Linh Hồn Các Ngươi Sẽ Được Yên Nghỉ

Ma-thi-ơ 11:27 – 30  

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

(Tải xuống bản in PDF)

Kỳ trước chúng ta đã học tập đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 11:25 – 26, hôm nay chúng ta học tập đoạn Kinh Thánh kế tiếp.

Ma-thi-ơ 11:27 – 30 27 Mọi việc Cha ta đã giao cho ta; ngoài Cha không có ai nhận biết Con; ngoài Con và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không ai nhận biết Cha. 28 Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. 29 Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. 30 Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.  

Mối Quan Hệ Riêng Biệt Giữa Đức Cha Trên Trời Và Chúa Giê-su

Đầu tiên, trong câu Ma-thi-ơ 11:27 Chúa Giê-su phán rằng ngoài Đức Cha ra không có ai nhận biết Con, và ngoài Con và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không ai nhận biết Cha.

Xin các bạn để ý vào câu nói này của Chúa Giê-su. Ở đây Chúa đang mô tả mối quan hệ giữa Đức Cha và Chúa. Không một ai ở ngoài mối quan hệ này có thể nhận biết Đức Cha hay Chúa Giê-su trừ phi Chúa vui lòng bày tỏ Đức Cha cho người ấy. Ấy là mối quan hệ riêng biệt chỉ dành riêng cho Đức Cha và Chúa Giê-su thôi. Nhưng Chúa Giê-su sẽ bày tỏ Đức Cha cho người nào mà Chúa vui lòng.

Xin các bạn hãy ngẫm nghĩ coi, khi Chúa Giê-su bày tỏ Đức Cha cho người nào thì có nghĩa là Chúa tiếp nhận người ấy vào trong mối quan hệ riêng biệt này. Các bạn có muốn được nhận vào trong mối quan hệ riêng biệt này giữa Đức Cha và Chúa Giê-su không? Tôi rất ham muốn được nhận vào trong mối quan hệ riêng biệt này, ấy là tốt hơn tất cả danh vọng địa vị trên thế gian. Cho dù tôi đạt được địa vị cao sang trên thế gian, nhưng mối quan hệ giữa người đời là tùy thuộc vào tiền tài và địa vị. Nếu tôi ở địa vị cao sang và giàu có, thì người đời đều muốn kết bạn với tôi. Nhưng một hôm nếu tôi mất đi tiền tài và địa vị, thì còn ai muốn nhìn vào mặt tôi nữa? Hơn nữa, cho dù tôi có địa vị cao tuyệt vời và tiền tài vô số, khi tôi lìa khỏi thế gian này, tôi vẫn đi tay trắng tay không thôi. Ngược lại, nếu hiện bây giờ tôi ở trong mối quan hệ riêng biệt với Đức Cha và Chúa Giê-su, thì tôi chắc được nhận vào trong nước Chúa Trời, và mối quan hệ này sẽ tồn tại đời đời trong nước Chúa Trời vậy.

Vậy hạng người nào mới được Chúa Giê-su nhận vào trong mối quan hệ riêng biệt này?

Ngay trong câu sau, Ma-thi-ơ 11:28, Chúa Giê-su kêu gọi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng đến cùng Chúa, thì Chúa sẽ cho chúng được yên nghỉ. Các bạn có ngạc nhiên không? Tại sao những kẻ mệt mỏi và gánh nặng thì được nhận vào trong mối quan hệ riêng biệt giữa Đức Cha và Chúa Giê-su, chứ không phải là những kẻ tài cao học rộng hoặc những người giàu sang địa vị quyền thế chăng?

Trong các bài giảng của tôi, tôi cứ nhấn mạnh về tình tình của Đức Cha và Chúa Giê-su là hoàn toàn trái ngược với bản tính xác thịt của loài người chúng ta. Bởi vậy sự lựa chọn của Đức Cha và Chúa cũng trái ngược với sự lựa chọn của chúng ta. Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu về vấn đề này từng bước một.

