Tôi Mang Dấu Vết Của Đức Giê-su Trên Thân Thể Tôi

Bài Giảng Luận Lễ Phục Sinh (8)

Ga-la-ti 6:17

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

(Tải xuống bản in PDF) (Tải xuống bản nghe MP3)

Mổi năm vào ngày Lễ Phục Sinh, Tín Đồ Cơ Đốc thường hay nói về Đức Chúa Giê-su đã chịu chết trên cây thập tự vì tội lỗi của chúng ta, và Chúa đã phục sinh từ kẻ chết, nếu chúng ta tin vào Chúa thì tất cả tội lỗi của chúng ta đều được tha thứ, và trong tương lai chúng ta cũng được phục sinh và được hưởng sự sống đời đời. Những điều này là hoàn toàn chân thật và rất tốt, nhưng sau khi chúng ta đã được cứu rỗi thì cuộc sống của chúng ta là như thế nào? Và chúng ta nên làm gì để phụng sự Đức Chúa Giê-su?

Hôm nay để kỷ niệm sự phục sinh của Đức Chúa Giê-su tôi muốn nói về Tín Đồ Cơ Đốc làm tôi mọi của Chúa.

Ga-la-ti 6:17 17 Từ nay về sau, đừng ai quấy rầy tôi nữa. Vì tôi mang dấu vết của Đức Giê-su trên thân thể tôi.

Sứ đồ Phao lô nói rằng người mang dấu vết của Đức Giê-su trên thân thể người. Dấu vết của Đức Giê-su có nghĩa là gì ? Chẳng lẽ trên thân thể của sứ đồ có cái tên của Đức Chúa Giê-su chăng? Lẽ dĩ nhiên là không phải như vậy!

Nghĩa đen của từ ngữ “dấu vết của Đức Giê-su”

Căn cứ theo ý kiến của nhiều học giả Kinh Thánh, sứ đồ Phao-lô dùng từ ngữ “dấu vết của Đức Giê-su” để chỉ về những vết thương và sẹo trên thân thể của người gây nên bởi những khổ nạn mà người đã chịu đựng trong việc truyền giảng Tin Lành.

Quả thật sứ đồ Phao-lô đã chịu rất nhiều khổ nạn vì truyền giảng Tin Lành của Đức Chúa Giê-su:

Công Vụ Các Sứ Đồ 16:22 – 24 22 Đoàn dân cũng hùa nhau nổi lên chống nghịch các sứ đồ. Các thẩm phán ra lệnh xé áo và đánh đòn hai ông. 23 Sau khi đánh đòn, các thẩm phán cho tống giam các sứ đồ và truyền giám ngục canh giữ cẩn mật. 24 Được lệnh, giám ngục giam hai ông vào ngục kín và cùm chân lại.

Đoạn Kinh Thánh trên Công Vụ Các Sứ Đồ 16:22 – 24 thuật lại sự kiện dân chúng nổi lên chống nghịch hai sứ đồ Phao-lô và Si-la, rồi các ông quan địa phương truyền lệnh đánh đòn hai sứ đồ và bỏ chúng vào tù ngục.

Nhưng hai sứ đồ đã phạm tội lỗi gì mà phải chịu trừng phạt như vậy? Thật ra hai sứ đồ không có phạm tội lỗi gì cả, nhưng chỉ vì sứ đồ Phao-lô nhân danh của Đức Chúa Giê-su Christ để trừ quỉ mà gây nên cuộc hỗn loạn này:

Công Vụ Các Sứ Đồ 16:16 – 21 16  Một hôm, đang đi đến nơi cầu nguyện, gặp một cô gái nô lệ bị quỷ bói khoa ám. Cô dùng thuật bói toán thu lợi nhiều cho chủ. 17 Cô cứ theo Phao-lô và chúng tôi, la lớn tiếng: “Những người này là đầy tớ của Đức Chúa Trời Chí Cao! Họ rao truyền cho quý vị con đường cứu rỗi!” 18 Cứ thế nhiều ngày liên tiếp, Phao-lô rất bực mình nên quay lại bảo tà linh: “Nhân danh Chúa Giê-su Christ, ta ra lệnh cho ngươi phải xuất khỏi cô này!” Quỷ liền ra khỏi cô ấy ngay giờ phút đó.  19 Các chủ của cô nhận thấy không còn hy vọng trục lợi nữa liền bắt Phao-lô và Si-la kéo đến quảng trường, nộp cho nhà chức trách. 20 Họ điệu hai ông ra tòa, trước các thẩm phán mà tố cáo: “Các tên này là người Do Thái, đã gây loạn trong thành phố chúng ta, 21 tuyên truyền những tục lệ mà công dân La Mã chúng ta không được phép chấp nhận hoặc thi hành.”  

