Ta Đến, Không Phải Đem Sự Bình Yên, Mà Là Đem Gươm Dáo

Bài Giảng Luận Lễ Giáng Sinh (8)

Ma-thi-ơ10:34

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

(Tải xuống bản in PDF) (Tải xuống bản nghe MP3)

Lễ Giáng Sinh là ngày lễ kỷ niệm sự ra đời của Chúa Giê-su Christ. Vào mùa Giáng Sinh, chúng ta thường thấy từ ngữ “bình yên” và dấu hiệu của bình yên trên đường phố và trong các tiệm cửa hàng. Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu liên hệ giữa bình yên và sự ra đời của Chúa Giê-su Christ.

Ma-thi-ơ 10:34 – 36 34 Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình yên cho thế gian; ta đến, không phải đem sự bình yên, mà là đem gươm dáo. 35 Ta đến để phân rẽ, khiến con trai nghịch với cha, con gái nghịch với mẹ, nàng dâu nghịch với bà gia; 36 và kẻ thù của người ta chính là người nhà của mình. 

Này là câu nói của Chúa Giê-su. Câu nói này là hoàn toàn trái ngược với ý tưởng bình yên vào ngày lễ Giáng Sinh. Tại sao Chúa Giê-su nói rằng Chúa đến không phải đem sự bình yên cho thế gian, mà là đem gươm dáo? Và Chúa đến để phân rẽ gia đình, khiến con trai nghịch với cha, con gái nghịch với mẹ, nàng dâu nghịch với bà gia, và kẻ thù chính là người nhà của mình. Tại sao vậy?

Bây giờ tôi sẽ giải thích các vấn đề này từng bước một.

Bình Yên Cho Những Người Chúa Trời Vừa Lòng

Đầu tiên, không phải mỗi một người trên thế gian đều được sự bình yên vào Lễ Giáng Sinh.

Lu-ca 2:14 14 “Vinh danh Chúa Trời trên tầng trời cao nhất, bình yên trên đất cho những người Ngài vừa lòng”

Chỉ có những người Ngài vừa lòng mới được bình yên. Này là bình yên trong tâm linh, cho dù hoàn cảnh bên ngoài khó khăn nguy hiểm, nhưng những người Chúa Trời vừa lòng vẫn có niềm bình yên trong lòng.

Vậy hạng người nào được Chúa Trời vừa lòng? (Xin đọc bài giảng “Bình Yên Trên Đất Cho Những Người Chúa Trời Vừa Lòng” để hiểu rõ lời giải thích) Chỉ có những người vui lòng tự hạ mình xuống để trở thành nô lệ của công nghĩa là những người Chúa Trời vừa lòng, và họ được hưởng sự bình yên trong lòng.

Cho dù những người không phải là nô lệ của công nghĩa thì không có sự bình yên trong lòng, nhưng trong câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 10:34 Chúa Giê-sê nói rằng Chúa đem gươm dáo. Chẳng lẽ Chúa Giê-su đem gươm dáo để giết hại chúng ta chăng?

Lẽ dĩ nhiên là không, Chúa Giê-su không bao giờ dùng gươm dáo để giết hại người ta.

Chúa Giê-su Không Hề Muốn Dùng Gươm Dáo Để Chém Giết Lẫn Nhau

Ma-thi-ơ 26:51 – 52 51 Và nầy, có một người trong những người ở với Chúa Giê-su giơ tay rút gươm ra, đánh đầy tớ của thầy cả thượng phẩm, chém đứt một cái tai của người. 52 Chúa Giê-su bảo người ấy rằng: “Hãy nạp gươm vào vỏ; vì hễ ai cầm gươm thì sẽ chết vì gươm.” 

Đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 26:51 – 52 mô tả tình hình khi tên phản bội Giu-đa dẫn đám đông người cầm gươm và gậy đến để bắt Chúa Giê-su. Một môn đồ của Chúa rút cây gươm ra, đánh đầy tớ của thầy cả thượng phẩm và chém đứt một cái tai của người. Chúa bảo môn đồ đó hãy nạp gươm vào vỏ, tại vì hễ ai cầm gươm thì sẽ chết vì gươm.

