Chúa Giê-su Ban Quyền Năng Cho Các Môn Đồ

Ma-thi-ơ 16:13 – 20     

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

(Tải xuống bản in PDF)

Nhảy Qua Ma-thi-ơ 15:29 – 31

Kỳ trước chúng ta đã học tập Ma-thi-ơ 15:21 – 28 nói về đức tin của người đàn bà Ca-na-an; đoạn Kinh Thánh kế tiếp Ma-thi-ơ 15:29 – 31 thuật lại sự kiện Chúa Giê-su chữa lành tất cả bịnh tật của người dân, ấy là tương tự với những đoạn Kinh Thánh mà chúng ta đã học tập trước kia, cho nên chúng ta sẽ nhảy qua đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 15:29 – 31.

Nhảy Qua Ma-thi-ơ 15:32 – 39

Sau Ma-thi-ơ 15:29 – 31 là Ma-thi-ơ 15:32 – 39 nói về Chúa Giê-su làm một phép lạ cho bốn ngàn người ăn no. Nội dung của đoạn Kinh Thánh này là tương tự với Ma-thi-ơ 14:13 – 21 mô tả Chúa Giê-su làm một phép lạ để cung cấp lương thực cho năm ngàn người ăn no (Xin tham khảo bài giảng “Năm Cái Bánh Và Hai Con Cá”), bởi vậy chúng ta cũng nhảy qua đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 15:32 – 39.

Nhảy Qua Ma-thi-ơ 16:1 – 4

Sau Ma-thi-ơ 15:32 – 39 là Ma-thi-ơ 16:1 – 4 thuật lại sự kiện những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê muốn thử thách Chúa Giê-su, họ xin Chúa cho xem một phép lạ từ trên trời xuống. Chúa khiển trách họ là hung ác gian dâm, và Chúa sẽ chẳng cho dấu lạ khác ngoài dấu lạ của Giô-na. Ma-thi-ơ 16:1 – 4 là tương tự như Ma-thi-ơ 12:38 – 45, xin các bạn đọc bài giảng “Ham Mộ Tiền Bạc, Bất Tin và Sự Kiềm Chế Của Ma Quỉ: Ma-thi-ơ 12:38 – 45” để hiểu rõ ý nghĩa của sự kiện này, và chúng ta sẽ nhảy qua Ma-thi-ơ 16:1 – 4.

Nhảy Qua Ma-thi-ơ 16:5 – 12

Trong đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 16:5 – 12 Chúa Giê-su cảnh cáo các môn đồ phải giữ mình về men của người Pha-ri-si, tức là đạo đức giả (căn cứ theo Lu-ca 12 :1). Chúng ta sẽ nhảy qua Ma-thi-ơ 16:5 – 12 tại vì trong Ma-thi-ơ 23 Chúa Giê-su giảng giải rất tường tận về đạo đức giả của người Pha-ri-si, chúng ta sẽ học tập ý nghĩa của đạo đức giả một cách tường tận khi chúng ta học tập Ma-thi-ơ 23.  Bây giờ và đi thẳng vào Ma-thi-ơ 16:13 – 20  

Ma-thi-ơ 16:13 – 20 13 Khi Ðức Chúa Giê-su đã vào địa phận thành Sê-sa-rê Phi-líp, bèn hỏi môn đồ, mà rằng: “Theo lời người ta nói thì Con của loài người là ai?”  14 Môn đồ thưa rằng: “Người nói là Giăng Báp-tít; kẻ nói là Ê-li; kẻ khác lại nói là Giê-rê-mi, hay là một đấng tiên tri nào đó.” 15 Ngài phán rằng: “Còn các người thì xưng ta là ai?” 16 Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: “Chúa là Ðấng Christ, con Ðức Chúa Trời hằng sống.” 17 Ðức Chúa Giê-su phán cùng người rằng: “Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy. 18 Còn ta, ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội thánh. 19 Ta sẽ giao chìa khóa nước thiên đàng cho ngươi; hễ điều gì mà ngươi buộc dưới đất, thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà ngươi mở dưới đất, thì cũng sẽ mở ở trên trời.” 20 Ðoạn, Ngài cấm môn đồ đừng nói cho ai biết rằng Ngài là Ðấng Christ.

Tại Sao Chúa Giê-su Quan Tâm Những Điều Người Ta Nói Về Ngài?

