Chúng Ta Sống Cho Chúa Đã Chết và Sống Lại Vì Chúng Ta

Bài Giảng Luận Lễ Phục Sinh (7)

2 Cô-rinh-tô 5:14 – 15

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

 

(Tải xuống bản in PDF)

Các bạn cảm thấy đời sống của bạn là tràn đầy ý nghĩa hoặc là vô ý nghĩa? Phần đông người đời trên thế gian cảm thấy đời sống là vô ý nghĩa, cho dù hàng ngày họ làm nhiều việc, nhưng họ thấy những việc đó không có ý nghĩa gì cả, họ không biết sau này mình sẽ đi về đâu, và sau khi họ rời khỏi thế gian thì tất cả những việc họ làm trong đời này đều tiêu tan hết. Có người thì cứ tận tình ăn chơi hưởng lạc, họ không muốn nghĩ đến vấn đề của đời sống. Có người vì nhận thức rằng đời sống là vô ý nghĩa, nên họ ráng làm những công việc trường cữu, chẳng hạn như nổ lực trong việc nghiên cứu khoa học kỷ thuật hay văn học nghệ thuật, hoặc ráng công phát triển buôn bán kinh doanh, hoặc góp sức trong công việc từ thiện v.v.

Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta nghĩ sao về vấn đề này? Khi chúng ta kỷ niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su trên cây thập tự và sự phục sinh của Chúa, chúng ta cũng suy ngẩm về ý nghĩa của đời sống của mình. Các anh chị em có thấy đời sống của mình là đầy ý nghĩa hoặc là vô ý nghĩa? Chúa Giê-su Christ đã lựa chọn chúng ta ra khỏi thế gian này, chúng ta không thuộc về thế gian này nữa, phương hướng của đời sống chúng ta là khác hẳn với phương hướng của người đời, thậm chí là trái ngược với phương hướng của người đời.

Phần nhiều người đời không biết mình sống cho cái gì, mà Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta có biết mình sống cho cái gì không?

2 Cô-rinh-tô 5:14 – 15 14 Vì tình yêu thương của Ðấng Christ cảm động chúng tôi, và chúng tôi tưởng rằng nếu có một người chết vì mọi người, thì mọi người đều chết, 15 lại Chúa đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không sống cho chính mình nữa nữa, nhưng sống cho Chúa đã chết và sống lại vì mình. 

Chúa Giê-su Christ đã chết vì chúng ta, chúng ta không sống cho mình nữa, nhưng sống cho Chúa đã chết và sống lại vì mình.

Sống Cho Chúa Giê-su Có Nghĩa Là Gì?

Không chừng các bạn thấy vấn đề sống cho Chúa Giê-su thì có vẻ hơi trừu tượng, khó hiểu quá. Bây giờ tôi sẽ dùng một vài thí dụ để giải thích vấn đề này.

Thí dụ đầu tiên là những người sống cho tiền bạc. Trong tiểu thuyết hay điện ảnh thường mô tả những nhân vật như vậy. Một người sống cho tiền bạc thường dùng nhiều phương pháp ráng làm chuyện này chuyện nọ để kiếm tiền. Tất cả mọi việc người làm đều nhằm vào cái mục đích kiếm tiền.

Thí dụ thứ hai là những người cha mẹ sống cho con cái của mình. Tôi biết một bà mẹ, bà sống hoàn toàn cho con gái của bà. Con gái của bà ham học và học rất giỏi. Nhưng gia đình rất nghèo, cho nên hàng ngày bà mẹ ráng dành dụm một ít tiền bạc để đóng học phí cho con gái. Tại vì nhà nghèo không có tủ lạnh, bà phải đi chợ mua đồ ăn mỗi ngày. Bà không đi xe buýt, mỗi ngày bà lành đi bộ hơn nửa tiếng đồng hồ dưới ánh nắng mặt trời nóng để dành dụm vài đồng bạc. Mỗi ngày bà làm việc đến một, hai giờ sáng để kiếm thêm tiền hầu cho con gái ăn tốt hơn và mặc đẹp hơn. Bà chỉ lo nghĩ về lợi ích của con gái, bà đặt lợi ích của con gái bà là quan trọng hơn mọi việc khác. Tất cả mọi việc bà làm đều là cho con gái của bà.