Những Kẻ Mệt Mỏi Và Gánh Nặng

Những kẻ mệt mỏi và gánh nặng có phải là những người gánh vác đồ đạc nặng nhọc và làm việc cực khổ hàng ngày chăng?

1. Tại sao người ta mệt mỏi?

Chúng ta phải tra khảo nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “mệt mỏi” để hiểu rõ tại sao người ta mệt mỏi. Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “mệt mỏi” là “κοπιάω” (kopiao)

Thi Thiên 69:3 – 4 3 Tôi la mệt, cuống họng tôi khô; Mắt tôi hao mòn đương khi trông đợi Ðức Chúa Trời tôi. 4 Những kẻ ghen ghét tôi vô cớ nhiều hơn số tóc đầu tôi; Những kẻ làm thù nghịch tôi vô cớ và muốn hại tôi thật mạnh; Tôi phải bồi dưỡng điều tôi không cướp giựt.

Nguyên văn Hy Lạp của chữ “mệt” trong câu 3 “tôi la mệt” chính là “kopiao”. Người này mệt mỏi vì khóc la rất nhiều. Nhưng tại sao người lại khóc la? Câu 4 chỉ ra rằng tại vì người đời ghen ghét thù nghịch người vô cớ và họ muốn làm hại người, người phải bồi dưỡng những điều người không cướp giựt. Nhưng để ý, câu 3 nói rằng người cứ trông đợi Đức Chúa Trời.

Ma-thi-ơ 6:28 – 29 28 Còn về quần áo, các ngươi lại lo lắng mà làm chi? Hãy ngắm xem những hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào: chẳng làm việc khó nhọc, cũng không kéo chỉ; 29 nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó.

Trong đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 6:28-29, nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “làm việc khó nhọc” trong câu 28 chính là “kopiao”. Ở đây Chúa Giê-su dạy rằng những hoa huệ chẳng làm việc khó nhọc cũng không kéo chỉ, nhưng Chúa Trời đã cho chúng ăn mặc còn tốt hơn vua Sa-lô-môn. Chúa khuyên bảo chúng ta không nên lo lắng và làm việc khó nhọc vì quần áo của mình.

Lu-ca 5:5 5 Si-môn thưa rằng: Thưa thầy, chúng tôi đã làm mệt suốt đêm không bắt được chi hết; dầu vậy, tôi cũng theo lời thầy mà thả lưới.

Trong đoạn Kinh Thánh trên Lu-ca 5:5, nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “làm mệt” chính là “kopiao”. Ở đây Si-môn và các người đồng bạn đã làm mệt suốt đêm để bắt cá. Bắt cá là công việc làm ăn của người đánh cá.

Chúng ta tổng kết lại những điểm trong 3 đoạn Kinh Thánh trên Thi Thiên 69:3 – 4, Ma-thi-ơ 6:28 – 29 và Lu-ca 5:5, thì chúng ta thấy rằng:

  • Có người khóc la mệt mõi vì người đời thù ghét người vô cớ, nhưng người cứ trông đợi Đức Chúa Trời
  • Có người làm việc khó nhọc mệt mõi vì áo quần
  • Có người làm việc khó nhọc mệt mõi vì làm ăn

Chúa Giê-su kêu gọi những người mệt mõi vì những lý do trên hãy đến cùng Chúa.

2. Người ta phải gánh vác cái gì?

Chúa Giê-su cũng kêu gọi những kẻ gánh nặng nữa. Bây giờ chúng ta tra khảo về tử ngữ “gánh nặng” để tìm hiểu những người này gánh vác cái gì. Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “gánh nặng” là “φορτίζω” (phortizo).

Lu-ca 11:46 46 Ðức Chúa Giê-su đáp rằng: “Khốn cho các ngươi nữa, là thầy dạy Luật, vì các ngươi chất cho người ta gánh nặng khó mang, mà tự mình thì không động ngón tay đến!”

Chúa Giê-su phán rằng các thầy dạy Luật chồng chất trên lưng người ta những điều lệ khó khăn của luật pháp tựa như gánh nặng khó mang, nhưng chính các thầy dạy Luật này lại không động ngón tay đến.

