Trồng Cây Tốt thì Trái Cũng Tốt

Ma-thi-ơ 12:33 – 37  

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

(Tải xuống bản in PDF) (Tải xuống bản nghe MP3)

Kỳ trước chúng ta đã học tập đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 12:22 – 32 thuật lại sự kiện Chúa Giê-su nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh để chữa lành một người bị quỉ ám. Nhưng các  người Pha-ri-si lại nói rằng Chúa chỉ là nhờ quỉ Sa-tan mà trừ quỉ thôi. Chúa khiển trách họ đã nói phạm thượng nghịch với Đức Thánh Linh, ấy là một tội lỗi rất mực nghiêm trọng dầu trong đời này hay đời sau cũng không được tha thứ.

Hôm nay chúng ta tra khảo đoạn Kinh Thánh kế tiếp:

Ma-thi-ơ 12:33 – 37 33 Hoặc trồng cây tốt thì trái cũng tốt, hoặc trồng cây xấu thì trái cũng xấu; vì xem trái thì biết cây. 34 Hỡi dòng dõi rắn lục; các ngươi vốn là độc ác, làm sao nói được sự tốt? Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. 35 Người lành do nơi đã chứa điều lành mà phát ra điều lành; nhưng kẻ dữ do nơi đã chứa điều ác mà phát ra điều ác. 36 Nhưng ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời cẩu thả mà mình đã nói; 37 vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được ban cho công nghĩa, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị kết án.

Phẩm chất ở bên trong thể hiện ra bên ngoài

Trong đoạn Kinh Thánh này, Chúa Giê-su tiếp tục giảng dạy bài học thuộc linh cho các người Pha-ri-si. Trái bày tỏ ra phẩm chất của cái cây; nếu phẩm chất bên trong của cây là tốt thì trái cũng tốt, ngược lại nếu phẩm chất bên trong của cây là xấu thì trái cũng xấu. Con người thì tương tự như vậy, lời nói bày tỏ ra phẩm chất của con người; nếu phẩm chất bên trong của con người là tốt thì lời nói cũng tốt, nếu phẩm chất bên trong của con người là xấu thì lời nói cũng xấu. Chúa Giê-su khiển trách những người Pha-ri-si là dòng dõi rắn lục; khi tâm hồn của họ là độc ác, thì lời nói của họ cũng là độc ác. Chúa cảnh cáo họ rằng vào ngày Phán Xét, người ta đều phải khai ra tất cả mọi lời cẩu thả mà họ đã nói. Căn cứ vào lời nói của họ mà họ sẽ được ban cho công nghĩa hoặc sẽ bị kết án.

Xin các bạn để ý, lời cảnh cáo này là cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ là cho các người Pha-ri-si thôi.  Vậy chúng ta phải làm gì bây giờ?

  • Lời nói của chúng ta phải biến đổi từ cẩu thả trở nên ân hậu.
  • Tâm hồn của chúng ta phải biến đổi từ độc ác trở nên tốt lành.

Ý nghĩa của cẩu thả trong Kinh Thánh

Trước tiên chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của “cẩu thả” trong Kinh Thánh. Các bạn chắc nghĩ rằng chúng ta đều hiểu cẩu thả là nghĩa gì, ai lại không hiểu ý nghĩa của cẩu thả. Hỡi các bạn ơi, có nhiều từ ngữ trong Kinh Thánh có ý nghĩa khác biệt với ý nghĩa thông thường, bởi vậy chúng ta thường phải tra khảo Kinh Thánh để hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ đó trong Kinh Thánh.

Nguyên văn Hy Lạp của “cẩu thả” là “ἀργός” (argos).

1 Ti-mô-thê 5:13 13 Đồng thời họ còn học thói ăn không ngồi rồi, chạy từ nhà này sang nhà khác; còn thày lay thóc mách, hay nói những việc không đáng nói nữa.

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “ăn không ngồi rồi” trong đoạn Kinh Thánh trên chính là chữ “argos” (tức là cẩu thả). Vậy căn cứ theo đoạn Kinh Thánh này 1 Ti-mô-thê 5:13 những người cẩu thả là những người thày lay thóc mách và hay nói những việc không đáng nói.

