Chúa Giê-su Kêu Gọi Ma-thi-ơ

Ma-thi-ơ 9:9 – 13

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền 

Kingston 05

(Tải xuống bản in PDF)

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 9:1 – 8, hôm nay chúng ta tra khảo đoạn Kinh Thánh kế tiếp:

Ma-thi-ơ 9:9 –13 9 Chúa Giê-su đã đi khỏi nơi đó rồi, thấy một người tên là Ma-thi-ơ đang ngồi tại sở thâu thuế, bèn nói cùng người rằng: “Hãy theo ta.” Người liền đứng dậy, mà theo Chúa. 10 Vả, khi Chúa Giê-su ngồi tại nhà Ma-thi-ơ, có nhiều người thâu thuế cùng tội nhân đến ngồi ăn với Chúa và môn đồ Chúa. 11 Những người Pha-ri-si thấy vậy, thì nói cùng môn đồ Chúa rằng: “Làm sao thầy các ngươi ngồi ăn chung với người thâu thuế và tội nhân vậy?” 12 Chúa Giê-su nghe điều đó, bèn nói rằng: “Chẳng phải là người khỏe mạnh cần thầy thuốc đâu, nhưng là người có bịnh. 13 Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: “Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ.” Vì ta đến đây không phải để kêu gọi kẻ công nghĩa, nhưng kẻ có tội.” 

Đoạn Kinh Thánh trên thuật lại sự kiện Chúa Giê-su kêu gọi Ma-thi-ơ đi theo Chúa. Bây giờ chúng ta tra khảo đoạn Kinh Thánh này từng bước một và rút ra các bài học thuộc linh.

Trong Xã Hội Người Do Thái Thời Đó Người Thâu Thuế Bị Coi Là Tội Nhân

Đầu tiên, Ma-thi-ơ làm nghề gì trước khi người đi theo Chúa Giê-su?

Ma-thi-ơ 9:9 ghi rằng Ma-thi-ơ đang ngồi tại sở thâu thuế, Chúa Giê-su đi ngang qua và kêu gọi người: “Hãy theo ta.” Ma-thi-ơ liền đứng dậy mà đi theo Chúa. Nhưng đoạn Kinh Thánh trên không có nói rõ Ma-thi-ơ có phải là người thâu thuế hay không. Một đoạn Kinh Thánh khác thì ghi rõ rằng Ma-thi-ơ là một người thâu thuế:

Ma-thi-ơ 10:3 3 Phi-líp cùng Ba-tê-lê-my; Thô-ma, và Ma-thi-ơ là người thâu thuế; Gia-cơ con của A-phê, cùng Tha-đê;

Trong xã hội của người Do Thái thời đó, người ta coi người thâu thuế là hạng người nào? 

Lu-ca 3:12 – 13 12 Cũng có những người thâu thuế đến để chịu phép báp-tem; họ hỏi rằng: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?” 13 Người nói rằng: “Đừng đòi thêm ngoài số qui định.” 

Khi Giăng Báp-tít kêu gọi người dân hãy ăn năn hối cải và chịu phép báp-tem, thì có nhiều người thâu thuế đến và muốn chịu phép báp-tem. Họ hỏi Giăng Báp-tít rằng họ phải làm gì, Giăng nói rằng từ đó trở đi họ không nên đòi thêm ngoài số qui định. Câu nói này của Giăng Báp-tít chứng tỏ rằng những người thâu thuế thường hay đòi người dân phải nộp thêm tiền ngoài số qui định. Ấy là tội tham nhũng tiền bạc. Bởi vậy trong xã hội của người Do Thái thời đó, người thâu thuế là tội nhân, bị người ta khinh thường.

