Truyền Giảng Tin Lành – Chữa Lành Bịnh Tật

Ma-thi-ơ 8:14 – 17

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

Biosphere 4

(Tải xuống bản in PDF)

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 8:5 – 13, hôm nay chúng ta tiếp tục tra khảo đoạn Kinh Thánh kế tiếp:

Ma-thi-ơ 8:14 – 17 14 Chúa Giê-su vào nhà Phi-e-rơ, thấy bà gia người đang bị sốt nằm trên giường. 15 Chúa rờ tay bà, cơn sốt liền rời khỏi bà; rồi bà đứng dậy và hầu việc Chúa. 16 Ðến chiều, người ta đem cho Chúa Giê-su nhiều người bị quỉ ám, Chúa nói một tiếng mà đuổi tà linh ra; và chữa lành hết thảy những người bịnh, 17 vậy cho được ứng nghiệm lời của tiên tri Ê-sai đã nói rằng: “Chính người đã lấy sự đau ốm của chúng ta, và gánh bịnh hoạn của chúng ta.” 

Đoạn Kinh Thánh trên thuật lại sự kiện Chúa Giê-su chữa lành bà gia của Phi-e-rơ và nhiều người bịnh khác, Chúa còn đuổi tà linh ra khỏi những người bị quỉ ám. Ấy là ứng nghiệm lời của tiên tri Ê-sai: “Chính người đã lấy sự đau ốm của chúng ta, và gánh bịnh hoạn của chúng ta.” Vì vậy có nhiều Tín Đồ Cơ Đốc nghĩ rằng hễ ai bị bịnh thì chỉ cần cầu xin Chúa Trời chữa trị và bịnh sẽ được lành, tại vì chính tiên tri Ê-sai nói rằng Chúa Giê-su đã lấy sự đau ốm của chúng ta và Chúa gánh lấy bịnh hoạn của chúng ta. Ý tưởng này là hoàn toàn sai lầm và còn dẫn đến một hậu quả nghiêm trọng nữa, ấy là khi người ta cầu xin Chúa Trời chữa bịnh cho người thân của mình, nhưng bịnh không được lành, không chừng rốt cuộc người thân chết đi, thì người cầu nguyện mất hết lòng tin luôn, có người thậm chí nói rằng trong vũ trụ trời đất không có Chúa Trời.

Kinh Thánh có phải dạy rằng Chúa Trời sẽ chữa lành tất cả bịnh tật của người dân của Ngài không? Chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ càng ý nghĩa của đoạn Kinh Thánh trên.

Chúa Trời Không Chữa Trị Bịnh Của Sứ Đồ Phao-lô

Đầu tiên, Tân Ước ghi rằng khi sứ đồ Phao-lô mang bịnh tựa như một cái giằm đâm vào xác thịt của người, người ba lần cầu xin Chúa cho cái giằm này lìa khỏi người, nhưng Chúa không muốn chữa bịnh cho người:

2 Cô-rinh-tô 12:7 – 9 7 Và để tôi khỏi trở lên kiêu ngạo vì những sự khải thị siêu việt, một cái giằm đâm vào xác thịt tôi, ấy là sứ giả của Sa-tan, để vả tôi và làm cho tôi không kiêu ngạo. 8 Ðã ba lần tôi nài xin Chúa cho nó lìa khỏi tôi. 9 Nhưng Chúa nói rằng: “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Bởi vậy, tôi rất vui mừng tự hào về sự yếu đuối của tôi, hầu cho sức mạnh của Ðấng Christ có thể ở trong tôi.

Đoạn Kinh Thánh trên 2 Cô-rinh-tô 12:7 – 9 chỉ ra rằng Chúa cho phép cái giằm này ở trong xác thịt của sứ đồ Phao-lô là để giữ cho người khỏi trở nên kiêu ngạo.

Chúa Trời không có chữa lành hết thảy bịnh tật của người dân của Ngài. Có khi Ngài còn sử dụng đau yếu để rèn luyện tính tình tâm linh của chúng ta nữa.

