Ác Tưởng Trong Tâm Linh Làm Ô Uế Con Người

Ma-thi-ơ 15:10 – 20

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

(Tải xuống bản in PDF)

Kỳ trước chúng ta đã học tập Ma-thi-ơ 15:1 – 9, hôm nay chúng ta học tập đoạn Kinh Thánh kế tiếp:

Ma-thi-ơ 15:10 – 20  10 Ðoạn, Chúa gọi đoàn dân đến, mà phán rằng: “Hãy nghe, và hiểu. 11 Chẳng phải điều chi vào miệng làm dơ dáy người; nhưng điều chi ở miệng ra, ấy mới là điều làm dơ dáy người vậy!” 12 Môn đồ bèn lại gần, mà thưa rằng: “Thầy có hay rằng người Pha-ri-si nghe lời thầy nói mà phiền giận chăng?” 13 Chúa đáp rằng: “Cây nào mà Cha ta trên trời không trồng, thì phải nhổ đi. 14 Hãy để vậy: đó là những kẻ mù làm người dẫn đưa; nếu kẻ mù dẫn đưa kẻ mù, thì cả hai sẽ cùng té xuống hố.” 15 Phi-e-rơ bèn cất tiếng thưa rằng: “Xin thầy giải thích lời ví dụ ấy cho chúng tôi.” 16 Ðức Chúa Giê-su hỏi rằng: “Các ngươi cũng còn chưa hiểu biết sao? 17 Các ngươi chưa hiểu vật gì vào miệng thì đi thẳng xuống bụng, rồi phải bỏ ra nơi kín sao? 18 Song những điều bởi miệng mà ra là từ trong lòng, thì những điều đó làm dơ dáy người. 19 Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và vu cáo. 20 Ấy đó là những điều làm dơ dáy người; song sự ăn mà không rửa tay chẳng làm dơ dáy người đâu.”

Đoạn Kinh Thánh trên là lời giải thích của Chúa Giê-su cho các môn đồ và đoàn dân về vấn đề điều gì làm dơ dấy con người. Ngay sau khi Chúa khiển trách các người Pha-ri-si và các thầy dạy Luật về việc rửa tay theo luật truyền khẩu (xin tham khảo bài giảng trước “Lòng Chúng Ta Phải Gần Với Lòng Của Đức Chúa Trời”), Chúa giải thích rằng điều gì thực sự làm dơ dáy người. Bây giờ chúng ta sẽ học tập đoạn Kinh Thánh này từng bước một.

Chúa Giê-su Nhấn Mạnh Về Điều Làm Ô Uế Tâm Linh Của Con Người

Ma-thi-ơ 15:10 – 11 10 Ðoạn, Chúa gọi đoàn dân đến, mà phán rằng: “Hãy nghe, và hiểu. 11 Chẳng phải điều chi vào miệng làm dơ dáy người; nhưng điều chi ở miệng ra, ấy mới là điều làm dơ dáy người vậy!”

Các bạn có cảm thấy câu nói này của Chúa Giê-su khó hiểu không? Tại sao những điều đi vào miệng không làm dơ dáy người, mà những điều ra từ miệng mới làm dơ dáy người? Chúng ta đều biết rằng nếu chúng ta ăn phải những điều dơ bẩn không vệ sinh thì có thể bị bịnh, mà những điều ra từ miệng thì không có ảnh hưởng gì cả cho chúng ta!

Hỡi các bạn ơi, ở đây Chúa Giê-su đang nói về những chuyện liên quan đến tâm linh, chứ không phải những chuyện liên quan đến sức khỏe vệ sinh của thân thể con người.

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “dơ dấy” trong câu Ma-thi-ơ 15:11 là “κοινόω” (koinoo). Ý nghĩa của chữ koinoo là ô uế theo Luật Pháp của Kinh Thánh, tức là không thánh sạch, chứ không phải dơ bẩn theo ý nghĩa thông thường hàng ngày.