Gia-cơ 2:20 20 Nhưng, hỡi người vô trí kia, ngươi muốn biết chắc rằng đức tin không có hành động là vô ích chăng?

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “vô ích” chính là chữ “argos” (tức là cẩu thả). Căn cứ theo đoạn Kinh Thánh này Gia-cơ 2:20 những người cẩu thả là những người có đức tin mà không có hành động, họ nói rằng họ tin vào Đức Chúa Trời Gia-vê, nhưng họ lại không vâng giữ lời của Ngài.

Hai đoạn Kinh Thánh trên 1 Ti-mô-thê 5:13 và Gia-cơ 2:20 chỉ ra rằng những người ăn nói cẩu thả là:

  • những người thày lay thóc mách và hay nói những việc không đáng nói,
  • những người có đức tin mà không có hành động, họ nói rằng họ tin vào Đức Chúa Trời Gia-vê, nhưng họ lại không vâng giữ lời của Ngài.

Lời nói của chúng ta phải biến đổi từ cẩu thả trở nên ân hậu

Trong Ma-thi-ơ 12:34 Chúa Giê-su nói rằng ấy là do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. Nếu chúng ta là con người cẩu thả, thì chúng ta hẳn nói lời cẩu thả. Nếu chúng ta muốn tránh nói lời cẩu thả thì phải thanh tẩy tính cẩu thả trong lòng. Lẽ dĩ nhiên chúng ta không thể tự mình thanh tẩy tính cẩu thả của mình, chúng ta phải kêu cầu Đức Chúa Trời thanh tẩy tính cẩu thả trong tâm hồn của ta và biển đổi chúng ta trở thành một người lời nói ân hậu.

Cô-lô-se 4:6 6 Lời nói của anh em phải luôn có ân hậu, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào.

Trong Kinh Thánh, công dụng của muối là tẩy uế (xin đọc bài giảng “Muối Của Đất” để hiểu rõ lời giải thích), vậy lời nói của chúng ta cần phải nêm thêm muối có nghĩa là chúng ta phải nói những lời làm sạch tâm hồn của người nghe. Còn lời nói luôn có ân hậu có nghĩa là tạ ơn Chúa Trời thường xuyên:

  • Người đời thường hay than phiền cằn nhằn về hầu hết tất cả mọi việc. Chúng ta không nên làm như họ, chúng ta phải tạ ơn Chúa Trời đã ban sự sống và mọi điều cần thiết cho ta, chúng ta cũng tạ ơn những người đã giúp đỡ ta.
  • Người đời thường hay cười nhạo chê bai người khác, nhất là khi họ thấy người khác thất bại làm hỏng việc thì họ mừng lắm, mà chúng ta thì nên quan tâm khuyến khích kẻ nghèo khổ và kẻ thất bại.
  • Người đời thường hay khoe khoang đề cao chính mình, và làm hạ người khác xuống, mà chúng ta thì nên khiêm nhường và tự hạ mình xuống trước mặt Chúa Trời, chúng ta chỉ đề cao Chúa Trời thôi.
  • Người đời thường hay nói dối đánh lừa người khác, còn chúng ta thì luôn luôn nói ra lẽ thật bằng lòng yêu thương.

Ý nghĩa của độc ác trong Kinh Thánh

Bây giờ chúng ta tiếp tục tìm hiểu để coi coi phải làm gì hầu cho tâm hồn của chúng ta từ độc ác trở nên tốt lành.

Đầu tiên chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa của độc ác trong Kinh Thánh. Các bạn chắc nghĩ rằng tôi đâu có độc ác, tôi không hề làm hại người nào cả. Hỡi các bạn ơi, các bạn phải nhớ rằng độc ác trong Kinh Thánh không phải chỉ là giết hại người ta; ý nghĩa của độc ác trong Kinh Thánh thì rất khác biệt với ý nghĩa thông thường của độc ác.