Bịnh Tật Và Tội Lỗi

Cựu Ước của Kinh Thánh thường mô tả bịnh tật và đau khổ là dính liền với tội lỗi:

Ê-sai 1:4 – 6  4 Ôi! nước tội lỗi, dân mang tội lỗi nặng nề, dòng dõi của những người độc dữ, con cái làm chuyện bại hoại kia! Họ đã lìa bỏ Gia-vê, khinh bỉ  Ðấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, họ đã quay mặt đi và giật lùi. 5 Tại sao các ngươi tiếp tục phản nghịch, các ngươi muốn bị đánh nữa sao ? Mọi đầu đều bị đau đớn, mọi lòng đều mòn mỏi cả. 6 Từ bàn chân cho đến đỉnh đầu, chẳng có chỗ nào lành: chỉ toàn là vết thương, lằn mới, chưa rịt, chưa băng bó, cũng chưa được xức dầu cho dịu. 

Trong đoạn Kinh Thánh trên Ê-sai 1:4 – 6, tiên tri Ê-sai khiển trách người dân Y-sơ-ra-ên đã phạm tội lỗi nặng nề, họ đã lìa bỏ Chúa Trời Đức Gia-vê. Tiên tri so sánh tội lỗi của họ tựa như đau đớn trên đầu và vết thương trong thân thể.

Giê-rê-mi 30:15 15 Sao ngươi kêu than vì vết thương mình? Cơn đau ngươi vô phương cứu chữa. Ấy là vì gian ác ngươi dồn dập, tội lỗi ngươi quá nhiều, mà ta đã làm những sự nầy cho ngươi.

Trong đoạn Kinh Thánh trên Giê-rê-mi 30:15, Chúa Trời Đức Gia-vê khiển trách dân Y-sơ-ra-ên. Vì những tội lỗi dồn dập của họ mà Ngài trừng phạt họ, những vết thương cơn đau mà họ phải chịu đựng là hậu quả của tội lỗi.

Ca Thương 1:18 18 Gia-vê là công nghĩa, vì ta đã phản nghịch mệnh lệnh của Ngài. Hỡi các dân, hãy nghe, hãy xem nỗi đau khổ của ta! Các gái đồng trinh và các con trai ta đã bị lưu đày.

Đoạn Kinh Thánh trên Ca Thương 1:18 chỉ ra rằng vì dân tộc Y-sơ-ra-ên đã phản nghịch mệnh lệnh của Chúa Trời Đức Gia-vê, và họ phải chịu đựng đau khổ, các gái đồng trinh và các con trai đã bị lưu đày. Đau khổ của họ là hậu quả của tội lỗi.

Thi Thiên 38:17 – 18 17 Tôi gần sa ngã, nỗi đau đớn thường ở trước mặt tôi; 18 Vì tôi sẽ xưng nhận gian ác của tôi, tôi buồn rầu vì tội lỗi tôi. 

Trong đoạn Kinh Thánh trên, nỗi đau đớn trong câu 17 là liên quan đến gian ác trong câu 18.

Bốn đoạn Kinh Thánh trên Ê-sai 1:4 – 6, Giê-rê-mi 30:15, Ca Thương 1:18 và Thi Thiên 38:17 – 18 chỉ ra rằng Cựu Ước thường mô tả tội lỗi tựa như các thứ bịnh tật, và bịnh tật thường là hậu quả của tội lỗi.

Chúa Giê-su Truyền Giảng Tin Lành Và Đồng Thời Cũng Chữa Lành Bịnh Tật

Trong thời của Chúa Giê-su thì chưa có Tân Ước, người dân Y-sơ-ra-ên chỉ biết lời dạy của Chúa Trời trong Cựu Ước thôi. Tại vì Cựu Ước thường so sánh tội lỗi tựa như các thứ bịnh tật, bởi vậy khi Chúa Giê-su truyền giảng Tin Lành, Chúa cũng dùng bịnh tật để tượng trưng cho tội lỗi:

Lu-ca 4:18 18 Linh của Chúa ngự trên ta: Vì Ngài đã xức dầu cho ta để rao truyền Tin Lành cho kẻ nghèo; Ngài đã sai ta tuyên bố cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được sáng mắt, kẻ bị áp bức được tự do;

Trong đoạn Kinh Thánh trên Lu-ca 4:18, Chúa Giê-su nói rằng Chúa Trời Đức Gia-vê đã xức dầu cho Chúa để rao truyền Tin Lành cho kẻ nghèo, tuyên bố cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được sáng mặt, kẻ bị áp bức được tự do. Kẻ bị cầm là tượng trưng cho những người bị tội lỗi ràng buộc điều khiển, kẻ mù là tượng trưng cho những người ngồi trong bóng tối của tội lỗi và không thấy được vinh quang của Chúa Trời. Chúa Giê-su rao truyền rằng Chúa sẽ cứu vớt tội nhân ra khỏi quyền hành khống chế của tội lỗi.

