Sự Ứng Nghiệm Hoàn Toàn Của Lời Tiên Tri

Ma-thi-ơ 12:16 – 21

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

(Tải xuống bản in PDF) (Tải xuống bản nghe MP3)

Kỳ trước chúng ta đã học tập Ma-thi-ơ 12:9 – 15 thuật lại sự kiện Chúa Giê-su chữa lành một người bị teo tay vào ngày Sa-bát. Hôm nay chúng ta học tập đoạn Kinh Thánh kế tiếp:

Ma-thi-ơ 12:16 – 21 16 Chúa dặn họ đừng cho ai biết về Chúa; 17 để được ứng nghiệm lời đấng tiên tri Ê-sai đã nói rằng:18 “Nầy, tôi tớ ta đã chọn, là người mà ta rất yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng. Ta sẽ cho Thánh Linh ta ngự trên người, người sẽ rao giảng sự công bằng cho dân ngoại. 19 Người sẽ chẳng cãi lẫy, chẳng kêu la, và chẳng ai nghe được tiếng người ngoài đường cái. 20 Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã gãy, chẳng tắt ngọn đèn gần tàn, cho đến chừng nào người khiến sự công bằng được thắng. 21 Dân ngoại sẽ trông cậy danh người.”

Chúa Giê-su dặn người ta đừng cho ai biết về Chúa

Ma-thi-ơ 12:16 nói rằng “Chúa dặn họ đừng cho ai biết về Chúa.” Tại sao Chúa dặn người ta đừng cho ai biết về Chúa? Để giải đáp câu hỏi này chúng ta phải nhìn vào một vài câu Kinh Thánh trước để hiểu rõ khung cảnh của Ma-thi-ơ 12:16.

Ma-thi-ơ 12:13 – 16 13 Rồi Chúa phán cùng người ấy: “Hãy đưa tay ra!” Người ấy đưa tay ra, thì tay liệt được lành lặn như tay kia. 14 Tuy nhiên, những người Pha-ri-si đi ra bàn mưu giết Chúa. 15 Đức Chúa Giê-su biết thế, nên lánh khỏi chỗ đó. Có nhiều người theo Chúa và Chúa chữa lành tất cả những người bệnh. 16 Nhưng Chúa dặn họ đừng cho ai biết về Chúa.

Câu 15 và 16 chỉ ra rằng Chúa Giê-su chữa lành tất cả những người bịnh, nhưng Chúa dặn họ đừng nói cho ai biết về Chúa. Lần trước khi Chúa Giê-su chữa lành một người bịnh phung, Chúa cũng dặn bảo người ấy tương tự như vậy:

Ma-thi-ơ 8:2 – 4 2 Kìa, một người phung đến quỳ gối xin: “Thưa Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể chữa lành cho con.”  3 Chúa đưa tay ra sờ người ấy và phán: “Ta muốn, hãy lành bệnh!” Lập tức người phung được lành. 4 Đức Chúa Giê-su dặn người ấy: “Này, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện cùng thầy tế lễ và dâng lễ vật theo như Môi-se đã dạy để làm chứng cho họ.” 

Tại sao Chúa Giê-su không muốn người dân biết rằng Chúa có quyền năng chữa lành tất cả bịnh tật?

Tại vì Chúa Giê-su không muốn người dân đến chỉ cầu xin được chữa bịnh mà thôi. Chúa đến để cứu vướt người dân ra khỏi tội lỗi, chứ không phải để chữa lành tất cả bịnh tật của chúng. Sự cứu chuộc của linh hồn là quan trọng hơn chữa lành bịnh tật của thân thể; cho dù thân thể chúng ta được lành bịnh, nhưng nếu chúng ta không tin vào Chúa Giê-su thì trong tương lai chúng ta vẫn bị hư mất trong lửa hừng của địa ngục. Nếu dân chúng cứ rao truyền cho thiên hạ biết rằng Chúa có thể chữa lành tất cả bịnh tật nào, thì bao nhiêu người bịnh sẽ đến cùng Chúa. Suốt ngày Chúa cứ chữa bịnh này tật kia cho dân chúng, rồi Chúa không có thì giờ truyền giảng tin lành của vương quốc Chúa Trời nữa; và những kẻ ham mộ chân lý cũng bị bao nhiều bịnh nhân cản trở mà không thể học tập lời của Chúa Trời.

