Chúa Giê-su Đến Để Đem Gươm Dáo

Ma-thi-ơ 10:34 – 39

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

(Tải xuống bản in PDF)   (Tải xuống bản nghe MP3)

Kỳ trước chúng ta đã học tập đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 10:24-33, Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta đừng sợ bắt bớ đàn áp của người đời, và chúng ta nên rao truyền tất cả lời dạy của Chúa một cách dũng cảm. Hôm nay chúng ta học tập đoạn Kinh Thánh kế tiếp Ma-thi-ơ 10:34-39. 

Chúa Giê-su Đến Để Không Phải Đem Bình Yên Mà Là Đem Gươm Dáo 

Bây giờ tôi sẽ giải thích đoạn Kinh Thánh trên từng bước một. Đầu tiên chúng ta tra khảo Ma-thi-ơ 10:34 – 36:

Ma-thi-ơ 10:34 – 36 34 Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình yên cho thế gian; ta đến, không phải đem sự bình yên, mà là đem gươm dáo. 35 Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia; 36 và người ta sẽ có kẻ thù nghịch là người nhà mình.

1. Những người vui lòng trở thành tôi mọi của Chúa Trời và Chúa Giê-su mới được ban cho sự bình yên

Tại sao Chúa Giê-su đến không phải đem sự bình yên? Chính Kinh Thánh ghi rằng khi Chúa Giê-su ra đời, bọn thiên sứ ca rằng: “Bình yên trên đất cho những người Chúa Trời vừa lòng”:

Lu-ca 2:10 – 14 10 Thiên sứ bèn phán rằng: “Ðừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn cho muôn dân; 11 ấy là hôm nay tại thành Ða-vít đã sanh cho các ngươi một Ðấng Cứu thế, là Christ, là Chúa. 12 Nầy là dấu cho các ngươi nhìn nhận Chúa: Các ngươi sẽ gặp một con trẻ bọc bằng khăn, nằm trong máng cỏ.” 13 Bỗng chúc có muôn vàn thiên binh với thiên sứ ngợi khen Ðức Chúa Trời rằng: “14 Sáng danh Đức Chúa Trời trên các từng trời rất cao, bình yên dưới đất cho những người Ngài vừa lòng!” 

Xin các bạn hãy đọc kỹ câu 14, “bình yên dưới đất cho những người Ngài vừa lòng!” Sự bình yên là cho những người Đức Chúa Trời vừa lòng, chứ không phải người nào người nấy đều được ban cho bình yên đâu! Mà hạng người nào mới được Đức Chúa Trời vừa lòng?

Ma-thi-ơ 11:25 – 26 25 Lúc đó, Chúa Giê-su nói rằng: “Lạy Cha là Chúa của trời đất, con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu những điều này với những người khôn ngoan, kẻ thông thái, nhưng bày tỏ cho những con trẻ. 26 Vâng, thưa Cha, vì Cha thấy điều này là vừa lòng.” 

Đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 11:25 – 26 chỉ ra rằng Đức Cha trên trời giấu những điều này (tức là những chuyện thuộc linh) với những người khôn ngoan, kẻ thông thái, nhưng lại bày tỏ cho những con trẻ, tại vì Cha thấy điều này là vừa lòng. Vậy con trẻ là những người Đức Chúa Trời vừa lòng.

Con trẻ có đức tính gì mà khiến Chúa Trời vừa lòng về chúng? Nhiều người chắc nghĩ rằng tại vì con trẻ có tính thuần khiết, hồn nhiên, cho nên Chúa Trời vừa lòng về chúng. Nhưng thật ra Kinh Thánh dạy rằng những con trẻ thuộc linh không phải là một điều tốt.

1 Cô-rinh-tô 3:1 1Thưa anh chị em, tôi vẫn không thể nói với anh chị em như nói với những người thuộc linh, nhưng nói với những người xác thịt, như những trẻ con trong Đấng Christ.

