Đổ Rượu Mới Vào Bầu Da Mới

Ma-thi-ơ 9:14 – 17

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền 

Cherry blossom 4

(Tải xuống bản in PDF)

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 9:9 – 13, hôm nay chúng ta tra khảo đoạn Kinh Thánh kế tiếp:

Ma-thi-ơ 9:14 – 17 14 Khi ấy, các môn đồ của Giăng đến tìm Chúa Giê-su, mà thưa rằng: “Cớ sao chúng tôi và những người Pha-ri-si kiêng ăn, còn môn đồ thầy không kiêng ăn?” 15 Chúa Giê-su đáp rằng: “Trong khi chàng rể còn ở với bạn hữu đến mừng cưới, thì những bạn hữu đó có thể nào buồn rầu được ư? Nhưng đến ngày nào chàng rể sẽ bị đem đi khỏi họ, thì họ mới kiêng ăn. 16 Không ai vá miếng vải mới vào áo cũ, vì miếng vá sẽ co lại làm rách áo và chỗ rách sẽ tệ hơn. 17 Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu làm như thế, bầu da sẽ nứt, rượu chảy hết mà bầu cũng hư; nhưng người ta đổ rượu mới vào bầu da mới, thế là giữ được cả hai.”   

Đoạn Kinh Thánh trên thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và các môn đồ của Giăng Báp-tít. Các môn đồ của Giăng hỏi Chúa Giê-su tại sao các môn đồ của Chúa không kiêng ăn. Chúa Giê-su đáp rằng trong khi chàng rể còn ở với bạn hữu đến mừng cưới thì các bạn hữu không buồn rầu. Nhưng khi chàng rể bị đem đi thì các bạn hữu mới kiêng ăn. Rồi Chúa Giê-su nói về một đề tài hoàn toàn khác hẳn, ấy là không ai vá miếng vải mới vào cái áo cũ, vì miếng vải mới sẽ chằng rách áo cũ. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì bầu da cũ sẽ nứt, rượu chảy ra và bầu phải hư. Người ta chỉ đổ rượu mới vào bầu mới, như vậy thì giữ được cả hai bề.

Các bạn chắc cảm thấy lời của Chúa Giê-su thì khó hiểu quá, nào là vải mới và áo cũ, nào là rượu mới và bầu da cũ, rượu mới và bầu da mới, Chúa muốn giảng dạy chúng ta điều gì? Hỡi các bạn ơi, Chúa Giê-su giảng dạy những điều rất quan trọng trong đoạn Kinh Thánh trên. Bây giờ tôi sẽ giải thích đoạn Kinh Thánh trên từng bước một.

Đầu tiên, kiêng ăn mang ý nghĩa gì trong Kinh Thánh?

Ý Nghĩa Của Kiêng Ăn Trong Kinh Thánh

1. Kiêng ăn và buồn rầu than khóc

1 Sa-mu-ên 31:11 – 13 11 Nhưng khi dân sự Gia-be ở Ga-la-át hay điều dân Phi-li-tin đã làm cho Sau-lơ, 12 thì những người dõng sĩ trong bọn đứng dậy, đi trọn đêm, gỡ lấy xác của Sau-lơ và của con trai người khỏi tường thành Bết-san; rồi họ trở về Gia-be, thiêu các thây tại đó,13 lấy cốt của họ mà chôn dưới cây liễu xủ tơ, ở gần Gia-be, và kiêng cữ ăn trong bảy ngày. 

Đoạn Kinh Thánh trên 1 Sa-mu-ên 31:11 – 13 thuật lại sự kiện sau khi dân Phi-li-tin giết đi vua Sau-lơ của Y-sơ-ra-ên và con trai của người, họ treo hai cái xác trên thành Bết-san. Người dân Gia-be đi lấy hai cái xác về rồi thiêu đi, lấy cốt của họ mà chôn dưới cây liễu xủ tơ. Sau đó người dân Gia-be kiêng ăn trong bảy ngày.