Những Người Pha-ri-si Nghĩ Rằng Chúa Giê-su Không Nên Ngồi Ăn Chung Với Tội Nhân

Khi Chúa Giê-su thấy Ma-thi-ơ, thì Chúa nói cùng người rằng: “Hãy theo ta.” Ma-thi-ơ liền đứng dậy và đi theo Chúa. Rồi Chúa Giê-su đến nhà của Ma-thi-ơ, có nhiều người thâu thuế và tội nhân đến ngồi ăn chung với Chúa và các môn đồ Chúa. Khi những người Pha-ri-si thấy vậy, họ nói cùng các môn đồ của Chúa rằng: “Làm sao thầy các ngươi ngồi ăn chung với người thâu thuế và tội nhân vậy?”

Những người Pha-ri-si nghĩ rằng người thâu thuế mang tội lỗi trầm trọng, bởi vậy Chúa Giê-su và các môn đồ của Chúa không nên đến gần hạng người này. Ý nghĩ này của người Pha-ra-si có sai lầm không? Kinh Thánh đã giảng dạy như thế nào?

Người Dân Của Chúa Trời Không Nên Mang Ách Chung Với Những Kẻ Không Tin           

2 Cô-rinh-tô 6:14 – 18 14 Đừng mang ách chung với những kẻ không tin, tại vì công nghĩa và gian ác có thể hòa hiệp với nhau được chăng? Sự sáng và tối tăm có tương giao được chăng? 15 Ðấng Christ và Bê-li-an đâu có hòa hiệp được? Hay là kẻ tin đâu có chung phần gì với kẻ không tin? 16 Giữa Đền Thờ của Chúa Trời và hình tượng có hòa hợp gì đâu? Vì chúng ta là Đền Thờ của Chúa Trời hằng sống, như Chúa Trời đã nói rằng: “Ta sẽ ở và đi lại giữa họ; ta sẽ là Chúa Trời của họ, và họ là dân ta.” 17 Bởi vậy Chúa phán rằng: “Hãy ra khỏi giữa vòng chúng nó, hãy phân rẽ khỏi chúng nó, đừng động đến đồ ô uế, thì ta sẽ tiếp nhận các ngươi, 18 ta sẽ là Cha các ngươi, các ngươi là con trai, con gái ta,” Chúa Toàn năng nói như vậy.

Đoạn Kinh Thánh trên 2 Cô-rinh-tô 6:14 dạy rằng Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta không nên mang ách chung với những kẻ không tin. “Không nên mang ách chung với những kẻ không tin” có nghĩa là gì? Khái niệm này là rút ra từ Cựu Ước:

Phục Truyền Luật Lệ Ký 22:10 10 Đừng cầy với bò và lừa thắng chung một ách.  

Ách là một đoạn gỗ cong mắc lên cổ trâu bò để buộc dây kéo xe, cày, bừa. Bò và lừa là hai thứ động vật khác nhau, người ta không thắng hai con vật khác nhau bằng một con ách chung, tại vì họ chuyển động và làm việc bằng sức mạnh khác nhau và phương cách khác nhau. Tín Đồ Cơ Đốc và những kẻ không tin là hoàn toàn khác nhau, tương tự như con bò thì khác với con lừa vậy.

Nhưng mang ách chung với những kẻ không tin là tượng trưng cho cái gì?

 2 Cô-rinh-tô 6:14 nói rằng “công nghĩa và gian ác có thể hòa hiệp với nhau được chăng?”  Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “hòa hiệp” là “μέτοχος” (đọc là mét-thô-khô-s), có nghĩa là người chung phần trong việc kinh doanh, thí dụ đoạn Kinh Thánh Lu-ca 5:7 dùng chữ “μέτοχος”  để chỉ những người chung phần trong việc đánh cá:

Lu-ca 5:7 7 Họ bèn làm dấu hiệu gọi đồng bạn mình ở thuyền khác đến giúp; bạn kia đến chở cá đầy cả hai chiếc thuyền, đến nỗi gần chìm. 

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “đồng bạn” chính là “μέτοχος”, có nghĩa là người chung phần trong việc đánh cá.