Qua việc làm này chúng ta thấy rằng Chúa Giê-su chỉ muốn làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời, Chúa không muốn tìm cầu vinh diệu cho mình. Bởi vậy Đức Chúa Trời rất hài lòng về Chúa Giê-su:

Ma-thi-ơ 12:17 – 18 17 để được ứng nghiệm lời đấng tiên tri Ê-sai đã nói rằng:18 “Nầy, tôi tớ ta đã chọn, là người mà ta rất yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng…”

Ê-sai là một đấng tiên tri, người bắt đầu truyền giảng lời tiên tri của Chúa Trời vào năm 740 trước công lịch, tức là 740 năm trước khi Chúa Giê-su sinh vào thế gian. Đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 12:18 – 21 mà chúng ta tra khảo hôm nay là trích dẫn từ quyển sách Ê-sai 42:1 – 4 nói về công tác của một người tôi tớ của Chúa Trời. Bây giờ chúng ta tra khảo lời tiên tri này từng bước một.

Chúa Trời cho Thánh Linh của Ngài ngự trên tôi tớ này

Ma-thi-ơ 12:18 “Nầy, tôi tớ ta đã chọn, là người mà ta rất yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng. Ta sẽ cho Thánh Linh ta ngự trên người, người sẽ rao giảng sự công bằng cho dân ngoại.

Câu Kinh Thánh trên gồm có 3 phần:

  1. Nầy, tôi tớ ta đã chọn, là người mà ta rất yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng
  2. Ta sẽ cho Thánh Linh ta ngự trên người
  3. người sẽ rao giảng sự công bằng cho dân ngoại

Ở phần trên tôi đã giải thích lý do tại sao Đức Chúa Trời rất hài lòng về Chúa Giê-su, tôi sẽ không lặp lại lời giải thích đó ở đây. Phần thứ 2 của câu Kinh Thánh trên là “Ta sẽ cho Thánh Linh ta ngự trên người”, phần này đã được ứng nghiệm trong Chúa Giê-su.

Ma-thi-ơ 3:13 – 17 13 Khi ấy, Ðức Chúa Giê-su từ xứ Ga-li-lê đến cùng Giăng tại sông Giô-đanh, đặng chịu người làm phép báp-tem. 14 Nhưng Giăng từ chối mà rằng: “Chính tôi cần phải chịu Chúa làm phép báp-tem, mà Chúa lại trở đến cùng tôi sao!” Ðức Chúa Giê-su đáp rằng: 15 “Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công nghĩa như vậy.” Giăng bèn vâng lời Chúa. 16 Vừa khi chịu phép báp-tem rồi, Ðức Chúa Giê-su ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Chúa thấy Thánh Linh của Ðức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Chúa. 17 Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.”

Đoạn Kinh Thánh trên mô tả sự kiện Chúa Giê-su chịu phép báp-tem. Chúa Giê-su là hoàn toàn trọn vẹn không có tội lỗi gì cả, Chúa không cần phải chịu phép báp-tem để cho tội lỗi được rửa sạch, nhưng Chúa lại đến cùng Giăng để chịu phép báp-tem. Trong bài giảng “Chúa Giê-su Chịu Phép Báp-tem” tôi đã giải thích lý do tại sao Chúa phải chịu phép báp-tem. Ở đây tôi không lập lại những lời giải thích đó.

Ma-thi-ơ 3:16 nói rằng ngay sau khi Chúa chịu phép báp-tem, Chúa đang cầu nguyện thì Đức Thánh Linh giáng lâm trên Chúa. Này là ứng nghiệm của lời tiên tri của Ê-sai.

Tôi tớ của Chúa Trời rao giảng sự công bằng cho dân ngoại

Ê-sai còn nói rằng tôi tớ này của Chúa Trời sẽ rao giảng sự công bằng cho dân ngoại. Lời tiên tri này cũng được ứng nghiệm hoàn toàn trong Chúa Giê-su.

