Chúa Giê-su Đến Để Hầu Hạ Người Ta Và Hiến Dâng Sự Sống Của Mình Để Làm Giá Chuộc Cho Nhiều Người

Bài Giảng Luận Lễ Giáng Sinh (9)

Ma-thi-ơ 20:28

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ HiềnAutumn 09

(Tải xuống bản in PDF)

Lễ Giáng Sinh là ngày lễ kỷ niệm sự ra đời của Chúa Giê-su. Ngày nay chính những người không tin vào Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su cũng chúc mừng Lễ Giáng Sinh, nhưng chính nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc cũng không hiểu rõ mục đích của Chúa Giê-su đến vào thế gian để làm gì! Nếu chúng ta không biết mục đích của Chúa Giê-su đến vào thế gian thì sự chúc mừng Lễ Giáng Sinh trở nên vô ý nghĩa.

Trong bài giảng này, tôi sẽ nói về mục đích của Chúa Giê-su đến vào thế gian, và Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta nên kỷ niệm sự giáng sinh của Chúa bằng cách nào.

Chúa Giê-su Đến Để Hầu Hạ Người Ta Và Hiến Dâng Sự Sống Của Mình Để Làm Giá Chuộc Cho Nhiều Người

Ma-thi-ơ 20:28 28 Cũng như Con của loài người đến không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ người ta, và  hiến dâng sự sống của mình để làm giá chuộc cho nhiều người.

Câu Kinh Thánh này là lời nói của Chúa Giê-su. Chúa tự xưng mình là Con của loài người. Từ ngữ “Con của loài người” thì có nghĩa là loài người thôi. Chúa nói rằng mục đích của Chúa đến thế gian không phải để được người ta hầu hạ, nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng sự sống của mình để làm giá chuộc cho nhiều người. Câu nói này nghe thì dễ lắm, nhưng khi chúng ta đi sâu vào ý nghĩa của câu này thì ta thấy rằng câu này mang một ý nghĩa sâu xa uyên thâm.

Các bạn có biết Chúa Giê-su đã hầu hạ chúng ta bằng cách nào? Chúa Giê-su có hầu bàn cho các bạn không? Chúa Giê-su sống ở nước Y-sơ-ra-ên hai ngàn năm về trước, chúng ta thì sống ở ngày nay, Chúa đã làm gì để hầu hạ chúng ta? Bây giờ chúng ta sẽ tra khảo Kinh Thánh để giải đáp câu hỏi này.

Chúa Giê-su Hầu Hạ Chúng Ta Bằng Cách Nào?

Khi nói đến “hầu hạ”, thì chúng ta nghỉ đến hầu bàn cho người ta. Chúa Giê-su có hầu bàn cho người ta không? Kinh Thánh không có ghi lại sự kiện Chúa Giê-su hầu bàn cho người ta, nhưng có sự kiện Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đồ và dạy bảo chúng phải hầu hạ lẫn cho nhau.

Giăng 13:1 – 15 Trước ngày lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su biết giờ mình phải lìa thế gian đặng trở về cùng Ðức Chúa Cha đến rồi; Chúa đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng. 2 Ðương bữa ăn tối (ma quỉ đã để mưu phản Chúa vào lòng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt con trai Si-môn),3 Chúa Giê-su biết rằng Cha đã giao phó mọi sự trong tay mình, và mình sẽ về với Ðức Chúa Trời, 4 nên đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ra, lấy khăn vấn ngang lưng mình. 5 Kế đó, Chúa đổ nước vào chậu, và rửa chân cho môn đồ, lại lấy khăn mình đã vấn mà lau chân cho. 6 Vậy, Chúa đến cùng Si-môn Phi-e-rơ, thì người thưa rằng: “Chúa ôi, chính Chúa lại rửa chân cho tôi sao!” 7 Chúa Giê-su đáp rằng: “Hiện nay ngươi chẳng biết sự ta làm; nhưng về sau sẽ biết.” 8 Phi-e-rơ thưa rằng: “Chúa sẽ chẳng rửa chân tôi bao giờ!” Chúa Giê-su đáp rằng: “Nếu ta không rửa cho ngươi, ngươi chẳng có phần chi với ta hết.”  9 Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: “Lạy Chúa, chẳng những rửa chân mà thôi, lại cũng rửa tay và đầu nữa!” 10 Chúa Giê-su đáp rằng: “Ai đã tắm rồi, chỉ cần rửa chân, thì được sạch cả. Vả, các ngươi đã được tinh sạch, nhưng chưa được tinh sạch đều.” 11 Vì Chúa đã biết ai sẽ phản mình; tại thế cho nên Chúa phán rằng: “Các ngươi chẳng phải hết thảy đều được tinh sạch.” 12 Sau khi đã rửa chân cho môn đồ, Chúa mặc áo lại; rồi ngồi vào bàn mà phán rằng: “Các ngươi có hiểu điều ta đã làm cho các ngươi chăng? 13 Các ngươi gọi ta bằng Thầy bằng Chúa; Các ngươi nói phải, vì ta thật vậy. 14 Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau. 15 Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi.”

