Ham Mộ Tiền Bạc, Bất Tin và Sự Kiềm Chế của Ma Quỉ

Ma-thi-ơ 12:38 – 45    

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

(Tải xuống bản in PDF) (Tải xuống bản nghe MP3)

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo Ma-thi-ơ 12:33 – 37, Chúa Giê-su dạy bảo người dân phải rất cẩn thận trong lời nói, tại vì vào Ngày Phán Xét chúng ta phải khai ra mọi lời nói cẩu thả của chính mình. Người nào đã nói lời phạm thượng nghịch với Đức Thánh Linh thì dù trong đời nay hay đời sau cũng không được tha tội. Khi các thầy thông giáo và người Pha-ri-si nghe lời này của Chúa Giê-su, chúng phản ứng ra sao? Hôm nay chúng ta tiếp tục tra khảo đoạn Kinh Thánh kế tiếp.

Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si muốn xem Chúa Giê-su làm một dấu lạ

Ma-thi-ơ 12:38 38 Bấy giờ có mấy thầy thông giáo và người Pha-ri-si thưa cùng Ðức Chúa Giê-su rằng: “Thưa thầy, chúng tôi muốn xem thầy làm dấu lạ.”

Trong khi Chúa Giê-su dạy bảo người dân phải cẩn thận trong lời nói của chính mình, tại sao tự nhiên các thầy thông giáo và người Pha-ri-si lại muốn xem Chúa làm một dấu lạ?

Giăng 4:48 48 Ðức Chúa Giê-su phán rằng: “Nếu các ngươi không thấy phép lạ và điềm lạ, thì các ngươi chẳng tin!”

Trong đoạn Kinh Thánh trên Giăng 4:48 Chúa Giê-su nói rằng nếu dân chúng không thấy phép lạ và điềm lạ, thì họ chẳng tin.

Giăng 2:23 23 Ðương lúc Chúa ở thành Giê-ru-sa-lem để giữ lễ Vượt Qua, có nhiều người thấy phép lạ Chúa làm, thì tin danh Chúa.

Đoạn Kinh Thánh trên Giăng 2:23 chỉ ra rằng khi người dân thấy phép lạ Chúa Giê-su làm thì họ tin danh của Chúa.

Hai đoạn Kinh Thánh trên Giăng 4:48 và Giăng 2:23 chỉ ra rằng dân chúng cần phải thấy phép lạ và điềm lạ thì họ mới tin.

Tương tự như vậy, các thầy thông giáo và người Pha-ri-si muốn xem Chúa Giê-su làm một phép lạ, tại vì họ không tin vào Chúa Giê-su, họ không tin rằng lời của Chúa là đến từ Đức Chúa Trời.

Lu-ca 11:14 – 16 14 Ðức Chúa Giê-su đuổi một quỉ câm; khi quỉ ra khỏi, người câm liền nói được. Dân chúng đều lấy làm lạ; 15 song có mấy kẻ nói rằng: “Người nầy nhờ Bê-ên-xê-bun là chúa quỉ mà trừ quỉ.” 16 Kẻ khác muốn thử Chúa, thì xin Chúa một dấu lạ từ trời xuống.

Đoạn Kinh Thánh trên Lu-ca 11:14 – 16 thuật lại sự kiện Chúa Giê-su đuổi một quỉ câm ra khỏi người câm, và người câm liền nói được. Song có người lại nói rằng Chúa chỉ là nhờ Bê-ên-xê-bun (tức là Sa-tan) mà trừ quỉ thôi. Bởi vậy có người muốn thử coi Chúa là nhờ quyền năng của Chúa Trời hay là nhờ quyền năng của Bê-ên-xê-bun mà trừ quỉ, họ bèn xin Chúa một dấu lạ từ trời xuống.

Chúng ta tổng hợp lại 3 đoạn Kinh Thánh trên Giăng 4:48, Giăng 2:23 và Lu-ca 11:14 – 16 thì thấy rõ rằng các thầy thông giáo và người Pha-ri-si không tin rằng lời của Chúa Giê-su là đến từ Đức Chúa Trời và Chúa là nhờ quyền năng của Chúa Trời mà trừ quỉ, cho nên họ muốn thử Chúa, họ muốn xem Chúa làm một dấu lạ. Thái độ của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si là rất mực kiêu ngạo và sai lầm, tại sao vậy?