Nê-hê-mi 1:1 – 4 1 Lời của Nê-hê-mi, con trai Ha-ca-lia. Năm thứ hai mươi, nhằm tháng Kít-lơ, xảy khi tôi đương ở tại kinh đô Su-sơ, 2 có một người trong anh em tôi tên là Ha-na-ni với vài người Giu-đa đến, tôi hỏi thăm chúng về dân Giu-đa đã được thoát khỏi, tức những kẻ đã bị bắt làm phu tù còn sót lại, và hỏi luôn về những việc Giê-ru-sa-lem. 3 Các người ấy nói với tôi rằng: “Những kẻ bị bắt làm phu tù còn sót ở lại trong tỉnh, bị tai nạn và sỉ nhục lắm; còn vách thành của Giê-ru-sa-lem thì hư nát và các cửa nó đã bị lửa cháy.” 4 Khi tôi nghe các lời ấy, bèn ngồi mà khóc, cư tang mấy ngày; tôi kiêng cữ ăn và cầu nguyện Ðức Chúa của các từng trời,

Đoạn Kinh Thánh trên Nê-hê-mi 1:1 – 4 thuật lại sự kiện Nê-hê-mi than khóc cho tình hình ở thành Giê-ru-sa-lem và người dân còn sống trong thành, người kiêng ăn và cầu nguyện Đức Chúa của các tầng trời.

Qua hai đoạn Kinh Thánh trên 1 Sa-mu-ên 31:11 – 13 và Nê-hê-mi 1:1 – 4, chúng ta thấy rằng người dân Y-sơ-ra-ên thường kiêng ăn khi họ gặp những điều buồn rầu bi thảm.

2. Kiêng ăn và cầu nguyện 

E-xơ-ra 8:21 – 23 21 Tại đó, gần bên sông A-ha-va, ta truyền kiêng cữ ăn, để chúng hạ mình xuống trước mặt Ðức Chúa Trời chúng ta, và cầu xin Ngài chỉ cho biết đường chính đáng mà chúng ta, con cái chúng ta, và tài sản mình phải đi. 22 Vả lại, ta lấy làm thẹn, chẳng dám xin vua một đạo quân và lính kỵ binh vực chúng ta khỏi kẻ thù nghịch trong lúc đi đường; vì chúng ta có nói với vua rằng: “Tay của Ðức Chúa Trời chúng tôi phù trợ mọi kẻ nào tìm kiếm Ngài; nhưng quyền năng và thạnh nộ Ngài kháng cự nhũng kẻ nào lìa bỏ Ngài.” 23 Ấy vậy, chúng ta kiêng cữ ăn và cầu xin Ngài điều ấy; Ngài bèn nhậm lời chúng ta.

Đoạn Kinh Thánh trên E-xơ-ra 8:21 – 23 thuật lại sự kiện E-xơ-ra truyền lệnh người dân hãy kiêng ăn và cầu xin Chúa Trời bảo hộ sinh mạng và tài sản của họ trên đường trở về Giê-ru-sa-lem.

Công-Vụ Các Sứ Đồ 13:2 – 3 2 Ðương khi môn đồ thờ phượng Chúa và kiêng ăn, thì Thánh Linh phán rằng: “Hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ đặng làm công việc ta đã gọi làm.” 3 Ðã kiêng ăn và cầu nguyện xong, môn đồ bèn đặt tay trên hai người, rồi để cho đi.

Đoạn Kinh Thánh trên Công-Vụ Các Sứ Đồ 13:2 – 3 mô tả sự kiện Thánh Linh chỉ thị các môn đồ hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ làm công việc mà Thánh Linh đã kêu gọi họ làm. Khi các môn đồ nhận được chỉ thị này, sau khi họ kiêng ăn và cầu nguyện xong, họ đặt tay trên hai người, rồi để cho đi.

Hai đoạn Kinh Thánh trên E-xơ-ra 8:21 – 23 và Công-Vụ Các Sứ Đồ 13:2 – 3 chỉ ra rằng kiêng ăn là thường hay dính liền với thành tín cầu nguyện.

Bốn đoạn Kinh Thánh trên 1 Sa-mu-ên 31:11 – 13, Nê-hê-mi 1:1 – 4, E-xơ-ra 8:21 – 23 và Công-Vụ Các Sứ Đồ 13:2 – 3 cho chúng ta thấy rằng trong Kinh Thánh, người dân Y-sơ-ra-ên thường kiêng ăn khi họ buồn rầu than khóc và khi họ tập trung tâm hồn thành tín cầu khẩn Chúa Trời.