Bây giờ chúng ta sẽ học tập đoạn Kinh Thánh này từng bước một. Đầu tiên tại sao Chúa Giê-su lại quan tâm những điều người ta nói về Con của loài người (tức là chính mình Chúa Giê-su).

Ma-thi-ơ 16:13 “Theo lời người ta nói thì Con của loài người là ai?”

Chúa Giê-su không hề quan trâm đến lời khen ngợi hay lời đả kích của người ta, Ngài hết lòng hết sức làm tròn nhiệm vụ mà Chúa Trời đã giao phó cho Ngài, Ngài chỉ muốn làm vừa lòng Chúa Trời thôi. Nhưng ở đây bất thình lình Chúa Giê-su lại muốn biết người ta coi Ngài là ai! Tại sao vậy? Để giải đáp câu hỏi này chúng ta phải học tập những câu kế tiếp để thấy rõ văn cảnh một cách toàn diện.

Ma-thi-ơ 16:14 “Môn đồ thưa rằng: “Người nói là Giăng Báp-tít; kẻ nói là Ê-li; kẻ khác lại nói là Giê-rê-mi, hay là một đấng tiên tri nào đó.”

Xin các bạn để ý, lúc đó Giăng Báp-tít đã bị vua Hê-rốt giết đi rồi (tham khảo Ma-thi-ơ 14:1-12); còn Ê-li và Giê-rê-mi là hai đấng tiên tri vĩ đại của Y-sơ-ra-ên, mà họ đã chết từ lâu rồi. Nhưng căn cứ theo ý tưởng truyền thống của Y-sơ-ra-ên, các đấng tiên tri vĩ đại sẽ được Chúa Trời ban cho đặc ơn trở về thế gian để giảng giải chân lý cho người dân. Bởi vậy khi dân chúng thấy Chúa Giê-su có quyền năng trừ ma quỉ và chữa lành bất cứ bịnh tật nào, họ bèn nghỉ rằng Chúa có phải là một trong những đấng tiên tri vĩ đại trong quá khứ đã trở về thế gian vậy!

Lẽ dĩ nhiên tất cả những điều mà dân chúng nghỉ về Chúa Giê-su đều là sai lầm, Chúa bèn hỏi tiếp các môn đồ rằng: “15 Còn các người thì xưng ta là ai?”

Ma-thi-ơ 16:16 16 Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: “Chúa là Ðấng Christ, con Ðức Chúa Trời hằng sống.

Si-môn Phi-e-rơ nói rất đùng, Chúa Giê-su không phải là tiên tri này hay tiên tri nọ, Ngài là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời hằng sống. Hơn nữa, ý nghĩa của từ ngữ “Christ” là “Đấng Cứu Thế” :

Lu-ca 2:11 ấy là hôm nay tại thành Ða-vít đã sanh cho các ngươi một Ðấng Cứu thế, là Christ, là Chúa.

(Xin các bạn đọc bài giảng “Sự Nhận Thức Thuộc Linh Của Hai Người Mù Ma-thi-ơ 9:27 – 34”  để hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của từ ngữ “Christ”.)

Khi Chúa Giê-su nghe câu trả lời của Si-môn Phi-e-rơ thì Ngài nói rằng:

Ma-thi-ơ 16:17 Ðức Chúa Giê-su phán cùng người rằng: “Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy.

Xin các bạn để ý câu nói cực kỳ quan trọng này của Chúa Giê-su. Ngài nói rằng không phải thịt và huyết (tức là loài người) tỏ cho Si-môn biết Ngài là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời, mà chính là Đức Cha trên trời tỏ cho người biết điều đó. Tình trạng của chúng ta cũng tương tự như vậy; sở dĩ chúng ta tin rằng Chúa Giê-su là Con của Đức Chúa Trời cũng là tại vì Đức Chúa Trời làm việc biến hóa tâm hồn chúng ta, Ngài mở mắt tâm linh của chúng ta khiến chúng ta thấy rõ điều này.

Bây giờ chúng ta trở về câu hỏi tại sao tự nhiên Chúa Giê-su lại muốn biết người ta coi Ngài là ai và các môn đồ xưng Ngài là ai (câu hỏi mà tôi đã nói ở phần trên). Ấy không phải là bất thình lình Chúa Giê-su lại ham mộ lời khen ngợi của người ta, nhưng Chúa muốn coi Đức Chúa Trời có khải thị điều gì cho họ chăng! Trừ phi Đức Chúa Trời khải thị cho họ biết Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế, Con của Đức Chúa Trời, bằng không loài người không thể thấy được điều này và tin vào điều này!