Một người sống cho Chúa Giê-su Christ thì luôn luôn nghĩ về ý chỉ của Chúa. Người coi ý chỉ của Chúa là quan trọng hơn tất cả mọi việc khác, tất cả mọi việc người làm đều nhằm vào mục đích làm trọn vẹn ý chỉ của Chúa.

Các bạn có vui lòng sống cho Chúa Giê-su không? Tôi không phải nói rằng chúng ta không nghĩ đến nhu cầu của mình, tôi không phải nói rằng chúng ta không làm ăn gì cả. Lẽ dĩ nhiên chúng ta phải làm ăn, chúng ta đều phải săn sóc cho nhu cầu cần thiết của mình và gia đình của mình. Nhưng ý chỉ của Chúa Giê-su là quan trọng hơn công việc của ta và quan trọng hơn nhu cầu lợi ích của gia đình ta. Nếu chúng ta không thể đồng thời làm theo ý chỉ của Chúa và săn sóc nhu cầu của gia đình ta, thì chúng ta lựa chọn làm theo ý chỉ của Chúa.

Nếu các bạn muốn sống cho Chúa Giê-su, thì bạn phải biết ý chỉ của Chúa là gì?

Ý Chỉ Của Chúa Giê-su Là Gì?

Muốn tìm hiểu ý chỉ của Chúa Giê-su thì đầu tiên chúng ta phải hiểu rõ mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su.

Giăng 10:37 – 38 37 Ví bằng ta không làm những việc của Cha ta, thì các ngươi chớ tin ta. 38 Còn nếu ta làm, thì, dầu các ngươi chẳng tin ta, hãy tin những việc ta, để các ngươi hiểu và biết rằng Cha ở trong ta và ta ở trong Cha.
Giăng 14:10 – 11 10 Ngươi há không tin rằng ta ở trong Cha và Cha ở trong ta, hay sao? Những lời ta nói với các ngươi, chẳng phải ta tự nói; ấy là Cha ở trong ta, chính Ngài làm trọn việc riêng của Ngài. 11 Khi ta nói rằng ta ở trong Cha và Cha ở trong ta, thì hãy tin ta; bằng chẳng, hãy tin bởi công việc ta.
Giăng 17:21 21 để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta, đặng thế gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến.

Ba đoạn Kinh Thánh trên Giăng 10:37 – 38, Giăng 14:10 – 11 và Giăng 17:21 chỉ ra rằng Đức Chúa Trời Gia-vê ngự ở trong Chúa Giê-su, và Chúa Giê-su cũng ở trong Chúa Trời; hay nói một cách khác, Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su là hiệp làm một.

Ngoài ra Kinh Thánh cũng dạy rằng Chúa Giê-su Christ là hình bóng của Đức Chúa Trời Gia-vê.

2 Cô-rinh-tô 4:4 cho những kẻ chẳng tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin Lành của Ðấng Christ, là ảnh tượng của Ðức Chúa Trời.
Hê-bơ-rơ 1:3 Con là sự chói sáng của sự vinh hiển Ðức Chúa Trời và hình bóng của bổn thể Ngài, lấy lời có quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật; sau khi Con làm xong sự sạch tội, bèn ngồi bên hữu Ðấng tôn nghiêm ở trong nơi rất cao,

Hai đoạn Kinh Thánh trên 2 Cô-rinh-tô 4:4 và Hê-bơ-rơ 1:3 chỉ ra rằng Chúa Giê-su là hình bóng của Đức Chúa Trời Gia-vê.

Vì Đức Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su là hiệp làm một, và Chúa Giê-su là hình bóng của Chúa Trời, cho nên ý chỉ của Chúa Giê-su thì chính là ý chỉ của Chúa Trời Gia-vê.

Lẽ dĩ nhiên toàn bộ Kinh Thánh đều là ý chỉ của Chúa Trời, nhưng ý chỉ của Ngài là tập trung vào một điểm. Ngài sai Chúa Giê-su đến thế gian để làm gì? Chúa Giê-su đến thế gian là để cứu vớt chúng ta ra khỏi tội lỗi.