Bởi vậy khi các môn đồ của Giăng Báp-tít hỏi Chúa Giê-su tại sao Chúa và các môn đồ của Chúa không kiêng ăn thì Chúa đáp rằng : “Trong khi chàng rể còn ở với bạn hữu đến mừng cưới, thì những bạn hữu đó có thể nào buồn rầu được ư? Nhưng đến ngày nào chàng rể sẽ bị đem đi khỏi họ, thì họ mới kiêng ăn.” Đám cưới là giờ phút hân hoan mừng rỡ, các bạn hữu không có buồn rầu gì hết, không ai lại kiêng ăn giữa tiệc cưới. Nhưng khi chàng rể bị đem đi khỏi tiệc cưới thì các bạn hữu sẽ buồn rầu than khóc và cầu nguyện, lúc đó họ mới kiêng ăn.

Nhưng tại sao tự nhiên lại nói về một chàng rể và những bạn hữu đến mừng cưới? 

Chàng Rể Là Tượng Trưng Cho Ai? Những Bạn Hữu Đến Mừng Cưới Là Chỉ Về Ai?

2 Cô-rinh-tô 11:2 – 3 2 Vì về anh em, tôi ghen với lòng ghen thiêng liêng, bởi tôi đã gả anh em cho một chồng mà thôi, dâng anh em như người trinh nữ tinh sạch cho Ðấng Christ. 3 Nhưng tôi ngại rằng như xưa Ê-va bị cám dỗ bởi mưu chước con rắn kia, thì ý tưởng anh em cũng hư đi, mà dời đổi lòng thật thà tinh sạch đối với Ðấng Christ chăng.

Trong đoạn Kinh Thánh trên 2 Cô-rinh-tô 11:2 – 3, sứ đồ Phao-lô đang khiển trách các Tín Đồ Cơ Đốc ở hội thánh Cô-rinh-tô. Các Tín Đồ Cơ Đốc hợp lại là Hội Thánh. Sứ đồ so sánh Hội Thánh Cô-rinh-tô như người vợ tinh sạch của Đấng Christ. Một người vợ thì phải trung thành với người chồng, tương tự như vậy Hội Thánh thì phải trung thành với Đấng Christ. Nhưng sứ đồ Phao-lô ngại rằng Hội Thánh Cô-rinh-tô đã dời đổi tấm lòng, tương tự như trong thời cổ xưa Ê-va đã bị con rắn lừa gạt vậy, Hội Thánh Cô-rinh-tô không còn trung thành với Đấng Christ nữa. Khi sứ đồ nhận thấy tấm lòng của họ đã không còn thuần túy nữa, thì sứ đồ ghen với lòng ghen thiêng liêng.

Ê-phê-sô 5:23 23 vì chồng là đầu vợ, khác nào Ðấng Christ là đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội thánh.

Đoạn Kinh Thánh trên Ê-phê-sô 5:23 chỉ ra một cách rõ ràng minh bạch rằng Đấng Christ là chồng của Hội Thánh.

Qua hai đoạn Kinh Thánh trên 2 Cô-rinh-tô 11:2 – 3 và Ê-phê-sô 5:23, chúng ta thấy rằng chàng rể là chỉ về Chúa Giê-su Christ, và cô dâu là chỉ về Hội Thánh.

Còn những bạn hữu đến mừng cưới là chỉ về ai?

Giăng 3:28 – 29 28 Chính các ngươi làm chứng cho ta rằng ta đã nói: “Ấy không phải ta là Ðấng Christ, nhưng ta đã được sai đến trước Ngài. 29 Ai mới cưới vợ, nấy là chàng rể, nhưng bạn của chàng rể đứng gần và nghe người, khi nghe tiếng của chàng rể thì rất đỗi vui mừng; ấy là sự vui mừng trọn vẹn của ta đó.” 

Giăng 3:28 – 29 là lời của Giăng Báp-tít. Giăng nói rằng Đấng Christ mới là chàng rể, còn người thì được sai đến trước Ngài, người là tượng trưng cho bạn của chàng rể. Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng tất cả những người rao giảng về Đấng Cứu Chúa Christ đều là người bạn đến mừng cưới.

Bây giờ chúng ta hiểu được đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 9:15 rõ hơn. Chàng rể là tượng trưng cho Đấng Christ, cô dâu là Hội Thánh tức là tất cả các Tín Đồ Cơ Đốc. Khi chàng rể đang ở giữa tiệc cưới tức là khi Đấng Christ còn sống ở giữa các môn đồ thì mọi người đều hân hoang mừng rỡ, cho nên họ không có kiêng ăn gì hết. Nhưng Đấng Christ sẽ chịu chết trên thập giá, rồi phục sinh và thăng lên trời, ấy là khi chàng rể bị đem đi, lúc đó họ mới than khóc, kiêng ăn và cầu khẩn Chúa Trời.

