Sự Nhận Thức Thuộc Linh Của Hai Người Mù

Ma-thi-ơ 9:27 – 34

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

(Tải xuống bản in PDF)

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo đoạn Kinh Thánh song song của Ma-thi-ơ 9:18 – 26 là Mác 5:22 – 43, hôm nay chúng ta tiếp tục tra khảo đoạn Kinh Thánh kế tiếp là Ma-thi-ơ 9:27 – 34:

Ma-thi-ơ 9:27 – 34 27 Chúa Giê-su ở đó ra đi, có hai người mù theo Chúa mà kêu rằng: “Hỡi con của vua Ða-vít, xin thương chúng tôi cùng!” 28 Khi Chúa đã vào nhà rồi, hai người mù đến; Chúa bèn phán rằng: “Hai ngươi tin ta làm được điều hai ngươi ao ước sao?” Họ thưa rằng: “Lạy Chúa được.” 29 Chúa bèn rờ mắt hai người mà phán rằng: “Theo như đức tin các ngươi, phải được thành vậy.” 30 Mắt hai người liền mở. Chúa Giê-su lấy giọng nghiêm phán rằng: “Hãy giữ, đừng cho ai biết chuyện nầy.” 31 Nhưng lúc hai người ra khỏi nhà, thì đồn danh tiếng Chúa khắp cả xứ. 32 Khi đi khỏi chỗ đó, thì người ta đem tới cho Chúa một người câm bị quỉ ám. 33 Quỉ bị đuổi ra rồi, thì người câm nói được. Ðoàn dân lấy làm lạ mà nói rằng: “Không hề bao giờ thấy sự như vậy trong dân Y-sơ-ra-ên.” 34 Nhưng người Pha-ri-si lại nói rằng: “Người nầy cậy phép chúa quỉ mà trừ quỉ.” 

Đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 9:27 – 34 thuật lại sự kiện Chúa Giê-su mở mắt của hai người mù. Bây giờ chúng ta học tập đoạn Kinh Thánh này một cách cẩn thận để rút ra bài học thuộc linh quí giá.

Có hai người mù đi theo Chúa Giê-su và kêu cầu Chúa thương xót cho họ: “Hỡi con của vua Ða-vít, xin thương chúng tôi cùng!”

“Con của vua Đa Vít” có nghĩa là gì?

Ý Nghĩa Của Từ Ngữ “Con Của Vua Đa-Vít” 

Đầu tiên, Chúa Giê-su quả thật là con cháu của vua Đa-Vít:

Ma-thi-ơ 1:1 1 Gia phổ của Chúa Giê-su Christ, con cháu của Đa-vít và con cháu của Áp-ra-ham.

Danh hiệu “Con của vua Đa-vít” còn mang một ý nghĩa rất quan trọng nữa.

Ma-thi-ơ 22:42  “Về đấng Christ, các ngươi nghĩ thể nào? Ngài là con ai?” Họ đáp rằng: “Con vua Ða-vít.”
Mác 12:35 Chúa Giê-su đương dạy dỗ trong đền thờ, bèn cất tiếng phán những lời nầy: “Sao các thầy thông giáo nói Ðấng Christ là con Ða-vít?”

Hai đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 22:42 và Mác 12:35 chỉ ra rằng “Con của vua Đa Vít” có nghĩa là đấng Christ. Mà Christ lại có nghĩa là gì?

Nguyên văn Hy-Lạp của chữ “Christ” là(Χριστός), mà chữ Hê-bơ-rơ của “Christ” là(מָשִׁיחַ),dịch ra chữ Việt là “Mê-si”. “Christ” hay “Mê-si” mang cùng một ý nghĩa, ấy là “kẻ được xức dầu”.

Trong Cựu Ước của Kinh Thánh, có 3 hạng người được xức dầu: ông vua, thầy tế lễ và thầy tiên tri.

1 Sa-mu-ên 2:10 Kẻ nào chống cãi Gia-vê sẽ bị phá tan! Từ trên trời cao, Gia-vê sẽ sấm sét cùng chúng nó. Ngài sẽ đoán xét bốn phương của đất, ban thế lực cho vua Ngài, và làm cho quyền năng đấng chịu xức dầu của Ngài ra lớn.

