Chúa Giê-su Chữa Lành Một Người Đau Bại

Ma-thi-ơ 9:1 – 8

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

Kingston 07

(Tải xuống bản in PDF)

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 8:28 – 34, hôm nay chúng ta tra khảo đoạn Kinh Thánh kế tiếp:

Ma-thi-ơ 9:1 – 8 1 Chúa Giê-su xuống thuyền lại trở qua biển và đến thành mình. 2 Nầy, các người đem lại cho Chúa một người đau bại nằm trên giường. Chúa Giê-su thấy đức tin của các ngươi đó, thì nói cùng người bại rằng: “Hỡi con, hãy vững lòng, tội lỗi con đã được tha.” 3 Khi ấy, có một vài thầy dạy Luật đều nghĩ thầm rằng: “Người nầy nói phạm thượng.” 4  Nhưng Chúa Giê-su biết ý tưởng mấy thầy đó, thì nói rằng: “Tại sao trong lòng các ngươi có ác tưởng làm vậy? 5 Trong hai lời nầy: “một là nói, tội lỗi ngươi đã được tha; hai là nói, ngươi hãy đứng dậy mà đi, thì lời nào dễ nói hơn” 6 Vả, hầu cho các ngươi biết Con của loài người ở thế gian có quyền tha tội,” thì Chúa nói cùng người bại rằng: “Hãy đứng dậy, vác lấy giường, mà trở về nhà ngươi.” 7 Người bại liền dậy mà trở về nhà mình. 8 Ðoàn dân thấy phép lạ đó, thì ai nấy đều sợ hãi, và ngợi khen Ðức Chúa Trời đã cho người ta được phép tắc dường ấy. 

Đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 9:1 – 8 thuật lại sự kiện Chúa Giê-su chữa lành một người đau bại. Bây giờ chúng ta học tập đoạn Kinh Thánh trên và tìm hiểu về những bài học thuộc linh rút ra từ sự kiện này

Thành Của Chúa Giê-su Là Thành Gì?

Câu 1 của đoạn Kinh Thánh trên nói rằng: “Chúa Giê-su xuống thuyền lại trở qua biển và đến thành mình.” “Thành mình” tức là thành của Chúa Giê-su, mà thành đó là thành gì?

Đoạn Kinh Thánh song song của Ma-thi-ơ 9:1 – 8 là Mác 2:1 – 12 thì có nhiều chi tiết hơn và mô tả một cách tường tận hơn.

Mác 2:1 – 12 1 Khỏi một vài ngày, Chúa Giê-su trở lại thành Ca-bê-na-um, và chúng nghe nói Chúa ở trong nhà. 2 Họ họp lại tại đó đông lắm, đến nỗi trước cửa cũng không còn chỗ trống; Chúa giảng đạo cho họ nghe. 3 Bấy giờ có mấy kẻ đem tới cho Chúa một người đau bại, có bốn người khiêng. 4 Nhưng, vì đông người, không lại gần Chúa được, nên dở mái nhà ngay chỗ Chúa ngồi, rồi do lỗ đó dòng giường người bại xuống. 5 Chúa Giê-su thấy đức tin họ, bèn nói với kẻ bại rằng: “Hỡi con ta, tội lỗi ngươi đã được tha.” 6 Nhưng có mấy thầy dạy Luật ngồi đó, nghĩ thầm rằng: “7 Sao người nầy nói như vậy? Người nói phạm thượng đó! Ngoài mình Ðức Chúa Trời, còn có ai tha tội được chăng?” 8 Chúa Giê-su trong trí đã tự hiểu họ nghĩ như vậy, tức thì nói rằng: “Sao các ngươi bàn luận trong lòng thể ấy? 9 Nay bảo kẻ bại rằng: “Tội ngươi đã được tha”; hay là bảo người rằng: “Hãy đứng dậy vác giường mà đi”; hai điều ấy điều nào dễ hơn? 10 Vả, để cho các ngươi biết rằng Con của loài người ở thế gian có quyền tha tội,” thì Chúa nói cùng kẻ bại rằng: 11 “Ta biểu ngươi, hãy đứng dậy, vác giường đi về nhà.” 12 Kẻ bại đứng dậy, tức thì vác giường đi ra trước mặt thiên hạ; đến nỗi ai nấy làm lạ, ngợi khen Ðức Chúa Trời, mà rằng: “Chúng tôi chưa hề thấy việc thể nầy.”

