Làm Việc Lành Vào Ngày Sa-bát

Ma-thi-ơ 12:9 – 15

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

(Tải xuống bản in PDF) (Tải xuống bản nghe MP3)

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 12:1 – 8, bây giờ tôi tổng hợp lại những điểm chính trong đoạn Kinh Thánh đó, tại vì ấy là liên quan trực tiếp đến đoạn Kinh Thánh chúng ta tra khảo hôm nay.

Những điểm chính của đoạn Kinh Thánh kỳ trước Ma-thi-ơ 12:1 – 8

Vào ngày Sa-bát, Chúa Giê-su và các môn đồ đi qua giữa đồng lúa mì. Các môn đồ thấy đói bụng, bèn bứt bông lúa mà ăn. Khi các người Pha-ri-si thấy vậy, chúng hỏi Chúa tại sao các môn đồ của Chúa vi phạm điều lệ của ngày Sa-bát. Chúa Giê-su trích dẫn chuyện vua Đa-vít vào đền Đức Chúa Trời và ăn bánh bày ra, là bánh chỉ dành riêng cho các thầy tế lễ mà người khác không được phép ăn; hơn nữa các thầy tế lễ làm việc trong đền thờ vào ngày Sa-bát, mà không phải tội. Rồi Chúa nói rằng tại chỗ này có một việc lớn hơn đền thờ, và chính con của loài người là Chúa ngày Sa-bát.

Việc lớn hơn đền thờ là cái gì? Chỉ có ý chỉ của Đức Chúa Trời là “việc lớn hơn đền thờ”. Mà ý chỉ của Đức Chúa Trời là gì? Chúa Trời Đức Gia-vê lập ngày Sa-bát để người dân của Ngài được một ngày nghỉ sau khi làm việc sáu ngày, hầu cho chúng có thể đến cùng Ngài và tương giao với Ngài. Nếu chúng ta không hiểu rõ mục đích của ngày Sa-bát mà chỉ chú trọng vào các điều lệ của ngày Sa-bát thì sẽ khiến ngày Sa-bát trở thành một gánh nặng trầm trọng cho người dân, ấy là trái ngược với ý chỉ của Chúa Trời khi Ngài lập ra ngày Sa-bát. Chỉ khi chúng ta có lòng nhân từ thương xót cho người ta thì chúng ta mới hiểu được ý chỉ của Chúa Trời. Chúa Giê-su là chúa của ngày Sa-bát tại vì toàn bộ mục đích của ngày Sa-bát đều được trọn vẹn trong Chúa. Bởi vậy khi Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta ở trong Chúa Giê-su thì ta luôn luôn tương giao với Đức Cha, sự tương giao không phải chỉ giới hạn vào ngày Sa-bát mà thôi.

Bây giờ chúng ta tiếp tục tra khảo đoạn Kinh Thánh kế tiếp.

Trong ngày Sa-bát có phép làm việc lành

Ma-thi-ơ 12:9 – 13 9 Ðức Chúa Giê-su đi khỏi nơi đó, bèn vào nhà hội. 10 Ở đó, có một người teo một bàn tay. Có kẻ hỏi Chúa rằng: “Trong ngày Sa-bát, có phép chữa kẻ bịnh hay không?” Ấy là họ có ý kiếm dịp kiện Chúa. 11 Chúa bèn phán cùng họ rằng: “Ai trong vòng các ngươi có một con chiên, nếu đương ngày Sa-bát, bị té xuống hầm, thì há không kéo nó lên sao? 12 Huống chi người ta trọng hơn con chiên là dường nào! Vậy, trong ngày Sa-bát có phép làm việc lành.” 13 Ðoạn, Chúa phán cùng người tay teo rằng: “Hãy giơ tay ra.” Người liền giơ tay, thì tay nầy cũng lành như tay kia.

Những người Pha-ri-si hỏi Chúa một câu hỏi xảo quyệt: “Trong ngày Sa-bát, có phép chữa kẻ bịnh hay không?” Kinh Thánh không có ghi rõ vào ngày Sa-bát có nên chữa bịnh hay không. Nếu Chúa trả lời rằng người ta nên chữa bịnh vào ngày Sa-bát, thì chúng sẽ kiện Chúa vi phạm Luật Pháp. Nhưng nếu Chúa nói rằng người ta không nên chữa bịnh vào ngày Sa-bát, thì dân chúng ở xung quanh nghe nói vậy sẽ bất bình về Chúa.

Thay vì trả lời câu hỏi này một cách trực tiếp, Chúa Giê-su hỏi lại những người Pha-ri-si rằng nếu con chiên của chúng bị té xuống hầm vào ngày Sa-bát thì chúng có kéo nó lên hay không. Lẽ dĩ nhiên chúng sẽ kéo con chiên lên, cho dù chúng không thương hại cho con chiên, nhưng chúng chắc lo cho món tiền lớn bị mất nếu con chiên chết đi. Chúng coi con chiên là quan trọng như thế, nhưng trong mắt của Đức Chúa Trời thì người ta là quan trọng hơn con chiên rất nhiều. Bởi vậy Chúa nói rằng: “trong ngày Sa-bát có phép làm việc lành.”

