Đầy Rẫy Ơn Điển Và Lẽ Thật

Bài Giảng Luận Lễ Giáng Sinh (11)

Giăng 1:14

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

(Tải xuống bản in PDF) (Tải xuống bản nghe MP3)

Lễ Giáng Sinh lại đến rồi. Lễ Giáng Sinh là ngày lễ kỉ niệm sự ra đời của Chúa Giê-su Christ. Trong bài giảng “Chúa Giê-su Đến Để Cứu Vớt Dân Mình Ra Khỏi Tội Lỗi” tôi đã giải thích lý do tại sao Chúa đến vào thế  gian. Nếu các bạn muốn hiểu về lý do tại sao Chúa đến, xin các bạn đọc bài giảng đó, và tôi không lập lại ở đây nữa. Trong bài giảng này tôi muốn nói về tâm hồn của Chúa Giê-su. Tôi muốn rao giảng về sự hoàn hảo của Chúa.

Đầy Rẫy Ơn Điển và Lẽ Thật          

Giăng 1:14 14 Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy rẫy ơn điển và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của người, vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.

Cha tức là Đức Chúa Trời Gia-vê. Con một đến từ nơi Cha tức là Đức Chúa Giê-su Christ. Đoạn Kinh Thánh trên Giăng 1:14 nói rằng Chúa Giê-su là đầy rẫy ơn điển và lẽ thật.  “Đầy rẫy ơn điển và lẽ thật” có nghĩa là gì?

Những từ ngữ trong Kinh Thánh thường có ý nghĩa khác biệt với ý nghĩa trong lời nói hàng ngày. Bởi vậy chúng ta không thể căn cứ vào tự điển để tìm hiểu ý nghĩa của “ơn điển” và “lẽ thật”, chúng ta cần phải tra khảo Kinh Thánh để hiểu rõ 2 từ ngữ này.

Ơn Điển

Từ ngữ “ơn điển” đã được dùng trong Kinh Thánh rất nhiều lần trong nhiều quyển sách khác nhau, nhưng chúng ta chỉ tập trung vào những quyển sách viết bởi sứ đồ Giăng.

2 Giăng 1:3 3 nguyền xin ơn điển, sự thương xót, sự bình an, bởi Ðức Chúa Trời là Cha, và bởi Ðức Chúa Giê-su Christ là Con của Cha, được ở cùng chúng ta, trong lẽ thật và sự yêu thương!

Đoạn Kinh Thánh trên 2 Giăng 1:3 là lời chúc nguyện, sứ đồ Giăng nguyền xin ơn điển, sự thương xót, sự bình an, bởi Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-su Christ đến với các anh chị em Tín Đồ. Qua đoạn Kinh Thánh này chúng ta thấy rằng:

  • Ơn điển là dính liền với sự thương xót  và sự bình an.
  • Ơn điển, sự thương xót và sự bình an, cả 3 sự này đều là bởi Đức Chúa Trời và Chúa Giê- su Christ; hay nói một cách khác: Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ ban ơn điển, sự    thương xót và sự bình an cho các Tín Đồ Cơ Đốc.
Khải Huyền 1:4 4 Giăng gởi cho bảy Hội thánh ở xứ A-si: nguyền xin ơn điển và sự bình an ban cho anh em từ nơi Ðấng Hiện Có, Ðã Có Và Còn Ðến, cùng từ nơi bảy linh ở trên ngôi Ngài,

Đoạn Kinh Thánh trên Khải Huyền 1:4 cũng là lời chúc nguyện gởi từ sứ đồ Giăng cho bảy Hội Thánh ở xứ A-si. “Đấng Hiện Có, Đã Có Và Còn Đến” chính là Đức Chúa Trời Gia-vê, tại vì Ngài là Đấng sáng tạo vũ trụ vạn vật ngay từ ban đầu và Ngài sống mãi mãi, cho nên Ngài là Đấng Hiện Có, Đã có và Còn Đến. Đoạn Kinh Thánh trên một lần nữa chỉ ra rằng:

  • Ơn điển là dính liền với sự bình an
  • Cả ơn điển và sự bình an đều đến từ Đức Chúa Trời. Ngài ban ơn điển và sự bình an cho  các Tín Đồ Cơ Đốc.