Chúng ta tra khảo từ ngữ “độc ác” trong câu Ma-thi-ơ 12:34 để hiểu rõ căn cứ theo Kinh Thánh một người độc ác là như thế nào. Nguyên văn Hy Lạp của “độc ác” là “πονηρός” (poneros).

1. Độc ác là tính tình của ma quỉ

Giăng 17:15 15 Con không cầu xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ an toàn khỏi kẻ ác.

Từ ngữ “kẻ ác” chính là ma quỉ Sa-tan. Bởi vậy độc ác là tính tình của ma quỉ.

2. Độc ác là dính liền với bất tin

Hê-bơ-rơ 3:12 12 Hỡi anh em, hãy giữ lấy, kẻo ai trong anh em có lòng độc ác và bất tin mà lìa bỏ Ðức Chúa Trời hằng sống chăng.

Đoạn Kinh Thánh trên Hê-bơ-rơ 3:12 chỉ ra rằng tính độc ác là dính liền với bất tin. Đức tin trong Kinh Thánh không phải chỉ là tin tưởng trong đầu óc thôi, đức tin còn bao gồm sự vâng phục nữa. Nếu chúng ta không chịu vâng theo lời của Chúa Trời Đức Gia-vê thì chúng ta không tin vào Ngài và Chúa Giê-su Christ, và tâm hồn của chúng ta sẽ trở nên ngày càng độc ác.

3. Những ác tưởng trong lòng

Ma-thi-ơ 15:19 19 Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và vu cáo.

Nguyên văn Hy Lạp của chữ “ác” trong câu Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 15:19 chính là “poneros”. Căn cứ theo câu Kinh Thánh này những ý tưởng độc ác trong lòng là ác tưởng giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và vu cáo.

4. Độc ác là không có lòng thương xót người ta

Ma-thi-ơ 18:32 – 33 32 Chủ bèn đòi đầy tớ ấy đến mà nói rằng: “Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta; 33 ngươi há lại chẳng nên thương xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương xót ngươi sao?

Đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 18:32 – 33 chỉ ra rằng một người độc ác (poneros) thì không có lòng thương xót người ta. Nếu chúng ta không có lòng thương xót người ta thì tâm hồn chúng ta là độc ác.

5. Độc ác là liên quan đến thái độ khinh bỉ người nghèo khổ

Gia-cơ 2:3 – 4 3 nếu anh em ngó kẻ mặc áo đẹp, mà nói rằng: “Mời ngồi đây, là chỗ tử tế;” lại nói với người nghèo rằng: “Hãy đứng đó, hoặc ngồi dưới bệ chân ta,” 4 thế có phải anh em tự mình phân biệt ra và lấy ý độc ác mà xét đoán không?

Đoạn Kinh Thánh trên Gia-cơ 2:3 – 4 chỉ ra rằng nếu chúng ta khinh bỉ người nghèo thấp hèn thì ấy là độc ác. Các bạn thấy tiêu chuẩn của Kinh Thánh là cao đến mực nào.

6. Độc ác là liên quan đến khoe mình

Gia-cơ 4:16 16 Kìa anh em lấy những lời kiêu ngạo mà khoe mình! Phàm khoe khoang như vậy là ác.

Tại sao khoe khoang là ác? Tại vì khi chúng ta khoe khoang chính mình, chúng ta tuyên bố rằng ta đây nhờ tài năng của mình mà được nên thành công, nhưng thật ra ấy là Đức Chúa Trời ban cho ta trí tuệ tài năng để làm mọi việc. Bởi vậy khi chúng ta khoe mình thì chúng ta bỏ quên ân điển của Chúa Trời, ấy là độc ác theo định nghĩa của Kinh Thánh.

7. Độc ác là dính liền với lười biếng

Ma-thi-ơ 25:26 26 Song chủ đáp rằng: “Hỡi đầy tớ độc ác và biếng nhác kia, ngươi biết ta gặt trong chỗ ta không gieo, và lượm lặt trong chỗ ta không rải ra;”

Tại sao người chủ khiển trách tên đầy tớ là độc ác và biếng nhác, tại vì nó không làm tròn chức vụ người chủ giao cho nó làm, ấy là không trung thành với người chủ. Bởi vậy lười biếng không làm trọn những điều Chúa Trời dặn bảo thì chính là độc ác theo định nghĩa của Kinh Thánh.