Đoạn Kinh Thánh trên chỉ ra rằng ấy là tại vì một cô gái nô lệ bị quỷ bói khoa ám, rồi cô dùng thuật bói toán kiếm được nhiều tiền cho các người chủ của cô. Khi cô này gặp các sứ đồ thì ma quỉ trong thân thể cô nhận thấy rằng các sứ đồ là đầy tớ của Đức Chúa Trời tối cao, rồi cô này cứ đi theo các sứ đồ và kêu la lớn tiếng rằng: “Những người này là đầy tớ của Đức Chúa Trời Chí Cao! Họ rao truyền cho quý vị con đường cứu rỗi!”. Ngày nào ngày nấy cô cứ làm như vậy, sứ đồ Phao-lô bèn ra lệnh bảo tà linh rằng: “Nhân danh Chúa Giê-su Christ, ta ra lệnh cho ngươi phải xuất khỏi cô này!” Ngay lập tức tà linh ra khỏi cô, nhưng sau khi tà linh đi rồi thì cô này không thể dùng thuật bói toán để kiếm tiền cho các người chủ nữa. Cho nên các người chủ tức giận và bắt hai sứ đồ lại, rồi giao cho ông quan địa phương. Ông quan truyền lệnh đánh đòn chúng và bỏ chúng vào tù ngục.

Sự kiện trên chỉ là một trong rất nhiều lần sứ đồ Phao-lô bị giam cầm và bị đánh đòn vì rao truyền Tin Lành của Đức Chúa Giê-su. Chính sứ đồ đã tóm tắt lại bao nhiêu khốn khổ của người bằng những lời sau đây:

2 Cô-rinh-tô 11:24 – 28 Năm lần tôi bị người Do Thái đánh đòn, mỗi lần chỉ thiếu một roi đầy bốn chục. 25 Ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần chìm tàu, một ngày một đêm lênh đênh trên biển cả. 26 Trong nhiều cuộc hành trình, tôi bị nguy hiểm trên sông ngòi, nguy hiểm vì trộm cướp, nguy hiểm vì chính dân mình, nguy hiểm nơi dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, nơi sa mạc, ngoài biển, nguy hiểm vì các anh chị em giả, 27 lao lực, khó nhọc, nhiều lúc thức đêm, chịu đói chịu khát, nhiều khi bị đói khát, rét buốt và trần truồng, 28 chưa kể những việc khác, mỗi ngày tôi băn khoăn lo lắng cho tất cả các Hội Thánh.

Quả thật sứ đồ Phao-lô đã chịu đựng rất nhiều khổ nạn trong việc truyền giảng Tin Lành, những khổ nạn này đã để lại vết thương và sẹo trên thân thể của người. Nhưng người chẳng những không than vãn, mà người còn coi những vết thương này là dấu vết của Đức Giê-su nữa.

Ý nghĩa thuộc linh (tức là nghĩa bóng) của từ ngữ “dấu vết của Đức Giê-su”

Từ ngữ “dấu vết của Đức Giê-su” còn mang một ý nghĩa thuộc linh nữa. Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “dấu vết” là “στίγμα” (s-tig-ma). Chữ Hy Lạp “στίγμα” (s-tig-ma) chỉ về dấu vết trên thân thể của một tôi mọi hay một người lính để chỉ rõ tên người chủ của tôi mọi hay tên quan chỉ huy của người lính. Sứ đồ Phao-lô coi vết thương trên thân thể người là dấu hiệu chứng tỏ rằng người là tôi mọi của Đức Giê-su Christ.

Trong bất cứ xã hội nào và trong bất cứ thời đại nào, tôi mọi đều bị người ta khink miệt. Nhưng sứ đồ Phao-lô lớn tiếng tuyên bố rằng người là tôi mọi của Đức Giê-su, người coi ấy là một vinh diệu lớn lao.

Cuộc sống tôi mọi của Đức Chúa Giê-su

Bây giờ chúng ta muốn tìm hiểu cuộc sống tôi mọi của Đức Giê-su là như thế nào?

1. Vác thập tự giá mình mà theo Đức Chúa Giê-su

Đầu tiên một người tôi mọi của Đức Chúa Giê-su thì phải vác thập tự giá của mình mà theo Chúa.

Ma-thi-ơ 16:24 24 Ðức Chúa Giê-su bèn phán cùng môn đồ rằng: “Nếu ai muốn theo ta, thì phải từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.”