Căn cứ vào hai đoạn Kinh Thánh trên 2 Giăng 1:3 và Khải Huyền 1:4 chúng ta thấy rằng ơn điển là dính liền với sự bình an, và là do Đức Chúa Trời ban cho chúng ta.

Tại sao Chúa Trời ban ơn điển cho chúng ta? Chỉ vì Ngài thương yêu chúng ta, Ngài muốn cho người dân cùa Ngài được bình an. Ơn điển là liên quan đến nhân từ thương yêu của Chúa Trời.

Bởi vậy khi chúng ta gặp sự khó khăn, chúng ta cầu xin Chúa Trời giúp đỡ; sau cùng khi chúng ta khắc phục mọi khó khăn trở ngại và hoàn thành công việc khó khăn đó, chúng ta phải cám tạ Đức Cha ở trên trời, tại vì Ngài đã ban ơn điển cho chúng ta để giúp đỡ chúng ta vậy.

Bây giờ chúng ta tra khảo về lẽ thật.

Lẽ Thật

1. Lẽ thật có thể tồn tài lâu dài       

Lu-ca 16 :11 11 Vậy nếu các ngươi không trung tín về của bất nghĩa, có ai đem của thật giao cho các ngươi?

Trong đoạn Kinh Thánh trên Lu-ca 16 :11, Chúa Giê-su đang giảng dạy về tiền của trên thế gian; “của bất nghĩa” là chỉ về tiền của trên thế gian. Chúa nói rằng nếu chúng ta không trung tín trong việc xử dụng tiền của bất nghĩa tức là tiền của trên thế gian, thì ai lại đem tiền của thật giao cho chúng ta. Xin các bạn hãy ngẫm nghĩ câu nói này của Chúa Giê-su! Chúa nói rằng tiền của bất nghĩa trên thế gian không phải là tiền của thật!

Tại sao tiền của trên thế gian không phải là tiền của thật? Tại vì nó không tồn tại lâu dài. Tất cả tiền của trên thế gian đều sẽ qua đi. Bạn suốt đời làm việc siêng năng để kiếm tiền tài, nhưng khi bạn qua đời, bạn không thể đem theo một xu đi với bạn, bạn đi vào đời này tay trắng, và bạn cũng lìa khỏi đời này tay không! Một trận động đất (địa chấn) có thể làm sụp đổ bao nhiêu nhà lầu cao đẹp! Một cuộc chiến tranh khiến bao nhiêu công ty phá sản! Tất cả tiền của trên thế gian đều không tồn tại lâu dài!

Từ câu Kinh Thánh này Lu-ca 16 :11 chúng ta rút ra một điểm quan trọng: Tiền của trên thế gian không phải là tiền của chân thật tại vì nó không tồn tại lâu dài. Còn vật gì chân thật thì có thể tồn tài lâu dài. Bởi vậy lẽ thật thì tồn tại lâu dài; ngược lại, điều gì không tồn tại lâu dài thì điều đó không phải là lẽ thật.

2. Lẽ thật là lời của Đức Chúa Trời

Giăng 17:17 17 Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật.

Đoạn Kinh Thánh trên Giăng 17 :17 là lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trước khi Chúa bị bắt. Nguyên một chương Giăng 17 là một bài cầu nguyện dài, Chúa cầu nguyện cho các môn đồ của Chúa tức là cho Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta vậy. Cha tức là Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su nói rằng lời của Đức Chúa Trời chính là lẽ thật, và Chúa cầu xin Ngài lấy lẽ thật tức là lấy lời của Ngài khiến các môn đồ trở nên thánh sạch.

Qua đoạn Kinh Thánh Giăng 17:17 chúng ta thấy rằng lời của Đức Chúa Trời là lẽ thật, và chính là lẽ thật khiến chúng ta trở nên thánh sạch.

3. Lẽ thật là Chúa Giê-su

Giăng 14:6 6 Vậy Ðức Chúa Giê-su đáp rằng: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.”

Đoạn Kinh Thánh trên Giăng 14:6 chỉ ra rằng Chúa Giê-su là lẽ thật. Lẽ thật được thể hiện qua cuộc sống của Chúa Giê-su. Nếu chúng ta muốn tìm hiểu lẽ thật là gì, thì chúng ta nhìn vào cuộc sống của Chúa. Đoạn Kinh Thánh trước Giăng 17:17 vừa chỉ ra rằng lời của Đức Chúa Trời là lẽ thật, mà đoạn Kinh Thánh này Giăng 14:6 thì nói rằng Chúa Giê-su là lẽ thật. Vậy Chúa Giê-su chính là lời của Đức Chúa Trời.