Đoạn Kinh Thánh trên 1 Cô-rinh-tô 3:1 so sánh trẻ con trong Đấng Christ với những người xác thịt, tức là những người bị xác thịt điều khiển. Những người bị xác thịt điều khiển thì hẳn là không tốt, thậm chí nguy hiểm nữa.

Ê-phê-sô 4:14 14 Lúc ấy, chúng ta sẽ không còn là trẻ con nữa, bị sóng đánh trôi dạt và cuốn theo mọi luồng gió đạo lý của những người bịp bợm, xảo trá dùng thủ đoạn lừa gạt.

Đoạn Kinh Thánh trên Ê-phê-sô 4:14 nói rằng trẻ con thì hay bị sóng đánh trổi dạt và cuốn theo mọi luồng gió đạo lý của những người bịp bợm, xảo trá dùng thủ đoạn lừa gạt.

Hai đoạn Kinh Thánh trên 1 Cô-rinh-tô 3:1 và Ê-phê-sô 4:14 chỉ ra rằng những con trẻ thuộc linh bị xác thịt điều khiển và thường hay bị lôi cuốn bởi những đạo lý xảo trả, rồi bị lừa gạt, bởi vậy họ là ở trong tình trạng nguy hiểm. Ngoài điểm này ra, Kinh Thánh còn dạy rằng trẻ con là tựa như tôi mọi.

Ga-la-ti 4:1 1 Vả, tôi nói rằng người kế tự dầu là chủ của mọi vật, mà đương còn thơ ấu, thì chẳng khác chi kẻ tôi mọi;

Đoạn Kinh Thánh trên Ga-la-ti 4:1 nói rằng khi người kế tự đương còn thơ ấu thì chẳng khác gì kẻ tôi mọi. Vậy trẻ con là bị coi như kẻ tôi mọi. Đức Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su luôn luôn thương xót cho những người ở địa vị thấp hèn.

Bởi vậy Chúa Trời vừa lòng về trẻ con không phải vì họ có đức tính cao quý, đáng thương, nhưng vì địa vị thấp hèn của họ, họ bị coi như kẻ tôi mọi. Hơn nữa chính vì họ thường bị xác thịt điều khiển và bị người ta lừa gạt, họ là ở trong tình trạng nguy hiểm, cho nên Chúa Trời bày tỏ những chuyện thuộc linh cho họ để giúp đỡ họ vậy.

Ngoài đoạn Kinh Thánh Lu-ca 2:10 – 14 ở trên, chính Chúa Giê-su cũng nói rằng Chúa để lại niềm bình yên cho các môn đồ:

Giăng 14:27 27 “Ta để sự bình yên lại cho các ngươi; ta ban sự bình yên ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình yên chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.”

Căn cứ theo lời dạy trong Kinh Thánh, các môn đồ của Chúa Giê-su chính là tôi mọi của Chúa:

Giăng 15:14 – 15 14 Ví thử các ngươi làm theo điều ta dạy, thì các ngươi là bạn hữu ta. 15 Ta chẳng gọi các ngươi là đầy tớ nữa, vì đầy tớ chẳng biết điều chủ mình làm nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta, vì ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều ta đã nghe từ nơi Cha ta. 

Trong đoạn Kinh Thánh trên Giăng 15:14 – 15, nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “đầy tớ” là “δοῦλος” (dou-los), có nghĩa là “tôi mọi”, chứ không phải là “đầy tớ”. Chúa Giê-su nói cùng các môn đồ rằng nếu chúng làm theo điều Chúa dạy, thì chúng là bạn hữu của Chúa, Chúa chẳng coi chúng là tôi mọi nữa. Vậy môn đồ của Chúa là tôi mọi của Chúa. Tín Đồ Cơ Đốc chính là môn đồ của Chúa Giê-su, vậy Tín Đồ Cơ Đốc vốn là tôi mọi của Chúa, nhưng khi chúng ta làm theo điều Chúa dạy thì Chúa coi chúng ta là bạn hữu, chứ không phải là tôi mọi.