Ma-thi-ơ 1:20 – 21 Song đang ngẫm nghĩ về việc ấy, thì thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao, mà phán rằng: “Hỡi Giô-sép, con cháu Ða-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Ðức Thánh Linh. 21 Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Giê-su, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội.”
Giăng 3:16 Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.

Khi Chúa Giê-su sống trên thế gian này, tất cả mọi việc Chúa làm đều nhằm vào một điểm là cứu vớt chúng ta ra khỏi tội lỗi. 

Ma-thi-ơ 20:28 Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người. 

Chúa Giê-su chịu chết vì chúng ta, chúng ta sống cho Chúa. Ngày nay Chúa không ở trên thế gian này nữa, nhưng chúng ta sống ở đây, chúng ta tiếp tục sống theo ý chỉ của Chúa. Chúng ta đi cứu vớt những người vẫn chìm đắm trong tội lỗi, ấy chính là phương hướng mục đích của Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta. Việc gì là phù hợp với ý chỉ của Chúa Giê-su, hữu ích cho mục đích cứu vớt người đời thì chúng ta hết lòng hết sức mà làm; còn việc gì trái ngược với ý chỉ của Chúa, không giúp ích cho việc cứu vớt người đời thì chúng ta không làm.

Năm 1999 chồng tôi và tôi phụng sự tại một hội thánh ở Úc Đại Lợi. Vì chồng tôi phải rời khỏi Úc Đại Lợi để truyền giảng Tin Lành ở một chỗ khác, tôi ở lại một mình để săn sóc các anh chị em trong hội thánh. Công việc rất nặng nhọc, nhưng tôi vui lòng hết sức gánh vác tất cả mọi công việc.

Mười năm sau tức là năm 2009 tôi phải trở về Canada một mình để lo cho công việc của hội thánh, lúc đó chồng tôi ở lại một mình ở Hong Kong. Sau khi tôi đến thành phố Toronto của Canada rồi, tôi ở tạm trong nhà của một bà dì, tôi đặt toàn bộ tâm trí thời gian để lo cho công việc của hội thánh. Sau 3 tuần lễ tôi làm trọn mọi công việc của hội thánh rồi, lúc đó tôi mới đi tìm mướn nhà. Nhờ sự giúp đỡ của Chúa Trời Đức Gia-vê, tôi mướn được một chỗ thích hợp trong ba tiếng đồng hồ.

Nếu bạn không muốn sống cho Chúa Giê-su, thì bạn chắc cảm thấy những lời tôi nói ở đây là khó yêu, không chừng là đáng ghét nữa.

Không chừng bạn chỉ muốn học một số kiến thức thuộc linh, nhưng nói đến không sống cho chính mình mà sống cho Chúa Giê-su, thì bạn không thích nỗi, khó mà chấp nhận.

Không chừng bạn cảm thấy rất phấn khởi, bạn quyết tâm từ nay trở đi bạn sẽ sống hoàn toàn cho Chúa Giê-su, mục đích phương hướng của bạn là đi cứu vớt người đời.

Bạn thuộc về hạng người nào? Tôi thì muốn sống hoàn toàn cho Chúa Giê-su vì Chúa đã chịu chết vì tôi.

Chúng Ta Phải Làm Gì ?

Nếu chúng ta muốn sống hoàn toàn cho Chúa Giê-su thì chúng ta nên làm gì bây giờ?

1. Chúng ta phải có một tấm lòng khiêm nhường

Nếu tâm hồn của chúng ta là hoàn toàn khác hẳn với tâm hồn của Chúa, thì làm sao mà chúng ta có thể sống cho Chúa. Đầu tiên chúng ta phải có một tâm hồn giống như Chúa.

Tâm hồn của Chúa là như thế nào? Chúa Giê-su là hoàn toàn trọn vẹn, chúng ta không bao giờ có thể trở nên hoàn toàn trọn vẹn như Chúa. Nhưng Kinh Thánh nhấn mạnh về một điểm và chính Chúa Giê-su cũng dặn bảo chúng ta phải ráng học theo điểm này.

Ma-thi-ơ 11:29 Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; Hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghĩ. 