Trong trường hợp của Giăng 2:23 là khác hẳn, lúc đó Chúa mới bắt đầu truyền giảng Tin Lành, Chúa đi từ Ga-li-lê đến thành Giê-ru-sa-lem để dự lễ Vượt Qua, phần đông người dân ở Giê-ru-sa-lem không biết tên Chúa, bởi vậy khi họ thấy Chúa làm một phép lạ, thì họ mới tin vào Chúa. Nhưng đến Ma-thi-ơ chương 12 thì Chúa Giê-su đã làm bao nhiêu phép lạ để chữa lành bịnh tật và trừ ma quỉ, danh tiếng của Chúa đã truyền khắp các làng các thành.

Ma-thi-ơ 8:16 Ðến chiều, người ta đem cho Ðức Chúa Giê-su nhiều kẻ bị quỉ ám, Chúa lấy lời nói mà đuổi quỉ ra; cũng chữa được hết thảy những người bịnh; 
Ma-thi-ơ 8:18 Vả, khi Ðức Chúa Giê-su thấy đoàn dân đông lắm ở xung quanh mình, bèn truyền qua bờ bên kia.

Chẳng lẽ các thầy thông giáo và người Pha-ri-si nghĩ rằng những phép lạ đó không phải là phép lạ sao? Hoặc là những phép lạ đó chưa đủ kỳ diệu và chúng muốn xem Chúa làm một phép lạ rất mực kỳ diệu rồi chúng mới chịu lắng nghe lời dạy bảo của Chúa chăng?

Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đều thấu hiểu Kinh Thánh, họ có khả năng xem xét lời của Chúa Giê-su có phù hợp với dạy dỗ của Kinh Thánh hay không. Nếu lời của Chúa phù hợp với lời dạy trong Kinh Thánh thì chứng tỏ rằng lời của Chúa là đến từ Chúa Trời, thì họ phải vâng theo và ăn năn hối cải nếu họ đã nói những lời cẩu thả. Nhưng thay vì ăn năn hối cải thì các thầy thông giáo và người Pha-ri-si lại muốn thử Chúa và họ muốn xem Chúa Giê-su làm một dấu lạ thì họ mới chịu tin.

Chúa Giê-su khiến trách các thầy thông giáo và người Pha-ri-si là hung ác và gian dâm

Tại vì các thầy thông giáo và người Pha-ri-si có thái độ kiêu ngạo và sai lầm, Chúa Giê-su lên tiếng khiển trách họ:

Ma-thi-ơ 12:39 – 40 39 Chúa đáp rằng: “Dòng dõi hung ác gian dâm này xin một dấu lạ, nhưng sẽ chẳng cho dấu lạ khác ngoài dấu lạ của đấng tiên tri Giô-na. 40 Vì Giô-na đã bị ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một thể ấy, Con của loài người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm.

Chúa Giê-su khiển trách các thầy thông giáo và người Pha-ri-si là hung ác gian dâm. Các bạn chắc thắc mắc rằng tại sao Chúa nói họ là hung ác gian dâm? Chúng ta cần phải hiểu rõ ý nghĩa của hung ác và gian dâm trong Kinh Thánh.

1. Ý nghĩa của “hung ác” trong Kinh Thánh

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “hung ác” là “πονηρός” (poneros).

Ma-thi-ơ 6:22 – 24 22 Con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt ngươi sáng sủa thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng; 23 nhưng nếu mắt ngươi xấu, thì cả thân thể sẽ tối tăm. Vậy, nếu sự sáng láng trong ngươi chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm nầy sẽ lớn biết là dường bao! 24 Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Ðức Chúa Trời lại làm tôi ma-môn nữa.

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “xấu” trong câu 23 chính là “πονηρός” (poneros) mà Ma-thi-ơ 12:39 lại dịch là “hung ác”. Câu 23 nên đọc là nếu mắt ngươi hung ác thì cả thân thể sẽ tối tăm. Câu 22 nói rằng nếu mắt ngươi sáng sủa thì cả thân thể sẽ sáng lạng. Câu 22 và câu 23 là trái ngược với nhau: thân thể sáng láng là trái ngược với thân thể tối tăm, bởi vậy con mắt hung ác là trái ngược với con mắt sáng sủa.