Chúa Giê-su Khuyến Khích Cổ Võ Si-môn

Rồi Chúa Giê-su nói cùng Si-môn Phi-e-rơ rằng:

Ma-thi-ơ 16:18 – 19 18 Còn ta, ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội thánh. 19 Ta sẽ giao chìa khóa nước thiên đàng cho ngươi; hễ điều gì mà ngươi buộc dưới đất, thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà ngươi mở dưới đất, thì cũng sẽ mở ở trên trời.”

Trong câu 18 Chúa Giê-su nói với Phi-e-rơ rằng: “Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập hội thánh ta trên đá này, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội thánh.” Nguyên văn Hy Lạp của “Phi-e-rơ” là “πέτρος” (petros), và ý nghĩa của chữ “petros” chính là “hòn đá”; rồi Chúa nói tiếp rằng Ngài sẽ lập hội thánh trên đá này, cho nên có nhiều Tín Đồ Cơ Đốc nghỉ rằng chính Phi-e-rơ là hòn đá nền tảng của hội thánh. Nhưng khi chúng ta nhìn vào nguyên văn Hy Lạp thì sẽ thấy rằng câu nói của Chúa Giê-su có ý nghĩa khác hẳn.

Đầu tiên nguyên văn Hy Lạp của chữ “Phi-e-rơ” là “πέτρος” (petros), thuộc giống đực; Còn nguyên văn Hy Lạp của chữ “đá” trong câu 18: “ta sẽ lập hội thánh ta trên đá này” là “πέτρα” (petra), thuộc giống cái. Hai chữ này tuy cùng mang ý nghĩa là “hòn đá”, nhưng là hai thứ đá hoàn toàn khác nhau: Phi-e-rơ “petros” là hòn đá thuộc giống đực, còn hòn đá nền tảng “petra” của hội thánh thuộc giống cái.  Cho nên Phi-e-rơ “petros” không phải là hòn đá (“petra”) nền tảng của hội thánh.

Nhưng Chúa Giê-su có dụng ý gì khi Ngài ban cái tên “petros” cho Si-môn? Vâng, Chúa muốn khuyến khích cổ võ Si-môn rằng Chúa Trời sẽ biến đổi người thành một người bền vững ổn định như một hòn đá lớn vậy, tại vì lúc đó tính tình của Si-môn là trái ngược với bền vững ổn định, người là không ổn định gì cả!

Hồn Đá Nền Tảng Của Hội Thánh

Bây giờ chúng ta tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa của chữ “đá” trong câu nói của Chúa Giê-su: “ta sẽ lập hội thánh ta trên đá (petra) này, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội thánh”. Chữ “đá” (“petra”) là tượng trưng cho cái gì?

Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:15 15 Ấy là Ngài đã dẫn ngươi đi ngang qua đồng vắng mênh mông gớm ghiếc nầy, đầy những rắn lửa, bò kẹp, đất khô khan, chẳng có nước; Ngài khiến nước từ hòn đá rất cứng phun ra cho ngươi;

Đoạn Kinh Thánh trên thuật lại sự kiện Chúa Trời cung cấp nước uống cho dân Y-sơ-ra-ên bằng cách khiến nước uống phun ra từ một hòn đá cứng.

1 Cô-rinh-tô 10:1 – 4 1 Vả, hỡi anh em, tôi chẳng muốn cho anh em không biết tổ phụ chúng ta đều đã ở dưới đám mây, đi ngang qua biển, 2 chịu Môi-se làm phép báp tem trong đám mây và dưới biển, 3 ăn một thức ăn thiêng liêng; 4 và uống một thứ uống thiêng liêng; vì họ uống nơi một hòn đá thiêng liêng theo mình và đá ấy tức là Ðấng Christ.