Đoạn Kinh Thánh trên thuật lại sự kiện xảy ra vào bữa ăn tối trước khi Chúa Giê-su bị bắt. Đương bữa ăn tối Chúa Giê-su đứng dậy khỏi bàn và đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đồ từng người một. Sau cùng Chúa Giê-su nói rằng: “Ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau.”

Vậy có phải Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta đều phải rửa chân lẫn cho nhau không? Nhưng chúng ta không thấy Tín Đồ Cơ Đốc làm như vậy trong hai ngàn năm qua. Vậy có phải là hết thảy Tín Đồ Cơ Đốc đều không vâng phục lời dạy của Chúa Giê-su chăng? Hoặc là lời dạy của Chúa mang một ý nghĩa thuộc linh sâu hơn?

Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu lời dạy của Chúa Giê-su từng bước một. Chúng  ta đọc câu 8 đến câu 11 trong đoạn Kinh Thánh trên:

8 Phi-e-rơ thưa rằng: “Chúa sẽ chẳng rửa chân tôi bao giờ!” Chúa Giê-su đáp rằng: “Nếu ta không rửa cho ngươi, ngươi chẳng có phần chi với ta hết.”  9 Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: “Lạy Chúa, chẳng những rửa chân mà thôi, lại cũng rửa tay và đầu nữa!” 10 Chúa Giê-su đáp rằng: “Ai đã tắm rồi, chỉ cần rửa chân, thì được sạch cả. Vả, các ngươi đã được tinh sạch, nhưng chưa được tinh sạch đều.” 11 Vì Chúa đã biết ai sẽ phản mình; tại thế cho nên Chúa phán rằng: “Các ngươi chẳng phải hết thảy đều được tinh sạch.”

Chúng ta để ý vào câu 11: Vì Chúa đã biết ai sẽ phản mình; tại thế cho nên Chúa phán rằng: “Các ngươi chẳng phải hết thảy đều được tinh sạch.”

Ai là kẻ phản lại Chúa Giê-su? Lẽ dĩ nhiên ấy là tên phản bội Giu-đa. Tại sao Giu-đa lại không được tinh sạch? Tại vì Giu-đa phạm tội lỗi trầm trọng, cho nên nó hẳn là không tinh sạch. Ở đây Chúa Giê-su không phải nói về sự tinh sạch của thân thể, mà là sự tinh sạch thuộc linh; Bởi vậy sự tắm cũng chẳng phải chỉ về sự rửa sạch thân thể, mà là sự rửa sạch tội lỗi. Sự rửa sạch tội lỗi là gì? Sự rửa sạch tội lỗi thì chính là phép báp-tem. Qua phép báp-tem hết thảy tội lỗi của ta đều được rửa sạch qua huyết báu của Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su nói rằng những người đã tắm rồi, chỉ cần rửa chân thôi thì được sạch cả. Trong thời của Chúa Giê-su, phần nhiều người ta mang dép, mà đường phố thì đầy cát bùn, cho nên hai chân là dơ bẩn lắm. Khi người ta đi vào trong nhà thì thường phải rửa chân. Hồi đó người ta không chắc tắm mỗi ngày, nhưng họ chắc phải rửa chân thường xuyên. Nếu sự tắm là tượng trưng cho phép báp-tem, thì sự rửa chân là tượng trưng cho ăn năn hối cải mỗi khi ta phạm tội. Sau khi ta chịu phép báp-tem rồi, nếu ta lại phạm tội lỗi thì ta phải ăn năn hối cải liền và huyết báu của Chúa Giê-su lại rửa sạch tội lỗi của ta.

Chúa Giê-su hầu hạ các môn đồ bằng cách rửa chân cho chúng, ấy là tượng trưng cho Chúa giúp đỡ chúng ăn năn hối cải tội lỗi của mình. Chúa dạy bảo chúng cũng phải rửa chân lẫn cho nhau, có nghĩa là chúng phải giúp đỡ lẫn nhau trong việc ăn năn hối cải; khi một tín đồ phạm tội, thì một hay vài tín đồ khác phải khuyên giải giúp đỡ người ấy ăn năn hối cải.