Ngoài ra, 2 Cô-rinh-tô 6:14 còn nói rằng: “Sự sáng và tối tăm có tương giao được chăng?” Sự sáng là tượng trưng cho Tín Đồ Cơ Đốc, còn tối tăm là tượng trưng cho những kẻ không tin. Vậy Tín Đồ Cơ Đốc không thể tương giao với những kẻ không tin. Mà tương giao có nghĩa là gì?

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “tương giao” là “κοινωνία” (đọc là khôi-nu-ní-a), và được dùng trong những đoạn Kinh Thánh sau đây:

1 Cô-rinh-tô 1:9 9 Ðức Chúa Trời là thành tín, Ngài đã gọi anh em được thông công với Con Ngài là Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta.

Trong đoạn Kinh Thánh trên 1 Cô-rinh-tô 1:9, nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “thông công” chính là “κοινωνία”. Vậy “κοινωνία” là chỉ về mối quan hệ giữa Chúa Giê-su Christ và Tín Đồ Cơ Đốc.

2 Cô-rinh-tô 13:14 14 Nguyền xin ơn huệ của Chúa Giê-su Christ, sự yêu thương của Ðức Chúa Trời, và sự thông công của Thánh Linh ở với anh em hết thảy!

Đoạn Kinh Thánh trên 2 Cô-rinh-tô 13:14 nói đến sự thông công của Thánh Linh, nguyên văn Hy Lạp của “thông công” chính là “κοινωνία”. Kinh Thánh nói rằng Thánh Linh là ở trong Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta và dạy dỗ chỉ dẫn chúng ta.

Giăng 14:16 – 17 16 Ta sẽ xin Cha, và Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên Ủi khác để ở với các ngươi đời đời, 17 tức là Linh của lẽ thật, mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài, nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài ở với các ngươi và sẽ ở trong các ngươi.

“Linh của lẽ thật” trong đoạn Kinh Thánh trên Giăng 14:16 – 17 chính là Thánh Linh. Mà Thánh Linh là ở với chúng ta và ở trong chúng ta.

Giăng 14:26 26 Nhưng Ðấng Trợ Giúp đến, tức là Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai đến, Ngài sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã truyền dạy các ngươi. 

Đoạn Kinh Thánh trên Giăng 14:26 chỉ ra rằng Thánh Linh dạy dỗ chúng ta mọi sự và nhắc lại cho chúng ta nhớ mọi điều Chúa Giê-su đã truyền dạy chúng ta.

Bởi vậy mối quan hệ giữa Thánh Linh và Tín Đồ Cơ Đốc là thân mật và sâu xa lắm.

1 Giăng 1:3 3 chúng tôi lấy điều đã thấy đã nghe mà truyền cho anh em, hầu cho anh em cũng được thông công với chúng tôi. Và sự thông công của chúng tôi là với Đức Cha và với Con Ngài, Chúa Giê-su Christ.

Đoạn Kinh Thánh 1 Giăng 1:3 nói rằng Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta có sự thông công với Đức Cha Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ. Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta, Chúa Giê-su Christ là anh của chúng ta, hơn nữa Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ  đều ngự trong lòng chúng ta:

Giăng 14:23 23 Chúa Giê-su đáp rằng: “Nếu ai yêu mến ta thì sẽ vâng giữ lời ta; Cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta sẽ đến cùng người và ở trong người.”

Căn  cứ vào 6 đoạn Kinh Thánh trên 1 Cô-rinh-tô 1:9, 2 Cô-rinh-tô 13:14, Giăng 14:16 – 17,  Giăng 14:26, 1 Giăng 1:3, Giăng 14:23, sự thông công là chỉ về một mối quan hệ rất thân mật đến nỗi hiệp làm một.

Bây giờ chúng ta tổng hợp lại những điểm vừa tra khảo ở trên, “mang ách chung” có nghĩa là:

  • Chung phần trong việc kinh doanh làm ăn
  • Có mối quan hệ rất thân mật đến nỗi hiệp làm một

2 Cô-rinh-tô 6:14 dạy rằng người dân của Chúa Trời không nên mang ách chung với những kẻ không tin, có nghĩa là không nên chung phần trong việc kinh doanh và không nên có mối quan hệ rất thân mật với những kẻ không tin.