Ê-phê-sô 6:6 6 không phải vâng phục trước mặt người mà thôi, như các ngươi kiếm cách làm đẹp lòng người ta, nhưng phải như tôi tớ của Ðấng Christ, lấy lòng tốt làm theo ý muốn Ðức Chúa Trời.

Trong đoạn Kinh Thánh trên Ê-phê-sô 6:6, nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “tôi tớ” cũng là “δοῦλος” (dou-los), có nghĩa là tôi mọi. Ở đây sứ đồ Phao-lô dạy bảo các Tín Đồ ở Hội Thánh Ê-phê-sô rằng chúng là tôi mọi của Đấng Christ, chúng nên lấy lòng tốt làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời.

Bây giờ chúng ta tổng hợp lại tất cả những đoạn Kinh Thánh trên, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời vừa lòng về những kẻ tôi mọi, và Ngài ban sự bình yên cho chúng, chứ không phải người nào người nấy đều được sự bình yên trong lòng. Mà căn cứ theo Kinh Thánh Tín Đồ Cơ Đốc vốn là tôi mọi của Chúa Giê-su Christ. Bởi vậy nếu chúng ta muốn được Chúa Trời vừa lòng và được ban cho bình yên thì ta phải vui lòng tự hạ mình xuống để trở thành tôi mọi của Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su Christ.

2. Chúa Giê-su đem gươm dáo thuộc linh tức là lời của Chúa Trời đến thế gian

Nhưng tại sao Chúa Giê-su nói Chúa đến là để đem gươm dáo? Gươm dáo là võ khí dùng để giết người, chẳng lẽ Chúa muốn giết người sao?

Đó là hoàn toàn phi lý! Thật ra Chúa Giê-su không bao giờ muốn các môn đồ sử dụng cây gươm để giết hoặc làm thương người ta. Khi Chúa bị bắt, một môn đồ dùng cây gươm để chém cái lỗ tai của tên đầy tớ của thầy tế lễ thượng phẩm, Chúa còn chữa lành tên đầy tớ ấy nữa:

Lu-ca 22:47 – 51 47 Khi Chúa còn đương phán, một lũ đông kéo đến. Tên Giu-đa, một trong mười hai sứ đồ, đi trước hết, lại gần Ðức Chúa Giê-su đặng hôn Chúa. 48 Ðức Chúa Giê-su hỏi rằng: “Hỡi Giu-đa, ngươi lấy cái hôn để phản Con của loài người sao?” 49 Những người ở với Chúa thấy sự sắp xảy đến, bèn nói rằng: “Thưa Chúa, chúng tôi nên dùng gươm đánh chăng?” 50 Một người trong các sứ đồ đánh đầy tớ của thầy cả thượng phẩm và chém đứt tai bên hữu. 51 Nhưng Ðức Chúa Giê-su cất tiếng phán rằng: “Hãy để cho họ đến thế!” Chúa bèn rờ tai đầy tớ ấy, làm cho nó được lành. 

Chúa Giê-su đến là để đem gươm dáo, ấy là chỉ về gươm dáo thuộc linh, tức là lời của Đức Chúa Trời:

Ê-phê-sô 6:17 17 Cũng hãy mang lấy mũ sắt của sự cứu chuộc, và cầm gươm của Thánh Linh, tức là lời của Chúa Trời.

Khi Chúa Giê-su đến, Chúa đem lời của Chúa Trời Gia-vê vào thế gian này. Mà lời của Ngài sẽ làm gì trên thế gian?

Hê-bơ-rơ 4:12 Vì lời của Ðức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến nỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.