Câu 1 của đoạn Kinh Thánh trên Mác 2:1 – 12 chỉ ra rằng thành của Chúa Giê-su chính là thành Ca-bê-na-um:

Mác 2:1 1 Khỏi một vài ngày, Chúa Giê-su trở lại thành Ca-bê-na-um, và chúng nghe nói Chúa ở trong nhà. 

Việc Gì Đã Bày Tỏ Đức Tin Của Các Người Bạn Của Người Đau Bại ?

Câu 2 của Ma-thi-ơ 9:1 – 8 ghi rằng: “Nầy, các người đem lại cho Chúa một người đau bại nằm trên giường. Chúa Giê-su thấy đức tin của các ngươi đó, thì nói cùng người bại rằng: “Hỡi con, hãy vững lòng, tội lỗi con đã được tha.” Câu này chỉ nói rằng các người đem lại cho Chúa Giê-su một người đau bại nằm trên giường, nhưng không có nói rõ hành động gì đã bày tỏ đức tin của họ. Nhưng trong đoạn Kinh Thánh song song Mác 2:1 – 12 thì có mô tả rất tường tận:

Mác 2:2 – 5 2 Họ họp lại tại đó đông lắm, đến nỗi trước cửa cũng không còn chỗ trống; Chúa giảng đạo cho họ nghe. 3 Bấy giờ có mấy kẻ đem tới cho Chúa một người đau bại, có bốn người khiêng. 4 Nhưng, vì đông người, không lại gần Chúa được, nên dở mái nhà ngay chỗ Chúa ngồi, rồi do lỗ đó dòng giường người bại xuống. 5 Chúa Giê-su thấy đức tin họ, bèn nói với kẻ bại rằng: “Hỡi con ta, tội lỗi ngươi đã được tha.” 

Đoạn Kinh Thánh trên Mác 2:2 – 5 ghi rằng có rất nhiều người đến nghe Chúa Giê-su giảng giải, cả nhà đều đầy hết, đến nỗi trước cửa nhà cũng không còn chỗ trống nữa. Bấy giờ có bốn người khiêng một người đau bại, họ muốn đem người đau bại này đến trước mặt Chúa Giê-su để Chúa chữa bịnh cho người. Nhưng tại vì đông người quá, họ không thể đến gần Chúa. Họ dở mái nhà ngay chỗ Chúa ngồi, rồi từ lỗ đó dòng giường người bại xuống ngay trước mặt Chúa. Chính là hành động như vậy bày tỏ đức tin của họ.

Hành động của họ có gì đặc biệt không? Người đau bại cứ nằm trên giường, người không cử động được gì cả. Đầu tiên bốn người bạn của người phải khiêng người cùng cái giường của người lên trên mái nhà, làm như vậy chẳng những là nặng mà còn nguy hiểm nữa. Nguy hiểm cho người đau bại và cho bốn người bạn này, nếu có gì trục trặc thì chẳng những người đau bại sẽ té xuống, không chừng một hay cả bốn người bạn đều té xuống cùng một lượt.

Sau khi họ đem người đau bại cùng cái giường lên trên mái nhà rồi, thì họ phải dở mái nhà ngay chỗ Chúa Giê-su ngồi. Rồi từ cái lỗ đó mà dòng giường của người bại xuống trước mặt Chúa. Việc này cũng khó khăn nặng nề và nguy hiểm tương tự như khiêng người bại lên trên mái nhà vậy.

Chúng ta hãy ngẫm nghĩ coi, bốn người bạn này thương người đau bại đến dường nào, họ sẵn sàng liều sinh mạng của mình để giúp đỡ người.

Đức Tin Và Tình Thương Yêu Là Dính Liền Với Nhau

Theo lời dạy của Kinh Thánh, đức tin và tình thương yêu là dính liền với nhau:

Ga-la-ti 5:6 6 Vì trong Chúa Giê-su Christ, cái điều có giá trị, không phải tại chịu phép cắt bì hoặc không chịu phép cắt bì, nhưng tại đức tin hành động bởi sự yêu thương vậy.