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “sáng sủa” trong câu 22 là “ἁπλοῦς” (haplous). Thực ra ý nghĩa nguyên thủy của chữ “haplous” là “chỉ nhằm vào một mục đích”. Bởi vậy câu 22 nên đọc là: Con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt ngươi chỉ nhằm vào một mục đích thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng.

Mà con mắt hung ác là trái ngược với con mắt chỉ nhằm một mục đích. Bởi vậy con mắt hung ác có nghĩa là con mắt không nhằm vào một mục đích, con mắt nhìn vào vài mục đích.

Khi con mắt không nhằm vào một mục đích thì nhằm vào cái gì? Câu 24 nói rằng: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Ðức Chúa Trời lại làm tôi ma-môn nữa.” Chúa Giê-su nói rằng chúng ta không thể vừa phụng sự Đức Chúa Trời lai vừa phụng sự ma-môn (tiền bạc), chúng ta không thể vừa nhìn vào Chúa Trời lại vừa nhìn vào tiền bạc.

Nói tóm lại, Chúa Giê-su khiển trách các thầy thông giáo và người Pha-ri-si là hung ác, có nghĩa là họ vừa phụng sự Chúa Trời lại vừa phụng sự tiền bạc, họ vừa kính mến Chúa Trời lại vừa ham mộ tiền bạc.

1 Ti-mô-thê 6:10 10 Mê tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác; cũng vì đeo đuổi tiền bạc mà một số người đã lầm lạc, lìa bỏ đức tin, và bản thân họ bị nhiều nỗi đau khổ xâu xé.  

Đoạn Kinh Thánh trên 1 Ti-mô-thê 6:10 chỉ ra rằng ham mê tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si vừa kính mến Chúa Trời lại vừa yêu tiền bạc, họ vừa phụng sự Chúa Trời lại vừa phụng sự tiền bạc, cho nên Chúa Giê-su khiển trách họ là hung ác.

Nhưng tại sao Chúa Giê-su khiển trạch họ là “gian dâm”, chẳng lẽ họ đều phạm tội tà dâm chăng? Vâng, họ phạm tội tà dâm thuộc linh.

2. Ý nghĩa thuộc linh của “gian dâm”

Kinh Thánh so sánh mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và người dân của Ngài tương tự như người chồng và người vợ vậy.

Ê-sai 54:5 5 Vì chồng ngươi tức là Ðấng đã tạo thành ngươi; danh Ngài là Gia-vê vạn quân. Ðấng chuộc ngươi tức là Ðấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, sẽ được xưng là Ðức Chúa Trời của cả đất.

Tiên tri Ê-sai so sánh Đức Chúa Trời Gia-vê như người chồng của dân tộc Y-sơ-ra-ên.

2 Cô-rinh-tô 11:2 2 Vì về anh em, tôi rất sốt sắng như sự sốt sắng của Ðức Chúa Trời, bởi tôi đã gả anh em cho một chồng mà thôi, dâng anh em như người trinh nữ tinh sạch cho Ðấng Christ.

Trong Tân Ước sứ đồ Phao-lô so sánh hội thánh như người vợ của Đấng Christ.

Trong mối quan hệ của vợ chồng, người chồng thì phải yêu thương bảo vệ người vợ, và người vợ thì phải trung thành với người chồng. Tương tự như vậy, Đức Chúa Trời săn sóc bảo vệ người dân của Ngài, và người dân của Ngài thì phải giữ trung thành với Ngài. Nếu người dân của Chúa Trời thờ pho tượng thần giả thì họ đã phạm tội tà dâm thuộc linh.

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “gian dâm” là “μοιχαλίς” (moichalis).

Gia-cơ 4:4 4 Hỡi bọn tà dâm kia, anh em há chẳng biết làm bạn với thế gian tức là thù nghịch với Ðức Chúa Trời sao? Cho nên, ai muốn làm bạn với thế gian, thì người ấy trở nên kẻ nghịch thù cùng Ðức Chúa Trời vậy.

Đoạn Kinh Thánh trên Gia-cơ 4:4 gọi những người muốn làm bạn với thế gian là bọn tà dâm, tại vì họ không trung thành với Chúa Trời, họ đã phạm tội tà dâm thuộc linh.