4. Lẽ thật buông tha chúng ta khỏi ràng buộc của tội lỗi 

Giăng 8:31 – 32 31 Bấy giờ Chúa phán cùng những người Giu-đa đã tin Chúa, rằng: “Nếu các ngươi hằng ở trong lời ta, thì thật là môn đồ ta; 32 các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.”

Trong đoạn Kinh Thánh trên Giăng 8:31 – 32 Chúa Giê-su dạy bảo những người đã tin vào Chúa rằng họ phải luôn luôn sống trong lời của Chúa. Sống trong lời của Chúa có nghĩa là học tập lời của Chúa và thực hành lời của Chúa. Khi chúng ta sống trong lời của Chúa thì chúng ta thật sự là môn đồ của Chúa, rồi chúng ta sẽ nhận biết lẽ thật. Chính là lẽ thật sẽ buông tha chúng ta khỏi ràng buộc kiềm chế của tội lỗi.

5. Lẽ thật trái ngược với nói dối

a) Giăng 8:44

Giăng 8:44 44 Các ngươi bởi cha mình, là ma quỉ, mà sanh ra; và các ngươi muốn làm nên sự ưa muốn của cha mình. Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người, chẳng bền giữ được lẽ thật, và không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha của sự nói dối.

Trong đoạn Kinh Thánh trên Giăng 8:44 Chúa Giê-su khiển trách những người làm theo đường lối của ma quỉ. Chúa nói rằng ngay từ lúc ban đầu ma quỉ là kẻ giết người. Các bạn chắc thắc mắc rằng ma quỉ đã giết hại ai từ lúc ban đầu?

Từ lúc ban đầu trong vườn Ê-đen ma quỉ đã giết hại cuộc sống thuộc linh của A-đam và Ê-va tức là vợ của A-đam. Chúa Trời đã dặn bảo A-đam không nên ăn cái trái của điều thiện và điều ác, nếu người ăn trái đó thì người chắc sẽ chết.

Sáng Thế Ký 2:15 – 17 15 Gia-vê Ðức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn. 16 Rồi, Gia-vê Ðức Chúa Trời phán dạy rằng: “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; 17 nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.”

Nhưng ma quỉ lừa gạt Ê-va và A-đam ăn cái trái của điều thiện và điều ác. Khi họ ăn vào cái trái đó, thì họ đã phản nghịch lại lời của Chúa Trời, bởi vậy mối quan hệ giữa Chúa Trời và hai người đã bị phá hoại. Từ đó cuộc sống thuộc linh của A-đam và Ê-va chết đi cho dù thân thể của họ vẫn còn sống. Bởi vậy trong đoạn Kinh Thánh Giăng 8:44 Chúa Giê-su nói ma quỉ lả kẻ giết người ngay từ lúc ban đầu, và nó không bền giữ được lẽ thật, và không có lẽ thật trong nó.

 Nói tóm lại, qua đoạn Kinh Thánh trên Giăng 8:44 chúng ta thấy rằng kẻ nói dối thì không có lẽ thật ở trong lòng. Vậy lẽ thật là trái ngược lại nói dối.

b) 1 Giăng 1:5 – 6

1 Giăng 1:5 – 6  5 Nầy là lời truyền giảng mà chúng tôi đã nghe nơi Chúa và truyền lại cho anh em rằng Ðức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu. 6 Ví bằng chúng ta nói mình được tương giao với Ngài, mà còn đi trong sự tối tăm, ấy là chúng ta nói dối và không làm theo lẽ thật.

Đoạn Kinh Thánh trên 1 Giăng 1:5 – 6 dạy rằng Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm. Tại sao nếu chúng ta nói mình được tương giao với Chúa Trời, nhưng còn đi trong sự tối tăm, ấy là nói dối? Tại sao vậy?

Chúng ta cần phải hiểu rõ tối tăm là tượng trưng cho cái gì?