Sau khi chúng ta đã hiểu rõ tính độc ác theo định nghĩa của Kinh Thánh, chúng ta cần phải kêu cầu Chúa Trời thanh tẩy tính độc ác trong tâm hồn của chúng ta và khiến chúng ta trở nên con người tốt lành.

Chúng ta phải trau dồi sự tốt lành trong tâm hồn chúng ta

Trong câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 12:33 Chúa Giê-su răn dạy chúng ta phải trồng cây tốt: “Hoặc trồng cây tốt thì trái cũng tốt, hoặc trồng cây xấu thì trái cũng xấu; vì xem trái thì biết cây”. Trồng cây tốt có nghĩa là trau dồi sự tốt lành trong tâm hồn chúng ta.

Đầu tiên chúng ta phải hiểu rõ “tốt lành” trong Kinh Thánh là cái gì. Nguyên văn Hy Lạp của “tốt lành” là “ἀγαθός” (agathos)

1. Tất cả tốt lành đều khởi nguồn từ Đức Chúa Trời

Lu-ca 18:18 – 19 18 Bấy giờ có một quan hỏi Ðức Chúa Giê-su rằng: “Thưa thầy tốt lành, tôi phải làm gì cho được hưởng sự sống đời đời?” 19 Ðức Chúa Giê-su phán rằng: “Sao ngươi gọi ta là tốt lành? Chỉ có một Ðấng tốt lành, là Ðức Chúa Trời.”

Trong đoạn Kinh Thánh này Chúa Giê-su không phải phủ định mình là tốt lành, nhưng Chúa nói rằng chỉ có một Đấng tốt lành, ấy là Đức Chúa Trời, bởi vậy hết thảy sự tốt lành đều bắt nguồn từ Ngài. Chính Chúa Giê-su cũng nhận được tốt lành từ Đức Chúa Trời Gia-vê.

Gia-cơ 1:17 17 mọi sự tốt lành và mọi sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào.

Câu Kinh Thánh trên Gia-cơ 1:17 chỉ ra rõ ràng minh bạch rằng mọi sự tốt lành và mọi sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao bởi Đức Cha sáng láng mà xuống. Tính của Ngài không thay đổi, Ngài là luôn luôn tốt lành.

2. Tốt lành là đầy dẫy Thánh Linh

Công Vụ Các Sứ Đồ 11:24 24 vì Ba-na-ba thật là người lành, đầy dẫy Thánh Linh và đức tin. Bấy giờ rất đông người tin theo Chúa.

Một người đầy dẫy Thánh Linh có nghĩa là Thánh Linh chỉ dẫn người đó trong đời sống hoạt động và việc làm hàng ngày. Thánh Linh là linh của Đức Chúa Trời Gia-vê, cho nên Thánh Linh cũng là tốt lành. Khi một người đầy dẫy Thánh Linh thì người ấy hẳn là con người tốt lành.

3. Tốt lành là liên quan đến trung tín

Ma-thi-ơ 25:21 21 Chủ nói với người rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi.”

Này là một ví dụ. Trước khi đi đường người chủ giao cho tên đầy tớ một số tiền, tên đầy tớ này dùng món tiền để làm buôn bán. Khi người chủ trở về, nó giao lại cho người chủ tiền vốn lẫn tiền lời, cho nên người chủ khen ngợi tên đầy tớ là tốt lành trung tín. Vậy tốt lành là liên quan đến trung tín làm tròn chức vụ người chủ giao cho nó làm.

4. Tốt lành là liên quan đến thành thật, gìn giữ và bền trí

Lu-ca 8:15 15 Song phần rơi vào nơi đất tốt, là kẻ có lấy lòng thành thật và tốt lành nghe đạo, gìn giữ và kết quả với sự bền chí

Câu Kinh Thánh trên Lu-ca 8:15 chỉ ra rằng tốt lành chính là thành thật, gìn giữ và bền trí.