Đoạn Kinh Thánh trên Ga-la-ti 5:6 chỉ ra rằng đức tin sẽ hành động bởi sự yêu thương, có nghĩa là khi chúng ta có đức tin thì ta sẽ có những việc làm vì lòng yêu thương, chẳng hạn như bốn người bạn của người đau bại sẵn sàng liều mạng sống của mình để giúp đỡ người.

1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:3 3 vì trước mặt Ðức Chúa Trời, là Cha, chúng tôi nhớ mãi về công việc của đức tin anh em, công lao của lòng yêu thương anh em, sự bền đổ về sự trông cậy của anh em trong Chúa Giê-su Christ chúng ta;
1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:6 6 Nhưng Ti-mô-thê ở nơi anh em mới trở về đây, có thuật cho chúng tôi tin tốt về đức tin cùng lòng yêu thương của anh em. Người lại nói rằng anh em thường tưởng nhớ chúng tôi, và ao ước gặp chúng tôi, cũng như chính chúng tôi ước ao gặp anh em vậy.
2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:3 3 Hỡi anh em, chúng tôi phải vì anh em cảm tạ Ðức Chúa Trời luôn luôn; điều đó là phải lắm, vì đức tin anh em rất tấn tới, và lòng yêu thương của mỗi người trong hết thảy anh em đối với nhau càng ngày càng thêm.
1 Ti-mô-thê 6:11 11 Nhưng, hỡi con, là người của Ðức Chúa Trời, hãy tránh những sự đó đi, mà tìm điều công nghĩa, tôn kính, đức tin, yêu thương, kiên nhẫn, nhu mì.

Trong 4 đoạn Kinh Thánh trên 1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:3, 1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:6, 2 Tê-sa-lô-ni-ca  1:3, 1 Ti-mô-thê 6:11 đức tin và lòng yêu thương là đi đôi với nhau.

1 Ti-mô-thê 1:5 5 Mục đích của sự răn bảo, ấy là sự yêu thương, bởi lòng tinh sạch, lương tâm tốt và đức tin thật mà sinh ra.

Đoạn Kinh Thánh trên 1 Ti-mô-thê 1:5 chỉ ra rằng sự yêu thương là bởi lòng tinh sạch, lương tâm tốt và đức tin thật mà sinh ra.

Trong Tân Ước còn có rất nhiều đoạn Kinh Thánh khác mô tả sự liên hệ mật thiết giữa đức tin và lòng yêu thương, ở đây tôi chỉ trích lục một số những đoạn Kinh Thánh đó thôi.

Qua những đoạn Kinh Thánh trên, chúng ta thấy đức tin và lòng yêu thương là liên quan với nhau. Bởi vậy qua việc làm đầy rẫy yêu thương của bốn người bạn đối với người đau bại thì Chúa Giê-su thấy rõ đức tin của họ là lớn lắm. Chính vì đức tin lớn của họ mà Chúa nói với người bại rằng: “Hỡi con, hãy vững lòng, tội lỗi con đã được tha.”

Có Phải Chỉ Có Đức Chúa Trời Mới Có Quyền Tha Tội Chăng?

Lúc đó, trong số những người ở trong nhà lắng nghe Chúa Giê-su giảng giải thì có vài ông thầy dạy Luật. Khi họ nghe Chúa Giê-su nói với người đau bại rằng tội lỗi của người đã được tha, thì họ nghĩ rằng Chúa đã nói phạm thượng:

Ma-thi-ơ 9:3 3 Khi ấy, có một vài thầy dạy Luật đều nghĩ thầm rằng: “Người nầy nói phạm thượng.” 

Tại sao họ nghĩ rằng Chúa Giê-su đã nói phạm thượng? Trong đoạn Kinh Thánh song song Mác 2:6 – 7 thì có giải thích rõ ràng hơn:

Mác 2:6 – 7 6 Nhưng có mấy thầy dạy Luật ngồi đó, nghĩ thầm rằng: “7 Sao người nầy nói như vậy? Người nói phạm thượng đó! Ngoài mình Ðức Chúa Trời, còn có ai tha tội được chăng?”