1 Giăng 2:11 11 Nhưng ai ghét anh em mình, thì ở trong sự tối tăm, làm những việc tối tăm, và không biết mình đi đâu, vì bóng tối tăm đã làm mù mắt người.

Đoạn Kinh Thánh trên 1 Giăng 2:11 dạy rằng ai ghét anh em mình thì ở trong sự tối tăm. Mà thù ghét người ta là một tội lỗi rất nghiêm trọng, vậy tối tăm là tượng trưng cho tội lỗi.

Trong đoạn Kinh Thánh 1 Giăng 1:5 – 6 sứ đồ Giăng nói rằng Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm, có nghĩa là Ngài chẳng có tội lỗi nào cả, Ngài là hoàn toàn trọn vẹn. Nếu chúng ta nói mình tương giao với Ngài, nhưng lại đi trong tội lỗi, ấy là nói dối. Bởi vì một người mang tội lỗi trong lòng thì không thể tương giao với Đức Chúa Trời hoàn toàn trọn vẹn.

Nói tóm lại, đoạn Kinh Thánh trên 1 Giăng 1:6 dạy rằng nếu chúng ta nói dối thì chúng ta không làm theo lẽ thật. Vậy lẽ thật là trái ngược lại nói dối.

 c) 1 Giăng 1:8

1 Giăng 1:8 8 Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta.

 Loài người chúng ta đều là tội nhân, chúng ta đều đã phạm tội lỗi. Bởi vậy đoạn Kinh Thánh trên 1 Giăng 1:8 dạy rằng nếu chúng ta không chấp nhận mình có tội thì chúng ta tự lừa dối mình. Khi chúng ta tự lừa dối mình thì lẽ thật không ở trong chúng ta.

 Đoạn Kinh Thánh trên 1 Giăng 1:8 cũng chỉ ra rằng lẽ thật là trái ngược lại nói dối.

 d) 1 Giăng 2:4

1 Giăng 2:4 4 Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người.

 Đầu tiên chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ “biết”. Nguyên văn Hy Lạp của chữ “biết” là  “ginosko”, chữ Hy Lạp này chỉ về sự nhận biết qua kinh nghiệm, chứ không phải chỉ là hiểu biết một điều gì bằng trí óc thôi. Tôi nhận biết một người khi tôi kinh lịch người đó. Thí dụ tôi nhận biết ba má tôi và chồng tôi, vì tôi đã kinh lịch tình yêu thương của họ đối với tôi. Nhưng tôi không nhận biết ca sĩ Michael Jackson vì tôi chưa hề gặp mặt ca sĩ này, tôi chỉ nghe tiếng hát của ca sĩ thôi.

Đoạn Kinh Thánh trên 1 Giăng 2:4 nói rằng khi một người nhận biết (ginosko) Chúa Trời, có nghĩa là người từng kinh lịch quyền năng và sự yêu thương của Ngài, thì người ấy sẽ vâng giữ điều răn của Ngài, tại vì quyền năng của Ngài hẳn thay đổi tâm hồn và hành vi của người. Ngược lại nếu một người không vâng giữ điều răn của Chúa Trời thì người ấy chưa hề nhận biết Ngài. Bởi vậy nếu một người nói rằng người nhận biết Chúa Trời nhưng lại không vâng giữ điều răn của Ngài thì người ấy là kẻ nói dối; Và kẻ nói dối thì hẳn không có lẽ thật ở bên trong. Vậy lẽ thật là trái ngược lại nói dối.

 e) 1 Giăng 2:21

1 Giăng 2:21 21 Ta viết cho các con, chẳng phải vì các con không biết lẽ thật, nhưng vì các con biết lẽ thật, và hiểu rằng chẳng có sự dối trá nào bởi lẽ thật mà ra.

 Đoạn Kinh Thánh trên 1 Giăng 2:21 chỉ ra một cách rõ ràng chẳng có sự dối trá bởi lẽ thật mà ra. Vậy lẽ thật là trái ngược lại dối trá.

Năm đoạn Kinh Thánh trên Giăng 8:44, 1 Giăng 1:6, 1 Giăng 1:8, 1 Giăng 2:4, 1 Giăng 2:21 đều chỉ ra rằng lẽ thật là trái ngược lại nói dối.