Người Dân Của Chúa Trời Có Nên Tiếp Xúc Với Tội Nhân Không?

Trong đoạn Kinh Thánh 2 Cô-rinh-tô 6:14 – 18, ngoài việc Tín Đồ Cơ Đốc không nên mang ách chung với kẻ không tin, còn nói rằng: “17 Bởi vậy Chúa phán rằng: “Hãy ra khỏi giữa vòng chúng nó, hãy phân rẽ khỏi chúng nó, đừng động đến đồ ô uế, thì ta sẽ tiếp nhận các ngươi,”” Vậy “hãy ra khỏi giữa vòng chúng nó, hãy phân rẽ khỏi chúng nó” có nghĩa là gì? Có phải là chúng ta không nên tiếp xúc với tội nhân không?

2 Cô-rinh-tô 6:17 dạy rằng: “Hãy ra khỏi giữa vòng chúng nó, hãy phân rẽ khỏi chúng nó”, nguyên văn Hy Lạp của “phân rẽ” là “ἀφορίζω”, chữ Hy Lạp này được dùng trong những đoạn Kinh Thánh sau:

Công Vụ Các Sứ Đồ 13:2 2 Họ (các môn đồ) đang thờ phượng Chúa và kiêng ăn, thì Thánh Linh nói rằng: “Các ngươi hãy biệt riêng Ba-na-ba và Sau-lơ cho công việc mà ta đã kêu gọi họ.”

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “biệt riêng” chính là “ἀφορίζω”. Ba-na-ba và Sau-lơ được biệt riêng ra để họ đi làm công việc mà Chúa Trời đã kêu gọi họ.

Rô-ma 1:1 1 Phao-lô, tôi tớ của Chúa Giê-su Christ, được kêu gọi làm sứ đồ, biệt riêng ra cho Tin Lành của Ðức Chúa Trời,

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “biệt riêng” là “ἀφορίζω”. Phao-lô được biệt riêng ra để rao truyền Tin Lành của Chúa Trời.

Ga-la-ti 1:15 15 Nhưng khi Ðức Chúa Trời, là Ðấng đã biệt riêng tôi ra từ lúc còn trong lòng mẹ, và lấy ân điển kêu gọi tôi, vui lòng

Đoạn Kinh Thánh trên Ga-la-ti 1:15 cũng chỉ ra rằng Đức Chúa Trời đã biệt riêng sứ đồ Phao-lô khi người còn ở trong lòng mẹ.

Cả 3 đoạn Kinh Thánh trên Công Vụ Các Sứ Đồ 13:2, Rô-ma 1:1 và Ga-la-ti 1:15 đều chỉ ra rằng sự biệt riêng của sứ đồ Phao-lô là để làm công việc mà Chúa Trời Gia-vê đã sắp đặt cho người.

Hơn nữa, “ra khỏi giữa vòng chúng nó, hãy phân rẽ khỏi chúng nó” chính là khái niệm “thánh sạch” trong Cựu Ước. Một người hay một vật là thánh sạch có nghĩa là người ấy hoặc vật ấy là phân rẽ khỏi những vật tầm thường để thuộc riêng về Chúa Trời Gia-vê.

Xuất Ê-díp-tô Ký 28:36 36 Ngươi cũng hãy làm một cái thẻ bằng vàng ròng, trên đó khắc như người ta khắc con dấu, rằng: Thánh Cho Ðức Gia-vê.
Xuất Ê-díp-tô Ký 31:15 15 Người ta sẽ làm công việc trong sáu ngày, nhưng qua ngày thứ bảy là ngày sa-bát, tức là ngày nghỉ, biệt riêng ra thánh cho Ðức Gia-vê. Trong ngày sa-bát hễ ai làm một việc chi sẽ bị xử tử. 

