Trời, bởi Ðức Chúa Giê-su Christ chúng ta.

Đoạn Kinh Thánh trên Rô-ma 5:1 nói rằng chúng ta được trở nên công nghĩa bởi đức tin, có nghĩa là khi chúng ta tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su Christ, thì Chúa Trời biến đổi chúng ta trở nên công nghĩa.

Rô-ma 5:9 Huống chi nay chúng ta nhờ huyết của Chúa được làm nên công nghĩa, thì sẽ nhờ Chúa được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào! 

Đoạn Kinh Thánh trên Rô-ma 5:9 nói rằng nhờ huyết của Chúa Giê-su Christ mà chúng ta được làm nên công nghĩa, tại vì huyết của Chúa rửa sạch hết thảy tội lỗi của chúng ta, cho nên chúng ta được trở nên công nghĩa.

Loài người chúng ta đều là tội nhân, khi Tin Lành được truyền giảng trên khắp thế gian, và chúng ta bị thu hút bởi lời giảng của Tin Lành. Chúa Trời sẽ biến đổi chúng ta trở nên người công nghĩa. Đến ngày tận thế, chúng ta không bị ném vào lò lửa và được nhận vào nước Thiên Đàng.

Những Kẻ Không Có Đức Tin Chân Thật Sẽ Không Được Trở Nên Công Nghĩa

Nhưng tại sao đến ngày tận thế lại có những kẻ độc ác bị ném vào lò lửa?

Câu Kinh Thánh ở trên Rô-ma 5:1 nói rằng chúng ta được trở nên công nghĩa bởi đức tin, nhưng nếu đức tin của chúng ta không phải là đức tin chân thật, thì chúng ta không được biến đổi trở nên công nghĩa, chúng ta vẫn mang tội lỗi trầm trọng. Rốt cuộc, vào ngày tận thế, chúng ta sẽ bị các thiên sứ chọn ra và bỏ vào lò lửa.

Rô-ma 1:5 nhờ Chúa chúng ta đã nhận lãnh ân điển và chức sứ đồ, để đem mọi dân ngoại đến sự vâng phục của đức tin, vì danh Chúa, 
Rô-ma 16:26 mà bây giờ được bày ra, và theo lịnh Ðức Chúa Trời hằng sống, bởi các sách tiên tri, bày ra cho mọi dân đều biết, đặng đem họ đến sự vâng phục của đức tin, 

Hai câu Kinh Thánh trên Rô-ma 1:5 và Rô-ma 16:26 đều nói đến “sự vâng phục của đức tin”. Một đức tin chân thật thì bao gồm sự vâng phục. Khi chúng ta thực sự tin vào Chúa Giê-su thì chúng ta vâng phục lời dạy của Chúa, rồi chúng ta sẽ được biến đổi trở nên công nghĩa. Ngược lại nếu chúng ta không vâng phục lời dạy của Chúa, chúng ta không được biến đổi, chúng ta vẫn mang tội lỗi trầm trọng trong lòng và phạm tội lỗi thường xuyên. Rốt cuộc vào ngày tận thế, chúng ta sẽ bị ném vào lò lửa.

1 Giăng 2:14 Hỡi con trẻ, ta đã viết cho các con, vì các con đã biết Ðức Chúa Cha. Hỡi phụ lão, tôi đã viết cho các ông, vì các ông đã biết Ðấng có từ lúc ban đầu. Hỡi kẻ trẻ tuổi, ta đã viết cho các ngươi, vì các ngươi là mạnh mẽ, lời Ðức Chúa Trời ở trong các ngươi, và các ngươi đã thắng được kẻ ác là ma quỉ. 

Nguyên văn Hy Lạp của chữ “ác” chính là poneros. Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng những người mạnh mẽ có lời Đức Chúa Trời ở trong lòng thì sẽ thắng được kẻ ác là ma quỉ. Khi chúng ta vâng phục Đức Chúa Trời, thì chúng ta có thể thắng được kẻ ác là ma quỉ, chúng ta không bị tội lỗi ràng buộc nữa, chúng ta trở nên con người công nghĩa vậy.

(Trở về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

Phản Hồi

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.