6. Lẽ thật là gì?

Bây giờ chúng ta tổng hợp lại những đoạn Kinh Thánh vừa tra khảo ở trên: Giăng 17:17, Giăng 14:6, Giăng 8:31-32, Giăng 8:44, 1 Giăng 1:6, 1 Giăng 1:8, 1 Giăng 2:4, 1 Giăng 2:21 thì chúng ta thấy rằng:

  • Lời của Chúa Trời là lẽ thật.
  • Chúa Giê-su là lẽ thật. Khi chúng ta thực hành lời dạy của Chúa thì chúng ta mới thực sự nhận biết lẽ thật, và chính lẽ thật khiến chúng ta thoát khỏi sự ràng buộc kiềm chế của tội lỗi.
  • Lẽ thật là trái ngược với nói dối, tức là trái ngược với tội lỗi.

Đầy Rẫy Ơn Điển và Lẽ Thật

Sứ đồ Giăng nói rằng Chúa Giê-su là đầy rẫy ơn điển và lẽ thật, tại vì Chúa tràn đầy sự thương yêu của Chúa Trời, ấy là ơn điển; đồng thời lẽ thật được thể hiện trong cuộc sống của Chúa. Bởi vậy Chúa là đầy rẫy ơn điển và lẽ thật.

Ơn Điển và Lẽ Thật bởi Đức Chúa Giê-su Christ mà Đến

Giăng 1:17 Vì luật pháp đã ban cho bởi Môi-se, còn ơn điển và lẽ thật bởi Ðức Chúa Giê-su Christ mà đến.

Trong đoạn Kinh Thánh trên Giăng 1:17 Môi-se được so sánh với Chúa Giê-su Christ, và Luật Pháp được so sánh với ơn điển và lẽ thật. Quả thật Chúa Trời đã ban bộ Luật Pháp cho người Y-sơ-ra-ên bởi Môi-se, bây giờ Ngài lại ban ơn điển và lẽ thật vởi Đức Chúa Giê-su Christ.

Nhưng các bạn hãy ngẫm nghĩ coi, người dân Y-sơ-ra-ên đã kinh lịch ơn điển của Chúa Trời từ thời cổ xưa, hơn nữa chính lời của Chúa Trời là lẽ thật, và họ cũng nhận lãnh lời của Chúa Trời từ thời Môi-se. Tại sao Giăng 1:17 lại nói rằng ơn điển và lẽ thật bởi Đức Chúa Giê-su Christ mà đến? Chẳng lẽ tất cả những chuyện họ kinh lịch đều không phải là ơn điển của Chúa Trời chăng? Và tất cả những lời dạy dỗ họ nhận lãnh đều không phải là lẽ thật sao?

Hỡi các bạn ơi, người dân Y-sơ-ra-ên quả thật đã kinh lịch ơn điển của Chúa Trời và đã nhận lãnh lẽ thật tức là lời của Ngài từ thời cổ xưa, nhưng không hề có một người nào trong lịch sử của Y-sơ-ra-ên vừa có ơn điển lại vừa có lẽ thật. Có người thì có ơn điển dồi dào, nhưng không hoàn toàn chân thật. Có người thì chân thật thánh khiết nhưng lại thiếu nhân từ thương xót.

 Khi chúng ta tra khảo Cựu Ước của Kinh Thánh, chúng ta thấy chỉ có một mình Đức Chúa Trời Gia-vê là đồng thời đầy rẫy nhân từ thương xót và chân thật thôi, chứ không một người nào khác có cả hai phẩm chất này. Sau đây là một vài đoạn Kinh Thánh trong Cựu Ước ca tụng sự nhân từ thương xót và chân thật của Đức Chúa Trời.

Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6 6 Ngài đi ngang qua mặt người, hô rằng: “Gia-vê! Gia-vê! là Ðức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và chân thật,
Thi-thiên 25:10 10 Các đường lối Ðức Gia-vê đều là nhân từ và chân thật. Cho kẻ nào giữ gìn giao ước và chứng cớ của Ngài.
Thi-thiên 108:4 4 Vì sự nhân từ Chúa lớn cao hơn các từng trời, Sự chân thật Chúa đến tận các mây.
Thi-thiên 117:2 2 Vì sự nhân từ Ngài rất lớn cho chúng ta; Sự chân thật Ðức Gia-vê cho đến đời đời. Ha-lê-lu-gia!