Trong tương lai, khi kế hoạch cứu chuộc đã hoàn thành, tiệc cưới sẽ cử hành trong Vương Quốc của Chúa Trời:

Khải Huyền 19:7 – 8 7 “Chúng ta hãy hân hoan mừng rỡ và tôn vinh Ngài! Vì lễ cưới Chiên Con đã đến và cô dâu Ngài đã chuẩn bị sẵn sàng. 8 Nàng được cấp áo vải gai mịn rực rỡ và trong sạch để mặc vào!” Vải gai mịn là các việc công nghĩa của các thánh đồ.

Chiên Con là tượng trưng cho Chúa Giê-su, cô dâu là Hội Thánh, áo cưới rực rỡ và trong sạch của cô dâu chính là các việc công nghĩa của các thánh đồ.

Khải Huyền 21:2 2 Tôi cũng thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem mới, từ trên trời, ở nơi Ðức Chúa Trời mà xuống, sửa soạn sẵn như một người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình. 

Hội Thánh cũng được xưng là Giê-ru-sa-lem mới, vào ngày cưới Giê-ru-sa-lem mới sửa soạn sẵn như một cô dâu trang sức cho chồng mình là Đấng Christ.

Bây giờ chúng ta hiểu được ý nghĩa của Ma-thi-ơ 9:14 – 15, nhưng tại sao tự nhiên lại nói về vải mới, áo cũ và rượu mới, bầu da cũ?

Chúng ta đọc lại một lần nữa đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 9:16 – 17: “16 Không ai vá miếng vải mới vào áo cũ, vì miếng vá sẽ co lại làm rách áo và chỗ rách sẽ tệ hơn. 17 Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu làm như thế, bầu da sẽ nứt, rượu chảy hết mà bầu cũng hư; nhưng người ta đổ rượu mới vào bầu da mới, thế là giữ được cả hai.” 

Vải Mới Là Tượng Trưng Cho Cái Gì?

Nguyên văn Hy Lạp của chữ “vải” là “ῥάκος” (harakos) (đọc ha-rá-khô-s). Chữ “harakos” này cũng được dùng trong Ê-sai 64:6:

Ê-sai 64:6 6 Tất cả chúng tôi đã trở nên như người ô uế; Mọi điều công nghĩa của chúng tôi như chiếc áo bẩn thỉu.Tất cả chúng tôi đều tàn héo như chiếc lá và tội lỗi chúng tôi như cơn gió cuốn chúng tôi đi.

Trong đoạn Kinh Thánh trên Ê-sai 64:6, chữ  “áo” trong “chiếc áo bẩn thỉu” chính là “harakos”. Trong đoạn Kinh Thánh này, “haracos” được dịch là “áo”, chứ không phải là “vải” như trong Ma-thi-ơ 9:16 vậy. Ta thấy rằng chữ “harakos” là tượng trưng cho “mọi điều công nghĩa”.

Bởi vậy trong Ma-thi-ơ 9:16: “Không ai vá miếng vải mới vào áo cũ,” “vải mới” là tượng trưng cho điều công nghĩa mới. Còn “áo cũ” là tượng trưng cho cái gì?

Áo Cũ Là Tượng Trưng Cho Cái Gì?

Nguyên văn Hy Lạp của chữ “áo” trong “áo cũ” là “ἱμάτιον” (himation) (đọc là hi-má-thi-on). Chữ “himation” được dùng trong hai đoạn Kinh Thánh sau:

Khải Huyền 3:4  4 Nhưng, ở Sạt-đe, ngươi còn có mấy người chưa làm ô uế áo xống mình: những kẻ đó sẽ mặc áo trắng mà đi cùng ta, vì họ xứng đáng như vậy.

Trong đoạn Kinh Thánh trên Khải Huyền 3:4, chữ “áo” trong “áo xống” chính là “himation”. Những kẻ này chưa làm ô uế áo xống mình có nghĩa là cuộc sống của họ vẫn trong sạch, chưa bị ô uế. Chữ “himation” là tượng trưng cho cuộc sống của họ.