Trong đoạn Kinh Thánh 1 Sa-mu-ên 2:10, “vua Ngài” tức là “đấng chịu xức dầu”.

Xuất Ê-díp-tô Ký 40:12 – 15 12 Ðoạn, hãy dẫn A-rôn cùng các con trai người đến gần cửa hội mạc, rồi tắm họ trong nước. 13 Ngươi hãy mặc áo thánh cho A-rôn, xức dầu và biệt người riêng ra thánh; vậy người sẽ làm chức tế lễ trước mặt ta. 14 Hãy dẫn các con trai người đến gần, rồi mặc áo lá cho họ; 15 xức dầu cho như ngươi đã xức cho cha họ, thì họ sẽ làm chức tế lễ trước mặt ta. Sự xức dầu sẽ phong cho họ chức tế lễ mãi mãi trải qua các đời.

Đoạn Kinh Thánh trên Xuất Ê-díp-tô Ký 40:12 – 15 mô tả thầy tế lễ chịu xức dầu trước khi nhận lãnh chức vụ này.

Ê-sai 61:1Thần của Gia-vê ngự trên ta; vì Gia-vê đã xức dầu cho ta, đặng giảng tin lành cho kẻ khiêm nhường. Ngài đã sai ta đến đặng rịt những kẻ vỡ lòng, đặng rao cho kẻ phu tù được tự do, kẻ bị cầm tù được ra khỏi ngục;

Đoạn Kinh Thánh Ê-sai 61:1 chỉ ra rằng Chúa Trời Gia-vê xức dầu cho tiên tri Ê-sai để giảng tin lành cho dân chúng.

Tuy rằng có 3 hạng người được xức dầu, nhưng từ ngữ “kẻ được xức dầu” thường chỉ về ông vua:

Thi Thiên 18:50 Gia-vê ban cho vua Ngài sự giải cứu lớn lao, và làm ơn cho đấng chịu xức dầu của Ngài, tức là cho Ða-vít, và cho dòng dõi người, đến đời đời.
Ê-sai 45:1 Gia-vê phán thể nầy cùng Si-ru, là người xức dầu của Ngài, ta đã cầm lấy tay hữu người, đặng hàng phục các nước trước mặt người, và ta sẽ tháo dây lưng các vua; đặng mỡ các cửa thành trước mặt người, cấm không được đóng lại.

Hai đoạn Kinh Thánh trên Thi Thiên 18:50 và Ê-sai 45:1 chỉ ra rằng ông vua đươc gọi là kẻ đươc xức dầu của Gia-vê.

Những đoạn Kinh Thánh trên chỉ ra rằng:

  • “Con của vua Đa-Vít” có nghĩa là đấng Christ
  • Từ ngữ “Christ” có nghĩa là kẻ được xức dầu
  • Trong Cựu Ước, kẻ được xức dầu thường chỉ về ông vua
  • Vậy Con của vua Đa-Vít có nghĩa là ông vua của dân tộc Y-sơ-ra-ên

Trước khi Mô-sê qua đời, người nói tiên tri rằng trong tương lai Chúa Trời sẽ lập lên một đấng tiên tri tương tự như người để lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên:

Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:15 Từ giữa anh em ngươi, Gia-vê Ðức Chúa Trời ngươi sẽ lập lên một đấng tiên tri như ta; các ngươi khá nghe theo đấng ấy!

Trong Thi Thiên, thi nhân cũng nói tiên tri rằng Chúa Trời sẽ lập lên một vị vua được xưng là Con của Chúa Trời:

Thi Thiên 2:6 – 7 6 Dầu vậy, ta đã lập vua ta trên Si-ôn là núi thánh ta. 7 Ta sẽ giảng ra mệnh lệnh: Gia-vê phán cùng ta rằng: “Ngươi là con ta; hôm nay ta đã sinh ngươi.”