3. Những kẻ mệt mỏi và gánh nặng là ai?

Bây giờ chúng ta tổng hợp lại tất cả những điểm đã tra khảo ở trên thì ta thấy rằng khi Chúa Giê-su nói “những kẻ mệt mỏi và gánh nặng”, Chúa không phải nói về những người gánh vác đồ đạc nặng nhọc, mà Chúa đang nói về:

  1. những kẻ bị người đời làm nhục mà khóc la mệt mỏi
  2. những kẻ làm việc mệt mỏi vì đồ ăn và áo quần
  3. những kẻ phải vâng giữ điều lệ khó khăn của luật pháp tựa như gánh nặng

Ba điểm trên bao gồm bao nhiêu chuyện đau thương trên đời này, và rất nhiều người đã chịu khổ nạn vì những chuyện trong 3 điểm này. Đức Cha trên trời và Chúa Giê-su có lòng thương xót vô biên, Chúa kêu gọi những người đã chịu đau thương vì những điều này hãy đến cùng Chúa thì Chúa sẽ cho họ được yên nghỉ.

4. Yên nghỉ có nghĩa là gì?

Nhưng yên nghỉ có nghĩa là gì? Có phải là chúng ta đến cùng Chúa Giê-su thì từ nay trở đi chúng ta được nghỉ ngơi không cần làm việc gì nữa chăng? Ấy hẳn là không, tại vì bao nhiêu Tín Đồ Cơ Đốc vẫn làm việc mỗi ngày, chính chồng tôi và tôi hàng ngày vẫn làm việc rất siêng năng. Vậy Chúa Giê-su sẽ cho ta được yên nghỉ có nghĩa là gì?

Nếu chúng ta nhìn vào câu Kinh Thánh kế tiếp Ma-thi-ơ 11:29: “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ ”. Chúa Giê-su đang nói về sự yên nghỉ của linh hồn, không có đau thương và than khóc, chứ không phải nghỉ ngơi không cần làm việc gì cả.

Gánh Lấy Ách Của Chúa Và Học Theo Chúa

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và gánh nặng vì những lý do ở trên thì bạn phải đến cùng Chúa Giê-su, và Chúa sẽ cho linh hồn của bạn được yên nghỉ. Nhưng đến cùng Chúa có nghĩa là gì? Có phải chỉ là đến trước mặt Chúa chăng?

Ma-thi-ơ 11:29 29 Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

Chúng ta phải gánh lấy ách của Chúa và học theo Chúa. Gánh lấy ách của Chúa có nghĩa là gì?

1. Ách là liên quan đến “tôi mọi”

Nguyên văn Hy Lạp của “ách” là “ζυγός (zugos)

Ga-la-ti 5:1 1 Ðấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa.
1 Ti-mô-thê 6:1 1 Hết thảy những kẻ dưới ách tôi mọi phải coi chủ mình là đáng trọng mọi đàng, hầu cho danh hiệu và đạo lý của Ðức Chúa Trời khỏi bị làm trò cho người phạm thượng.

Hai đoạn Kinh Thánh trên Ga-la-ti 5:1 và 1 Ti-mô-thê 6:1 đều nhắc đến “ách tôi mọi”; “ách” là liên quan đến “tôi mọi”. Vậy gánh lấy ách của Chúa Giê-su có nghĩa là trở thành tôi mọi của Chúa. Chúa Giê-su kêu gọi những kẻ đang mệt mõi gánh vác nặng nề đến cùng Chúa để trở thành tôi mọi của Chúa và học theo Chúa.

2. Tín Đồ Cơ Đốc là tôi mọi của Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su

Các bạn đừng có ngạc nhiên, căn cứ theo dạy dỗ của Kinh Thánh, Tín Đồ Cơ Đốc là tôi mọi của Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su.

Rô-ma 1:1 1 Phao-lô, tôi mọi Ðức Chúa Trời, được gọi làm sứ đồ, để riêng ra đặng giảng Tin Lành Ðức Chúa Trời,

Trong đoạn Kinh Thánh trên Rô-ma 1:1, Sứ đồ Phao-lô tự xưng mình là tôi mọi của Đức Chúa Trời.