Lu-ca 22:47 – 51 47 Khi Chúa còn đang nói, một đám đông kéo đến. Giu-đa, một trong mười hai sứ đồ, đi trước hết, lại gần Chúa Giê-su để hôn Chúa. 48 Chúa Giê-su hỏi rằng: “Hỡi Giu-đa, ngươi phản bội Con của loài người bằng cái hôn sao?” 49 Những người ở với Chúa thấy sự việc sắp xảy đến, bèn hỏi rằng: “Thưa Chúa, chúng tôi nên dùng gươm đánh không?” 50 Một người trong các sứ đồ đánh đầy tớ của thầy cả thượng phẩm và chém đứt tai bên hữu của người. 51 Nhưng Chúa Giê-su cất tiếng bảo rằng: “Thôi, đừng đánh nữa!” Chúa rờ tai đầy tớ ấy và chữa lành cho nó. 

Này là một đoạn Kinh Thánh khác Lu-ca 22:47 – 51 cũng mô tả tình hình khi Chúa Giê-su bị Giu-đa phản bội và bị bắt. Đoạn Kinh Thánh này còn có thêm một chi tiết khác nữa. Khi một môn đồ của Chúa dùng gươm đánh tên đầy tớ của thầy cả thượng phẩm và chém đứt tai bên hữu của người, Chúa Giê-su bảo môn đồ ấy không nên đánh nữa, và Chúa còn rờ cái tai của tên đầy tớ để chữa lành cho nó.

Hai đoạn Kinh Thánh trên chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng Chúa Giê-su không hề muốn dùng gươm dáo để chém giết người ta. Ngay cả đối với những kẻ thù địch, Chúa cũng không muốn giết hại.

Bởi vậy khi Chúa Giê-su nói Chúa đem gươm dáo đến, từ ngữ “gươm dáo” có một ý nghĩa thuộc linh.

Gươm Dáo Tượng Trưng Cho Cái Gì?

Ê-phê-sô 6:17 17 Cũng hãy mang lấy mũ sắt của sự cứu chuộc, và cầm gươm của Thánh Linh, tức là lời của Chúa Trời.

Đoạn Kinh Thánh trên Ê-phê-sô 6:17 dùng mũ sắt để tượng trưng cho sự cứu chuộc. Mũ sắt là dùng để bảo vệ cái đầu. Khi chúng ta đã được Chúa Trời ban cho sự cứu chuộc rồi, thì chính là sự cứu chuộc sẽ bảo vệ chúng ta; hay nói một cách khác, khi chúng ta được cứu chuộc thì ta được bảo vệ an toàn. Còn gươm của Thánh Linh là tượng trưng cho lời của Chúa Trời. Gươm là võ khí để tấn công. Chúng ta sẽ dùng cái gươm là lời của Chúa Trời để tấn công ma quỉ và bọn tay sai của nó.

Hê-bơ-rơ 4:12 12 Vì lời của Chúa Trời là lời sống và hữu hiệu, sắc bén hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến nỗi phân chia hồn với linh, khớp với tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.

Đoạn Kinh Thánh trên Hê-bơ-rơ 4:12 chỉ ra rằng lời của Chúa Trời có sức sống và hữu hiệu, còn sắc bén hơn gươm hai lưỡi,  có thể phân chia hồn với linh, khớp với tủy, xém xét tư tưởng và ý định trong lòng. Nhiều khi chúng ta đọc Kinh Thánh, ta cảm thấy lời của Chúa Trời đi thẳng vào trong tâm hồn chúng ta để chỉ ra những ác tưởng tội lỗi trong lòng. Chúng ta cảm thấy tựa như Chúa Trời đang dạy bảo chúng ta qua lời trong Kinh Thánh vậy.