Bây giờ chúng ta tổng hợp lại tất cả những điểm chúng ta tra khảo về sự “biệt riêng”. Một người hay một vật biệt riêng ra có nghĩa là người ấy hay vật ấy là dành riêng cho Chúa Trời Gia-vê và công việc của Ngài. Thánh sạch hay nên thánh chính là biệt riêng ra cho Chúa Trời Gia-vê.

Hơn nữa, ngay sau đoạn Kinh Thánh trên 2 Cô-rinh-tô 6:14 – 18 là 2 Cô-rinh-tô 7:1:

2 Cô-rinh-tô 7:1 1 Anh chị em yêu dấu, vì chúng ta có những lời hứa như thế, hãy thanh tẩy chính mình cho sạch những điều ô uế về phần thân thể lẫn tâm linh, hãy hoàn thành sự nên thánh trong niềm kính sợ Đức Chúa Trời.  

Tất cả những chuyện đề cập trong 2 Cô-rinh-tô 6:17 “Hãy ra khỏi giữa vòng chúng nó, hãy phân rẽ khỏi chúng nó, đừng động đến đồ ô uế” là nói về việc làm sạch thân thể lẫn tâm linh để hoàn thành sự nên thánh, chứ không phải dạy bảo chúng ta phải tránh xa tội nhân và không tiếp xúc với họ.

Người Dân Của Chúa Trời Có Nên Ăn Chung Với Tội Nhân Không?

Thật ra, Kinh Thánh không hề nói rằng người dân của Chúa Trời không nên ăn chung với tội nhân:

1 Cô-rinh-tô 5:9 – 10 9 Trong thư tôi viết cho anh em, có dặn đừng làm bạn với kẻ gian dâm, 10 đó tôi chẳng có ý nói chung về kẻ gian dâm trên đời nầy, hay là kẻ tham lam, kẻ chắt bóp, kẻ thờ hình tượng, vì nếu vậy thì anh em phải lìa khỏi thế gian. 

Đoạn Kinh Thánh trên 1 Cô-rinh-tô 5:9 – 10 chỉ ra một cách minh bạch rằng chúng ta không nên kết bạn với kẻ gian dâm, kẻ tham lam, kẻ chắp bóp, kẻ thờ hình tượng, nhưng không phải chỉ về người đời trên thế gian này.  Tại vì phần nhiều người đời trên thế gian này là như vậy, nếu chúng ta không kết bạn với những hạng người này, thì chúng ta phải lìa khỏi thế gian này.

Nếu kẻ gian dâm, kẻ tham lam, kẻ chắt bóp, thờ hình tượng không chỉ về những kẻ trên thế gian, thì chỉ về ai?

1 Cô-rinh-tô 5:11 11 Nhưng tôi viết khuyên anh em đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian dâm, hoặc tham lam, hoặc thờ hình tượng, hoặc chưởi rủa, hoặc say sưa, hoặc chắt bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy. 

Ấy là những kẻ tự xưng là Tín Đồ Cơ Đốc, nhưng lại là gian dâm, tham lam, thờ hình tượng, chưởi rủa, say sưa, chắt bóp. Chúng ta không nên kết bạn với họ, và không ăn chung với họ nữa.

Tại Sao Chúa Giê-su Ăn Chung Với Người Thâu Thuế Và Tội Nhân?

 Kinh Thánh không hề nói rằng chúng ta không nên ăn chung với người thâu thuế và tội nhân. Chúa Giê-su ăn chung với họ, Chúa có mục đích khi Chúa làm như vậy. Chúng ta phải tìm hiểu tại sao Chúa Giê-su lại ăn chung với người thâu thuế và  tội nhân ?

Ma-thi-ơ 9:12 – 13 12 Chúa Giê-su nghe điều đó, bèn nói rằng: “Chẳng phải là người khỏe mạnh cần thầy thuốc đâu, nhưng là người có bịnh. 13 Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: “Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ.” Vì ta đến đây không phải để kêu gọi kẻ công nghĩa, nhưng kẻ có tội.”