Bây giờ chúng ta tra khảo những đoạn Kinh Thánh có chữ “koinoo” để hiểu biết về ý nghĩa thuộc linh của chữ này trong Tân Ước.

Công Vụ Các Sứ Đồ 10:9 – 15 9 Bữa sau, trong lúc ba người ấy đương đi đường và đã đến gần thành, vừa nhằm giờ thứ sáu Phi-e-rơ leo lên mái nhà để cầu nguyện. 10 người đói và thèm ăn; khi người ta đương dọn cho ăn, thì người lâm vào trong trạng thái xuất thần. 11 Người thấy trời mở ra, và có vật chi giống như một bức khăn lớn níu bốn chéo lên, giáng xuống và sa đến đất: 12 thấy trong đó có những thú vật bốn cẳng, đủ mọi loài, côn trùng bò trên đất, và chim trên trời. 13 Lại có tiếng phán cùng người rằng: “Hỡi Phi-e-rơ, hãy dậy, làm thịt và ăn.” 14 Song Phi-e-rơ thưa rằng: “Lạy Chúa, chẳng vậy; vì tôi không bao giờ ăn giống gì dơ dáy chẳng sạch.” 15 Tiếng đó lại nói cùng người lần thứ hai rằng: “Phàm vật chi Ðức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì đừng coi là dơ dáy.”

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “dơ dáy” trong câu 15 của đoạn Kinh Thánh trên chính là koinoo: Công Vụ Các Sứ Đồ 10:15: Tiếng đó lại nói cùng người lần thứ hai rằng: “Phàm vật chi Ðức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì đừng coi là dơ dáy.”

Từ ngữ “dơ dáy” ở đây không phải nói về việc dơ bẩn hay sạch sẽ, nhưng là việc ô uế theo Luật Pháp của Kinh Thánh. Đoạn Kinh Thánh trên Công Vụ Các Sứ Đồ 10:9 – 15 thuật lại sự kiện Đức Chúa Trời kêu gọi Phi-e-rơ đi rao truyền Tin Lành cho dân ngoại tức là những người phi Do Thái. Chúa Trời cho Phi-e-rơ thấy khải tượng của một bức khăn lớn giáng xuống từ trên trời, trên bức khăn đó có mọi loài vật bốn cẳng, côn trùng bò trên đất và chim trên trời. Rồi có tiếng phán cùng người rằng hãy làm thịt những con vật đó mà ăn. Nhưng Phi-e-rơ thưa rằng người chẳng ăn vật gì dơ dấy bao giờ, ấy là tại vì căn cứ theo Luật Pháp của Cựu Ước thì những côn trùng bò trên đất và nhiều loại chim trời là ô uế. Nhưng tiếng đó lại nói cùng người rằng vật gì mà Đức Chúa Trời đã làm sạch thì không nên coi là ô uế; Đức Chúa Trời đã khiến những con vật ô uế này trở nên thánh sạch, chúng không còn là ô uế nữa.

Đức Chúa Trời bắt đầu công trình truyền giảng Tin Lành cho dân ngoại, cho nên Ngài ban cho Phi-e-rơ cái ảnh tượng này để giảng dạy một bài học thuộc linh cho người. Ngài là Đấng qui định vật gì là thánh sạch, vật gì là ô uế; Ngài có thể khiến những vật ô uế trở nên thánh sạch nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến dân ngoại trở nên thánh sạch khi họ tin vào Ngài và Con Ngài là Chúa Giê-su Christ. Bởi vậy Ngài dạy cho Phi-e-rơ biết rằng người không nên ngần ngại khi Ngài sai người đi truyền giảng Tin Lành cho dân ngoại.