Hai đoạn Kinh Thánh trên Ê-phê-sô 6:17 và Hê-bơ-rơ 4:12 chỉ ra cho chúng ta thấy rằng trong Kinh Thánh gươm dáo là tượng trưng cho lời sống của Chúa Trời Gia-vê. Khi Chúa Giê-su nói rằng Chúa đem gươm dáo vào thế gian, ấy có nghĩa là Chúa đem lời hằng sống và hữu hiệu của Chúa Trời vào thế gian. 

Lời Của Chúa Trời Sống Trong Chúa Giê-su và Trong Tín Đồ Cơ Đốc Chân Chính

Từ thời cổ xưa, dân tộc Y-sơ-ra-ên đã nhận được lời sống của Chúa Trời qua Môi-se và các tiên tri khác, nhưng họ chỉ sống theo những điều lệ quy định cho đời sống hàng ngày và trong việc thờ phượng Chúa Trời. Lời hằng sống của Chúa Trời không phải chỉ là những điều lệ quy định thôi, lời của Ngài có một ý nghĩa thuộc linh sâu xa uyên thăm. Nhưng phần nhiều người ta không hiểu ý nghĩa sâu xa trong lời của Chúa Trời. Hơn nữa không hề có một người nào có thể sống theo đúng ý nghĩa thuộc linh trong lời của Ngài. Khi Chúa Giê-su đến, Chúa giảng dạy ý nghĩa thuộc linh trong lời của Chúa Trời, và Chúa còn sống theo đúng ý nghĩa thuộc linh trong lời đó nữa. Bởi vậy sứ đồ Giăng nói rằng lời của Chúa Trời là sống ở trong Chúa Giê-su:

Giăng 1:14 14 Lời đã trở nên xác thịt và sống ở trong chúng ta, và chúng ta đã thấy vinh diệu của người, vinh diệu của Con một đến từ nơi Cha, đầy dẫy ân điển và lẽ thật.

Kinh Thánh thường dùng từ ngữ “xác thịt” để chỉ về loài người. Bởi vậy “lời đã trở nên xác thịt” có nghĩa là lời đã trở nên con người. Câu Kinh Thánh trên Giăng 1:14 mô tả một cách chính xác rằng lời của Chúa Trời sống ở trong Chúa Giê-su, tựa như lời đã trở nên con người vậy. Qua cuộc sống của Con một của Chúa Trời là Chúa Giê-su Christ, chúng ta có thể thấy rõ vinh diệu của Ngài là đầy dẫn ân điển và lẽ thật.

Hơn nữa, lời hằng sống của Chúa Trời cũng sống ở trong Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta nữa, tại vì chúng ta là chi thể của Chúa Giê-su Christ, Chúa là đầu của ta:

Rô-ma 12:4 – 5 4 Vì như trong một thân chúng ta có nhiều chi thể, và các chi thể không có cùng một chức năng, 5 thì cũng vậy, chúng ta là nhiều người mà hiệp nên một thân trong Ðấng Christ, và hết thảy chúng ta đều là các phần chi thể của nhau.
Ê-phê-sô 5:23 23 vì chồng là đầu của vợ, cũng như Ðấng Christ là đầu của Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể Chúa, và Chúa là Cứu Chúa của Hội Thánh.

Hai đoạn Kinh Thánh trên chỉ ra rằng Chúa Giê-su là đầu của Hội Thánh, hết thảy Tín Đồ Cơ Đốc chân chính hợp lại là thân thể của Chúa, mỗi một người đều là chi thể trong thân Chúa. Bởi vậy khi lời của Chúa Trời sống ở trong Chúa Giê-su (căn cứ theo Giăng 1:14 ở trên) thì lời của Ngài sống trong hết thảy Tín Đồ Cơ Đốc chân chính. Và chúng ta đều có thể bày tỏ cho thế gian thấy rõ vinh diệu của Ngài là đầy dẫy ân điển và lẽ thật.

Tại Sao Chúa Giê-su Nói Rằng Chúa Đến Không Phải Đem Bình Yên?