Đoạn Kinh Thánh trên 1 Cô-rinh-tô 10:1 – 4 nói đến những sự kiện mà tổ tiên của dân tộc Y-sơ-ra-ên đã kinh lịch khi họ rời khỏi nước Ai-cập. Khi Môi-se hướng dận họ vượt qua Biển Đỏ, một đám mây phân cách giữa người Y-sơ-ra-ên và các quân lính Ai-cập. Đoạn Kinh Thánh trên nói rằng sự kiện này mang ý nghĩa dân Y-sơ-ra-ên chịu phép báp-tem bởi Môi-se trong đám mây và dưới biển. Hơn nữa trong 40 năm trời dân Y-sơ-ra-ên lang thang trên đồng vắng, mỗi ngày Chúa Trời ban cho họ ma-na là lương thực thiêng liêng và nước uống chảy ra từ một hòn đá thiêng liêng. Xin các bạn để ý, câu 4 của đoạn Kinh Thánh này nói rằng hòn đá thiêng liêng đó chính là Đấng Christ.

Hai đoạn Kinh Thánh trên Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:15, 1 Cô-rinh-tô 10:1-4 chỉ ra rằng “đá” trong Ma-thi-ơ 16:18 là tượng trưng cho Chúa Giê-su.

1 Phi-e-rơ 2:7– 8 Vậy nên, cho anh em là kẻ đã tin, thì là đá quí; nhưng cho những kẻ không tin, thì Hòn đá mà bị thợ xây nhà loại ra, bèn trở nên đá góc nhà, là đá gây cho vấp váp, là đá lớn làm cho sa ngã; 8 họ bị vấp váp, vì không vâng phục Lời, và điều ấy đã định sẵn cho họ rồi.

Đoạn Kinh Thánh trên 1 Phi-e-rơ 2:7-8 chỉ ra rằng những ai không vâng phục Lời của Chúa Trời thì hòn đá sẽ khiến họ sa ngã; ngược lại đối với những kẻ tin tức là những kẻ vâng phục lời của Ngài thì hòn đá này tuy bị thợ xây nhà loại bỏ, nhưng lại trở nên đá góc nhà, có nghĩa  là hòn đá của nền tảng của một căn nhà.

Bây giờ chúng ta tổng hợp lại tất cả những điểm trong Ma-thi-ơ 16:18: “18 Còn ta, ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội thánh”:

  • Chúa Giê-su ban cho Si-môn cái tên “Petros” có nghĩa là hòn đá, tại vì Chúa Trời sẽ biến đổi người thành một người bền vững ổn định như một hòn đá lớn vậy;
  • Chúa Trời sẽ lập hội thánh trên một hòn đá, chính Chúa Giê-su là hòn đá nền tảng này. Hòn đá này thì hẳn đứng vững, cho nên hội thánh cũng sẽ đứng vững, quyền năng của âm phủ không bao giờ thắng được hội thánh.

Chúa Giê-su Ban Quyền Năng Cho Các Môn Đồ

Bây giờ chúng ta tiếp tục học tập câu kế tiếp.

Ma-thi-ơ 16:19 19 Ta sẽ giao chìa khóa nước thiên đàng cho ngươi; hễ điều gì mà ngươi buộc dưới đất, thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà ngươi mở dưới đất, thì cũng sẽ mở ở trên trời.”

Không chừng có người sẽ nói rằng nếu Si-môn không phải là nền tảng của hội thánh, tại sao Chúa Giê-su lại giao chìa khóa nước thiên đàng cho người, và Chúa còn nói rằng điều gì mà người buộc dưới đất, thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà người mở dưới đất, thì cũng sẽ mở ở trên trời? Hỡi các bạn ơi, lời này Chúa không phải chỉ nói với Si-môn thôi, Chúa cũng nói với các môn đồ khác nữa:

Ma-thi-ơ 18:18 18 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ điều gì mà các ngươi buộc ở dưới đất thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà các ngươi mở ở dưới đất thì cũng sẽ mở ở trên trời.

Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta đều là môn đồ của Chúa Giê-su, cho nên câu nói này của Chúa cũng áp dụng vào chúng ta nữa. Chúa Giê-su ban cho chúng ta một quyền năng rất lớn. Nhưng chúng ta phải hiểu rõ từ ngữ “trói buộc” là chỉ về cái gì? Chúng ta có quyền trói buộc cái gì?

1. Quyền Năng Trói Buộc ma quỉ

Ma-thi-ơ 12:28 – 29  28 Mà nếu ta cậy Thánh Linh của Ðức Chúa Trời để trừ quỉ, thì nước Ðức Chúa Trời đã đến tận các ngươi. 29 Hay là, có lẽ nào, ai vào nhà một người mạnh sức để cướp lấy của, mà trước không trói người mạnh sức ấy được sao? Phải trói người rồi mới cướp của nhà người được.