Công Vụ Các Sứ Đồ 21: 26 – 28 26 Phao-lô bèn đem bốn người cùng đi, vừa đến ngày sau, làm lễ tinh sạch cùng họ, rồi vào trong Đến Thờ, đặng tỏ ra ngày nào kỳ tinh sạch sẽ trọn, và dâng của lễ về mỗi người trong bọn mình. 27 Khi bảy ngày gần trọn, thì các người Giu-đa, quê A-si, thấy Phao-lô trong Đền Thớ, bèn xui cả đoàn dân dấy loạn, rồi bắt người, 28 mà kêu lên rằng: “Hỡi các người Y-sơ-ra-ên, hãy đến giúp với! Kìa, người nầy giảng dạy khắp thiên hạ, nghịch cùng dân, nghịch cùng Luật Pháp, và nghịch cùng chốn này nữa, đến nỗi hắn dẫn người Gờ-réc vào trong Đền Thờ, và làm cho nơi thánh nầy bị ô uế.”

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “ô uế” trong câu 28 của đoạn Kinh Thánh trên Công Vụ Các Sứ Đồ 21: 26 – 28 chính là koinoo, và phiên dịch như vậy là chính xác lắm. Người Do Thái tưởng rằng Phao-lô dẫn các người Gờ-réc thuộc dân ngoại, tức là người dân phi Do Thái vào trong Đền Thờ và làm cho nơi thánh sạch nhất bị ô-uế.

Hê-bơ-rơ 9:13 – 14 13 Vì nếu huyết của dê đực cùng tro bò cái tơ mà người ta rưới trên kẻ ô uế còn làm sạch được phần xác thịt họ và nên thánh thay, 14 huống chi huyết của Ðấng Christ, là Ðấng nhờ Ðức Thánh Linh đời đời, dâng chính mình không tì tích cho Ðức Chúa Trời, thì sẽ làm sạch lương tâm anh em khỏi công việc chết, đặng hầu việc Ðức Chúa Trời hằng sống, là dường nào!

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “ô uế” trong câu 13 của đoạn Kinh Thánh trên Hê-bơ-rơ 9:13 – 14 chính là koinoo. Rất hiển nhiên “ô uế” ở đây là nói về ô uế theo Luật Pháp của Kinh Thánh, chứ không phải là dơ bẩn không vệ sinh.

Ba đoạn Kinh Thánh trên Công Vụ Các Sứ Đồ 10:9 – 15, Công Vụ Các Sứ Đồ 21: 26 – 28 và Hê-bơ-rơ 9:13 – 14 cho chúng ta thấy rằng ý nghĩa của chữ koinoo là ô uế, tức là không thánh sạch theo Luật Pháp của Kinh Thánh.

Sau khi hiểu rõ ý nghĩa của chữ koinoo là ô uế, chúng ta trở về cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và các môn đồ trong Ma-thi-ơ 15.

Người Dẫn Đưa Mù Dẫn Đưa Kẻ Mù

Ma-thi-ơ 15:10 – 14 10 Ðoạn, Chúa gọi đoàn dân đến, mà phán rằng: “Hãy nghe, và hiểu. 11 Chẳng phải điều chi vào miệng làm dơ dáy người; nhưng điều chi ở miệng ra, ấy mới là điều làm dơ dáy người vậy!” 12 Môn đồ bèn lại gần, mà thưa rằng: “Thầy có hay rằng người Pha-ri-si nghe lời thầy nói mà phiền giận chăng?” 13 Chúa đáp rằng: “Cây nào mà Cha ta trên trời không trồng, thì phải nhổ đi. 14 Hãy để vậy: đó là những kẻ mù làm người dẫn đưa; nếu kẻ mù dẫn đưa kẻ mù, thì cả hai sẽ cùng té xuống hố.”