Dấu lạ của đấng tiên tri Giô-na chính là dấu phục sinh

Tại vì các thầy thông giáo và người Pha-ri-si là hung ác và gian dâm thuộc linh, mà họ lại xin Chúa Giê-su làm một dấu lạ, Chúa bèn nói rằng sẽ chẳng cho dấu lạ khác ngoài dấu lạ của đấng tiên tri Giô-na:

Ma-thi-ơ 12:39 – 40 39 Chúa đáp rằng: “Dòng dõi hung ác gian dâm này xin một dấu lạ, nhưng sẽ chẳng cho dấu lạ khác ngoài dấu lạ của đấng tiên tri Giô-na. 40 Vì Giô-na đã bị ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một thể ấy, Con của loài người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm.

Dấu lạ của đấng tiên tri Giô-na là liên quan đến sự kiện Giô-na ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm.

Giô-na 1:1 – 4 1 Có lời Ðức Gia-vê phán cho Giô-na con trai A-mi-tai như vầy: 2 “Ngươi khá chổi dậy! Hãy đi đến thành lớn Ni-ni-ve, và kêu la nghịch cùng nó; vì tội ác chúng nó đã lên thấu trước mặt ta.” 3 Nhưng Giô-na chổi dậy đặng trốn qua Ta-rê-si, để lánh khỏi mặt Ðức Gia-vê. Người xuống đến Gia-phô, gặp một chiếc tàu đi qua Ta-rê-si. Người trả tiền quá giang, và xuống tàu đặng đi Ta-rê-si với họ, để khỏi mặt Ðức Gia-vê. 4 Nhưng Ðức Gia-vê khiến gió lớn thổi trên biển; trên biển có trận bão lớn, chiếc tàu hầu vỡ.

Ấy là khi Đức Chúa Trời Gia-vê phán cho Giô-na đi kêu gọi người dân thành Ni-ni-ve ăn năn hối cải, thì Giô-na xuống tàu đi sang chỗ khác để lánh mặt Ngài. Ngài khiến gió lớn thổi trên biển, chiếc tàu gần vỡ.

Giô-na 1:11 – 15 11 Vậy họ nói rằng: “Chúng ta sẽ làm gì về ngươi, hầu cho biển yên lặng cho chúng ta?” Vì biển càng động thêm mãi. 12 Người trả lời rằng: “Hãy bắt lấy ta; hãy ném ta xuống biển, thì biển yên lặng cho các anh; vì ta biết rằng ấy là vì cớ ta mà các anh đã gặp phải trận bão lớn nầy.” 13 Những người ấy bắt tay chèo vào bờ; song không được, vì biển càng nổi lên nghịch cùng họ mãi. 14 Họ bèn kêu cầu Ðức Gia-vê mà rằng: “Hỡi Ðức Gia-vê, chúng tôi nài xin Ngài, chúng tôi nài xin Ngài chớ làm cho chúng tôi chết vì cớ mạng sống của người nầy, và chớ khiến máu vô tội đổ lại trên chúng tôi! Hỡi Ðức Gia-vê, vì chính Ngài là Ðấng đã làm điều mình muốn.” 15 Ðoạn họ bắt Giô-na, quăng xuống biển, thì sự giận dữ của biển yên lặng.

Khi các thủy thủ biết rằng ấy là tại vì Giô-na tránh mặt Đức Chúa Trời mà gây nên gió bảo, chúng bắt Giô-na mà quăng xuống biển, rồi gió bảo im lặng lại.

Giô-na 1:17 – 2:1 17 Ðức Gia-vê sắm sửa một con cá lớn đặng nuốt Giô-na; Giô-na ở trong bụng cá ba ngày ba đêm. 1Giô-na từ trong bụng cá cầu nguyện Gia-vê Ðức Chúa Trời mình,
Giô-na 2:10 10 Ðức Gia-vê bèn phán cùng con cá, và nó mửa Giô-na ra trên đất khô.

Hai đoạn Kinh Thánh trên Giô-na 1:17 – 2:1 và Giô-na 2:10 chỉ ra rằng Đức Gia-vê sắm sửa một con cá lớn để nuốt Giô-na, và người ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm. Người cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời Gia-vê, sau cùng Ngài phán cùng con cá, và nó mửa Giô-na ra trên đất khô.