Ma-thi-ơ 4:13 – 17  13 Chúa bỏ thành Na-xa-rét mà đến ở thành Ca-bê-na-um, gần mé biển, giáp địa phận xứ Sa-bu-lôn cùng xứ Nép-ta-li, 14 để cho ứng nghiệm lời đấng tiên tri Ê-sai đã nói rằng: “15 Ðất Sa-bu-lôn và Nép-ta-li, ở về trên con đường đi đến biển, bên kia sông Giô-đanh, tức là xứ Ga-li-lê thuộc về dân ngoại, 16 Dân ấy ngồi chỗ tối tăm, đã thấy ánh sáng lớn; Và trên những kẻ ngồi trong miền và dưới bóng sự chết, thì ánh sáng đã mọc lên.” 17 Từ lúc đó, Ðức Chúa Giê-su khởi sự giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần.”

Đoạn Kinh Thánh trên chỉ ra rằng Chúa Giê-su đến Nép-ta-li để khởi sự truyền giảng Tin Lành. Câu 15 nói rằng Nép-ta-li ở xứ Ga-li-lê là thuộc về dân ngoại. Tại sao Chúa lựa chọn Nép-ta-li là một nơi thuộc về dân ngoại?

Chỉ có một giải thích duy nhất, ấy là Chúa muốn rao truyền Tin Lành cho dân ngoại. Dân ngoại là chỉ tất cả những người không thuộc dân tộc Y-sơ-ra-ên. Này là ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-sai “Người sẽ rao giảng sự công bằng cho dân ngoại.” Tại sao cho dân ngoại? Chẳng lẽ Chúa không truyền giảng cho dân Y-sơ-ra-ên chăng? Lẽ dĩ nhiên Chúa truyền giảng cho dân Y-sơ-ra-ên, thật ra Kinh Thánh ghi rằng: “sự cứu rổi bởi người Giu-đa mà đến” (Giăng 4:22); nhưng lời tiên tri này nhấn mạnh rằng ngay cả dân ngoại cũng được nghe giảng về sự công bằng. Trước kia phần nhiều lời của Chúa Trời là hướng về dân tộc Y-sơ-ra-ên, nhưng tôi tớ này sẽ rao giảng cho dân ngoại và cho dân Y-sơ-re-ên vậy.

Sự liên hệ giữa ăn năn và sự phán xét

Khi Chúa truyền giảng Tin Lành, Chúa có phải kêu gọi người dân chỉ cần tin rằng Chúa là Con của Đức Chúa Trời thì chúng sẽ được ơn cứu chuộc? Không! Hoàn toàn không phải! Chúa giảng dạy cái gì? Chúa giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần.” (Ma-thi-ơ 4:17). (Xin các bạn đọc bài giảng “Giăng Báp-tít Dọn Đường Của Chúa Giê-su” để hiểu rõ ý nghĩa của “ăn năn hối cải”)

Có người sẽ nói rằng: “Ma-thi-ơ 12:18 nói rằng tôi tớ này của Chúa Trời sẽ rao giảng sự công bẳng cho dân ngoại, còn Ma-thi-ơ 4:17 thì nói rằng Chúa Giê-su rao giảng sự ăn năn, chứ không phải sự công bằng!” Hỡi các bạn ơi, để tôi giải thích cho các bạn từng bước một.

Nguyên văn Hy Lạp của “sự công bằng” là “κρίσις” (krisis), chữ này có thể dịch là “sự công bằng” hay “sự phán xét”; có nghĩa là nguyên văn Hy Lạp của “sự công bằng” và “sự phán xét” là cùng một chữ; hay nói một cách khác là theo nguyên văn Hy Lạp sự phán xét chính là sự công bằng. Bởi vậy câu Ma-thi-ơ 12:18: “…người sẽ rao giảng sự công bằng cho dân ngoại” cũng có thể dịch là “…người sẽ rao giảng sự phán xét cho dân ngoại”! Và Kinh Thánh dạy rằng có sự liên hệ giữa sự ăn năn và sự phán xét:

Ma-thi-ơ 12:41 41 Ðến ngày phán xét, dân thành Ni-ni-ve sẽ đứng dậy với dòng dõi nầy mà lên án nó, vì dân ấy đã nghe lời Giô-na giảng và ăn năn; mà đây nầy, có một người tôn trọng hơn Giô-na!