Chúng ta phải làm gì để trau dồi tính tốt lành trong lòng của ta

Sau khi đã hiểu rõ ý nghĩa của tốt lành trong Kinh Thánh, bây giờ chúng ta phải trau dồi đức tính tốt lành trong lòng. Lẽ dĩ nhiên chúng ta không thể tự mình trau dồi đức tính tốt lành, chỉ có Đức Chúa Trời có quyền năng khiến tâm hồn chúng ta trở nên tốt lành. Nhưng chúng ta phải phối hợp với quyền năng của Ngài.

1. Chúng ta phải lựa chọn ở cùng với Chúa Giê-su là quan trọng hơn các việc khác

Lu-ca 10:38 – 42 38 Khi Ðức Chúa Giê-su cùng môn đồ đi đường, đến một làng kia, có người đàn bà, tên là Ma-thê, rước Chúa vào nhà mình. 39 Người có một em gái, tên là Ma-ri, ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Chúa. 40 Vả, Ma-thê mảng lo việc vặt, đến thưa Ðức Chúa Giê-su rằng: “Lạy Chúa, em tôi để một mình tôi hầu việc, Chúa há không nghĩ đến sao? Xin biểu nó giúp tôi.” 41 Chúa đáp rằng: “Hỡi Ma-thê, ngươi chịu khó và bối rối về nhiều việc; 42 nhưng có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được.”

Đoạn Kinh Thánh trên thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và bà Ma-thê. Trong khi em gái của bà là Ma-ri cứ ngồi dưới chân Chúa mà lắng nghe lời Chúa, còn Ma-thê cứ lo liệu việc vặt. Ma-thê xin Chúa Giê-su hãy biểu em gái Ma-ri đến giúp bà, nhưng Chúa nói với Ma-thê rằng bà lo liệu và bối rối về nhiều việc, nhưng chỉ có một việc cần thiết mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được. Cái phần tốt mà Ma-ri đã lựa là cái gì? Ấy chính là ở cùng với Chúa Giê-su.

Hàng ngày chúng ta cũng phải lo liệu về nhiều việc, nhưng chúng ta phải nhớ rằng chỉ có một việc là cần thiết thôi, ấy là ở cùng với Chúa Giê-su. Chúng ta phải tìm kiếm thời gian và cơ hội được ở cùng với Chúa Giê-su.

2. Chúng ta nhìn tập trung vào Đức Chúa Trời

Ma-thi-ơ 6:22 – 24 22 Con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt ngươi sáng sủa thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng; 23 nhưng nếu mắt ngươi xấu, thì cả thân thể sẽ tối tăm. Vậy, nếu sự sáng láng trong ngươi chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm nầy sẽ lớn biết là dường bao! 24 Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Ðức Chúa Trời lại làm tôi ma-môn nữa.

Đầu tiên, xin các bạn đế ý vào từ ngữ “sáng sủa” trong câu Ma-thi-ơ 6:22: “…Nếu mắt người sáng sủa thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng”. Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “sáng sủa” là “ἁπλοῦς” (haplous). Thật ra ý nghĩa nguyên thủy của chữ này không phải là sáng sủa, mà là: độc nhất, tập trung. Con mắt sáng sủa tức là con mắt tập trung. Con mắt phải tập trung mới có thể thấy rõ, nếu con mắt không tập trung thì không thấy rõ. Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta nên tập trung ánh mắt nhìn vào một vật, chứ không nên nhìn vào hai hay nhiều vật. Nhưng phải tập trung nhìn vào cái gì?

 Câu Ma-thi-ơ 6:22 nói rằng nếu con mắt sáng sủa, tức là con mắt tập trung nhìn vào một vật thì cả thân thể ta sẽ đầy ánh sáng. Bởi vậy chúng ta phải tập trung nhìn vào sự sáng. Lẽ dĩ nhiên Chúa Giê-su không phải nói rằng chúng ta cứ chăm chăm nhìn vào mặt trời hay ánh đèn, nếu chúng ta làm như vậy thì sẽ bị mù mắt. Chúa đang dùng từ ngữ thuộc linh để giảng dạy chân lý thuộc linh cho chúng ta. Sự sáng là tượng trưng cho cái gì?