Khi Chúa Giê-su truyền giảng Tin Lành thì đồng thời Chúa cũng chữa lành bịnh tật của người dân hoặc đuổi tà linh ra khỏi những người bị quỉ ám:

Ma-thi-ơ 4:23 – 24 23 Chúa Giê-su đi khắp xứ Ga-li-lê, dạy dỗ trong các nhà hội, truyền giảng Tin Lành của vương quốc Chúa Trời và chữa lành mọi thứ bịnh tật trong dân chúng. 24 Danh tiếng của Chúa đồn khắp cả xứ Sy-ri, và người ta đem đến cho Chúa tất cả những người đau yếu, những người mắc nhiều thứ bịnh tật, những kẻ bị quỉ ám, động kinh, tê liệt, Chúa chữa lành cho họ.
Ma-thi-ơ 9:35 35 Chúa Giê-su đi khắp các thành phố và các làng, dạy dỗ trong các nhà hội và truyền giảng tin lành của vương quốc, và chữa lành các thứ bịnh tật, đau yếu.

Hai đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 4:23 – 24 và Ma-thi-ơ 9:35 chỉ ra rằng khi Chúa Giê-su đi truyền giảng Tin Lành thì đồng thời Chúa cũng chữa lành các thứ bịnh tật của người dân và trừ quỉ. Tại vì khi Chúa truyền giảng Tin Lành, Chúa tuyên bố rằng Chúa sẽ làm cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được sáng mắt, kẻ bị áp bức được tự do (xin tham khảo Lu-ca 4:18 ở phần trên), bởi vậy Chúa chữa lành các thứ bịnh tật và trừ quỉ để chứng tỏ cho dân chúng thấy rằng Chúa quả thật có quyền năng làm những việc này.

Lu-ca 9:1 – 2 1 Chúa Giê-su gọi mười hai sứ đồ lại, ban lực lượng và quyền năng để trừ quỉ và chữa bịnh. 2 Rồi Chúa sai họ đi truyền giảng vương quốc Chúa Trời và chữa lành bịnh tật.

Trong đoạn Kinh Thánh trên Lu-ca 9:1 – 2, khi Chúa Giê-su sai mười hai sứ đồ đi truyền giảng Tin Lành thì Chúa cũng ban cho họ lực lượng và quyền năng để trừ quỉ và chữa bịnh.

Sự Liên Hệ Giữa Lòng Tin Và Chữa Lành Bịnh Tật

Có nhiều đoạn Kinh Thánh trong Tân Ước nói về sự liên hệ giữa lòng tin và chữa lành bịnh tật:

Ma-thi-ơ 13:58 58 Ở đó, Chúa không làm nhiều phép lạ, tại vì chúng không có lòng tin.

Bối cảnh của đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 13:58 là phần nhiều người dân trong quê hương của Chúa Giê-su không chịu tin vào Chúa. Vì lý do này, Chúa không làm nhiều phép lạ ở đó, tại vì người dân không có lòng tin.

Ma-thi-ơ 9:20 – 22 20 Nầy, có một người đàn bà mắc bịnh xuất huyết đã mười hai năm, đến phía sau lưng mà rờ gấu áo Chúa. 21 Vì bà tự nghĩ rằng: “Nếu tôi chỉ rờ áo Chúa, thì sẽ được lành.” 22 Chúa Giê-su quay lại, thấy người đàn bà, thì nói rằng: “Hỡi con, hãy vững lòng, lòng tin con đã làm cho con được lành.” Ngay lúc ấy, người đàn bà lành bịnh. 

Trong đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 9:20 – 22, Chúa Giê-su nói với người đàn bà mắc bịnh xuất huyết rằng chính là lòng tin của bà khiến cho bà được lành bịnh.

Ma-thi-ơ 9:28 – 29 28 Khi Chúa đã vào nhà rồi, hai người mù đến gần Chúa; Chúa bèn nói với họ rằng: “Hai ngươi có tin ta làm được việc này không?” Họ thưa rằng: “Lạy Chúa được.” 29 Chúa bèn rờ mắt họ mà nói rằng: “Theo như lòng tin các ngươi, phải được thành vậy.”

Đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 9:28 – 29 cũng chỉ ra rằng Chúa Giê-su cho hai người mù này sáng mắt theo như lòng tin của họ.

Ba đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 13:58, Ma-thi-ơ 9:20 – 22 và Ma-thi-ơ 9:28 – 29 chỉ ra rằng người ta được chữa lành bịnh tật hay không là dính liền với lòng tin của họ. Chúa Trời có quyền năng làm được tất cả mọi việc, và Ngài có thể chữa lành bịnh tật của người dân nếu Ngài muốn. Nhưng nếu người ta không tin vào Chúa Giê-su thì Ngài không muốn chữa bịnh cho họ.

Kết Luận

Bây giờ chúng ta tổng kết lại tất cả những điều chúng ta đã tra khảo ở phần trên.

  • Khi sứ đồ Phao-lô mắc bịnh tựa như một cái giằm đâm vào xác thịt, người ba lần cầu xin Chúa lấy cái giằm đi, nhưng Chúa không ưa. Chúa cho phép cái giằm trong xác thịt của sứ đồ để giữ cho người khỏi trở nên kiêu ngạo. Có khi Chúa Trời không chữa lành bịnh tật của người dân, Ngài sử dùng bịnh tật để rèn luyện tính tình tâm linh của chúng ta.
  • Cựu Ước thường so sánh bịnh tật với tội lỗi, và thường mô tả bịnh tật là hậu quả của tội lỗi. Bởi vậy khi Chúa Giê-su rao truyền Tin Lành, Chúa nói rằng Chúa sẽ làm cho kẻ mù được sáng, kẻ bị cầm được tha, có nghĩa là Chúa sẽ cứu vớt người dân ra khỏi quyền hành khống chế của tội lỗi. Tương tự như vậy, lời tiên tri trong Ma-thi-ơ 8:17 nói rằng: “Chính người đã lấy sự đau ốm của chúng ta, và gánh bịnh hoạn của chúng ta,” đau ốm và bịnh hoạn là tượng trưng cho tội lỗi. Này là lời tiên tri chỉ về Chúa Giê-su sẽ gánh lấy hết thảy tội lỗi của chúng ta.
  • Khi Chúa Giê-su truyền giảng Tin Lành, thì đồng thời Chúa cũng chữa lành bịnh tật cho nhiều người, tại vì Chúa muốn chứng tỏ cho dân chúng thấy rằng Chúa quả thật có quyền năng giải cứu họ ra khỏi ràng buộc của bịnh tật, tức là tội lỗi vậy. Mục đích của sự chữa bịnh và trừ quỉ là để xây dựng lòng tin của dân chúng, hầu cho lòng tin của họ trở nên càng vững mạnh hơn.
  • Chữa bịnh và trừ quỉ là dính liền với lòng tin của dân chúng. Nếu người dân không có lòng tin, thì Chúa Trời không muốn làm phép lạ nào cả.

Kinh Thánh có phải dạy rằng Chúa Trời sẽ chữa lành tất cả bịnh tật của người dân của Ngài không? Câu trả lời là không. Ngài có quyền năng chữa lành tất cả bịnh tật nếu Ngài vui lòng, chính tôi đã kinh lịch Chúa Trời chữa bịnh của tôi trước khi tôi trở thành Tín Đồ Cơ Đốc (Xin đọc bài giảng “Bài Làm Chứng Của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền (2)”). Khi chúng ta cầu xin Chúa Tr ời Đức Gia-vê chữa trị bịnh tật cho một người nào, nếu người ấy không có lòng tin thì Ngài không muốn chữa bịnh cho người. Có khi Chúa Trời không muốn chữa bịnh cho chúng ta vì Ngài muốn sử dụng bịnh tật đó để rèn luyện tính tình tâm linh của chúng ta vậy. Bởi vậy khi chúng ta cầu nguyện cho người ta được lành bịnh, đầu tiên chúng ta phải tìm cầu ý chỉ của Chúa Tời để coi Ngài có muốn chữa lành người ấy hay không.

(Trở về Trang Chủ) (Bài giảng kế tiếp)

Phản Hồi

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.