Chúa Giê-su nói rằng thức ăn mà chúng ta ăn vào miệng không khiến chúng ta trở nên ô uế, ngược lại những điều ra từ miệng, ấy mới khiến chúng ta trở nên ô uế. Xin các bạn để ý, câu nói này của Chúa Giê-su là khác hẳn với luật truyền khẩu của những người Pha-ri-si và những thầy dạy Luật Pháp. Căn cứ theo luật truyền khẩu, người ta phải rửa tay khi thức dạy, khi đi chợ về, trước khi ăn, trước khi cầu nguyện v.v. (Xin đọc bài giảng trước “Lòng Chúng Ta Phải Gần Với Lòng Của Đức Chúa Trời”).

Bởi vậy các môn đồ thưa với Chúa Giê-su rằng người Pha-ri-si hẳn phiền giận về lời của Chúa, Chúa trả lời rằng:“Cây nào mà Cha ta trên trời không trồng, thì phải nhổ đi. 14 Hãy để vậy: đó là những kẻ mù làm người dẫn đưa; nếu kẻ mù dẫn đưa kẻ mù, thì cả hai sẽ cùng té xuống hố.” (Ma-thi-ơ 15:13 – 14)

 “Cây nào mà Cha ta trên trời không trồng, thì phải nhổ đi.” Ở đây Chúa Giê-su không phải nói về việc trồng cây trên đất. Nguyên văn Hy Lạp của chữ “trồng” là “φυτεύω” (phuteuo), bây giờ chúng ta tra khảo Kinh Thánh để hiểu rõ ý nghĩa của chữ này.

1 Cô-rinh-tô 3:6 – 11 6 Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Ðức Chúa Trời đã làm cho lớn lên. 7 Vậy, người trồng kẻ tưới, đều không ra gì, song Ðức Chúa Trời là Ðấng làm cho lớn lên. 8 Người trồng, kẻ tưới, đều bằng nhau; ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm. 9 Vả, chúng tôi là bạn cùng làm việc với Ðức Chúa Trời; anh em là ruộng Ðức Chúa Trời cày, nhà của Ðức Chúa Trời xây. 10 Theo ơn Ðức Chúa Trời ban cho tôi, tôi đã lập nền tảng như một tay thợ khéo, mà có kẻ khác cất lên trên; nhưng ai nấy phải cẩn thận về sự mình xây trên nền tảng đó. 11 Vì, chẳng ai có thể lập một nền tảng khác ngoài nền tảng đã lập, là Ðức Chúa Giê-su Christ.

Trong đoạn Kinh Thánh trên chữ “trồng” (phuteuo) xuất hiện 3 lần trong câu 6, câu 7 và câu 8. Sứ Đồ Phao-lô nói rằng người đã trồng, A-bô-lô đã tưới, mà các anh chị em trong hội thánh Cô-rinh-tô là ruộng của Đức Chúa Trời cày, nhà của Đức Chúa Trời xây. Người trồng kẻ tưới, đều không ra gì, nhưng chính Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên. Rồi đến câu 10 sứ đồ Phao-lô lại nói rằng người đã lập nền tảng như một tay thợ khéo, mà có kẻ khác cất lên trên. Đến câu 11 sứ đồ Phao-lô nói rằng chẳng ai có thể lập một nền tảng khác ngoài nền tảng đã lập, tức là Đức Chúa Giê-su Christ.

Cái nền tảng mà Phao-lô đã lập là Đức Chúa Giê-su Christ, điểm này chứng tỏ rằng người đang nói về việc rao truyền lời dạy của Chúa Giê-su. Rao truyền lời dạy của Chúa được so sánh với trồng trọt và xây cất nền tảng.

Bây giờ chúng ta áp dụng ý nghĩa của chữ “trồng” vào đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 15:13 – 14, Chúa Giê-su nói rằng lời dạy mà Cha ta trên trời không rao truyền thì sẽ bị nhổ đi.

Cái gì là lời dạy mà Cha ta trên trời không rao truyền? Chính là luật truyền khẩu! Luật truyền khẩu là do các trưởng lão lập ra, chứ không phải do Đức Chúa Trời khải thị! Chúa Giê-su phán rằng chính vì luật truyền khẩu không phải do Đức Chúa Trời lập ra, thì sẽ bị nhổ đi!