Đoạn Kinh Thánh trên Hê-bơ-rơ 4:12 nói rằng lời của Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, còn sắc hơn gươm hai lưỡi. Khi lời sống này được rao truyền một cách chân thật theo đúng ý chỉ của Ngài, thì cây gươm thuộc linh này sẽ thấu vào trong lòng người ta, phân chia ra hồn với linh, cốt với tủy, và còn xem xét tư tưởng và ý định trong lòng chúng ta nữa.

Chính tôi từng kinh lịch lời sống của Chúa Trời thấu vào trong tâm hồn, chỉ ra các tội lỗi ẩn náu trong lòng tôi, khiến tôi phải ăn năn hối cải trước mặt Ngài và cầu xin Ngài giúp tôi khắc phục tội lỗi của mình. Chính là những kinh lịch kỳ diệu như vậy khiến niềm tin của tôi càng vững mạnh hơn, tôi biết chắc rằng Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su là chân thật, và lời của Ngài quả thật là lời sống có quyền năng kỳ diệu vĩ đại.

Nhưng một mặt khác, cũng có nhiều người không chịu phục tùng lời sống của Chúa Trời. Khi lời của Ngài chỉ ra các tội lỗi trong lòng của chúng, chúng không chịu ăn năn hối cải, chúng thù ghét lời sống của Ngài và những người truyền giảng lời của Ngài. Trong suốt hai ngàn năm lịch sử của hội thánh mãi cho đến ngày này đã có vô số Tín Đồ Cơ Đốc bị người đời và chính phủ đàn áp giết hại.

Giăng 3:20 Bởi vì phàm ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng, e rằng công việc của mình phải bị trách móc chăng.

Những người ham mô chân lý sẽ vui lòng đến cùng sự sáng. Những kẻ làm ác thì ghét sự sáng, tại vì sự sáng tỏ ra tội ác của họ. Nếu họ cứ ở trong tối tăm thì không ai nhìn thấy tội ác của họ, cho nên họ sẽ tránh xa sự sáng.

Đồng thời có một số người tuy không thù ghét lời của Chúa Trời, nhưng chúng hoàn toàn không quan tâm đến lời của Ngài. Cho dù chúng nghe lời của Ngài, nhưng chúng không có phản ứng gì cả. Tấm lòng của chúng là cứng như hòn đá vậy.

Lời sống của Chúa Trời phân chia người đời ra thành 3 hạng người kể trên. Khi bạn phục tùng lời của Ngài, bạn ăn năn hối cải và bạn trở thành Tín Đồ Cơ Đốc, nhưng nếu người nhà của bạn không tin vào lời của Ngài, không chừng chúng còn thù ghét lời của Ngài nữa, thì chúng cũng thù ghét bạn luôn; Những chuyện như vậy xảy ra thường xuyên. Ấy chính là tình trạng Chúa Giê-su nói trong câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 10:35-36 “Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia; 36 và người ta sẽ có kẻ thù nghịch là người nhà mình. ”

Điều Kiện Để Được Làm Môn Đồ Của Chúa Giê-su

Bây giờ chúng ta tiếp tục tra khảo đoạn Kinh Thánh kế tiếp Ma-thi-ơ 10:37 – 39. 

1. Chúng ta phải yêu Chúa Giê-su nhiều hơn tất cả người nhà trong gia đình 

Đầu tiên chúng ta tập trung vào câu Ma-thi-ơ 10:37:

Ma-thi-ơ 10:37 37 Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta;

Trong câu Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 10:37 Chúa Giê-su phán rằng ai yêu cha mẹ, con trai, con gái hơn Chúa thì không đáng cho Chúa, có nghĩa là không xứng đáng làm môn đồ của Chúa. Các bạn chắc nghĩ rằng Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta phải yêu Chúa giống như yêu cha mẹ, con trai, con gái vậy, điều kiện này khá hợp lý chứ, phải không? Hỡi các bạn ơi, không phải như vậy đâu, tôi sẽ giải thích cho các bạn từng bước một.

