Thâu Hiệp Cùng Với Chúa Giê-su Christ

Ma-thi-ơ 12:22 – 32

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

(Tải xuống bản in PDF) (Tải xuống bản nghe MP3)

Kỳ trước chúng ta đã học tập Ma-thi-ơ 12:16 – 21 tường thuật lời nói và việc làm của Chúa Giê-su đã ứng nghiệm hoàn toàn lời tiên tri của Ê-sai. Hôm nay chúng ta học tập đoạn Kinh Thánh kế tiếp Ma-thi-ơ 12:22 – 32. Bây giờ tôi sẽ giải thích đoạn Kinh Thánh này từng bước một.

Những người Pha-ri-si tố cáo Chúa Giê-su nhờ Bê-ên-xê-bun (Sa-tan) mà trừ quỉ

Ma-thi-ơ 12:22 – 24 22 Bấy giờ có kẻ đem đến cho Ðức Chúa Giê-su một người mắc quỉ ám, đui và câm; Chúa chữa cho, đến nỗi người câm nói và thấy được. 23 Chúng lấy làm lạ, mà nói rằng: “Có phải người đó là con cháu vua Ða-vít chăng?” 24 Song những người Pha-ri-si nghe vậy, thì nói rằng: “Người nầy chỉ nhờ Bê-ên-xê-bun là chúa quỉ mà trừ quỉ đó thôi.”

Đoạn Kinh Thánh trên thuật lại sự kiện Chúa Giê-su chữa lành một người mắc quỉ ám; Khi dân chúng thấy Chúa có thể chữa lành tất cả bịnh tật (xin đọc bài giảng trước “Sự Ứng Nghiệm Hoàn Toàn Của Lời Tiên Tri”), mà Chúa còn có thể trừ quỉ nữa, chúng bèn hỏi rằng: “Có phải người đó là con cháu vua Đa-vít chăng?” 

Từ ngữ “con cháu vua Đa-vít” mang một ý nghĩa đặc biệt:

Ma-thi-ơ 1:1 1 Gia phổ Ðức Giê-su Christ, con cháu Ða-vít và con cháu Áp-ra-ham.

Căn cứ theo câu Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 1:1, “con cháu Đa-vít” có nghĩa là Christ.

Ý nghĩa nguyên thủy của chữ “Christ” là “kẻ được xức dầu”. Nhưng trong Kinh Thánh, chữ “Christ” là tương đương với “con Đức Chúa Trời”.

Ma-thi-ơ 16:16 16 Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: “Chúa là Ðấng Christ, con Ðức Chúa Trời hằng sống.”
Ma-thi-ơ 26:63 63 Nhưng Ðức Chúa Giê-su cứ làm thinh. Thầy cả thượng phẩm lại nói với Chúa rằng: “Ta khiến ngươi chỉ Ðức Chúa Trời hằng sống mà thề, hãy nói cho chúng ta, ngươi có phải là Ðấng Christ, Con Ðức Chúa Trời chăng?”
Mác 1:1 1 Ðầu Tin Lành của Ðức Chúa Giê-su Christ, là Con Ðức Chúa Trời.
Giăng 11:27 27 Người thưa rằng: “Lạy Chúa, phải, tôi tin Chúa là Ðấng Christ, Con Ðức Chúa Trời, là Ðấng phải đến thế gian.
Giăng 20:31 31 Nhưng các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Ðức Chúa Giê-su là Ðấng Christ, tức là Con Ðức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Chúa mà được sự sống.

Tất cả những đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 16:16, Ma-thi-ơ 26:63, Mác 1:1, Giăng 11:27 và Giăng 20:31 đều chỉ ra rằng “Christ” có nghĩa là “Con Đức Chúa Trời”.

Bây giờ tôi tổng hợp lại những điểm đã tra khảo ở trên. Từ ngữ “con cháu vua Đa-vít” có nghĩa là “Christ”; mà “Christ” lại có nghĩa là “Con Đức Chúa Trời”, vậy “con cháu vua Đa-vít” có nghĩa là “Con Đức Chúa Trời”.

Khi người dân hỏi rằng Chúa Giê-su có phải là con cháu Đa-vít tức là Con Đức Chúa Trời chăng, thì những người Pha-ri-si nói rằng Chúa Giê-su chỉ là nhờ Bê-ên-xê-bun là chúa quỉ mà trừ quỉ thôi. Xin đế ý, phần nhiều người ta không quen thuộc với cái tên Bê-ên-xê-bun, thật ra Bê-ên-xê-bun tức là Sa-tan. Những người Pha-ri-si này chẳng những không tôn Chúa là Con Đức Chúa Trời, mà chúng còn tố cáo Chúa là dính líu với chúa quỉ Sa-tan nữa. Chúa Giê-su bèn giảng giải cho chúng một bài học.