Đoạn Kinh Thánh Thi Thiên 2:6 – 7 mô tả rằng sau khi Gia-vê lập vua của Ngài trên núi Si-ôn, rồi Ngài phán cùng vị vua rằng: “Ngươi là con ta; hôm nay ta đã sinh ngươi”.

Con của vua Đa-Vít là vua Sa-lô-môn. Sau khi vua Sa-lô-môn qua đời, con của vua là Rô-bô-am kế ngôi vua thì ngay lập tức nước Y-sơ-ra-ên bị phân chia làm hai nước. Nước ở miền bắc gọi là nước Y-sơ-ra-ên, còn nước ở miền nam gọi là nước Giu-đa.

Năm 722 trước công lịch, nước Y-sơ-ra-ên ở miền bắc bị đại cường quốc A-si-ri tiêu diệt. Năm 586 trước công lịch,  nước Giu-đa ở miền nam cũng bị đại cường quốc Ba-by-lôn tiêu diệt. Người dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa bị đày sang các nước khác, họ bị đàn áp cực khổ, nhưng họ vẫn giữ một niềm hy vọng trong lòng tin rằng Chúa Trời sẽ sai một đấng lãnh tụ đến giải cứu họ:

Mi-chê 5:2 – 5 2 Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi ở trong hàng ngàn Giu-đa là nhỏ lắm, nhưng từ nơi ngươi sẽ ra cho ta một đấng cai trị trong Y-sơ-ra-ên; gốc tích của người bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng. 3 Vậy nên Ngài sẽ phó chúng nó cho đến lúc người đàn bà phải sinh đẻ đã sinh đẻ, và kẻ sót lại của anh em người sẽ trở về với con cái Y-sơ-ra-ên. 4 Người sẽ đứng vững, và sẽ cậy sức mạnh của Gia-vê với oai vọng của danh Gia-vê Ðức Chúa Trời mình mà chăn bầy của mình; và chúng nó sẽ ở yên, vì nay người sẽ làm lớn cho đến các đầu cùng đất. 4 Ấy chính người sẽ làm sự bình yên của chúng ta. Khi người A-si-ri sẽ đến trong đất chúng ta và giày đạp trong cung đền chúng ta, thì chúng ta sẽ dấy lên bảy kẻ chăn và tám quan trưởng của dân mà nghịch lại nó.

Khi Chúa Giê-su ra đời, có đám thiên sứ xuất hiện ca tụng sự ra đời của Đấng Cứu Thế:

Lu-ca 2:11 ấy là hôm nay tại thành Ða-vít đã sanh cho các ngươi một Ðấng Cứu thế, là Christ, là Chúa.

Đoạn Kinh Thánh trên Lu-ca 2:11 chỉ ra rằng Christ có nghĩa là Đấng Cứu Thế.

Trong thời của Chúa Giê-su, nước Y-sơ-ra-ên nằm dưới quyền cai trị của Đế Quốc La-mã, người dân bị đàn áp cực khổ vô cùng, cho nên họ càng khao khát chờ đợi Christ Đấng Cứu Thế đến giải cứu họ:

Giăng 1:19 – 20 19 Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy thầy tế lễ, mấy người Lê-vi từ thành Giê-ru-sa-lem đến hỏi người rằng: “Ông là ai?” 20 Người xưng ra, chẳng chối chi hết, xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Christ.”

Bây giờ chúng ta tổng hợp lại tất cả những điểm vừa tra khảo ở trên:

  • “Con của vua Đa-vít” có nghĩa là đấng Christ.
  • Ý nghĩa nguyên thủy của “Christ” hay “Mê-si” là kẻ được xức dầu. Trong Cựu Ước, “kẻ được xức dầu” là chỉ về ông vua.
  • Môi-se nói tiên tri rằng sau này Chúa Trời sẽ lập ra một lãnh tụ giống như người để hướng dẫn người Y-sơ-ra-ên. Trong Thi Thiên chương 2, thi nhân nói tiên tri rằng sẽ có một vị vua được gọi là “Con của Chúa Trời”.
  • Về sau, khi dân tộc Y-sơ-ra-ên bị những đại cường quốc cai trị, người dân bị đàn áp cực khổ. Người dân ao ước chờ đợi đấng Christ hay Mê-si (Con của Chúa Trời) xuất hiện để cứu vớt họ.
  • Khi Chúa Giê-su ra đời, đám thiên sứ xuất hiện tuyên bố rằng Christ là Đấng Cứu Thế đã ra đời.