Chúa Giê-su còn khiển trách các người Pha-ri-si và các thầy dạy Luật là người dẫn đưa mù. Tại sao vậy? Tại vì họ không có ánh mắt thuộc linh, họ không thấy những chuyện thuộc linh như quyền hành của Đức Chúa Trời, họ chỉ thấy quyền hành của thế gian, và họ đi theo đường lối của thế gian. Nhưng họ là giáo sư giảng dạy lời của Chúa Trời cho dân chúng. Dân chúng là mù lòa thuộc linh, họ không thấy quyền hành của Chúa Trời, tại vì họ không hiểu biết lời của Ngài. Cho nên các giáo sư phải dạy dỗ dân chúng và dẫn đưa họ đi theo đường lối của Chúa Trời. Nhưng chính các giáo sư là mù lòa thuộc linh, họ không thấy đường lối của Chúa Trời, họ chỉ thấy đường lối của thế gian, bởi vậy họ dẫn đưa người dân đi theo đường lối của thế gian và vâng phục quyền hành của thế gian, rốt cuộc cả người dẫn đưa và kẻ bị dẫn đưa đều té xuồng hố.

Điều Gì Làm Ô Uế Con Người?

Khi các môn đồ lắng nghe lời nói của Chúa Giê-su, họ không hiểu ý nghĩa sâu xa trong lời của Chúa. Phi-e-rơ thấy câu nói của Chúa là tựa như một ví dụ bao hàm ý nghĩa phong phú, cho nên người bèn xin Chúa giải thích ý nghĩa của ví dụ này. Chúa Giê-su đã giải thích ý nghĩa của Ma-thi-ơ 15:10 – 11 trong đoạn Kinh Thánh sau:

Ma-thi-ơ 15:15 – 20 15 Phi-e-rơ bèn cất tiếng thưa rằng: “Xin thầy giải thích lời ví dụ ấy cho chúng tôi.” 16 Ðức Chúa Giê-su hỏi rằng: “Các ngươi cũng còn chưa hiểu biết sao? 17 Các ngươi chưa hiểu vật gì vào miệng thì đi thẳng xuống bụng, rồi phải bỏ ra nơi kín sao? 18 Song những điều bởi miệng mà ra là từ trong lòng, thì những điều đó làm dơ dáy người. 19 Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và vu cáo. 20 Ấy đó là những điều làm dơ dáy người; song sự ăn mà không rửa tay chẳng làm dơ dáy người đâu.”

Bây giờ chúng ta học tập lời giải thích của Chúa Giê-su từng bước một.

Ma-thi-ơ 15:16 – 17 16 Ðức Chúa Giê-su hỏi rằng: “Các ngươi cũng còn chưa hiểu biết sao? 17 Các ngươi chưa hiểu vật gì vào miệng thì đi thẳng xuống bụng, rồi phải bỏ ra nơi kín sao?

Thực phẩm chúng ta ăn vào trong bụng được tiêu hóa rồi chia thành 2 phần: phần bổ dưỡng được dùng để nuôi dưỡng cơ thể, còn phần vô dụng sẽ bị tải ra ngoài, chứ không nằm mãi trong bụng. Cho dù đôi khi chúng ta ăn phải những thức ăn không tốt hoặc khó tiêu hóa, nó khiến chúng ta bị bịnh, nhưng nó vẫn không đi vào trong lòng chúng ta, cho nên nó không có ảnh hưởng đến tâm linh của ta.

Ngược lại, những điều đi từ miệng ra có thể làm dơ dáy người, tại sao vậy? Đầu tiên, những điều đi từ miệng ra là lời nói của con người. Nhưng tại sao lời nói có thể khiến chúng ta trở nên ô uế? 