Chúa Giê-su nói rằng Giô-na ở trong bụng cá ba ngày ba đêm là tương đương với Con của loài người ở trong lòng đất ba ngày ba đêm. Khi con cá mửa Giô-na ra trên đất khô, thì Giô-na được sống lại từ cõi chết, ấy là tương đương với sự phục sinh của Con của loài người. Bởi vậy dấu của Giô-na chính là dấu phục sinh.

Ý tưởng của Chúa Trời là khác hẳn với ý tưởng của loài người

Dấu phục sinh là dấu kỳ diệu nhất trong lịch sử loài người. Khi “dòng dõi hung ác gian dâm” xin một dấu lạ thì Chúa ban cho chúng dấu kỳ diệu nhất. Tại sao vậy? Theo ý tưởng của loài người chúng ta, một dòng dõi hung ác gian dâm thì không xứng đáng nhận lãnh một dấu lạ kỳ diệu nhất; Dấu lạ kỳ diệu nhất là dành cho những người kính mến Chúa Trời, chứ không phải cho dòng dõi hung ác gian dâm này. Nhưng ý tưởng của Chúa Trời là khác hẳn với ý tưởng của loài người:

Ê-sai 55:7 – 9 7 Kẻ ác khá bỏ đường mình, người bất nghĩa khá bỏ các ý tưởng; hãy trở lại cùng Ðức Gia-vê, Ngài sẽ thương xót cho, hãy đến cùng Ðức Chúa Trời chúng ta, vì Ngài tha thứ dồi dào. 8 Ðức Gia-vê phán: “Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. 9 Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.”

Đức Chúa Trời Gia-vê có lòng thương xót vô biên, Ngài muốn cho muôn dân đều ăn năn hối cải trở về với Ngài. Ngài ban dấu lạ cho chúng ta là để kêu gọi chúng ta ăn năn hối cải, chứ không phải để chúng ta coi cho vui. Tội nhân phạm tội lỗi càng nặng thì cần càng nhiều ân điển để ăn năn hối cải. Cho nên dòng dõi hung ác gian dâm thì được ban cho dấu lạ kỳ diệu nhất để họ thấy rõ vinh diệu quyền năng của Chúa Trời và được thu hút trở về với Ngài.

Nhưng một mặt khác, khi chúng ta được ban cho càng nhiều thì ta có trách nhiệm càng nặng:

Lu-ca 12:48 48 Song đầy tớ không biết ý chủ, mà làm việc đáng phạt, thì bị đòn ít. Vì ai được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi hỏi nhiều; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.

Trong đoạn Kinh Thánh trên Lu-ca 12:48 Chúa Giê-su dạy rằng ai được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi hỏi nhiều. Nếu Chúa Trời Gia-vê ban cho dấu lạ kỳ diệu nhất mà chúng ta lại không ăn năn hối cải thì trong tương lai vào Ngày Phán Xét sự trừng phạt sẽ nặng nhất.

Dân thành Ni-ni-ve và nữ hoàng Nam Phương sẽ đứng dạy với dòng dõi này và lên án nó

Ma-thi-ơ 12:41 – 42 41 Ðến Ngày Phán Xét, dân thành Ni-ni-ve sẽ đứng dậy với dòng dõi nầy mà lên án nó, vì dân ấy đã nghe lời Giô-na giảng và ăn năn; mà đây nầy, có một người tôn trọng hơn Giô-na! 42 Ðến Ngày Phán Xét, nữ hoàng Nam Phương sẽ đứng dậy với dòng dõi nầy mà lên án nó, vì người từ nơi cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan vua Sa-lô-môn; mà đây nầy, có một người tôn trọng hơn vua Sa-lô-môn!

Chúa Giê-su dạy rằng vào Ngày Phán Xét, dân thành Ni-ni-ve sẽ lên án dòng dõi hung ác gian dâm này, tại vì khi Giô-na kêu gọi dân thành Ni-ni-ve ăn năn hối cải thì họ đã nghe lời Giô-an mà ăn năn.