Mấy ông thầy dạy Luật này nghĩ rằng chỉ có Đức Chúa Trời mới có quyền tha thứ tội lỗi, khi họ nghe thấy Chúa Giê-su nói rằng tội lỗi của người đau bại đã được tha, thì họ nghĩ rằng Chúa tự cho mình là ngang hàng với Chúa Trời.

Có phải chỉ có Đức Chúa Trời mới có quyền tha thư tội lỗi chăng? Có phải bất cứ một người nào khác thì không có quyền tha tội sao? Bây giờ để chúng ta đọc một vài đoạn Kinh Thánh để giải đáp câu hỏi này.

Lu-ca 17:3 3 Các ngươi hãy cảnh giác. Nếu anh em ngươi phạm tội, hãy khiển trách người; và nếu người ăn năn hối cải, thì hãy tha tội. 

Này là lời của Chúa Giê-su răng dạy chúng ta rằng nếu anh em ta phạm tội thì ta nên khiển trách anh em, có nghĩa là chỉ ra tội lỗi của anh em với mục đích là giúp đỡ anh em. Một khi anh em ăn năn hối cải, thì ta nên tha tội của anh em. Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng chẵng những Chúa Giê-su có quyền tha tội, mà Tín Đồ Cơ Đốc cũng có quyền tha tội nữa.

Giăng 20:22 – 23 22 Khi Chúa phán điều đó rồi, thì hà hơi trên môn đồ mà rằng: “Hãy nhận lãnh Thánh Linh. 23 Kẻ nào mà các ngươi tha tội cho, thì tội sẽ được tha; còn kẻ nào các ngươi cầm tội lại, thì sẽ bị cầm cho kẻ đó.”

Đoạn Kinh Thánh trên Giăng 20:22 – 23 là lời của Chúa Giê-su dặn bảo các môn đồ sau khi Chúa sống lại từ kẻ chết. Đầu tiên Chúa ban Thánh Linh cho họ, rồi Chúa dạy rằng họ có quyền tha tội, nếu họ tha tội cho kẻ nào thì tội sẽ được tha, nếu họ cầm tội kẻ nào thì kẻ đó sẽ bị cầm lại.

Hai đoạn Kinh Thánh trên Lu-ca 17:3Giăng 20:22 – 23 chứng tỏ rằng không phải chỉ có một mình Đức Chúa Trời mới có quyền tha tội, chính Chúa Giê-su và Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta cũng có quyền tha tội nữa.

Chúa Giê-su Muốn Cho Mọi Người Đều Biết Rằng Chúa Có Quyền Tha Thứ Tội Lỗi

Khi mấy ông thầy dạy Luật nghĩ thầm rằng Chúa Giê-su đã nói phạm thượng, thì Chúa đã biết ý tưởng của họ:

Ma-thi-ơ 9:4 – 6 4 Nhưng Chúa Giê-su biết ý tưởng mấy thầy đó, thì nói rằng: “Tại sao trong lòng các ngươi có ác tưởng làm vậy? 5 Trong hai lời nầy: “một là nói, tội lỗi ngươi đã được tha; hai là nói, ngươi hãy đứng dậy mà đi, thì lời nào dễ nói hơn” 6 Vả, hầu cho các ngươi biết Con của loài người ở thế gian có quyền tha tội,” thì Chúa nói cùng người bại rằng: “Hãy đứng dậy, vác lấy giường, mà trở về nhà ngươi.”

Trong đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 9:4 – 6, Chúa Giê-su hỏi các thầy dạy Luật rằng trong hai lời nầy: “một là nói, tội lỗi ngươi đã được tha; hai là nói, ngươi hãy đứng dậy mà đi, thì lời nào dễ nói hơn.”

Chúng ta nên nhớ rằng tại vì Chúa Giê-su là hoàn toàn không tội lỗi, Chúa luôn luôn làm việc đẹp lòng Chúa Trời, và Chúa Trời luôn ở cùng với Chúa:

Giăng 8:29 29 Ðấng sai ta đến là ở cùng với ta, Ngài chẳng để ta ở một mình, vì ta luôn làm những điều đẹp lòng Ngài.