Việc lành là việc gì?

Nhưng viêc lành là việc gì? Chúng ta cần phải nhìn vào nguyên văn Hy Lạp mới có thể xác định ý nghĩa của việc lành. Nguyên văn Hy Lạp của chữ “lành” là “καλῶς” (kalos). Chữ này có ý nghĩa sâu xa lắm.

Ga-la-ti 5:7 7 Anh em chạy giỏi; ai đã ngăn trở anh em đặng không cho vâng phục lẽ thật?

Đoạn Kinh Thánh trên Ga-la-ti 5:7 chỉ ra rằng các tín đồ trong hội thánh Ga-la-ti đã chạy giỏi, nhưng có người đã ngăn trở chúng hầu cho chúng không vâng phục lẽ thật. Nguyên văn Hy Lạp của chữ “giỏi” ở đây chính là kalos. Sở dĩ chúng chạy giỏi là tại vì chúng vâng phục lẽ thật, nhưng nếu người ta ngăn trở chúng vâng phục lẽ thật thì chúng sẽ không chạy giỏi nữa. Căn cứ theo ý nghĩa của đoạn Kinh Thánh này, “giỏi” (kalos) là liên quan đến vâng phục lẽ thật.

Gia-cơ 2:8 8 Thật vậy, nếu anh em vâng giữ cho toàn vẹn luật pháp tôn trọng, theo như Kinh Thánh rằng: “Hãy yêu người lân cận như mình,” thì anh em ăn ở tốt lắm.

Đoạn Kinh Thánh trên Gia-cơ 2:8 dạy rằng nếu Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta yêu người lân cận như mình thì chúng ta ăn ở tốt lắm. Nguyên văn Hy Lạp của chữ “tốt” chính là kalos; bởi vậy “tốt” (kalos) là liên quan đến yêu người lân cận như mình.

Gia-cơ 2:19 19 Ngươi tin rằng chỉ có một Ðức Chúa Trời mà thôi, ngươi tin phải; ma quỉ cũng tin như vậy và run sợ.

Đoạn Kinh Thánh trên Gia-cơ 2:19 dạy rằng nếu chúng ta tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, chúng ta tin phải. Nguyên văn Hy Lạp của chữ “phải” chính là kalos, bởi vậy “phải” (kalos) là liên quan đến tin tưởng rằng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi.

Chúng ta tổng hợp lại ý nghĩa của 3 đoạn Kinh Thánh trên Ga-la-ti 5:7, Gia-cơ 2:8 và Gia-cơ 2:19 thì chúng ta thấy rằng việc lành (kalos) là việc liên quan đến:

  1. vâng phục lẽ thật
  2. yêu thương người lân cận như mình
  3. tin tưởng rằng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi

Chúa Giê-su chữa lành người teo một bàn tay, tại vì Chúa yêu thương người đó, ấy hẳn là một việc lành phù hợp với ý chỉ của Đức Chúa Trời, cho nên Chúa nói rằng: “trong ngày Sa-bát có phép làm việc lành”.

Chúa Giê-su bỏ đi khỏi chỗ đó

Ma-thi-ơ 12:14 – 15 14 Những người Pha-ri-si đi ra ngoài rồi, bàn với nhau, lập mưu đặng giết Chúa. 15 Song Ðức Chúa Giê-su biết điều ấy, thì bỏ đi khỏi chỗ đó; có nhiều người theo, và Chúa chữa lành cả.

Những người Pha-ra-si thấy không thể kiện Chúa vi phạm điều lệ của ngày Sa-bát, chúng bàn với nhau và lập mưu đặng giết Chúa. Khi Chúa Giê-su biết âm mưu của họ, thì Chúa bỏ đi khỏi chỗ đó.

Tại sao Chúa bỏ đi khỏi chỗ đó? Chúa có phải sợ chết chẳng? Lẽ dĩ nhiên Chúa Giê-su không phải sợ chết, Chúa nói rằng Chúa đến thế gian là để hầu việc người ta và hiến dâng sự sống mình để làm giá chuộc nhiều người.

Ma-thi-ơ 20:28 28 Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và hiến dâng sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.

Nhưng tại sao Chúa Giê-su lại bỏ đi khỏi chỗ đó khi những người Pha-ri-si lập mưu đặng giết Chúa? Ấy là tại vì Chúa còn chưa hoàn thành công việc Đức Chúa Trời đã giao cho Chúa, cho nên Chúa không muốn chết vào lúc đó thôi.