Những người Pha-ri-si tự xét đoán chính mình

Ma-thi-ơ 12:25 – 28 25 Ðức Chúa Giê-su biết ý tưởng họ, thì phán rằng: “Một nước mà chia xé nhau thì bị phá hoang; một thành hay là một nhà mà chia xé nhau thì không còn được. 26 Nếu quỉ Sa-tan trừ quỉ Sa-tan, ấy là tự nó chia xé nhau; thì nước nó làm sao còn được ư? 27 Và nếu ta nhờ Bê-ên-xê-bun mà trừ quỉ, thì các ngươi nhờ ai mà trừ quỉ ư? Bởi đó, chính chúng nó sẽ xử đoán các ngươi vậy. 28 Mà nếu ta cậy Thánh Linh của Ðức Chúa Trời để trừ quỉ, thì nước Ðức Chúa Trời đã đến tận các ngươi.

Đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 12:25 – 28 gồm có những điểm chính sau:

  1. Nếu Chúa Giê-su nhờ chúa quỉ Sa-tan mà trừ quỉ, ấy là sự nội chiến bùng nổ trong nước của Sa-tan, và nước của nó hẳn sụp đổ.
  2. Những người Pha-ri-si cũng từng trừ quỉ; nếu Chúa Giê-su nhờ Sa-tan mà trừ quỉ, thì chúng nó cũng nhờ Sa-tan mà trừ quỉ thôi. Bởi vậy chính lời của chúng sẽ xét đoán chúng.
  3. Từ ngữ “nước Đức Chúa Trời” nên dịch là “vương quyền của Đức Chúa Trời”, tại vì nguyênn văn Hy Lạp của chữ “nước” là “βασιλεία” (basileia), chữ này có hai ý nghĩa; ý nghĩa thứ nhất là “quyền hành cai trị của ông vua” hay “vương quyền”, ý nghĩa thứ hai mới là “lãnh thổ của một nước”. Bởi vậy “nước Đức Chúa Trời” nên dịch là “vương quyền của Đức Chúa Trời”.
  4. Nếu Chúa Giê-su cậy Thánh Linh của Đức Chúa Trời để trừ quỉ thì những người Pha-ra-si cũng nhờ Thánh Linh mà trừ quỉ, bởi vậy quyền năng của Thánh Linh đã đến vào chúng. Thánh Linh là linh của Chúa Trời, quyền năng của Thánh Linh chính là quyền năng của Chúa Trời; Khi quyền năng của Thánh Linh đến vào những người Pha-ri-si tức là quyền năng của Chúa Trời đến vào chúng, hay nói một cách khác là vương quyền của Chúa Trời đã đến vào chúng.

Chúa Giê-su phải trói ma quỉ lại để giải cứu người bị quỉ ám

Ma-thi-ơ 12:29 29 Hay là, có lẽ nào, ai vào nhà một người mạnh sức để cướp lấy của, mà trước không trói người mạnh sức ấy được sao? Phải trói người rồi mới cướp của nhà người được.

Nguyên văn Hy Lạp của “nhà” là “οἰκία”, chữ này có thể dùng để chỉ về thân thể của người ta:

2 Cô-rinh-tô 5:1 1 Vả, chúng ta biết rằng nếu nhà tạm của chúng ta dưới đất đổ nát, thì chúng ta lại có nhà đời đời trên trời, bởi Ðức Chúa Trời, không phải bởi tay người làm ra.

Trong câu Kinh Thánh trên 2 Cô-rinh-tô 5:1 từ ngữ “nhà tạm” là chỉ về thân thể hay hư nát của chúng ta ở dưới đất, và từ ngữ “nhà đời đời” là chỉ về thân thể không hư nát bởi Đức Chúa Trời làm ta. Bất luận là nhà tạm hay nhà đời đời, nhà là chỉ về thân thể của chúng ta.

Trong Ma-thi-ơ 12:29 từ ngữ “một người mạnh sức” chỉ về ma quỉ, và “nhà” là thân thể; “nhà một người mạnh sức” chỉ về cái thân thể đang bị ma quỉ kiềm chế. Khi một người bị ma quỉ ám thì ma quỉ đoạt lấy thân thể của người ấy và khiến thân thể ấy trở thành một công cụ của nó.

Chữ “của” trong Ma-thi-ơ 12:29 không phải là của cải; Nguyên văn Hy Lạp của chữ “của” là “σκεῦος” (skeuos), căn cứ theo từ điển Hy Lạp Bauer-Danker khi chữ skeuos chỉ về người ta thì có nghĩa là một người thi hành một nhiệm vụ, một công cụ.