Chúng Ta Phải Noi Gương Của Chúa Giê-su Mà Hầu Hạ Lẫn Nhau

Bây giờ chúng ta tổng hợp lại những điểm ở trên. Chúa Giê-su đến để hầu hạ người ta và hiến dâng sự sống của mình để làm giá chuộc cho nhiều người có nghĩa là Chúa giúp đỡ người ta ăn năn hối cải tội lỗi của mình, rồi Chúa còn chịu chết trên cậy thập tự để chuộc tội cho ta nữa. Chính vì huyết báu của Chúa có thể rửa sạch hết thảy tội lỗi của ta, cho nên việc ăn năn hối cải và phép báp-tem mới có ý nghĩa.

Sau khi chúng ta hiểu được mục đích của Chúa Giê-su đến vào thế gian thì cách tốt nhất để chúc mừng sự giáng sinh của Chúa là chúng ta noi gương của Chúa mà hầu hạ người ta, có nghĩa là chúng ta giúp đỡ lẫn nhau trong việc ăn năn hối cải tội lỗi của mình, khi chúng ta một người phạm tội lỗi thì một hay vài người khác tìm cách giúp đỡ khuyên giải người ấy ăn năn hối cải tội lỗi của mình.

Tâm Trạng Thái Độ Hầu Hạ Của Một Người Đầy Tớ Tốt

Nếu chúng ta muốn hầu hạ người ta thì ta phải có tâm trạng của một người đầy tớ.

Lu-ca 17:7 – 10 Ai trong các ngươi có đầy tớ đi cày hoặc đi chăn, khi ở ngoài đồng về, biểu nó rằng: “Hãy đến ngay mà ngồi ăn, hay sao?” 8 Trái lại, há không biểu nó rằng: “Hãy dọn cho ta ăn, thắt lưng hầu ta, cho đến chừng nào ta ăn uống xong, rồi sau ngươi sẽ ăn uống sao?” 9 Ðầy tớ vâng lịnh mà làm, thì chủ có biết ơn gì nó chăng? 10 Các ngươi cũng vậy, khi làm xong việc truyền phải làm, thì hãy nói rằng: “Chúng tôi là đầy tớ vô dụng; điều chúng tôi đã làm là điều chắc phải làm.”

Đoạn Kinh Thánh trên là câu nói của Chúa Giê-su. Có nhiều người chắc nghĩ rằng tại sao Chúa lại bảo chúng ta đối đãi người đầy tớ như thế ư! Hỡi các bạn ơi, không phải đâu! Chúa Giê-su không phải dạy rằng một người chủ phải đối đã người đầy tớ như thế. Nhưng Chúa mô tả tình trạng thực tế trên thế gian này, ấy là cách người chủ đối đãi người đầy tớ. Còn chúng ta là Tín Đồ của Chúa Giê-su, nếu chúng ta ở địa vị của một người chủ thì ta phải yêu thương tên đầy tớ. Nhưng về phần tên đầy tớ, tâm trạng thái độ của người là như thế nào?

Đoạn Kinh Thánh trên mô tả tâm trạng của một người đầy tớ tốt. Người luôn luôn hết lòng hết sức hầu hạ người chủ, cho dù người đã làm việc suốt ngày mệt mõi vô cùng, nhưng khi người chủ ra lệnh bảo người phải dọn thức ăn và hầu hạ, người vẫn vui lòng làm tất cả mọi việc người chủ bảo làm. Chỉ khi người chủ ăn uống xong rồi, sau đó người đầy tớ mới ăn uống.

Ấy lá thái độ hầu hạ của một người đầy tớ tốt, người luôn luôn coi nhu cầu lợi ích của người chủ là quan trọng hơn nhu cầu lợi ích của mình. Khi Chúa Giê-su đến vào thế gian, chính Chúa mang thái độ tâm trạng của một người đầy tớ tốt: Chúa coi nhu cầu lợi ích của người đời chúng ta là quan trọng hơn nhu cầu lợi ích của mình. Bởi vậy khi chúng ta noi gương của Chúa Giê-su mà hầu hạ lẫn nhau, thì chúng ta cũng phải có một tâm trạng thái độ như vậy.

(Trở về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

Phản Hồi

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.