Trong đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 11:29, Chúa dặn bảo chúng ta phải học theo lòng nhu mì, khiêm nhường của Chúa.

Phi-líp 2:5 – 8 Hãy có đồng một tâm tình như Ðấng Christ đã có, 6 Chúa vốn có hình Ðức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng với Ðức Chúa Trời là sự nên giành lấy; 7 chính Chúa đã tự bỏ mình đi, lấy hình ảnh tôi tớ và trở nên loài người; 8 Chúa đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. 

Đoạn Kinh Thánh trên Phi-líp 2:5 – 8 chỉ ra rằng Chúa tự hạ mình xuống, vâng phục Chúa Cha ở trên trời cho đến chết. Khiêm nhường và vâng phục là dính liền với nhau. Khiêm nhường chân chính không phải chỉ nói trên miệng rằng mình thấp hèn lắm. Một người khiêm nhường chân chính là một người vui lòng từ bỏ ý chỉ của mình và vâng phục dưới ý chỉ của Chúa Trời.

Trước khi Chúa Giê-su bị bắt, trong vườn Ghết-sê-ma-nê Chúa đã cầu nguyện rằng:

Lu-ca 22:41 – 42 Chúa bèn đi khỏi các môn đồ, cách chừng liệng một cục đá, quì xuống mà cầu nguyện 42 rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi.”

Chúa Giê-su đã lập một gương mẫu cho chúng ta. Nếu chúng ta muốn noi gương tâm hồn của Chúa, đầu tiên chúng ta phải noi theo lòng khiêm nường của Chúa, vui lòng từ bỏ ý chỉ của mình, vâng phục dưới ý chỉ của Chúa Trời.

2. Vui lòng chịu đựng khổ nạn vì sự cứu chuộc của người đời

Chúa Giê-su vui lòng chịu đựng khổ nạn để cứu chuộc chúng ta, thậm chí chịu chết trên cây thập tự. Nếu chúng ta muốn sống cho Chúa Giê-su, thì chúng ta cũng phải vui lòng chịu khổ nạn vì sự cứu chuộc của người đời.

Giăng 15:18 – 20 Ví bằng người đời ghét các ngươi, thì hãy biết rằng họ đã ghét ta trước các ngươi. 19 Nếu các ngươi thuộc về thế gian, thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian và ta đã lựa chọn các ngươi giữa thế gian, bởi cớ đó người đời ghét các ngươi. 20 Hãy nhớ lời ta đã nói cùng các ngươi: Ðầy tớ chẳng lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt bớ ta, ắt cũng bắt bớ các ngươi; bằng họ đã giữ lời ta, ắt cũng giữ lời các ngươi. 

Trong đoạn Kinh Thánh trên Giăng 15:18 – 20, Chúa Giê-su nói rằng các môn đồ của Chúa sẽ bị người đời thù ghét. Người đời đã áp bức thù ghét Chúa thể nào thì họ cũng sẽ áp bức thù ghét các môn đồ cùng một thế ý. Nếu chúng ta quyết tâm gìn giữ trung tín với Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su thì chúng ta chắc phải chịu khổ nạn.  

Giăng 12:24 Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều. 

Trong đoạn Kinh Thánh trên Giăng 12:24, Chúa Giê-su dạy rằng chỉ khi chúng ta vui lòng chịu chết, chúng ta mới có thể kết quả  được nhiều. Nếu chúng ta không muốn chịu khổ chết đi, chúng ta chỉ ở một mình, không thể kết quả gì hết.

Cô-lô-se 1:23 – 24 miễn là anh em tin Chúa cách vững vàng không núng, chẳng hề dời khỏi sự trông cậy đã truyền ra bởi đạo Tin Lành mà anh em đã nghe, là đạo được giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời, và chính tôi, Phao-lô, là kẻ giúp việc của đạo ấy. 24 Nay tôi lấy làm vui vẻ về sự tôi đã chịu khổ sở vì anh em, tôi lại vì thân thể Ðấng Christ, là Hội Thánh, mà đem xác thịt mình chịu hết các điều còn lại trong sự thương khó của Chúa. 