Khi lời của Chúa Trời sống ở trong chúng ta thì ta phải hoàn toàn vâng phục lời của Ngài. Khi chúng ta hoàn toàn vâng phục lời của Ngài thì ta hẳn có bình yên trong lòng. Nhưng tại sao Chúa Giê-su lại nói rằng Chúa đến không phải đem bình yên? Chẳng những thế, Chúa còn nói rằng Chúa đến để phân rẽ nữa:

Ma-thi-ơ 10:35 – 36 35 Ta đến để phân rẽ, khiến con trai nghịch với cha, con gái nghịch với mẹ, nàng dâu nghịch với bà gia; 36 và kẻ thù của người ta chính là người nhà của mình. 

Đoạn Kinh Thánh Hê-bơ-rơ 4:12 ở trên đã chỉ ra rằng lời của Chúa Trời còn sắc bén hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến nỗi phân chia hồn với linh, khớp với tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng. Bởi vậy khi Chúa Giê-su truyền giảng lời của Chúa Trời thì sẽ đem đến kết quả gì?

Khi những người ham mộ chân lý nghe thấy lời sắc bén của Chúa Trời thì họ sẽ tự hạ mình xuống, ăn năn hối cải tội lỗi của mình, họ vui lòng trở thành nô lệ của công nghĩa. Những người này sẽ được sự bình yên trong lòng.

Ngược lại, những người tự cao, không yêu chân lý, chỉ yêu tiền tài và danh dự sẽ thù ghét Chúa Giê-su và lời của Chúa Trời.

Các bạn hãy ngẫm nghĩ coi, nếu trong một gia đình có người thì hoàn toàn vâng phục lời hằng sống của Chúa Trời, còn người kia thì không chịu vâng phục lời của Ngài, tình trạng trong gia đình sẽ căng thẳng lắm. Giả tỉ con trai và con gái trong một gia đình tin vào Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su Christ, hai đứa con này hoàn toàn vâng phục lời của Chúa Trời; còn ba má thì không tin. Nếu hai đứa con trai và con gái còn trẻ thì ba má có thể cấm không cho họ đi dự hoạt động của Hội Thánh và không được học tập lời của Chúa Trời, nhưng hai đứa con này chắc là bực tức lắm. Ngược lại nếu hai đứa con trai con gái đã trưởng thành rồi, họ tin vào Chúa Trời và họ muốn vâng phục lời của Ngài, nhưng ba má lại không tin và không muốn họ sống theo lời của Chúa Trời; trong trường hợp này ba má không thể làm gì để ngăn cản họ đi theo Chúa Trời, và gia đình sẽ bị phân rẽ.

Bây giờ tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện thiệt. Vài chục năm về trước, có một gia đình giàu có, người cha là bác sĩ, một đứa con trai của gia đình đó rất thông minh học giỏi và vâng lời ba má, ba má muốn cho người con này cũng trở thành bác sĩ. Về sau con trai này quả thật được nhận vào đại học y khoa, ba má thì rất mực hãnh diện. Người con trai này phải đi bằng tàu thủy sang một thành phố lớn để nhập học đại học y khoa, trên tàu người gặp một thầy truyền đạo Cơ Đốc. Thầy truyền đạo giảng giải lời của Chúa Trời cho người, người ngay lập tức tin vào Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su Christ. Thầy truyền đạo bèn làm phép báp-tem cho người. Khi tàu thủy đến vào thành phố lớn đó, người con trai này không muốn đi học y khoa nữa, người muốn học tập Kinh Thánh để rao truyền Tin Lành của Chúa Trời. Người viết một bức thư về nhà để báo cho ba má biết ý định của mình. Khi ba má nhận được lá thư thì tức giận lắm, người cha ra lệnh cho người con không được học tập Kinh Thánh và phải trở về đại học y khoa, bằng không thì người cha sẽ không tài trợ cho người con nữa. Người con quyết tâm đi học tập Kinh Thánh. Người cha quả thật ngưng tài trợ cho con, và từ bỏ đứa con này, không nhận người là con nữa. Người con này đi học tập Kinh Thánh, và người vừa đi học vừa đi làm. Về sau người con này trở thành một thầy mục sư. Nhưng vài chục năm sau, người cha vẫn không chịu nhận người con này là con của mình.