Bây giờ tôi tổng hợp lại ý nghĩa của câu Ma-thi-ơ 12:29 :

  1. “nhà” trong câu Kinh Thánh này là chỉ thân thể của người bị quỉ ám
  2. “của” có nghĩa là một công cụ.
  3. Ma quỉ đoạt lấy thân thể của một người thì nó khiến thân thể của người ấy thành ra một công cụ thi hành ý chỉ của nó
  4. Ai muốn giải cứu người ấy thì trước tiên phải trói ma quỉ lại, rồi mới có thể dành lại quyền khống chế từ tay của ma quỉ

Trận chiến giữa Chúa Giê-su và ma quỉ

Ma-thi-ơ 12:30 30 Ai không ở với ta, thì nghịch cùng ta; ai không thâu hiệp với ta, thì tan ra.

Chúa Giê-su đang tranh chiến với ma quỉ để giải cứu người đời. Trong trận chiến giữa Chúa và ma quỉ thì không có sự trung lập. Bởi vậy ai không ở với Chúa thì ở với ma quỉ, ấy là nghịch cùng Chúa. Chúa còn nói rằng “ai không thâu hiệp với ta, thì tan ra”. “thâu hiệp” có nghĩa là gì? Và “tan ra” có nghĩa là gì?

Nguyên văn Hy Lạp của “thâu hiệp” là “συνάγω” (sunago).

Ma-thi-ơ 13:30 30 Hãy để cho cả hai thứ cùng lớn lên cho đến mùa gặt; đến mùa gặt, ta sẽ dặn con gặt rằng: trước hết hãy nhổ cỏ lùng, bó lại từng bó mà đốt đi; song hãy thâu trử lúa mì vào kho ta.

(Ma-thi-ơ 13:30 là câu kết luận của ví dụ về cỏ lùng; xin các bạn đọc bài giảng “Ví Dụ Của Cỏ Lồng Vực” để hiểu rõ ý nghĩa của ví dụ này). Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “thâu trử” chính là sunago. Đến mùa gặt thì Chúa Giê-su sẽ dặn con gặt thâu trử lúa mì vào kho. Chừng nào mới là mùa gặt?

Ma-thi-ơ 13:39 39 kẻ nghịch thù gieo cỏ ấy, là ma quỉ; mùa gặt, là ngày tận thế; con gặt, là các thiên sứ.

Vậy mùa gặt là ngày tận thế. Đến ngày tận thế Chúa Giê-su sẽ sai các thiên sứ thâu trử lúa mì vào kho của Chúa. Mà kho của Chúa là gì?

Ma-thi-ơ 13:47 – 49 47 Nước thiên đàng cũng giống như một tay lưới thả xuống biển, bắt đủ mọi thứ cá 48 Khi lưới được đầy rồi, thì người đánh cá kéo lên bờ; đoạn, ngồi mà chọn giống tốt để riêng ra, đem bỏ vào rổ, còn giống xấu thì ném đi. 49 Ðến ngày tận thế cũng như vầy: các thiên sứ sẽ đến và chia kẻ ác với người công nghĩa ra, 50 ném những kẻ ác vào lò lửa; ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.

Nguyên văn Hy Lạp của chữ “bắt” trong câu 47 “bắt đủ mọi thứ cá” chính là “sunago” (thâu trử hay thâu hiệp); nhưng không phải hết thảy mọi thứ cá đều được chọn lựa. Khi lưới được đầy rồi, người đánh cá chọn lựa những cá tốt vào rổ, còn cá xấu thì ném đi. Chúa Giê-su kêu gọi tất cả mọi người trên thế gian, nhưng đến ngày tận thế chỉ có những người công nghĩa được chọn lựa vào nước Thiên Đàng, còn những kẻ ác sẽ bị quăng vào lò lửa.

Giăng 4:36 36 Con gặt đã lãnh tiền công mình và thâu chứa thành quả cho sự sống đời đời, hầu cho người gieo giống và con gặt được cùng nhau vui vẻ.

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “thâu chứa” trong Giăng 4:36 chính là “sunago” (thâu trử hay thâu hiệp). Con gặt thâu chứa thành quả cho sự sống đời đời; vậy được thâu chứa có nghĩa là được nhận vào sự sống đời đời .

Chúng ta tổng hợp lại tất cả những điểm trong 4 đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 13:30, Ma-thi-ơ 13:39, Ma-thi-ơ 13:47 và Giăng 4:36 thì ý nghĩa của “thâu hiệp” là rõ ràng lắm. Vào ngày tận thế, Chúa Giê-su sẽ sai các thiên sứ thâu chứa (thâu hiệp hay thâu trử) những người công nghĩa vào sự sống đời đời ở nước Thiên Đàng.