Nguyên văn Hy Lạp của chữ “buộc” trong Ma-thi-ơ 16:19 là “δέω” (deo) và nguyên văn Hy Lạp của chữ “trói” trong Ma-thi-ơ 12:29 cũng là “δέω” (deo). Trong Ma-thi-ơ 12:28-29 Chúa Giê-su đang nói về việc trừ quỉ, cho nên chữ “deo” (trói) là nói về việc trói buộc ma quỉ. Các bạn thấy chưa, hết thảy Tín Đồ Cơ Đốc đều có quyền năng trói buộc ma quỉ, và tất cả những gì chúng ta trói buộc trên trái đất, kể cả ma quỉ, thì cũng bị trói buộc trên trời.

2. Quyền Năng làm thoát khỏi cầm trói của ma quỉ

Kế tiếp chúng ta tìm hiểu quyền năng “mở”, chúng ta có quyền năng mở cái gì? Nguyên văn Hy Lạp của chữ “mở” trong Ma-thi-ơ 16:19 là “λύω” (luo), chữ “luo” này cũng được dùng trong các đoạn Kinh Thánh sau mang nhiều ý nghĩa khác nhau:

Lu-ca 13:16 16 Con gái của Áp-ra-ham nầy, quỉ Sa-tan đã cầm buộc mười tám năm, há chẳng nên mở trói cho nó trong ngày Sa-bát sao?

Trong đoạn Kinh Thánh trên Lu-ca 13:16, nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “mở trói” chính là “luo”. Vậy “luo” mang ý nghĩa là làm thoát khỏi cầm buộc của ma quỉ.

3. Quyền năng khiến người ta sống lại

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:24 24 Nhưng Ðức Chúa Trời đã khiến Người sống lại, bứt đứt dây trói của sự chết, vì nó không thể giữ Người lại dưới quyền nó.

Trong đoạn Kinh Thánh trên Công Vụ Các Sứ Đồ 2:24, nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “bứt đứt”  chính là “luo”. Ở đây “luo” mang ý nghĩa là “bứt đứt dây trói của sự chết”, hay nói một trực tiếp là khiến người ta sống lại.

4. Quyền năng phá tan quyền điều khiển của ma quỉ

1 Giăng 3:8 8 Kẻ nào phạm tội là thuộc về ma quỉ; vì ma quỉ phạm tội từ lúc ban đầu. Vả, Con Ðức Chúa Trời đã hiện ra để phá tan công việc của ma quỉ.

Trong đoạn Kinh Thánh trên 1 Giăng 3:8, nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “phá tan” chính là “luo”. Ở đây “luo” có nghĩa phá tan quyền điều khiển của ma quỉ.

5. Quyến năng tha tội

Khải Huyền 1:6 6 Ðấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình buông tha chúng ta khỏi tội lỗi, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Ðức Chúa Trời và Cha Ngài, đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng! A-men.

Trong đoạn Kinh Thánh trên Khải Huyền 1:6, nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “buông tha” chính là “luo”; ở đây “luo” có nghĩa là tha tội.

Quyền Năng Chúa Giê-su Ban Cho Chúng Ta

Chúng ta tổng hợp lại 5 đoạn Kinh Thánh trên: Ma-thi-ơ 12:28 – 29, Lu-ca 13:16, Công Vụ Các Sứ Đồ 2:24, 1 Giăng 3:8 và Khải Huyền 1:6, chúng ta thấy Chúa Giê-su ban cho các môn đồ của Ngài:

  1. Quyền Năng Trói Buộc ma quỉ;
  2. Quyền Năng làm thoát khỏi cầm trói của ma quỉ (hay nói một cách khác là: Quyền năng buông tha người ta khỏi kiềm chế của ma quỉ);
  3. Quyền năng khiến người ta sống lại;
  4. Quyền năng pha tan quyền kiềm chế của ma quỉ
  5. Quyền năng tha tôi.

Kết Luận

Chúng ta nên nhận lấy đại quyền năng này bằng một thái độ cẩn thận và khiêm nhường, chứ không nên tự hào. Chúng ta cũng phải xử dụng quyền năng này một cách cẩn thận, chúng ta nên ghi nhớ lời răn này của Chúa Giê-su:

Lu-ca 12:48 48 Song đầy tớ không biết ý chủ, mà làm việc đáng phạt, thì bị đòn ít. Vì ai được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi hỏi nhiều; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.

(Trở về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

Phản Hồi

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.