Trong đoạn Kinh Thánh trên Cô-lô-se 1:23 – 24, sứ đồ Phao-lô nói rằng người vui lòng chịu khổ sở vì các anh chị em Tín Đồ, người vui lòng để xác thịt mình chịu hết mọi sự thương khó vì Hội Thánh là thân thể của Chúa Giê-su Christ.

Nếu chúng ta muốn sống cho Chúa Giê-su, tiếp tục công việc rao truyền Tin Lành để cứu vớt người đời thì chúng ta phải vui lòng chịu đựng sự đàn áp bắt bớ của người đời.

3. Cố gắng học tập lời của Chúa Trời để trưởng thành trong tâm linh

Nếu chúng ta muốn sống cho Chúa Giê-su Christ, chẳng những chúng ta cần phải có một tấm lòng khiêm nhượng và vui lòng chịu khổ nạn vì cứu ơn của người đời, mà chúng ta còn phải cố gắng học tập lời của Chúa Trời.

Ma-thi-ơ 4:4 Ðức Chúa Giê-su đáp rằng: “Có lời chép rằng: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Ðức Chúa Trời.”” 

Kinh Thánh dạy rằng chúng ta được sống chẳng phải chỉ nhờ bánh, tức là đồ ăn hàng ngày mà thôi, mà còn phải nhờ vào mọi lời nói của Đức Chúa Trời nữa. Chúng ta không phải chỉ là thân thể xác thịt mà thôi, chúng ta còn có linh hồn nữa. Đồ ăn hàng ngày thì nuôi dưỡng thân thể của ta, còn lời của Đức Chúa Trời thì nuôi dưỡng tâm hồn của ta.

Ê-phê-sô 4:13 – 14 cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp làm một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Ðức Chúa Trời, mà nên bậc trưởng thành, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Ðấng Christ 14 hầu cho chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo giả. 

Đoạn Kinh Thánh trên chỉ ra rằng khi chúng ta trưởng thành trong tâm linh thì chúng ta mới có thể hiệp làm một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời. Hơn nữa chỉ khi chúng ta trưởng thành thì chúng ta không bị lừa đảo, không bị mưu chước dỗ dành mà lầm lạc, không bị day động và dời đổi theo chiều gió của đạo giả. Đoạn Kinh Thánh trên chỉ ra sự cần thiết của sự trưởng thành trong tâm linh.

1 Phi-e-rơ 2:2 thì hãy ham thích sữa thiêng liêng của đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được cứu ơn,

Lời của Chúa Trời chính là sữa thiêng liêng của đạo, trẻ con cần phải uống sữa mới có thể lớn lên, tâm hồn của ta thì phải uống sữa thiêng liêng của đạo, tức là lời của Chúa Trời, và nhờ đó mới có thể trưởng thành mà sau cùng được hưởng cứu ơn. Chúng ta phải trưởng thành mới có thể hưởng cứu ơn.

Kết Luận

Khi chúng ta kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Giê-su, chúng ta lập chí từ nay trở đi chúng ta không sống cho mình nữa, nhưng sống cho Chúa đã chết và sống lại vì chúng ta:

  • Chúng ta coi ý chỉ của Chúa Giê-su là quan trọng hơn tất cả mọi việc khác, tất cả mọi việc ta làm đều nhằm vào mục đích làm trọn vẹn ý chỉ của Chúa.
  • Ý chỉ của Chúa Giê-su thì luôn luôn liên quan đến cứu ơn của người đời, cho nên phương hướng của đời sống chúng ta là rao truyền Tin Lành để cứu vớt người đời.
  • Nếu chúng ta muốn sống cho Chúa thì ta phải có tấm lòng khiêm nhường, vui lòng chịu khổ nạn vì cứu ơn của người đời, và sau cùng ta phải cố gắng học tập lời của Chúa Trời để được trưởng thành trong tâm linh.

(Trở về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

1 thoughts on “Chúng Ta Sống Cho Chúa Đã Chết và Sống Lại Vì Chúng Ta

  1. Tin lành mà lại để hình tượng chạm khắt dễ gây hiểu lằm cho người khác vấp phạm. Có nhất thiết phải thế cho đẹp ko??

Phản Hồi

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.