Câu Kinh Thánh trên nói đến sự kiện người dân thành Ni-ni-ve nghe lời Giô-na giảng và ăn năn, bây giờ chúng ta nhìn vào sự kiện này trong quyển sách Giô-na.

Giô-na 3:3 – 10 3 Giô-na vâng lời Đức Gia-vê đi ngay đến Ni-ni-ve. Ni-ni-ve là một thành phố vô cùng to lớn, phải mất ba ngày mới đi xuyên qua hết thành phố. 4 Giô-na khởi sự vào thành, đi được một ngày, rồi rao giảng: “Còn bốn mươi ngày nữa, thành Ni-ni-ve sẽ sụp đổ.”   5 Dân thành Ni-ni-ve tin Đức Chúa Trời. Họ công bố kiêng ăn, và mọi người từ lớn đến nhỏ đều quấn vải thô. 6 Khi tin đồn đến tai vua Ni-ni-ve, vua đứng dậy khỏi ngai, cởi áo bào ra, quấn vải thô và ngồi trên đống tro. 7 Vua truyền lệnh công bố khắp thành Ni-ni-ve: “Theo chiếu chỉ của vua và các quan, người và thú, không được nếm gì cả, cũng không được uống nước, thú không được ăn cỏ. 8 Người và thú đều phải quấn vải thô. Mọi người phải tha thiết cầu khẩn Đức Chúa Trời, xây bỏ lối sống ác và hành vi phạm pháp. 9 Biết đâu Đức Chúa Trời sẽ xây lại thương xót chúng ta, cơn nóng giận Ngài sẽ nguôi đi, và chúng ta khỏi chết?” 10 Đức Chúa Trời nhìn thấy điều họ làm, Ngài thấy họ xây bỏ lối sống ác. Vì thế Đức Chúa Trời đổi ý, không giáng tai họa theo như Ngài đã phán. 

Người dân thành Ni-ni-ve nghe lời giảng của Giô-na mà ăn năn hối cải, cho nên Chúa Trời đổi ý, không giáng tai họa trên chúng nữa. Ma-thi-ơ 12:41 nói rằng người dân thành Ni-ni-ve sẽ đứng dậy vào Ngày Phán Xét, tại vì chúng đã ăn năn hối cải và tránh khỏi tai họa. Nếu ai muốn đứng dậy vào ngày phán xét thì phải ăn năn hối cải tội lỗi của mình. Bởi vậy Ma-thi-ơ 12:18 nói rằng tôi tớ này sẽ rao giảng sự phán xét cho dân ngoài, có nghĩa là người kêu gọi người dân phải ăn năn hối cải hầu cho chúng có thể đứng dậy vào ngày phán xét, và ấy chính là điều Chúa Giê-su đã làm khi Chúa bắt đầu truyền giảng Tin Lành!

Chúa Giê-su không cãi lẫy, chẳng kêu la, và chẳng ai nghe được tiếng của người ngoài đường cái

Ma-thi-ơ 12:19 19 Người sẽ chẳng cãi lẫy, chẳng kêu la, và chẳng ai nghe được tiếng người ngoài đường cái

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “cãi lẫy” là “ἐρίζω” (erizo), chữ này có một ý nghĩa đặc biệt, chứ không phải là việc cãi lẫy hàng ngày:

1 Sa-mu-ên 12:14 – 15 14 Nếu các ngươi kính sợ Ðức Gia-vê, phục sự Ngài, vâng theo lời phán Ngài, chẳng nghịch mạng lịnh của Ngài; nếu các ngươi và vua cai trị các ngươi vâng theo Gia-vê Ðức Chúa Trời các ngươi, thì chắc các ngươi sẽ được may mắn. 15 Còn nếu các ngươi không vâng theo lời phán của Ðức Gia-vê, bội nghịch mạng lịnh của Ngài, thì tay của Ðức Gia-vê ắt sẽ giáng họa trên các ngươi như đã giáng họa trên tổ phụ các ngươi.

Đoạn Kinh Thánh trên 1 Sa-mu-ên 12:14 – 15 đã 2 lần đề cập đến “nghịch mạng lịnh của Ngài”, ấy chính là “erizo” trong nguyên văn Hy Lạp. Hay nói một cách khác, “erizo” có nghĩa là phản nghịch mạng lịnh của Chúa Trời.