Thập tự giá là công cụ để xử tử tội nhân. Trong thời của Đế Quốc La Mã, tội nhân phải vác thập tự giá của mình đi đến chỗ hành hình, rồi các binh lính sẽ đóng đinh tên tội nhân trên thập tự giá đó.

Trong câu Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 16:24, Đức Chúa Giê-su nói rằng nếu ai muốn đi theo Chúa làm môn đồ của Chúa, thì phải sẵn sàng từ bỏ cuộc sống của mình, rồi vác thập tự giá của mình tức là sẵn sàng chịu xử tử trên thập tự giá, rồi mới đi theo Chúa.

Lu-ca 14:27 27 Ai không vác thập tự giá mình mà theo ta thì không thể nào làm môn đồ ta  

Đức Chúa Giê-su còn nói rằng ai không vác thập tự giá mình, có nghĩa là không muốn bị xử tử trên thập giá thì không thể nào làm môn đồ của Chúa.

Quả thật trong suốt 2000 năm qua, vô số môn đồ của Đức Chúa Giê-su đã bị bỏ tù hoặc xử tử. Trong mười hai sứ đồ của Chúa, ngoại trừ sứ đồ Giăng bị bỏ tù ở đảo Bát-mô, (tham khảo Khải Huyền 1:9) còn mười một sứ đồ khác đều bị xử tử, đặc biệt là sứ đồ Phi-e-rơ bị đóng đinh trên thập giá.

Xã hội ngày nay thì không còn xử tử tội nhân trên thập giá nữa, nhưng tại nhiều nơi trên thế giới Tín Đồ Cơ Đốc vẫn bị người đời đàn áp và giết hại. Nếu chúng ta không muốn bị đàn áp và giết hại, thì chúng ta không thể làm môn đồ của Chúa. Nếu ai muốn đi theo Đức Chúa Giê-su thì đầu tiên phải sẵn sàng bị người đời đàn áp và giết hại.

2. Cắt đứt sự ràng buộc và quyến rũ của thế gian

Ga-la-ti 6:14 14 Còn về phần tôi, tôi không khoe khoang, ngoại trừ khoe về thập tự giá của Chúa Giê-su Christ chúng ta. Nhờ thập tự giá đó, thế gian đã bị đóng đinh đối với tôi và tôi đối với thế gian cũng vậy.

Nhờ thập tự giá mà thế gian đã bị đóng đinh đối với sứ đồ Phao-lô và sứ đồ cũng đã bị đóng binh đối với thế gian. Câu này có nghĩa là gì? Khi một người bị đóng đinh trên thập giá, thì người đó không cử động được nữa, rồi từ từ chết đi. Khi thế gian bị đóng đinh thì thế gian không thể làm gì để cám dỗ sứ đồ Phao-lô nữa; khi sứ đồ Phao-lô bị đóng đinh thì sứ đồ không thể đụng đến thế gian hay chộp lấy những điều của thế gian nữa. Hay nói một cách trực tiếp là nhờ thập tự giá mà sứ đồ đã cắt đứt sự ràng buộc và quyến rũ của thế gian.

3. Trung tín

1 Cô-rinh-tô 4:2 2 Vả lại, cái điều người ta trông mong nơi người quản trị là phải trung tín.

Sứ đồ Phao-lô nói rằng cái đức tính mà người ta trông mong nơi người quản trị là trung tín. Có người sẽ nói rằng đoạn Kinh Thánh này nói về người quản trị chứ không phải nói về tôi mọi. Hỡi các bạn ơi, trong xã hội của Đế Quốc La Mã có rất nhiều tôi mọi, nhiều khi những người giáo sư, luật sư, nghệ sĩ cũng là tội mọi. Bởi vậy một người quản trị của gia đình giàu có thì hẳn là tôi mọi của người chủ.

Nếu chúng ta quả thật là tôi mọi của Đức Chúa Giê-su thì chúng ta phải trung tín với Chúa. Một người tôi mọi trung tín là như thế nào?

Ma-thi-ơ 25:21 21 Chủ nói với người rằng: “Hỡi đày tớ tốt và trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi.”

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “đày tớ” là “δοῦλος” (doulos), có nghĩa là tôi mọi. Đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 25:21 là lời của người chủ khen ngợi tên đày tớ là tốt và trung tín. Tên đày tớ đã làm gì mà người chủ lại khen ngợi nó là tốt và trung tín?