Giăng 7:1 – 8 1 Kế đó, Ðức Chúa Giê-su đi khắp xứ Ga-li-lê. Chúa không ưng đi trong xứ Giu-đê, bởi dân Giu-đa vẫn tìm phương giết Chúa. 2 Và, ngày lễ của dân Giu-đa, gọi là lễ Lều Tạm gần đến. 3 Anh em Chúa nói rằng: “Hãy đi khỏi đây, và qua xứ Giu-đê, để cho các môn đồ cũng được xem công việc ngươi làm. 4 Khi nào người ta muốn tỏ mình ra, thì không làm kín giấu việc gì. Vì ngươi làm những sự đó, hãy tỏ mình cho thiên hạ.” 5 Bởi vì chính các anh em Chúa không tin Chúa. 6 Ðức Chúa Giê-su phán cùng anh em rằng: “Thì giờ ta chưa đến; còn về các ngươi, thì giờ được tiện luôn luôn. 7 Thế gian chẳng ghét các ngươi được; nhưng ghét ta, vì ta làm chứng nầy về họ rằng công việc họ là ác. 8 Các ngươi hãy lên dự lễ nầy, còn ta chưa lên dự lễ đó, vì thì giờ ta chưa trọn.”

Đoạn Kinh Thánh trên Giăng 7:1 – 8 chỉ ra rằng Chúa Giê-su đi khắp xứ Ga-li-lê, nhưng Chúa không đi trong xứ Giu-đê tại vì dân Giu-đa muốn tìm cách giết Chúa. Chính các anh em của Chúa cũng không tin Chúa, chúng bảo Chúa nên đi qua xứ Giu-đa để tỏ mình cho thiên hạ. Chúa Giê-su trả lời rằng giờ của mình chưa đến, còn về các anh em thì lúc nào cũng tiện, tại vì thế gian chẳng ghét chúng; nhưng thế gian ghét Chúa tại vì Chúa chỉ ra những việc ác người đời làm. Chúa Giê-su khuyến khích các anh em đi xứ Giu-đa để dự lễ Lều Tạm, còn Chúa thì không đi, vì giờ của Chúa chưa trọn, tại vì Chúa chưa làm trọn công việc Chúa Trời giao cho Chúa. Nhưng một khi Chúa Giê-su làm trọn vẹn mọi việc thì Chúa tự nguyện đi lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết trên cây Thập Tự.

Ma-thi-ơ 16:21 – 23 21 Từ đó, Ðức Chúa Giê-su mới tỏ cho môn đồ biết rằng mình phải đi đến thành Giê-ru-sa-lem, phải chịu tại đó nhiều sự khốn khổ bởi những người trưởng lão, thầy tế lễ cả, cùng thầy thông giáo, và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại. 22 Phi -e-rơ bèn đem Chúa riêng ra, mà can rằng: “Hỡi Chúa! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!” 23 Nhưng Chúa xây mặt lại mà phán cùng Phi e-rơ rằng: “Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta! Ngươi là hòn đá vấp chân cho ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Ðức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta.”

Đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 16:21 – 23 tỏ ra rằng một khi Chúa Giê-su đã làm trọn vẹn công việc Chúa Trời Đức Gia-vê giao cho Chúa thì Chúa tự nguyện đi lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết để làm giá chuộc cho muôn dân, tại vì ấy chính là mục đích Chúa đến vào thế gian.

Kết Luận

Bây giờ chúng ta tổng kết lại tất cả những điểm vừa tra khảo ở trên. Chúa Trời Đức Gia-vê lập ra ngày Sa-bát hầu cho người dân được một ngày nghỉ và chúng có thể đến cùng Ngài để tương giao với Ngài. Nếu chúng ta không hiểu ý chỉ của Chúa Trời mà chỉ chú trọng về vâng giữ các điều lệ của ngày Sa-bát thì sẽ khiến ngày Sa-bát thành ra một gánh nặng cho chúng ta, ấy là phản nghịch lại ý chỉ của Chúa Trời.

Khi Chúa Giê-su chữa lành một người bị teo tay vào ngày Sa-bát, những người Pha-ri-si nghĩ rằng ấy là vi phạm điều lệ của Luật Pháp. Nhưng Chúa Giê-su nói rằng trong ngày Sa-bát có phép làm việc lành.

Vậy việc lành là việc gì? Căn cứ theo lời dạy trong Kinh Thánh, việc lành là những việc liên quan đến vâng phục lẽ thật, yêu thương người lân cận như mình và tin tưởng về một Đức Chúa Trời mà thôi. Những việc này hẳn là phù hợp với ý chỉ của Chúa Trời, khi chúng ta làm việc lành thì chúng ta làm theo ý chỉ của Ngài. Bởi vậy Chúa Giê-su nói rằng có phép làm việc lành vào ngày Sa-bát.

Thực ra làm việc lành là tùy thuộc vào thái độ trong tâm hồn của ta. Nếu tâm hồn của chúng ta là luôn luôn vâng phục lẽ thật, yêu thương người lân cận như mình và tin tưởng về một Đức Chúa Trời thì mọi việc chúng ta làm đều là việc lành. Ngược lại, nếu chúng ta không có một thái độ vâng phục lẽ thật, không yêu thương người ta và không tin tưởng vào một Đức Chúa Trời thì những việc ta làm không phải là việc lành trong mắt của Đức Chúa Trời.

(Trở về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

Phản Hồi

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.