Giăng 15:20 20 Hãy nhớ lời ta đã nói cùng các ngươi: Tôi mọi chẳng lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt bớ ta, ắt cũng bắt bớ các ngươi; bằng họ đã giữ lời ta, ắt cũng giữ lời các ngươi.

Đoạn Kinh Thánh trên Giăng 15:20 là lời của Chúa Giê-su. Mối quan hệ giữa Chúa và các môn đồ là tương đương với tôi mọi và người chủ. Bởi vậy môn đồ của Chúa chính là tôi mọi của Chúa.

Hai đoạn Kinh Thánh trên Rô-ma 1:1 và Giăng 15:20 chỉ ra rằng Tín Đồ Cơ Đốc là tôi mọi của Đức Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su. Bởi vậy khi Chúa Giê-su kêu gọi người ta gánh lấy ách của Chúa và học theo Chúa có nghĩa là trở thành môn đồ của Chúa và học theo Chúa.

Nhưng không chừng các bạn nghỉ rằng dù sao đi nữa, tôi mọi vẫn là tôi mọi, nếu trở thành môn đồ của Chúa Giê-su tức là trở thành tôi mọi của Chúa, ấy là cực khổ lắm chứ, làm sao mà linh hồn của tôi được yên nghỉ?

Vâng, Chúa Giê-su nói rằng Chúa là nhu mì và khiêm nhường, ách của Chúa là dễ chịu và gánh của Chúa là nhẹ nhàng.

Nhu Mì Và Khiêm Nhường

Bây giờ chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa của “nhu mì” và “khiêm nhường”, “dễ chịu” và “nhẹ nhàng”.

Nguyên văn Hy Lạp của “nhu mì” là “πραΰς” (praus). Trong bài giảng “Phước Cho Những Kẻ Nhu Mì” tôi đã giải thích rất tường tận ý nghĩa của “nhu mì” (praus). Ở đây tôi sẽ không tra khảo ý nghĩa của chữ “nhu mì” (praus) nữa, tôi chỉ cho các bạn biết ý nghĩa của “nhu mì” thôi. Nếu các bạn muốn hiểu rõ lời giải thích, xin đọc bài giảng “Phước Cho Những Kẻ Nhu Mì”.

1. Một người nhu mì thì phó thác mọi việc trong tay của Chúa Trời

Một người nhu mì là một người hoàn toàn tin cậy vào Chúa Trời, người phó thác mọi việc trong tay của Ngài, người cứ yên tịnh trước mặt Ngài để chờ đợi chỉ thị của Ngài, chứ người không làm việc theo ý riêng của mình. Bởi vì người hoàn toàn tin cậy vào Chúa Trời, cho nên người không phiền lòng vì cớ của kẻ dữ, người cũng không tức giận khi bị người ác đả kích nói nghịch, người biết rằng Chúa Trời điều khiển nắm giữ mọi sự và Ngài sẽ báo ứng, bởi vậy người còn có thể yêu thương kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho họ nữa. Nhưng một mặt khác một người nhu mì tuy là hiền lành mềm mại nhưng người không có sợ sệt thỏa hiệp với tội lỗi, cho dù người bị kẻ dữ thù ghét làm hại, mà người vẫn luôn luôn nâng cao thánh sạch công nghĩa của Chúa Trời.

2. Một người khiêm nhường thì hoàn toàn vâng phục vào Chúa Trời

Nguyên văn Hy Lạp của “khiêm nhường” là “ταπεινός” (tapeinos)

Phi-líp 2:8 8 Chúa đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.

Nguyên văn Hy Lạp của “tự hạ” là “ταπεινόω” (tapeinoo), là động từ của chữ “tapeinos” (khiêm nhường).

Câu Kinh Thánh Phi-líp 2:8 chỉ ra rằng Chúa Giê-su tư hạ mình xuống, Chúa rất mực khiêm nhường, Chúa vâng phục Đức Chúa Trời cho đến chết. Vậy một người khiêm nhường thì hoàn toàn vâng phục vào Chúa Trời.