Chúa Giê-su không hề phản nghịch lại ý chỉ của Chúa Trời, thật ra trước khi Chúa bị bắt, Chúa đã cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê rằng:

Ma-thi-ơ 26:39 39 Rồi Chúa bước tới một ít, sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện rằng: “Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con! Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha.

Ma-thi-ơ 12:19 còn chỉ ra rằng tôi tớ này của Chúa Trời không kêu la. Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “kêu la” là “κραυγάζω” (kraugazo). Trong toàn bộ Tân Ước Chúa Giê-su không hề kêu la, chỉ một lần Chúa lớn tiếng ra lịnh La-xa-rơ hãy đi ra khỏi mồ.

Giăng 11:43 43 Khi Chúa nói xong, bèn kêu lên một tiếng lớn rằng: “Hỡi La-xa-rơ, hãy ra!”

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “kêu lên” chính là kraugazo. Câu Kinh Thánh trên mô tả Chúa Giê-su kêu gọi kẻ chết La-xa-rơ hãy đi ra khỏi mồ, ngay lập tức La-xa-rơ sống lại từ kẻ chết và đi ra khỏi mồ. Ngoài trường hợp này ra, Chúa không hề kêu la, bởi vậy người ta không nghe tiếng của Chúa ở ngoài đường cái.

Tôi tớ này chẳng bẻ cây sậy đã gãy, chẳng tắt ngọn đèn gần tàn

Ma-thi-ơ 12:20 20 Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã gãy, chẳng tắt ngọn đèn gần tàn, cho đến chừng nào người khiến sự công bằng được thắng

Lời tiên tri này cũng ứng nghiệm hoàn toàn trong Chúa Giê-su. “cây sậy đã gãy, ngọn đèn gần tàn” là chỉ về những người tâm hồn rất mực đau thương, chúng đã kiện sức tựa như cây sậy đã gãy và ngọn đèn gần tàn. Khi Chúa Giê-su gặp những người như vậy, Chúa đối đãi với chúng rất mực nhân từ, Chúa dùng tình yêu thương để yên ủi tâm hồn đau thương của chúng.

Lu-ca 7:12 – 15 12 Khi đến gần cổng thành, gặp đám tang người con duy nhất của một bà góa. Nhiều người trong thành cùng đi đưa đám với bà. 13 Thấy bà, Chúa động lòng thương xót, bảo: “Đừng khóc nữa!” 14 Chúa đến gần, sờ quan tài, những người khiêng liền dừng lại. Chúa bảo: “Hỡi cậu trai trẻ, ta truyền cho con hãy chổi dậy!” 15 Người chết ngồi dậy và bắt đầu nói. Chúa giao cậu lại cho mẹ.  

Đoạn Kinh Thánh trên mô tả sự kiện Chúa Giê-su làm phục sinh người con duy nhất của một bà góa. Bà góa này đặt hết thảy hy vọng vào đứa con duy nhất, khi đứa con này chết đi, hết thay hy vọng của bà cũng tiêu tan luôn. Khi Chúa Giê-su thấy tình hình này, Chúa động lòng thương xót cho bà, Chúa làm một phép lạ khiến người con của bà được sống lại.

Ma-thi-ơ 9:20 – 22 20 Bấy giờ, có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm, đến phía sau sờ gấu áo Chúa, 21 vì tự nghĩ rằng: “Nếu ta chỉ sờ gấu áo Chúa, thì sẽ được lành bệnh.”   22 Chúa Giê-su quay lại, thấy người đàn bà, và bảo: “Con ơi, hãy vững tâm, đức tin con đã chữa lành cho con.” Ngay lúc ấy, người đàn bà hết bệnh.  

Đoạn Kinh Thánh trên thuật lại sự kiện một người đàn bà bị xuất huyết đã mười hai năm được lành bịnh. Bà này đến phía sau Chúa Giê-su để sờ gấu áo Chúa, Chúa rất mực nhân từ nói với bà rằng: “Con ơi, hãy vững tâm, đức tin con đã chữa lành cho con.”