Bây giờ chúng ta tổng hợp lại hai điểm vừa tra khảo ở trên, ta thấy rằng “vải mới” là tượng trưng cho điều công nghĩa mới, còn “áo cũ” là tượng trưng cho cuộc sống cũ. Trong đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 9:16: “16 Không ai vá miếng vải mới vào áo cũ, vì miếng vá sẽ co lại làm rách áo và chỗ rách sẽ tệ hơn.” Chúa dạy bảo chúng ta không nên cứ làm những điều công nghĩa ở bên ngoài trong khi cuộc sống của ta vẫn là cuộc sống cũ. Nếu chúng ta vẫn sống trong cuộc sống cũ, mà ta cứ đi làm những việc công nghĩa ở bên ngoài, thì sớm muộn gì sẽ đi đến một điểm chúng ta làm không nổi nữa, và ta muốn từ bỏ tất cả mọi việc; vậy thì chẳng khác gì vá miếng vải mới vào áo cũ, khi chúng ta giặt áo thì miếng vá mới sẽ co lại làm rách áo và chỗ rách sẽ tệ hơn.  

Chỉ có Chúa Trời có quyền phép ban một cuộc sống mới cho chúng ta, chúng ta không thể tự ý thay đổi cuộc sống của mình thành ra cuộc sống mới. Bởi vậy chúng ta nên hiến dâng cuộc sống của mình cho Chúa Trời, Ngài sẽ cho cuộc sống cũ của ta chết đi, rồi Ngài sẽ ban một cuộc sống mới cho ta. 

Bầu Da Là Tượng Trưng Cho Cái Gì?

Rồi Chúa Giê-su lại nói tiếp rằng: “17 Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu làm như thế, bầu da sẽ nứt, rượu chảy hết mà bầu cũng hư; nhưng người ta đổ rượu mới vào bầu da mới, thế là giữ được cả hai.”  

Bầu da là tượng trưng cho cái gì?

Nguyên văn Hy Lạp của bầu da là “ἀσκός” (askos) (đọc là a-si-khó-si). Chữ “askos”  này được dùng trong những đoạn Kinh Thánh sau: 

Gióp 32:19 19 Nầy, lòng tôi như rượu chưa khui, Nó gần nứt ra như bầu rượu mới.

Trong đoạn Kinh Thánh trên Gióp 32:19, nguyên văn Hy Lạp của “bầu rượu” chính là “askos”. Lòng của Gióp được so như bầu rượu.

Thi Thiên 119:83 83 Vì tôi trở thành như bầu da bị khói đóng đen; Nhưng tôi không quên các luật lệ Chúa. 

Trong đoạn Kinh Thánh trên Thi Thiên 119:83, nguyên văn Hy Lạp của “bầu da” chính là “askos”. Ở đây thi nhân tự so sánh chính mình như bầu da.

Qua hai đoạn Kinh Thánh trên Gióp 32:19 và Thi Thiên 119:83, chúng ta thấy rằng bầu da “askos” là tượng trưng cho cuộc sống của chúng ta. 

Rượu Là Tượng Trưng Cho Cái Gì?

Trong Ma-thi-ơ 9:17, nguyên văn Hy Lạp của “rượu” là “οἶνος” (oinos) (đọc là ối-nô-s). Chữ “oinos” này cũng được dùng trong những đoạn Kinh Thánh sau:

Sáng Thế Ký 27:28 28 Cầu xin Ðức Chúa Trời cho con sương móc trên trời xuống, Ðược màu mỡ của đất, và dư dật lúa mì cùng rượu.

Nguyên văn Hy Lạp của chữ “rượu” chính là “oinos”. Trong đoạn Kinh Thánh trên Sáng Thế Ký 27:28 rượu là tượng trưng cho phước lành mà Đức Chúa Trời ban cho người dân của Ngài.

Ê-phê-sô 5:18 18 Ðừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Thánh Linh.

Trong đoạn Kinh Thánh trên Ê-phê-sô 5:18, nguyên văn Hy Lạp của rượu chính là “oinos”. Ở đây, rượu được so sánh với Thánh Linh. Thánh Linh ban cho chúng ta trí tuệ và lực lượng để giúp ta sống theo ý chỉ của Chúa Trời. Ngược lại, khi chúng ta say rượu, thì rượu có lực lượng khiến ta luông tuồng.