Này là một câu chuyện thiệt mô tả sự chia rẽ trong gia đình gây nên bởi cái gươm mà Chúa Giê-su đem đến cho thế gian.

Sự Giáng Sinh Của Chúa Giê-su Và Bình Yên

Bây giờ tôi tổng hợp lại tất cả những điểm ở trên để cho các bạn thấy rõ sự liên hệ giữa sự giáng sinh của Chúa Giê-su và bình yên.

Đầu tiên, Chúa Giê-su sinh vào thế gian để cứu vớt loài người chúng ta, nhưng không phải mỗi một người đều tự nhiên được sự bình yên, chỉ có những người được Chúa Trời vừa lòng mới được ban cho bình yên. Mà ai được Chúa Trời vừa lòng? Những người vui lòng tự hạ mình xuống trở thành nô lệ của công nghĩa thì được Chúa Trời vừa lòng, và Ngài sẽ ban bình yên cho họ.

Điểm thứ hai, Chúa Giê-su đến không phải đem bình yên, mà đem gươm dáo, và gây nên sự phân rẽ trong gia đình. Trong Kinh Thánh, gươm dáo là tượng trưng cho lời hằng sống của Chúa Trời Gia-vê. Chúa Giê-su đem gươm dáo có nghĩa là Chúa đem lời hằng sống của Chúa Trời vào thế gian. Chúa truyền giảng ý nghĩa sâu xa thuộc linh trong lời của Chúa Trời, và Chúa còn sống theo đúng ý nghĩa sâu xa trong lời đó nữa.

Khi những người ham mộ chân lý nghe thấy lời sắc bén của Chúa Trời và thấy cuộc sống công nghĩa thánh sạch của Chúa Giê-su thì họ ăn năn hối cải, tự hạ mình xuống để trở thành nô lệ của công nghĩa. Những người như vậy sẽ được Chúa Trời ban cho sự bình yên trong lòng. Ngược lại những người chỉ yêu tiền tài danh vọng thì họ sẽ thù ghét lời của Chúa Trời và Chúa Giê-su tại vì lời của Chúa Trời chỉ ra tội lỗi của họ. Giả tỉ trong một gia đình, có người thì vâng phục lời của Chúa Trời, có người thì thù ghét lời của Ngài, hậu quả là sự phân rẽ trong gia đình.

Hỡi các bạn ơi, nếu bạn đối diện với tình trạng phân rẽ trong gia đình chỉ vì bạn muốn đi theo Chúa Trời và vâng phục lời của Ngài, bạn sẽ làm gì? Bạn có vui lòng tiếp tục đi trên con đường công nghĩa cho dù người nhà nghịch với bạn không? Nếu bạn chỉ muốn làm vui lòng người nhà và rời bỏ con đường chật hẹp của Chúa Trời thì chẳng những bạn sẽ bị mất đi sự cứu chuộc, bạn chắc không có sự bình yên trong lòng, và ngay cả người nhà của bạn sẽ không  bao giờ nhận biết Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su Christ, họ sẽ bị hư mất. Ngược lại, nếu bạn giữ vững lập trường, cho dù gia đình bị phân rẽ nhưng bạn tiếp tục đi theo con đường của Chúa Trời và vâng phục hoàn toàn lời dạy của Ngài, thì Chúa Trời sẽ làm việc trong lòng của người nhà bạn để biến đổi tâm hồn của họ, trong tương lai họ cũng sẽ nhận biết Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su Christ, họ cũng được hưởng ơn cứu chuộc vậy.

Nguyện xin Chúa Trời ban sự bình yên trong lòng các bạn!

(Trờ về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

Phản Hồi

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.