Hai sự kiện kể trên cho chúng ta thấy rằng Chúa Giê-su rất mực yêu thương những người tựa như cây sậy đã gảy và ngọn đèn gần tàn, Chúa làm phục sinh người con của bà góa và chữa lành bịnh xuất huyết của người đàn bà kia, Chúa còn chữa trị tâm hồn tan vỡ của chúng bằng sự nhân từ vô biên nữa.

Chúa Giê-su khiến sự công bằng được thắng

Phần thứ 2 của Ma-thi-ơ 12:20: “…cho đến chừng nào người khiến sự công bằng được thắng” nói về một chuyện trong tương lai, khi Chúa Giê-su trở về thế gian, lúc đó sự công bằng sẽ được toàn thắng.

1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:15 – 17 15 Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. 16 Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Ðức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Ðấng Christ, sẽ sống lại trước hết. 17 Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.

Khi Chúa Giê-su trở về thế gian này, những người đã chết đi trong Chúa sẽ được sống lại và được cất lên trời, rồi những người còn sống và trung tín với Chúa sẽ được ban cho một thân thể mới và được cất lên trời.

1 Cô-rinh-tô 15:22 – 25 22 Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Ðấng Christ mọi người đều sẽ sống lại, 23 nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Ðấng Christ là trái đầu mùa; rồi tới ngày Ðấng Christ đến, những kẻ thuộc về Chúa sẽ sống lại. 24 Kế đó, cuối cùng sẽ đến là lúc Chúa sẽ giao nước lại cho Ðức Chúa Trời là Cha, sau khi Chúa đã phá diệt mọi đế quốc, mọi quyền cai trị, và mọi thế lực; 25 vì Chúa phải cầm quyền cho đến chừng đặt những kẻ thù nghịch dưới chân mình.

Đoạn Kinh Thánh trên 1 Cô-rinh-tô 15:22 – 25 nói rằng khi Chúa Giê-su Christ trở về thế gian này, tất cả những người thuộc về Chúa sẽ được sống lại. Chúa sẽ phá diệt mọi đế quốc, mọi chính quyền, Chúa sẽ cai quản thế gian này.

1 Cô-rinh-tô 15:51 – 57 51 Nầy là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hóa, 52 trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa. 53 Vả, thể hay hư nát nầy phải mặc lấy sự không hư nát, và thể hay chết nầy phải mặc lấy sự không chết. 54 Khi nào thể hay hư nát nầy mặc lấy sự không hư nát, thể hay chết nầy mặc lấy sự không chết, thì được ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: “Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng.” 55 Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu? 56 Cái nọc sự chết là tội lỗi, sức mạnh tội lỗi là luật pháp. 57 Nhưng, tạ ơn Ðức Chúa Trời đã cho chúng ta sự thắng, nhờ Ðức Chúa Giê-su Christ chúng ta.

Đoạn Kinh Thánh trên 1 Cô-rinh-tô 15:51 – 57 nói rằng khi tất cả những người trung tín với Chúa Giê-su Christ đều được sống lại và ban cho một thân thể mới, muôn vật trên thế gian cũng được thay đổi trở nên không hư nát. Lúc đó lời trong Kinh Thánh rằng: “Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng” sẽ được ứng nghiệm. Ấy mới là sự đại thắng nhờ Chúa Giê-su Christ.

Dân ngoại sẽ trông cậy danh của Chúa

Trong thời của tiên tri Ê-sai người Y-sơ-ra-ên không có rao truyền lời của Chúa Trời cho dân ngoại. Khi Chúa Giê-su sai các môn đồ đi rao truyền Tin Lành, Chúa dặn họ đi vào các thành, các lành của người Y-sơ-ra-ên, chứ không đi vào thành của dân ngoại.

Ma-thi-ơ 10:5 – 6 5 Ấy đó là mười hai sứ đồ Ðức Chúa Giê-su sai đi, và có truyền rằng: “Ðừng đi đến dân ngoại, cũng đừng vào một thành nào của dân Sa-ma-ri cả; 6 song thà đi đến cùng những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên.”

Sau khi Chúa Giê-su sống lại từ kẻ chết, Chúa hiện ra trước mặt các môn đồ, lúc đó Chúa mới dặn bảo chúng đi truyền giảng Tin Lành trên khắp thế gian:

Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8 8 Nhưng khi Ðức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền năng, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.