Bây giờ chúng ta đọc đoạn Kinh Thánh song song của Ma-thi-ơ 10:37-38 là Lu-ca 14:26-27:

Lu-ca 14:26 – 27 Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta. 27 Còn ai không vác thập tự giá mình theo ta, cũng không được làm môn đồ ta.

Trong đoạn Kinh Thánh này Lu-ca 14:26 – 27, Chúa Giê-su dùng chữ “ghét”, nếu ai đi theo Chúa mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ của Chúa.

Các bạn chắc kinh ngạc lắm! Làm sao mà chúng ta có thể ghét tất cả người nhà trong gia đình và ghét cả sự sống của mình nữa! Quả thật nếu người nào ghét cả sự sống của mình thì nó chắc là điên khùng!

Để hiểu rõ ý nghĩa của đoạn Kinh Thánh này Lu-ca 14:26 – 27, chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa của chữ “ghét” trong nguyên văn Hy Lạp. Nguyên văn Hy Lạp của chữ “ghét” là “μισέω” (mi-se-o), bây giờ chúng ta tra khảo ý nghĩa của chữ “μισέω” trong Kinh Thánh:

Sáng Thế Ký 29:30 – 31 Gia-cốp đi lại cùng Ra-chên, thương yêu nàng hơn Lê-a. Vậy, người ở giúp việc nhà La-ban thêm bảy năm nữa. 31 Ðức Gia-vê thấy Lê-a bị ghét, bèn cho nàng sanh sản; còn Ra-chên lại son sẻ.

Câu 31 trong đoạn Kinh Thánh trên ghi rằng: “31 Ðức Gia-vê thấy Lê-a bị ghét …”, ấy là phi lý, tại sao mà Gia-cốp lại ghét Lê-a?

Chúng ta phải xem xét văn cảnh để tìm hiểu rõ chữ “ghét” có nghĩa là gì? Câu 30 nói rằng: “Gia-cốp đi lại cùng Ra-chên, thương yêu nàng hơn Lê-a”, rồi câu 31: “Đức Gia-vê thấy Lê-a bị ghét”. Vậy chữ “ghét” không phải là hận thù, mà là yêu thương ít hơn. Gia-cốp thương yêu Ra-chên hơn Lê-a, người đi lại cùng Ra-chên nhiều hơn Lê-a, hành động này khiến Lê-a cảm thấy Gia-cốp ghét mình.

Bây giờ chúng ta áp dụng ý nghĩa của chữ “ghét” vào đoạn Kinh Thánh Lu-ca 14:26: “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta”. Chúa Giê-su đòi hỏi các môn đồ phải yêu cha mẹ, vợ con, anh em, chị em ít hơn yêu Chúa; ấy là tương tự như trường hợp của Gia-cóp, Ra-chên và Lê-a, khi Gia-cốp yêu Ra-chên nhiều hơn Lê-a, Kinh Thánh nói rằng Lê-a bị ghét.

Điều kiện để được làm môn đồ của Chúa Giê-su là chúng ta phải yêu Chúa nhiều hơn hết thảy người nhà trong gia đình. Khi chúng ta yêu Chúa Giê-su nhiều hơn tất cả người nhà của mình, và những việc ta làm cho Chúa Giê-su khiến người nhà nghĩ rằng ta ghét chúng. Thí dụ: Chúng ta là Tín Đồ Cơ Đốc, chúng ta không dâng nén hương cho bàn thờ của ông bà tổ tương, ta chỉ cúi đầu chào trước bàn thờ thôi. Khi ta làm như vậy, thì người nhà sẽ nghĩ rằng ta ghét gia đình và cả tổ tương nữa.

Một thí dụ khác là thay vì đi dự những buổi ăn cơm họp mặt của gia đình bà con họ hàng, chúng ta lại đi dự buổi thờ phượng vào ngày Chúa Nhật và những buổi hoạt động khác trong hội thánh. Những hành động như vậy cũng khiến gia đình bực tức lắm. Họ sẽ nghĩ rằng ta ghét gia đình bà con.