Còn “tan ra” trong Ma-thi-ơ 12:30 có nghĩa là gì? Nguyên văn Hy Lạp của “tan ra” là “σκορπίζω” (skorpizo)

Giăng 10:12 12 Kẻ chăn thuê chẳng phải là người chăn, và chiên không phải thuộc về nó. Nếu thấy muôn sói đến thì nó bỏ chiên chạy trốn; muôn sói cướp lấy chiên và khiến chiên tản lạc

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “tản lạc” trong Giăng 10:12 chính là “skorpizo”. Căn cứ theo ý nghĩa của câu Kinh Thánh này, con chiên bị tản lạc có nghĩa là bị muôn sói giết hại.

Giăng 16:32 32 Nầy, giờ đến, và đã đến rồi, là khi các ngươi sẽ tản lạc, ai đi đường nấy, và để ta lại một mình; nhưng ta không ở một mình, vì Cha ở cùng ta.

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “tản lạc” trong Giăng 16:32 cũng là “skorpizo”. Câu Kinh Thánh này là lời của Chúa Giê-su nói cùng các môn đồ trước khi Chúa bị bắt. Chúa cảnh cáo các môn đồ rằng chúng sẽ tản lạc, ai đi đường nấy, và để Chúa lại một mình. Vậy tản lạc có nghĩa là rời bỏ Chúa Giê-su và đi theo đường lối riêng của mình.

Ý nghĩa của hai đoạn Kinh Thánh trên Giăng 10:12 và Giăng 16:32 chỉ ra rằng “tản lạc” có nghĩa là làm hại cuộc sống thuộc linh của người ta, khiến người ta rời bỏ Chúa Giê-su và đi theo đường lối riêng của mình.

Chúa Giê-su nói rằng “ai không thâu hiệp với ta, thì tan ra” có nghĩa là những người không đồng công với Chúa để thâu hiệp người đời vào nước Thiên Đàng, chúng sẽ làm hại cuộc sống thuộc linh của người ta, khiến người ta rời bỏ Chúa và đi theo đường lối riêng của mình.

Lời cảnh cáo của Chúa Giê-su cho mọi người

Ma-thi-ơ 12:31 – 32 31 Ấy vậy, ta phán cùng các ngươi, các tội lỗi và lời phạm thượng của người ta đều sẽ được tha; song lời phạm thượng đến Ðức Thánh Linh thì sẽ chẳng được tha đâu. 32 Nếu ai nói phạm đến Con của loài người, thì sẽ được tha; song nếu ai nói phạm đến Ðức Thánh Linh, thì dầu đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha.

Đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 12:31 – 32 là một lời cảnh cáo rất nghiêm trọng, chúng ta phải lắng nghe:

  1. Lời cảnh cáo này là liên quan đến Ma-thi-ơ 12:25 – 28 ở phần trên, đoạn Kinh Thánh đó thuật lại sự kiện Chúa Giê-su nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh mà trừ quỉ, mà những người Pha-ri-si lại nói rằng Chúa cậy quyền năng của chúa quỉ Satan mà trừ quỉ. Này là một tội báng bổ phạm thượng, Chúa khiển trách chúng nó rằng chính lời nói và việc làm của chúng sẽ xét đoán chúng.
  2. Người nào phạm tội lỗi và nói phạm thượng nghịch với Con của loài người (tức là Chúa Giê-su) sẽ được tha thứ nếu người ấy ăn năn hối cải từ trong lòng. Nhưng nếu người ta phạm tội và nói phạm thượng nghịch với Đức Thánh Linh của Chúa Trời thì dầu đời này hay đời sau cũng chẳng được tha, hay nói một cách khác là không bao giờ được tha thứ.

Kết Luận

Chúa Giê-su đến thế gian để thâu hiệp người đời vào nước Thiên Đàng; nhưng hết thảy người đời đều nằm dưới quyền hành của ma quỉ, bởi vậy Chúa phải tranh chiến với ma quỉ để cứu vớt người đời. Trong trận chiến này thì không có sự trung lập, ai không ở cùng với Chúa thì ở cùng với ma quỉ. Chúng ta là những người đã được giải cứu khỏi quyền hành của ma quỉ, chúng ta nên đồng công với Chúa để giải cứu người khác. Nếu chúng ta không đồng công với Chúa thì rốt cuộc chúng ta trợ giúp ma quỉ, tại vì lời nói và việc làm của ta sẽ khiến người ta vấp ngã mà lìa khỏi đường lối của Chúa. Bởi vậy chúng ta phải rất cẩn thận về lời nói và việc làm của mình; nếu chúng ta nói phạm thượng nghịch với Chúa Giê-su thì ta phải ăn năn hối cải liền, và Chúa Trời sẽ tha tội cho ta; nhưng nếu chúng ta nói phạm thượng nghịch với Đức Thánh Linh của Chúa Trời thì không bao giờ được ta thội.

(Trở về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

Phản Hồi

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.