Sau đó các môn đồ bắt đầu rao truyền Tin Lành trên khắp thế gian. Lúc đầu chúng vẫn chưa rao truyền Tin Lành cho dân ngoại, mãi cho đến khi Chúa Trời bảo sứ đồ Phi-e-rơ đến nhà của Cọt-nây, đội trưởng của đội binh Y-ta-li để truyền giảng Tin Lành cho gia đình của người, từ đó trở đi Tin Lành mới được rao truyền cho dân ngoại.

Công Vụ Các Sứ Đồ 10:9 – 23 9 Bữa sau, trong lúc ba người ấy đương đi đường và đã đến gần thành, vừa nhằm giờ thứ sáu Phi-e-rơ leo lên mái nhà để cầu nguyện. 10 người đói và thèm ăn; khi người ta đương dọn cho ăn, thì người bị ngất trí đi. 11 Người thấy trời mở ra, và có vật chi giống như một bức khăn lớn níu bốn chéo lên, giáng xuống và sa đến đất: 12 thấy trong đó có những thú bốn cẳng, đủ mọi loài, côn trùng bò trên đất, và chim trên trời. 13 Lại có tiếng phán cùng người rằng: “Hỡi Phi-e-rơ, hãy dậy, làm thịt và ăn.” 14 Song Phi-e-rơ thưa rằng: “Lạy Chúa, chẳng vậy; vì tôi chẳng ăn giống gì dơ dáy chẳng sạch bao giờ.” 15 Tiếng đó lại phán cùng người lần thứ hai rằng: “Phàm vật chi Ðức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ cầm bằng dơ dáy.” 16 Lời đó lặp lại ba lần; rồi vật ấy liền bị thâu lên trên trời. 17 Phi-e-rơ đương nghi ngờ về ý nghĩa của sự hiện thấy mình đã thấy, thì các người mà Cọt-nây sai đi đã hỏi thăm được nhà Si-môn, và tới đứng tận cửa. 18 Họ kêu và hỏi đây có phải là nơi Si-môn tức Phi-e-rơ ở chăng. 19 Phi-e-rơ còn đương ngẫm nghĩ về sự hiện thấy đó, thì Ðức Thánh Linh phán cùng người rằng: “Kìa, có ba người đương tìm ngươi. 20 Vậy, hãy đứng dậy, xuống mà đi với họ, chớ hồ nghi, vì ta đã sai họ đó.” 21 Phi-e-rơ bèn xuống cùng họ mà nói rằng: “Ta đây, là người các ngươi đương tìm; các ngươi đến đây có việc gì?” 22 Họ trả lời rằng: “Ðội trưởng Cọt-nây là người công nghĩa, kính sợ Ðức Chúa Trời, cả dân Giu-đa đều làm chứng tốt về người, người đó đã bởi một thiên sứ thánh mà chịu mạng lịnh từ nơi cao rằng phải mời ông về nhà và nghe lời ông.” 23 Phi-e-rơ bèn mời họ vào nhà và cho trọ tại đó. Ngày mai, Phi -e-rơ chờ dậy đi với họ, có một vài người trong hàng anh em từ Giốp-bê cùng đi với.

Trong hai ngàn năm qua, những môn đồ trung tín của Chúa Giê-su tiếp tục rao truyền Tin Lành trên khắp các nước; ngày nay vô số dân ngoại cũng tin vào Đức Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su y như lời tiên tri này nói: “Dân ngoại sẽ trông cậy danh của Chúa.”

Kết Luận

Đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 12:16 – 21 mô tả một người tôi tớ của Đức Chúa Trời, người không phản nghịch mệnh lệnh của Ngài, người không quan tâm về danh tiếng của mình, người đầy dẫy nhân từ thương xót cho những kẻ tâm hồn đau thương tan vỡ, người rao truyền lời của Chúa Trời, đặc biệt là về sự công bằng, cho muôn dân trên thế gian. Lời tiên tri này đã được ứng nghiệm hoàn toàn trong Chúa Giê-su Christ và trong các môn đồ trung tín của Chúa.

(Trở về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

Phản Hồi

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.