Ma-thi-ơ 25:14 – 23 14 Vả, nước thiên đàng sẽ giống như một người kia, khi đi đường xa, gọi các đầy tớ mà giao của cải mình. 15 Chủ đó cho người nầy năm ta-lâng, người kia hai, người khác một, tùy theo tài mỗi người; đoạn, chủ lên đường. 16 Tức thì, người đã nhận năm ta-lâng đi làm lợi ra, và được năm ta-lâng khác. 17 Người đã nhận hai ta-lâng cũng vậy, làm lợi ra được hai ta-lâng nữa. 18 Song người chỉ nhận một thì đi đào lỗ dưới đất mà giấu tiền của chủ. 19 Cách lâu ngày, chủ của những đầy tớ ấy trở về khiến họ tính sổ. 20 Người đã nhận năm ta-lâng bèn đến, đem năm ta-lâng khác nữa, và thưa rằng: “Lạy chúa, chúa đã cho tôi năm ta-lâng; đây nầy, tôi làm lợi ra được năm ta-lâng nữa.” 21 Chủ nói với người rằng: “Hỡi đầy tớ tốt và trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi.” 22 Người đã nhận hai ta-lâng cũng đến mà thưa rằng: “Lạy chúa, chúa đã cho tôi hai ta-lâng; đây nầy, tôi đã làm lợi ra được hai ta-lâng nữa.” 23 Chủ đáp rằng: “Hỡi đầy tớ tốt và trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi.”

Đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 25:14 – 23 là phần đầu của một ví dụ Đức Chúa Giê-su giảng giải cho các môn đồ. Một người chủ đi đường xa, người giao của cải của mình cho các đầy tớ. Người chủ cho người này 5 ta-lâng bạc, người kia 2 ta-lâng, và người khác 1 ta-lâng, tùy theo khả năng của mỗi người. Rồi người chủ lên đường. Người đã nhận được 5 ta-lâng dùng món tiền đó để làm buôn bán, và lời được 5 ta-lâng. Tương tự như vậy người nhận được 2 ta-lâng cũng đi làm buôn bán và lời được 2 ta-lâng. Nhưng người nhận được 1 ta-lâng đi đào một cái lỗ dưới đất để giấu tiền của chủ. Sau lâu ngày, người chủ trở về. Người đã nhận được 5 ta-lâng đến và đem thêm 5 ta-lâng khác nữa; người dâng hết thảy 10 ta-lâng lên cho chủ. Người chủ rất vui mừng và khen ngợi tên đầy tớ là tốt và trung tín, vì người đã trung tín trong việc nhỏ, người chủ lập tên đầy tớ này coi sóc nhiều việc khác. Tương tự như vậy người đã nhận được 2 ta-lâng đến và đem thêm 2 ta-lâng khác, người chủ cũng khen ngợi đầy tớ này là tốt và lập người coi sóc nhiều việc khác. (Xin các bạn hãy đọc tiếp Ma-thi-ơ 25:24 – 30 để biết rõ toàn bộ ví dụ này)

Ví dụ này chỉ ra rằng:

  • Một đầy tớ trung tín thì vâng giữ hoàn toàn mệnh lệnh của người chủ cho dù người chủ đi đường xa
  • Một đầy tớ trung tín thì chăm lo cho lợi ích của người chủ
Ma-thi-ơ 24:45 45 Ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan, mà người chủ đặt cai quản cả gia đình để cho đồ ăn đúng giờ?

Trong đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 24:45, Đức Chúa Giê-su dạy rằng một người đầy tớ trung tín cung cấp cho cả gia đình đồ ăn đúng giờ. Lẽ dĩ nhiên Chúa không phải nói về đồ ăn cho thân thể, mà Chúa đang nói về đồ ăn thuộc linh tức là lời của Đức Chúa Trời. Một người đầy tớ trung tín của Đức Chúa Giê-su thì phải cung cấp thường xuyên đồ ăn thuộc linh tức là lời dạy của Đức Chúa Trời cho các anh chị em Tín Đồ.

Khải Huyền 2:10 10 Ngươi chớ ngại điều mình sẽ chịu khổ. Nầy, ma quỉ sẽ quăng nhiều kẻ trong các ngươi vào ngục, hầu cho các ngươi bị thử thách; các ngươi sẽ bị hoạn nạn trong mười ngày. Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mũ triều thiên của sự sống.

Đoạn Kinh Thánh trên Khải Huyền 2:10 chỉ ra rằng ma quỉ hẳn đàn áp giết hại các môn đồ của Đức Chúa Giê-su, nhưng chúng ta phải gìn giữ trung tín với Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-su Christ cho đến chết. Vậy trung tín tức là sẵn sàng chịu chết vì Đức Chúa Trời Gia-vê và Đức Chúa Giê-su Christ.