Cho nên đối với Chúa Giê-su thì hai lời này: “một là nói, tội lỗi ngươi đã được tha; hai là nói, ngươi hãy đứng dậy mà đi” là ngang hàng với nhau, chẳng phải lời này khó hơn lời kia. Nhưng nếu người nào vẫn còn mang tội lỗi trong lòng, thì người ấy sẽ thấy rằng khó mà nói câu tha tội cho người ta :“tội lỗi ngươi đã được tha”.

Nhưng tại sao Chúa lại cố ý nói câu này: “tội lỗi ngươi đã được tha”? Chúa nói câu này với mục đích gì?

Chúa nói như vậy hầu cho mọi người trong nhà đều biết rằng Chúa có quyền tha tội:

Ma-thi-ơ 9:6 6 Vả, hầu cho các ngươi biết Con của loài người ở thế gian có quyền tha tội,” thì Chúa nói cùng người bại rằng: “Hãy đứng dậy, vác lấy giường, mà trở về nhà ngươi.” 

Tại Sao Chúa Giê-su Muốn Mọi Người Đều Biết Rằng Chúa Ở Thế Gian Có Quyền Tha Tôi?

Nhưng tại sao Chúa Giê-su muốn cho mọi người đều biết rằng Chúa có quyền tha tội, chẳng lẽ Chúa muốn khoe khoang quyền phép của mình chăng? Không, hoàn toàn không phải như vậy, Chúa không bao giờ muốn khoe khoang chính mình. Nếu Chúa có ý tưởng này, thì Chúa không phải là hoàn toàn trọn vẹn nữa.

Chúa muốn cho mọi người nên chú trọng về việc tội lỗi được tha, chứ không nên chỉ nghĩ đến việc chữa lành bịnh tật mà thôi. Cái thân thể này của chúng ta sớm muộn gì cũng phải chết đi, cho dù hết thảy bịnh tật của chúng ta đều được chữa lành, nhưng nếu chúng ta vẫn còn mang tội lỗi trong lòng, thì ta sẽ bị hư mất trong lửa hừng của địa ngục vào ngày phán xét. Bởi vậy việc ăn năn hối cải hầu cho tội lỗi được tha thứ là quan trọng hơn chữa lành bịnh nọ tật kia.

Dù sao đi nữa, sau cùng Chúa Giê-su nói cùng người đau bại rằng: “Hãy đứng dậy, vác lấy giường, mà trở về nhà ngươi.”:

Ma-thi-ơ 9: 7 – 8 7 Người bại liền dậy mà trở về nhà mình. 8 Ðoàn dân thấy phép lạ đó, thì ai nấy đều sợ hãi, và ngợi khen Ðức Chúa Trời đã cho người ta được phép tắc dường ấy.

Kết Luận

Sau khi đã tra khảo đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 9:1 – 8, chúng ta rút ra hai bài học thuộc linh:

  • Đức tin và lòng yêu thương là dính liền với nhau. Khi chúng ta có đức tin chân thành thì ta sẽ có lòng yêu thương người ta. Ngược lại, nếu chúng ta không yêu thương người ta, thì đức tin của ta không phải là một đức tin chân thành.
  • Chúng ta phải chú trong về việc ăn năn hối cải hầu cho tội lỗi được ta, chứ không nên chỉ nghĩ đến chữa lành bịnh tật của thân thể. Nếu chúng ta vẫn còn mang tội lỗi trong lòng, cho dù bịnh tật của ta được chữa lành, nhưng chúng ta không có mối quan hệ mật thiết với Chúa Trời, trong tương lai vào ngày phán xét chúng ta sẽ bị hư mất trong lửa hừng của địa ngục. Ngược lại nếu chúng ta vâng phục lời dạy của Chúa Trời, Ngài ở cùng với ta, trong tương lai ta sẽ được hưởng sự sống đời đời trong vương quốc của Ngài.

(Trở về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

Phản Hồi

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.