Giô-na 3:1 – 10 1 Lại có lời Ðức Gia-vê phán cùng Giô-na lần thứ hai mà rằng: 2 “Ngươi khá chờ dậy! Hãy đi đến thành lớn Ni-ni-ve, và rao cho nó lời ta đã dạy cho ngươi.” 3 Vậy Giô-na chờ dậy và đi đến Ni-ni-ve, theo lịnh của Ðức Gia-vê. Vả, Ni-ni-ve là một thành rất lớn, đi mất ba ngày đường. 4 Giô-na khởi đầu vào trong thành đi một ngày, thì rao giảng và nói rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống!” 5 Dân thành Ni-ni-ve tin Ðức Chúa Trời. Họ rao ra sự kiêng ăn và mặc bao gai, từ những người rất lớn trong đám họ cho đến những kẻ rất nhỏ. 6 Tin ấy đồn đến vua Ni-ni-ve, vua đứng dậy khỏi ngai, lột áo bào mình ra, quấn bao gai và ngồi trong tro. 7 Ðoạn vua truyền lịnh nầy ra trong thành Ni-ni-ve, như là lời dụ của vua và của các kẻ tôn trưởng: “Không luận người ta hay là thú vật, không luận bầy bò hay bầy chiên, đều chớ nếm chi hết. Không được để cho nó ăn, cũng không uống nước; 8 nhưng người ta và thú vật đều phải quấn bao gai. Mọi người khá ra sức kêu cùng Ðức Chúa Trời; phải, ai nấy khá bỏ đường lối xấu mình và việc hung dữ của tay mình. 9 Ai biết rằng hoặc Ðức Chúa Trời sẽ không xây lại và ăn năn, xây khỏi cơn nóng giận mình, hầu cho chúng ta khỏi chết, hay sao?” 10 Bấy giờ Ðức Chúa Trời thấy việc họ đều đã xây bỏ đường lối xấu của mình; Ðức Chúa Trời bèn ăn năn sự họa mà Ngài đã phán sẽ làm cho họ, và Ngài không làm sự đó.

Khi người dân thành Ni-ni-ve nghe lời kêu gọi của tiên tri Giô-na thì họ ăn năn hối cải, cho nên Đức Chúa Trời cũng đổi ý mà không giáng tại họa trên họ. Chúa Giê-su là Con của Đức Chúa Trời, tôn trọng hơn Giô-na rất nhiều, dòng dõi này chẳng những không chịu nghe lời của Chúa mà ăn năn hối cải, mà họ còn xin một dấu lạ để thử Chúa nữa. Tương tự như vậy, vào Ngày Phán Xét nữ hoàng Nam Phương sẽ đứng dậy với dòng dõi này mà lên án họ, vì người từ nơi cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn.

1 Các Vua 10:1 – 5 1 Khi nữ vương Sê-ba (tức là Nam Phương) nghe nói về danh tiếng của Sa-lô-môn và về danh của Ðức Gia-vê, bèn đến thử Sa-lô-môn nhiều câu đố. 2 Bà đến Giê-ru-sa-lem có hầu hạ theo rất đông, lạc đà chở thuốc thơm, nhiều vàng và ngọc. Bà đến cùng Sa-lô-môn, nói với người mọi điều có trong lòng mình. 3 Sa-lô-môn đáp các câu hỏi của bà, chẳng câu nào ẩn bí quá cho vua, mà vua không giải nghĩa nổi cho bà. 4 Khi nữ vương Sê-ba thấy mọi sự khôn ngoan của Sa-lô-môn, cung điện người cất, 5 những món ăn trên bàn người, nhà cửa của tôi tớ người, thứ tự công việc của các quan, và đồ ăn mặc của họ, các quan chước tửu, và các của lễ thiêu người dâng trong đền Ðức Gia-vê, thì mất vía.

Đoạn Kinh Thánh trên thuật lại sự kiện nữ hoàng Sê-ba (tức là Nam Phương) từ nơi cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn. Chúa Giê-su là tôn trọng hơn Sa-lô-môn rất nhiều, nhưng dòng dõi này lại không muốn nghe lời của Chúa.