Đầu tiên, Chúa Giê-su so sánh người khỏe mạnh với kẻ công nghĩa, và người có bịnh là so sánh với kẻ có tội. Thứ hai, Chúa Giê-su ăn cùng bàn với những kẻ có tội tại vì Chúa có lòng thương xót cho họ.

Khi Chúa Giê-su có lòng thương xót cho kẻ có tội thì Chúa làm gì

Ê-phê-sô 2:4 – 6 4 Nhưng Chúa Trời là giàu lòng thương xót, Ngài yêu quý chúng ta vì lòng yêu thương lớn, 5 nên cho dù chúng ta đã chết trong tội lỗi mình, Ngài làm cho chúng ta cùng sống với đấng Christ, ấy là nhờ ân huệ mà anh em được cứu, 6 Ngài làm cho chúng ta cùng sống lại trong Chúa và cùng ngồi với Chúa trong các nơi trên trời trong Chúa Giê-su Christ. 

Đoạn Kinh Thánh Ê-phê-sô 2:4 – 6 chỉ ra rằng Chúa Trời là giàu lòng thương xót, Ngài cứu vớt chúng ta khi chúng ta đã chết trong tội lỗi mình, Ngài khiến chúng ta cùng sống với đấng Christ.

Tít 3:5. Ngài cứu chúng ta không phải vì những việc công nghĩa chúng ta đã làm, nhưng theo lòng thương xót của Ngài, bởi việc rửa sạch về sự tái sinh và sự đổi mới bởi Thánh Linh.

Đoạn Kinh Thánh Tít 3:5 nói rằng Chúa Trời thương xót cho chúng ta và Ngài cứu vớt chúng ta bởi việc rửa sạch về sự tái sinh và sự đổi mới bởi Thánh Linh.

Hai đoạn Kinh Thánh trên Ê-phê-sô 2:4 – 6 và Tít 3:5 chỉ ra rằng Chúa Trời thương xót chúng ta và Ngài cứu vớt chúng ta. Tương tự như vậy, khi Chúa Giê-su thương xót cho kẻ có tội, Chúa muốn cứu vớt họ.

Chúa Giê-su cùng ăn với kẻ có tội và kết bạn với họ tại vì Chúa thương xót cho họ, và Chúa muốn cứu vớt họ. Chúng ta là môn đồ của Chúa Giê-su, chúng ta phải noi gương của Chúa. Chúa ta đi kết bạn với tội nhân trên đời này để cứu vớt họ, tại vì chúng ta thương xót cho họ.

Chúa Giê-su Đến Để Kêu Gọi Kẻ Có Tội

Trong Ma-thi-ơ 9:13 Chúa Giê-su nói rằng Chúa đến để kêu gọi kẻ có tội ăn năn hối cải, chứ không phải kêu gọi kẻ công nghĩa, tại vì kẻ công nghĩa thì không cần ăn năn hối cải. Bởi vậy khi Chúa thấy người thâu thuế Ma-thi-ơ thì Chúa kêu gọi người. Rồi Chúa đến nhà của Ma-thi-ơ và ngồi cùng bàn với những người thâu thuế và tội nhân, tại vì Chúa có lòng thương xót cho tội nhân, Chúa muốn cứu vớt họ.

Còn những người Pha-ra-si khinh thường kẻ có tội, họ không thấy mình là kẻ có tội, họ không thương xót cho tội nhân, họ còn phê bình Chúa không nên ăn chung với tội nhân nữa.

Mỗi một người trên thế gian đều đã phạm tội, chúng ta đều là tội nhân. Nhưng nếu chúng ta không thấy tội lỗi của mình thì cho dù Chúa Giê-su kêu gọi ta, ta cũng không đáp ứng lại lời kêu gọi của Chúa.

(Trở về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

Phản Hồi

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.