Sau khi chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của “nhu mì” và “khiêm nhường” trong Kinh Thánh, chúng ta biết rằng khi người chủ của ta là Chúa Giê-su thì Chúa hẳn không bao giờ làm khổ chúng ta cho dù chúng ta là tôi mọi của Chúa. Hơn nữa, chính Chúa Giê-su nói rằng nếu chúng ta vâng giữ lời của Chúa thì Chúa không coi chúng ta là tôi mọi nữa, nhưng Chúa coi chúng ta là bạn hữu:

Giăng 15:12 – 15 12 Ðiều răn của ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi. 13 Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình. 14 Ví thử các ngươi làm theo điều ta dạy, thì các ngươi là bạn hữu ta. 15 Ta chẳng gọi các ngươi là đầy tớ nữa, vì đầy tớ chẳng biết điều chủ mình làm nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta, vì ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều ta đã nghe nơi Cha ta.

Chúa Giê-su nói rằng nếu chúng ta vâng giữ điều răn yêu thương nhau cũng như Chúa đã yêu thương chúng ta thì Chúa coi chúng ta là bạn hữu của Chúa, Chúa không coi chúng ta là tôi mọi nữa. Chúa sẽ tỏ cho chúng ta biết mọi điều Chúa đã nghe từ nơi Đức Cha.

Dễ Chịu Và Nhẹ Nhàng

Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta hãy gánh lấy ách của Chúa và học theo Chúa, vì ách của Chúa là dễ chịu và gánh của Chúa là nhẹ nhàng.

Ma-thi-ơ 11:30 30 Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.

1. Ách của Chúa là dễ chịu

Bây giờ chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của “dễ chịu” là cái gì. Nguyên văn Hy Lạp của “dễ chịu” là “χρηστός”(chrestos)

Thi Thiên 25:8 8 Ðức Gia-vê là thiện và ngay thẳng, Bởi cớ ấy Ngài sẽ chỉ dạy con đường cho kẻ có tội.

Nguyên văn Hy Lạp của “thiện” chính là “chrestos”. Vậy một người thiện là một người dễ chịu! Ấy là hoàn toàn hợp lý.

Thi Thiên 25:8 nói rằng Đức Chúa Trời Gia-vê là thiện (chrestos), Ngài chỉ dạy con đường cho kẻ có tội. Chính tôi đã kinh lịch tính thiện của Chúa Trời khi tôi còn chưa tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su. Tôi đã nói lời phạm thượng làm nhục đến cái danh thánh sạch của Ngài, nhưng Ngài không có trừng phạt tôi, tại vì Ngài biết rằng tôi không hiểu, cho nên Ngài ban cho cơ hội để tôi nhận biết Ngài và học tập lời dạy của Ngài. Sau cùng nhân từ ơn huệ của Ngài đã cảm hóa tấm lòng cứng cỏi kiêu ngạo của tôi, tôi vui lòng phó thác cuộc đời cho Ngài để Ngài cai quản đời tôi.

Thi Thiên 86:5 5 Chúa ôi! Chúa là thiện, sẵn tha thứ cho, Ban sự nhơn từ dư dật cho những người kêu cầu cùng Chúa.

Chữ “thiện” trong Thi Thiên 86:5 chính là “chrestos”. Câu Kinh Thánh này nói rằng Đức Chúa Trời Gia-vê là thiện, Ngài ban nhơn từ dư dật cho những người kêu cầu Ngài.

Na-hum 1:7 7 Ðức Gia-vê là tốt lành, làm đồn lũy trong ngày hoạn nạn, và biết những kẻ ẩn náu nơi Ngài.

Nguyên văn Hy Lạp của “tốt lành” chính là “chrestos”. Câu Kinh Thánh Na-hum 1:7 chỉ ra rằng Đức Chúa Trời Gia-vê là tốt lành tại vì Ngài là đồn lũy trong ngày hoạn nạn,chúng ta có thể trông cậy vào Ngài, và Ngài nhận biết nhửng kẻ ẩn náu nơi Ngài.