Bây  giờ tôi tóm tắt lại những điểm về đức tính của một người đầy tớ trung tín:

  • vâng giữ hoàn toàn mệnh lệnh của người chủ cho dù người chủ đi đường xa
  • chăm lo cho lợi ích của người chủ
  • cung cấp thường xuyên thức ăn thuộc linh tức là lời dạy của Đức Chúa Trời cho các đầy tớ khác.
  • sẵn sàng chịu chết vì Đức Chúa Trời Gia-vê và Đức Chúa Giê-su Christ.

4. Khoe mình trong Chúa

1 Cô-rinh-tô 1:31 31 hầu cho, như có lời chép rằng: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa.

Các bạn chắc kinh ngạc lắm. Tại sao tự nhiên lại nói đến chuyện khoe mình? Chẳng những thế, tôi mọi của Đức Chúa Giê-su thì nên khoe mình trong Chúa nữa! Tại sao vậy? Bây giờ để tôi giải thích cho các bạn từng bước một.

Đoạn Kinh Thánh trên 1 Cô-rinh-tô 1:31 là trích dẫn từ Giê-rê-mi 9:24. Bây giờ chúng ta tra khảo Giê-rê-mi 9:24 để tìm hiểu “khoe mình trong Chúa” có nghĩa là gì.

Giê-rê-mi 9:24 24 Nhưng kẻ nào khoe mình, hãy khoe mình về điều này: Người ấy hiểu biết và nhận thức rằng ta là Ðức Gia-vê, là Ðấng làm ra thi hành nhân từ thương xót, công bằng và chính nghĩa trên đất; vì ta ưa thích những sự ấy, Ðức Gia-vê phán vậy.

Đoạn Kinh Thánh Giê-rê-mi 9:24 chỉ ra rằng khoe mình trong Chúa không phải khoe khoang mình tài cao học rộng, nhưng là khoe mình hiểu biết và nhận thức Đức Chúa Trời Gia-vê là Đấng làm ra sự thương xót, công bằng và chính nghĩa trên đất. Chỉ khi chúng ta đã cùng đi với Đức Chúa Trời trong nhiều năm rồi chúng ta mới có sự hiểu biết và nhận thức sâu sắc như thế. Ai hiểu biết và nhận thức Đức Chúa Trời Gia-vê sâu sắc như thế thì hẳn là người làm vừa lòng Ngài.

5. Khoe mình về sự yếu đuối của mình

2 Cô-rinh-tô 11:30 30 Nếu tôi phải khoe mình, tôi sẽ khoe mình về những điều yếu đuối của tôi.  

Trong đoạn Kinh Thánh trên 2 Cô-rinh-tô 11:30 sứ đồ Phao-lô nói rằng người sẽ khoe mình về những yếu đuối của mình chứ không phải khoe khoang về tài năng của mình. Tại sao vậy?

2 Cô-rinh-tô 12:9 – 10  9 Nhưng Chúa phán rằng: “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Ðấng Christ ở trong tôi. 10 Cho nên tôi vì Ðấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nha, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.

Trong đoạn Kinh Thánh trên 2 Cô-rinh-tô 12:9 – 10, sứ đồ Phao-lô trích dẫn lời của Đức Chúa Giê-su nói với người rằng ân điển của Chúa là đủ cho người rồi, và sức mạnh của Chúa là trọn vẹn trong sự yếu đuối của người. Khi sứ đồ càng yêu đuối thì Chúa càng gia tăng ân điển và sức mạnh cho người. Bởi vậy sứ đồ Phao-lô vui lòng khoe mình về sự yếu đuối của mình, hầu cho Đấng Christ gia tăng sức mạnh cho người. Và sứ đồ vui lòng chịu đựng sự yếu đuối, nhuốc nha, túng ngặt, bắt bớ, khốn khổ, tại vì khi sứ đồ càng yếu ớt, thì sức mạnh của Đấng Christ càng lớn lao.

Kết Luận

Bây giờ tôi tóm tắt lại tất cả những điểm trên. Sứ đồ Phao-lô coi các vết thương trên thân thể người là dấu hiệu chứng tỏ rằng người là tôi mọi của Đức Chúa Giê-su. Sứ đồ coi làm tôi mọi của Chúa là một vinh diệu lớn lao.

Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta đều cảm tạ tình thương yêu vô biên của Đức Chúa Giê-su, nhưng chúng ta có vui lòng làm tôi mọi của Chúa và đi theo con đường của Chúa không? Vì yêu thương tội nhân mà Đức Chúa Giê-su tự nguyện hy sinh mạng sống của mình để cứu chuộc chúng ta. Nếu chúng ta muốn đi theo Chúa thì ta phải sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để cứu chuộc người đời.

(Trở về Trang Chủ)

Phản Hồi

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.