Cảnh cáo và khuyên dạy

Sau khi khiển trách các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, Chúa Giê-su cảnh cáo dân chúng bằng những lời này:

Ma-thi-ơ 12:43 – 45 43 Khi tà ma ra khỏi một người, thì nó đi đến nơi khô khan kiếm chỗ nghỉ, nhưng kiếm không được; 44 rồi nó nói rằng: “Ta sẽ trở về nhà ta mà ta mới ra khỏi”; khi trở về, thấy nhà không, quét sạch, và sửa soạn tử tế. 45 Nó bèn lại đi, đem về bảy quỉ khác dữ hơn nó nữa, cùng vào nhà đó mà ở; vậy số phận người ấy về sau lại xấu hơn trước. Dòng dõi dữ nầy cũng như vậy.”

Chúa Giê-su đi khắp các thành các làng để chữa bịnh và trừ quỉ. Những lời trong đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 12:43 – 45 là nhằm vào những người đã được giải thoát khỏi kiềm chế của ma quỉ. Chúa cảnh cáo những người này phải coi chừng, sau khi ma quỉ ra khỏi thân thể của người ta, nó đi kiếm chỗ mới mà ở, nhưng kiếm không được. Rồi ma quỉ sẽ trở về thân thể của người đã từng bị quỉ ám trước kia. Chẳng những thế, nó sẽ mời các bạn bè của nó đến, và bảy quỉ khác còn dữ hơn nó cũng đến ở vào thân thể người đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy sẽ tệ hại hơn trước. 

Tại sao ma quỉ có thể đoạt lấy căn nhà? Tại vì người chủ của căn nhà không có quyền năng lớn lao để canh giữ nhà đó. Căn nhà là tượng trưng cho thân thể của người ta, khi không ai canh giữ tâm hồn của người ấy thì ma quỉ có thể khống chế tâm hồn của người. Nếu chúng ta không muốn bị ma quỉ khống chế thân thể lẫn tâm hồn của chính mình, thì chúng ta cần phải có Đấng quyền năng để canh giữ tâm hồn của ta.

Giăng 14:15 – 17 15 Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta. 16 Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Ðấng Yên Ủi khác, để ở với các ngươi đời đời, 17 tức là Linh của lẽ thật, mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài; nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài vẫn ở với các ngươi và sẽ ở trong các ngươi.

Nếu chúng ta yêu mến Chúa Giê-su và vâng giữ các điều răn của Chúa, thì Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta một Đấng Yên Ủi ở trong lòng ta, Ngài sẽ ở với ta đời đời, ấy chính là Linh của lẽ thật.

Giăng 14:23 23 Ðức Chúa Giê-su đáp rằng: “Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta, Cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người.”

Nếu chúng ta yêu mến Chúa Giê-su và vâng giữ lời của Chúa, thì Đức Cha tức là Đức Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su đều đến ở trong lòng ta.

Hai đoạn Kinh Thánh trên Giăng 14:15 – 17 và Giăng 14:23 răn dạy và cũng đồng thời yên ủi chúng ta. Nếu chúng ta vâng giữ lời dạy của Chúa Giê-su thì Đức Cha và Chúa Giê-su đều ở trong lòng ta, không có ma quỉ nào có thể động chạm đến chúng ta. Chẳng những thế, chúng ta còn được tương giao với Đức Cha và Chúa Giê-su thường xuyên nữa.

Kết Luận: Ham mộ tiền bạc và bất tin và sự kiềm chế của ma quỉ

Bây giờ tôi tổng hợp lại tất cả những điểm chúng ta tra khảo ở trên. Chúa Giê-su dạy rằng lòng ham mộ tiền bạc là nguồn gốc của lòng bất tin của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si. Vì lòng bất tin mà họ muốn thử thách Chúa Giê-su. Chúa thấy rõ nguồn gốc của sự bất tin này, Chúa muốn cứu vớt họ, cho nên Chúa vui lòng ban cho họ một dấu lạ kỳ diệu nhất, ấy là dấu lạ của sự phục sinh. Chúa đang nói về sự phục sinh của chính mình. Nếu sau khi kinh lịch sự kỳ diệu của phục sinh mà họ vẫn không tin, thì ma quỉ sẽ kiềm chế tâm hồn của họ.

Này là một cảnh cáo cho chúng ta, từ lòng ham mộ tiền bạc sẽ dẫn đến lòng bất tin, rồi từ lòng bất tin sẽ dẫn đến sự kiềm chế của ma quỉ.

(Trở về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

Phản Hồi

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.