Người dân Y-sơ-ra-ên và hết thảy loài người trên thế gian chưa hề thấy một người vừa ơn huệ nhân từ lại vừa chân thật hoàn toàn vô tội. Mãi đến khi Chúa Giê-su Christ, Con Một của Đức Chúa Trời đến vào thế gian, Chúa là đầy rẫy ơn điển và lẽ thật. Này là lần đầu tiên và cũng là một lần duy nhất, thế gian được chứng kiến ơn điển và lẽ thật hiện ra trong cùng một người.

Kết Quả của Đầy Rẫy Ơn Điển và Lẽ Thật

 Chúa Giê-su là lẽ thật, và lẽ thật là trái ngược với tội lỗi, bởi vậy Chúa Giê-su là trái ngược với tội nhân chúng ta! Đáng lẽ chúng ta sợ hải lánh mặt của Chúa, nhưng trên thực tế khi tội nhân chúng ta đến trước mặt Chúa, chúng ta đều bị thu hút về Chúa, chúng ta sẵn sàng ăn năn hối cải tội lỗi của mình và hiến dâng hoàn toàn cuộc sống của mình cho Chúa.

 Tại sao khi tội nhân chúng ta gặp mặt Chúa thì phần đông chúng ta chẳng những không chạy trốn, mà còn bị thu hút đến trước mặt Chúa nữa? Ấy là tại vì ơn điển tức là sự thương yêu của Chúa thu hút chúng ta đến trước mặt Chúa; rồi lẽ thật của Chúa tựa như ánh sáng chiếu vào trong tâm hồn tối tăm của chúng ta, khiến chúng ta thấy rõ tội lỗi của mình. Rốt cuộc những người ham mộ lẽ thật sẽ ăn năn hối cải và hiến dâng cuộc sống của mình cho Chúa ! Ấy là vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha!

Một Câu Chuyện Chân Thật

 Nhiều năm về trước chồng tôi và tôi phụng sự tại một hội thánh, chúng tôi giảng dạy một lớp học tập Kinh Thánh. Trong lớp đó có một người đàn bà trẻ tuổi, nhưng người mẹ của đàn bà này thì không tin vào Đức Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su cả. Đàn bà này muốn khuyên người mẹ đến dự buổi học tập Kinh Thánh, nhưng người mẹ nhất quyết không muốn. Người mẹ còn khiển trách con gái rằng: “Nếu mẹ đi dự buổi học tập Kinh Thánh thì ai ở nhà trông coi bà ngoài, bà ngoài đã già lắm rồi, mẹ không muốn để bà ngoài ở nhà một mình, mẹ không thể làm một điều ích kỷ như thế!” Người đàn bà trẻ tuổi không thể cãi lại người mẹ, bà cứ cầu nguyện xin Đức Chúa Trời Gia-vê giúp đỡ. Rồi người mẹ nằm mơ thấy một người rất mực nhân từ hiền lành đứng trước mặt bà, người nhân từ này đến nắm tay bà và nói với bà rằng: “Con gái của tôi! Hãy đi theo tôi!” Người mẹ cảm thấy mình rất nhỏ mọn tựa như một đứa con gái nhỏ trước mặt người nhân từ này. Người nhân từ dắt tay của bà và dẫn bà đến trước một cái giếng, người múc nước từ trong giếng ra và dặn bà rằng: “Con gái tôi, hãy uống đi!”  Người mẹ uống nước vào thì thấy nước ngọt lắm, rất ngon miệng. Rồi người nhân từ nói với bà rằng: “Con đã uống nước của ta rồi, con phải đi dự buổi học tập Kinh Thánh!” Lúc đó bà tỉnh dậy, và bà khóc lớn tiếng rằng: “Tôi đã thấy Chúa Giê-su rồi! Ấy là Chúa Giê-su! Tôi biết ấy là Chúa Giê-su, tôi phải đi dự buổi học tập Kinh Thánh, tôi muốn chịu phép báp-tem ! ” Vài tháng sau người mẹ chịu phép báp-tem và trở thành một Tín Đồ Cơ Đốc !

 Này là một câu chuyện thật, Đức Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su Christ đã ban ơn điển dồi dào để cứu vớt người mẹ này.

(Trở về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

Phản Hồi

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.