Bởi vậy, khi hai người mù này gọi Chúa Giê-su là “Con của vua Đa-Vít”, ấy có nghĩa là ông vua của Y-sơ-ra-ên, “Con của Chúa Trời”. Họ tuy bị mù mắt, nhưng họ lại có sự nhận thức thuộc linh sâu sa và chính xác.

Chúa Giê-su bèn hỏi hai người mù này họ có tin rằng Chúa có thể mở mắt của họ không. Họ trả lời rằng họ tin. Chúa bèn rờ mắt của họ và phán rằng: “Theo như đức tin các ngươi, phải được thành vậy.” Mắt của hai người liền mở. Rồi Chúa phán rằng: “Hãy giữ, đừng cho ai biết chuyện này.”

Tại Sao Chúa Giê-su Không Muốn Hai Người Này Nói Cho Người Khác Biết Về Chuyện Chúa Mở Mắt Của Họ?

Chúa Trời Gia-vê sai Chúa Giê-su đến thế gian với sứ mệnh cứu vớt người dân ra khỏi tội lỗi. Nhiệm vụ chính của Chúa là truyền giảng Tin Lành và cứu vớt những kẻ tin vào Chúa. Việc chữa lành bịnh tật và trừ quỉ không phải là nhiệm vụ chính của Chúa, ấy chỉ là để bày tỏ quyền năng kỳ diệu của Chúa hầu cho người dân tin cậy vào Chúa thôi. Nếu hai người này đi lao truyền việc Chúa Giê-su mở mắt của họ, thì người ta sẽ đem đến cho Chúa những người mắc bịnh nọ tật kia để Chúa chữa bịnh cho họ, tình trạng này sẽ khiến việc truyền giảng Tin Lành rất khó khăn. Cho dù người ta được Chúa chữa lành bịnh tật rồi, nhưng nếu họ lại không tin vào Chúa và ăn năn hối cải, thì họ vẫn không được cứu chuộc, sớm muộn gì họ vẫn chết đi và bị hư mất thôi.  Bởi vậy Chúa không muốn hai người này nói cho người khác biết về chuyện Chúa mở mắt của họ. Nhưng hai người này lại đi đồn danh tiếng của Chúa khắp cả xứ.

Hai người mù này có sự nhận thức thuộc linh sâu sa và chính xác, tại vì họ có đức tin vào Chúa Giê-su. Nhưng họ lại không vâng theo lời của Chúa, uổng thay! Họ tuy có đức tin, nhưng ấy không phải là đức tin chân chính.

Hậu Quả Của Sự Không Vâng Phục Của Hai Người Này

Khi người ta nghe rằng Chúa Giê-su đã mở mắt của hai người mù này, thì họ đem đến cho Chúa một người câm bị quỉ ám. Sau khi Chúa đuổi quỉ ra khỏi người câm ấy, thì người nói được. Đoàn dân đều lấy làm lạ mà nói rằng: “Không hề bao giờ thấy sự như vậy trong dân Y-sơ-ra-ên.” Nhưng người Pha-ri-si lại nói rằng: “Người nầy cậy phép chúa quỉ mà trừ quỉ.”

Những người Pha-ri-si nói những lời này là vì lòng đố kỵ. Nhưng khi họ đồn ra những lời này, thì khiến việc lao truyền Tin Lành trở nên cực kỳ khó khăn. Ấy là hậu quả của hai người mù không vâng theo lời dặn dò của Chúa. Rốt cuộc Chúa Giê-su đi sang các thành khác để truyền giảng Tin Lành và chữa lành các thứ bịnh tật:

Ma-thi-ơ 9:35 Chúa Giê-su đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng tin lành của vương quốc Chúa Trời, và chữa lành các thứ tật bịnh.

(Trở về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

Phản Hồi

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.