Ê-sai 60:20 20 Mặt trời của ngươi không lặn nữa; mặt trăng không còn khuyết, vì Gia-vê sẽ là sự sáng đời đời cho ngươi, những ngày sầu thảm của ngươi đã hết rồi.
1 Giăng 1:5 5 Nầy là lời truyền giảng mà chúng tôi đã nghe nơi Ngài và truyền lại cho anh em rằng Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu.

Hai đoạn Kinh Thánh trên Ê-sai 60:20 và 1 Giăng 1:5 chỉ ra rằng Chúa Trời Đức Gia-vê chính là sự sáng của chúng ta.

Thi Thiên 119:105 105 Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường lối tôi.
Châm Ngôn 6:23 23 Vì điều răn là ngọn đèn, lời dạy dỗ là ánh sáng, và sự quở trách để giáo huấn là con đường sự sống,

Hai đoạn Kinh Thánh trên Thi Thiên 119:105 và Châm Ngôn 6:23 nói rằng lời dạy của Chúa Trời Đức Gia-vê là ngọn đèn và ánh sáng chỉ dẫn chúng ta đi trên con đường sự sống.

 Bốn đoạn Kinh Thánh trên Ê-sai 60:20, 1 Giăng 1:5, Thi Thiên 119:105 và Châm Ngôn 6:23 chỉ ra rằng Chúa Trời Đức Gia-vê và lời dạy của Ngài chính là sự sáng chỉ dẫn chúng ta đi trên con đường sự sống.

Khi chúng ta tập trung nhìn vào sự sáng tức là tập trung vào Chúa Trời Đức Gia-ve và lời dạy của Ngài, thì cả thân thể ta sẽ đầy ánh sáng.

Bây giờ xin các bạn để ý vào chữ “xấu” trong câu Ma-thi-ơ 6:23. Nguyên văn Hy Lạp của chữ “xấu” chính là “poneros” (tức là “độc ác”). Chúa Giê-su dạy rằng nếu mắt của chúng ta là xấu (hay độc ác), thì cả thân thể sẽ tối tăm. Nhưng đôi mắt xấu (hay độc ác) có nghĩa là gì?

Mắt xấu là trái ngược với mắt sáng sủa. Mắt sáng sủa là đôi mắt tập trung nhìn vào Chúa Trời và lời dạy của Ngài, vậy mắt xấu tức là không tập trung vào Chúa Trời và lời dạy của Ngài.

Mắt xấu nhìn vào cái gì? Căn cứ theo Ma-thi-ơ 6:24 mắt xấu là vừa nhìn vào Chúa Trời lại vừa nhìn vào ma-môn (tức là tiền bạc). Khi đôi mắt chúng ta không tập trung vào Đức Chúa Trời, tuy rằng chúng ta kính mến Chúa Trời nhưng đồng thời cũng ham mê tiền bạc, chúng ta làm tôi tớ của Chúa Trời phụng sự Ngài lại làm tôi tớ của ma-môn phụng sự tiền bạc.

Nếu chúng ta muốn trau dồi sự tốt lành trong tâm hồn của ta thì chúng ta phải kêu cầu Chúa Trời giúp đỡ ta tập trung nhìn vào Ngài, chứ không nên vừa nhìn vào Chúa Trời lại vừa nhìn vào tiền bạc, chúng ta không nên vừa kính mến Ngài lại vừa ham mê tiền bạc.

3. Chúng ta làm việc lành cho mọi người

Ê-phê-sô 2:10 10 Vì chúng ta là tác phẩm của Đức Chúa Trời, được tạo nên trong Chúa Giê-su Christ để làm những việc thiện lành, là việc Đức Chúa Trời đã chuẩn bị trước cho chúng ta để theo đó mà tiến hành.  