Lu-ca 6:35 35 Song các ngươi hãy yêu kẻ thù mình; hãy làm ơn, hãy cho mượn, mà đừng ngã lòng. Vậy, phần thưởng của các ngươi sẽ lớn, và các ngươi sẽ làm con của Ðấng Rất Cao, vì Ngài lấy nhơn từ đối đãi kẻ bạc và kẻ dữ.

Nguyên văn Hy Lạp của “nhơn từ” chính là “chrestos”. Chúa Trời Gia-vê lấy nhơn từ đối đãi kẻ bạc và kẻ dữ.

Rô-ma 2:4 4 Hay là ngươi khinh dể sự dư dật của lòng nhơn từ, nhịn nhục, khoan dung Ngài, mà không nhận biết lòng nhơn từ của Ðức Chúa Trời đem ngươi đến sự ăn năn sao?

Nguyên văn Hy Lạp của “nhơn từ” chính là “chrestos”. Câu Kinh Thánh này chỉ ra rằng lòng nhơn từ của Chúa Trời dẫn đưa tội nhân đến sự ăn năn hối cãi.

Ê-phê-sô 4:32 32 Hãy ở với nhau cách nhơn từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Ðức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Ðấng Christ vậy.

Nguyên văn Hy Lạp của “nhơn từ” chính là “chrestos”. Câu Kinh Thánh này chỉ ra rằng Chúa Trời đã tha thứ tội nhân chúng ta vì lòng nhân từ của Ngài.

Các đoạn Kinh Thánh trên Thi Thiên 25:8, Thi Thiên 86:5, Na-hum 1:7, Lu-ca 6:35, Rô-ma 2:4 và Ê-phê-sô 4:32 đã mô tả tính nhơn từ của Đức Chúa Trời rất tường tận:

  • dễ chịu tức là nhơn từ!
  • Ngài ban nhơn từ cho những kẻ kêu cầu Ngài
  • Ngài nhận biết những kẻ ẩn nấu nơi Ngài
  • Ngài lấy nhơn từ đối đãi kẻ bạc và kẻ dữ
  • Ngài dẫn đưa tội nhân đến sự ăn năn hối cải
  • Ngài tha thứ các anh em trong đấng Christ

Mà Chúa Giê-su là ảnh tượng của Đức Chúa Trời (căn cứ theo 2 Cô-rinh-tô 4:4 “…đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời”), cho nên tính nhân từ của Chúa Giê-su là giống y hệt tính nhân từ của Chúa Trời Gia-vê, và ách của Chúa Giê-su là dễ chịu lắm, chúng ta hãy vui mừng gánh lấy ách của Chúa!

2. Gánh của Chúa là nhẹ nhàng

Chúa Giê-su còn nói rằng gánh của Chúa là nhẹ nhàng. Nguyên văn Hy Lạp của “nhẹ nhàng” là “ἐλαφρός” (elaphros).

2 Cô-rinh-tô 4:17 17 Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng, vô biên,

Chữ “nhẹ” trong 2 Cô-rinh-tô 4:17 chính là “elaphros”. Câu Kinh Thánh trên chỉ ra rằng sự hoạn nạn là nhẹ tại vì ấy chỉ là tạm thời trên thế gian này thôi, nhưng sự vinh hiển cao trọng ở nước Chúa Trời là đời đời, vô lượng và vô biên.  

Kết Luận

Nếu bạn cảm thấy:

  • mệt mõi vì bị người đời thù ghét vô cớ
  • hoặc là bạn làm việc mệt mõi vì đồ ăn và áo quần
  • và bạn cảm thấy những điều lệ tôn giáo nặng nhọc khó mang

thì bạn hãy đến cùng Chúa Giê-su để gánh lấy ách của Chúa, có nghĩa là trở thành môn đồ của Chúa và học theo Chúa thì linh hồn của bạn sẽ được yên nghỉ. Tại vì Chúa là nhu mì và khiêm nhường, ách của Chúa là thiện và gánh của Chúa là nhẹ nhàng.

(Trở về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

Phản Hồi

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.