Qua hai đoạn Kinh Thánh trên Sáng Thế Ký 27:28 và Ê-phê-sô 5:18, chúng ta thấy rằng rượu là tượng trưng cho một phước lành hay một lực lượng lớn do Chúa Trời ban cho ta, khi chúng ta nhận được lực lượng này thì ta có thể làm được công việc lớn; ngược lại nếu lực lượng đó là từ ma quỉ thì sẽ khiến ta luông tuồng tương tự như rượu có thể khiến ta luông tuồng vậy.           

Bây giờ chúng ta tổng hợp lại những điểm về bầu da và rượu. Trong Ma-thi-ơ 9:17: “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu làm như thế, bầu da sẽ nứt, rượu chảy hết mà bầu cũng hư; nhưng người ta đổ rượu mới vào bầu da mới, thế là giữ được cả hai,” Chúa Giê-su dạy rằng tương tự như rượu mới có thể bành trướng và sẽ làm nứt bầu da cũ, thì lực lượng mới của Thánh Linh sẽ phá hủy cuộc sống cũ của ta. Rượu mới thì phải đổ vào bầu da mới, khi rượu mới bành trướng thì bầu da cũng bành trướng, vậy thì giữ được cả hai. Tương tự như vậy chỉ khi Chúa Trời ban một cuộc sống mới cho chúng ta, thì ta mới có thể nhận lấy lực lượng mới của Thánh Linh và làm nên những việc lớn lao.

Kết Luận: Ý Nghĩa Của Ma-thi-ơ 9:14 – 17

Bây giờ chúng ta tổng hợp lại tất cả những điểm vừa tra khảo ở trên để hiểu được ý nghĩa toàn diện của đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 9:14 – 17.           

Các môn đồ của Giăng Báp-tít đến hỏi Chúa Giê-su tại sao các môn đồ của Chúa không kiêng ăn. Chúa Giê-su đáp rằng ta là chàng rể, hết thảy những người tin vào ta là cô dâu, còn Giăng Báp-tít và tất cả những người rao giảng Tin Lành đều là những bạn hữu đến mừng cưới. Đám cưới là giờ phút hân hoan mừng rỡ, người ta có thể nào buồn rầu kiêng ăn được ư? Nhưng khi tôi là chàng rể chết đi, rồi phục sinh và thăng lên trời, lúc đó mọi người mới kiêng ăn để tìm cầu ý chỉ của Chúa Trời.

Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của những điều ta làm, chẳng hạn như tại sao chúng ta lại kiêng ăn, chúng ta không nên cứ làm điều này điều nọ mà không hiểu ý nghĩa tại sao ta làm.

Thay vì cứ làm những điều công nghĩa, chúng ta nên tìm cầu cuộc sống mới mà Chúa Trời ban cho ta, tại vì chúng ta cần lực lượng trợ giúp của Thánh Linh mới có thể làm được những điều công nghĩa trong lời dạy của Ngài. Nếu chúng ta vẫn ở trong cuộc sống cũ mà cứ đi làm những điều công nghĩa thì sẽ dẫn đến một thời điểm chúng ta làm không nổi những điều công nghĩa nữa, ta muốn từ bỏ tất cả, như vậy là tương tự như vá miếng vải mới vào áo cũ, miếng vá sẽ co lại làm rách áo và chỗ rách sẽ tệ hơn. 

Khi chúng ta còn sống trong cuộc sống cũ, ta không thể tiếp nhận lực lượng lớn lao của Thánh Linh, tại vì lực lượng này sẽ phá tan cuộc sống cũ của ta tương tự như rượu mới sẽ làm nứt bầu da cũ vậy. Chúng ta nên hiến dâng cuộc sống của mình cho Chúa Trời, Ngài sẽ cho cuộc sống cũ của ta chết đi, rồi Ngài ban một cuộc sống mới cho ta. Chỉ khi chúng ta ở trong cuộc sống mới, ta mới có thể tiếp nhận lực lượng lớn lao của Thánh Linh tương tự như rượu mới thì phải đổ vào bầu da mới vậy. 

2 Cô-rinh-tô 5:14 – 15 14 Vì tình yêu thương của đấng Christ thúc đẩy chúng tôi, và chúng tôi nghĩ rằng một người đã chết vì mọi người, cho nên mọi người đều chết. 15 và Chúa đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không sống cho chính mình nữa, nhưng sống cho đấng đã chết và sống lại vì mình. 

(Trở về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

 

Phản Hồi

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.