Đoạn Kinh Thánh trên Ê-phê-sô 2:10 chỉ ra rằng Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta là tác phẩm của Đức Chúa Trời, Ngài tạo nên chúng ta trong Chúa Giê-su Christ để làm những việc thiện lành.

Ga-la-ti 6:10 10 Vậy, đang khi có cơ hội, chúng ta hãy làm việc lành cho mọi người, nhất là cho những anh chị em trong cùng gia đình đức tin.  

Đoạn Kinh Thánh Ga-la-ti 6:10 dạy bảo chúng ta nên làm việc lành cho mọi người, nhất là cho nhũng anh chị em Tín Đồ.

Hai đoạn Kinh Thánh trên Ê-phê-sô 2:10 và Ga-la-ti 6:10 dạy bảo chúng ta phải làm việc lành, vì Chúa Trời Đức Gia-vê tạo nên chúng ta trong Chúa Giê-su Christ để làm những việc thiện lành.

4. Chúng ta lấy điều thiện thắng điều ác

Rô-ma 12:17 – 21 17 Chớ lấy ác trả ác cho ai; phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người. 18 Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người. 19 Hỡi kẻ rất yêu dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: “Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng.” 20 Vậy nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống; vì làm như vậy, khác nào mình lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người. 21 Ðừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác.

Đoạn Kinh Thánh trên Rô-ma 12:17 – 21 dạy bảo chúng ta hãy sống hòa thuận với mọi người, chính mình chớ trả thù ai, tại vì Đức Chúa Trời sẽ trừng phạt kẻ ác, chúng ta cứ giao phó mọi việc cho Chúa Trời. Chúng ta nên yêu thương kẻ thù mình, nếu kẻ thù có đói thì ta cho nó ăn, có khát thì ta cho nó uống. Khi chúng ta làm như vậy thì sẽ khiến kẻ thù xấu hổ khó chịu như bị than lửa đỏ chất trên đầu vậy. Chúng ta đừng bao giờ để điều ác thắng mình, nhưng ta nên lấy điều thiện thắng điều ác.

5. Chúng ta học tập và thực hành lời dạy của Chúa Trời

2 Ti-mô-thê 3:16 – 17 16 Cả Kinh Thánh đều là bởi Ðức Chúa Trời khải thị, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, trau dồi người trong sự công nghĩa, 17 hầu cho người thuộc về Ðức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành. 

Đoạn Kinh Thánh trên 2 Ti-mô-thê 3:16 – 17 chỉ ra rằng lời của Kinh Thánh là bởi Đức Chúa Trời khải thị, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, trau dồi người ta trong sự công nghĩa, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được nên trọn vẹn và sẵn sàng để làm mọi việc lành. Bởi vậy chúng ta phải học tập và thực hành lời dạy của Chúa Trời thì ta sẽ trở nên ngày càng tốt lành.

Kết Luận: Trồng Cây Tốt thì Trái Cũng Tốt

Chúa Giê-su răn dạy chúng ta không nên nói lời cẩu thả, tại vì vào Ngày Phát Xét chúng ta phải khai ra mọi lời mọi lời cẩu thả mà mình đã nói. Nếu ai nói lời phạm thượng nghịch với Đức Thánh Linh thì dầu trong đời này hay đời sau cũng không được tha tội. Cho nên chúng ta phải rất cẩn thận trong lời nói và hành vi việc làm của mình. Chúng ta cầu khẩn Chúa Trời Đức Gia-vê biến đổi lời nói và tâm hồn của chúng ta. Đoạn Kinh Thánh 1 Phi-e-rơ 3:10 – 11 tổng hợp lại tất cả những điểm chúng ta đã thảo luận:

1 Phi-e-rơ 3:10 – 11 10 Vả, “Ai khao khát sự sống, yêu thương và thấy ngày tốt lành, thì phải giữ gìn miệng lưỡi, đừng nói điều ác và lời gian dảo; 11 Phải lánh điều dữ, làm điều lành, tìm sự hòa bình mà đuổi theo”

(Trở về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

Phản Hồi

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.