Lễ dĩ nhiên khi Chúa Trời kêu gọi chúng ta đi rao truyền Tin Lành, thì chúng ta phải vâng theo lời kêu gọi của Ngài và đi bất cứ chỗ nào Ngài hướng dẫn ta, này chính là việc khiến gia đình bực tức vô cùng. Khi chồng tôi và tôi từ chức và rời khỏi Canada để đi truyền giảng Tin Lành ở các nước Á Châu, cha mẹ của chồng tôi khiển trách hai đứa chúng tôi một cách nghiêm khắc. Chúng tôi cúi đầu không cải lại một lời, nhưng chúng tôi vẫn ra đi rao truyền Tin Lành ở Á Châu suốt hai mươi năm trời.

Trong những trường hợp kể trên chúng ta phải lựa chọn đi theo Chúa Giê-su, chứ không nên làm chìu lòng người nhà. Nếu chúng ta không lựa chọn con đường của Chúa, thì ta không xứng đáng làm môn đồ của Chúa.

2. Chúng ta sẵn sàng từ bỏ sự sống mình vì cớ của Chúa Giê-su

Bây giờ chúng ta tiếp tục tra khảo đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 10:38:

Ma-thi-ơ 10:38 38 ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta.

Trong thời của Chúa Giê-su dưới chính phủ Đế Quốc La-mã, “thập tự giá” là dụng cụ để hành hình, tức là dụng cụ để giết tên phạm nhân. Tên phạm nhân phải vác cây thập tự giá của mình đi đến chỗ hành hình, rồi bị đóng đinh trên cây thập tự giá. Khi Chúa Giê-su nói “ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta”, ấy có nghĩa là những người muốn làm môn đồ của Chúa thì phải sẵn sàng trở thành tên phạm nhân bị người đời phán xét tử hình trên cây thập giá; hễ ai không muốn bị đóng đinh trên cây thập tự thì người ấy không thể làm môn đồ của Chúa Giê-su.

Lễ dĩ nhiên trong xã hội ngày nay thì không có chuyện đóng đinh trên thập giá nữa, nhưng Tín Đồ Cơ Đốc vẫn bị người đời đàn áp bắt bớ. Này là so sánh sự đàn áp bắt bớ của Tín Đồ Cơ Đốc với việc đóng đinh trên thập tự giá.

Nếu Chúa Giê-su chỉ yêu cầu chúng ta phải yêu Chúa giống như yêu cha mẹ, con trai, con gái của mình thì có nhiều người chắc hoàn toàn đồng ý và hân hoan chấp nhận điều kiện ấy. Nhưng Chúa yêu cầu phải yêu Chúa nhiều hơn tất cả người nhà, rồi Chúa còn yêu cầu chúng ta phải sẵn sàng chịu chết trên cây thập tự vì cớ của Chúa, có nghĩa là sẵn sàng bị người đời đàn áp bắt bớ đến nỗi chịu chết. Tại sao Chúa Giê-su đặt điều kiện khó khăn như thế?

Hỡi các bạn ơi, hai bài giảng trước : Bài giảng 53 “Cả Thế Gian Sẽ Đàn Áp Bắt Bớ Các Sứ Đồ” và bài giảng 54 “Rao Truyền Tin Lành Một Cách Dũng Cảm” đã chỉ ra rằng khi chúng ta đi rao truyền Tin Lành trên thế gian, thì ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn nguy hiểm, và ta hẳn bị người đời đàn áp bắt bớ. Khi người đời bắt bớ chúng ta, thì nhiều lúc cả người nhà cũng bị bắt bớ luôn. Khi chúng ta nhìn thấy người nhà chịu khổ nạn chỉ vì ta đi theo Chúa Giê-su, ta hẳn thấy đau lòng lắm, và ta phải lựa chọn người nhà của mình hoặc là tiếp tục làm môn đồ của Chúa. Chẳng những thế, sự bắt bớ có thể trở nên càng ngày càng nghiêm trọng đến nỗi nguy hại đến sinh mạng của ta, lúc đó chúng ta phải lựa chọn làm môn đồ của Chúa Giê-su hoặc là gìn giữ sự sống của mình. Ba mươi năm về trước, chồng tôi và tôi đã lập chí đi theo Chúa Giê-su cho đến cùng, chúng ta sẵn sàng từ bỏ người nhà của mình và cả sinh mạng của mình.