Ma-thi-ơ 15:18 – 20 18 Song những điều bởi miệng mà ra là từ trong lòng, thì những điều đó làm dơ dáy người. 19 Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và vu cáo. 20 Ấy đó là những điều làm dơ dáy người; song sự ăn mà không rửa tay chẳng làm dơ dáy người đâu.”

Những điều bởi miệng ra chính là lời nói, mà lời nói là phát xuất từ trong lòng, lời nói của một người thì bày tỏ tâm linh của người ấy. Nếu tâm linh chúng ta là trong sạch thì lời nói chúng ta cũng trong sạch; Ngược lại nếu tâm linh chúng ta là đầy dẫy tội ác thì lời nói chúng ta cũng đầy dẫy tội ác. Thí dụ: Nếu một người yêu thương kẻ nghèo thì người chắc quan tâm đến hoàn cảnh của người nghèo, người sẽ nói về phương cách giúp đỡ người nghèo v.v. Ngược lại nếu một người khinh bỉ người nghèo thì người sẽ nói rằng người nghèo là vô học thức và hay làm những điều phi pháp v.v.

Chúa Giê-su phán rằng nếu chúng ta nói về những chuyện giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, vu cáo v.v., thì sẽ khiến chúng ta trở nên ô uế, có nghĩa là sẽ ảnh hưởng tâm linh chúng ta trở nên tội ác, hơn nữa còn ảnh hưởng đến người nghe nữa.

Lời răn dạy này của Chúa là vô cùng quan trọng: Những điều chúng ta nghe và nói và tiếp xúc hàng ngày ảnh hưởng đến tâm linh của chúng ta; một khi chúng ta đã bị ảnh hưởng rồi thì chúng ta sẽ ảnh hưởng người khác.

Nếu hàng ngày chúng ta thấy những việc làm công nghĩa, chúng ta nghe những điều công nghĩa, và nhất là chúng ta nghỉ về những lời dạy công nghĩa, thì dần dần tâm linh chúng ta ham mộ công nghĩa. Khi tâm linh chúng ta ham mộ công nghĩa thì hành động và ý tưởng của chúng ta sẽ dần dần thay đổi theo đường lối công nghĩa.

Ngược lại, nếu hàng ngày chúng ta thấy những việc tội ác, chúng ta nghe những lời tội ác, nếu chúng ta không canh giữ tâm linh chúng ta thì dần dần chúng ta sẽ nghỉ về những điều tội ác, rồi thậm chí ưa thích những điều tội ác nữa. Một khi tâm linh chúng ta ưa thích những điều tội ác thì hành động và ý tưởng của chúng ta sẽ dần dần đi theo đường lối tội ác.

Thí dụ: Hàng ngày khi người ta coi những phim giết người trộm cướp hay tà dâm thì rốt cuộc nhiều người bắt chước những điều họ thấy trên phim ảnh, rồi cũng làm những điều tương tự như vậy. 

Kết Luận: Ác Tưởng Trong Tâm Linh Làm Ô Uế Con Người

Chúa Giê-su răn dạy các môn đồ đừng bắt chước các người Pha-ri-si và các thầy dạy Luật mà quá chú trọng về việc rửa tay trước khi ăn, tại vì những điều chúng ta ăn vào không ảnh hưởng đến tâm linh của chúng ta. Chúa không phải dạy rằng chúng ta cứ ăn bằng đôi bàn tay dơ bẩn; lễ dĩ nhiên chúng ta phải cẩn thận không ăn vào những đồ ăn không vệ sinh, nhưng chúng ta không nên chỉ chú trọng về việc này. Chúa dạy rằng chúng ta phải rất cẩn thận về những điều có thể khiến tâm linh chúng ta trở nên ô uế, tức là không thánh sạch thậm chí tội ác. Những điều có thế ảnh hưởng đến tâm linh của con người là lời nói của chúng ta. Khi chúng ta nói những lời tội ác thì sẽ ảnh hưởng đến tâm linh của người nghe và cả tâm linh của chúng mình nữa.

(Trở về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

Phản Hồi

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.