2 Cô-rinh-tô 5:14 – 15 Vì tình yêu thương của Ðấng Christ cảm động chúng tôi, và chúng tôi tưởng rằng nếu có một người chết vì mọi người, thì mọi người đều chết, 15 lại Chúa đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Ðấng đã chết và sống lại cho mình.

3. Chúng ta phải lựa chọn giữa sự sống đời đời và sự sống trên thế gian

Bây giờ chúng ta tra khảo câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 10:39.

Ma-thi-ơ 10:39 39 Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mà mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được.

“Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất”, sự sống này là chỉ sự sống của thân thể trên thế gian. Thật ra mỗi một người đều phải chết đi, nếu bây giờ chúng ta ráng tìm cách để gìn giữ sự sống của thân thể trên thế gian này, mà lại không chịu vâng phục Chúa Giê-su làm môn đồ của Chúa, thì một khi thời hạn đến thì ta phải lìa khỏi thế gian, lúc đó ta sẽ mất đi sự sống này. Ngược lại “ai vì cớ ta mà mất đi sự sống mình, thì sẽ tìm lại được”, ấy là nói về những người tình nguyện từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quí để đi theo Chúa Giê-su, hoặc là những người vì cớ của Chúa mà bị người đời đàn áp chết đi, chính những người như vậy sẽ tìm lại được sự sống, sự sống này là sự sống đời đời, có nghĩa là họ sẽ được ban cho sự sống đời đời.

Kết Luận

Bây giờ chúng ta tổng hợp lại tất cả những điểm đã tra khảo ở trên. Trong đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 10:34 – 39 Chúa Giê-su nói rằng:

Chúa đến không phải đem bình yên cho mọi người, tại vì chỉ có những người vui lòng trở thành tôi mọi của Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su mới được ban cho bình yên, chứ không phải mọi người đều được bình yên. Chúa Giê-su đến là đem cây gươm dáo thuộc linh tức là lời sống của Chúa Trời vào thế gian.

Khi lời sống này được rao truyền trên thế gian, có người sẽ ăn năn hối cải đi theo Chúa Giê-su, có người thì thù ghét và chống lại lời sống này, và cũng có nhiều người thì hoàn toàn không quan tâm đến lời sống này cả. Lời sống của Chúa Trời chia người đời ra thành ba hạng người.

Khi chúng ta đi theo Chúa Giê-su, nhưng nếu người nhà của mình lại thù ghét lời sống của Chúa Trời thì họ cũng thù ghét chúng ta luôn, bởi vậy Chúa Giê-su nói người ta sẽ có kẻ thù nghịch là người nhà của mình.

Nếu chúng ta muốn làm môn đồ của Chúa Giê-su thì ta phải yêu Chúa nhiều hơn tất cả người nhà của mình và sẵn sàng từ bỏ sự sống của mình vì cớ của Chúa.

Mọi người đều phải lựa chọn giữa sự sống của thân thể trên thế gian và sự sống đời đời. Nếu hiện bây giờ chúng ta lựa chọn sự sống của thân thể trên thế gian, khi chúng ta chết đi thì rốt cuộc ta sẽ mất đi sự sống này.

Nếu hiện bây giờ chúng ta vì cớ của Chúa mà từ bỏ sự sống của thân thể trên thế gian thì trong tương lai ta sẽ được ban cho sự sống đời đời.

(Trở về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

Phản Hồi

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.